Engineering & Packaging Transformation Manager, Suntory PepsiCo: “Yếu tố quan trọng cần có ở First Manager là lòng dũng cảm”
“Người lãnh đạo cần linh hoạt để thích ứng với nhiều tình huống khác nhau, tuy nhiên cần định hình rõ phong cách lãnh đạo để tạo yếu tố ‘signature’ khiến mọi người nhớ đến” – chia sẻ của anh Nguyễn Thanh Quang – Engineering & Packaging Transformation Manager tại Suntory PepsiCo, đồng thời cũng là học viên MBA khóa 2023, Đại học Western Sydney Việt Nam.
* Anh có thể chia sẻ đôi nét về phong cách lãnh đạo của anh? Và bằng cách nào anh có thể xác định được phong cách lãnh đạo phù hợp?
Task-oriented đã gắn bó với phong cách làm việc của tôi trong thời gian dài. Mối liên kết giữa tôi và phong cách này hình thành từ bản chất công việc của team Packaging & Transformation chủ yếu liên quan đến kỹ thuật nên phải phải hạn chế tối đa yếu tố cảm xúc, tập trung vào kết quả cuối cùng, giải quyết vấn đề dựa trên quy trình và đánh giá đúng sai.
Cũng phải kể đến nền tảng gia đình vô cùng kỷ luật đã giúp tôi hình thành xu hướng tính cách rạch ròi phù hợp với những phẩm chất của Task-oriented – logical thinking, data analysis, fact and figure.
Tôi nhận thức rõ tầm quan trọng của cả yếu tố con người và công việc trong quá trình quản trị đội nhóm. Tuy nhiên, trong những tình huống khẩn cấp, tôi ưu tiên ổn định tình hình và đảm bảo hoạt động kinh doanh không bị gián đoạn. Việc tập trung vào quản trị công việc giúp tôi đưa ra các quyết định nhanh chóng và hiệu quả, giúp giải quyết vấn đề và có hướng đi tiếp theo. Cho đến khi mọi thứ bắt đầu bình ổn lại thì lúc đó mình có thời gian tập trung vào con người.
* Theo anh, đâu là phong cách lãnh đạo phù hợp cho nhà lãnh đạo hiện nay?
Trong quá trình làm việc, leader không thể tránh khỏi những tình huống phải “deal” về mặt con người. Thế nên, dù phong cách lãnh đạo nào, leader phải trang bị cho mình những kỹ năng căn bản liên quan đến phong cách People-oriented.
Vấn đề mấu chốt ở đây là làm sao để giao tiếp bằng với ngôn ngữ của họ. Mỗi nhân viên đều có động lực, áp lực và mục tiêu riêng. Những yếu tố này tạo nên một loại “ngôn ngữ” trong tâm thức. Để giao tiếp hiệu quả với nhân viên, leader cần hiểu và giao tiếp được bằng ngôn ngữ đó. Nghĩa là phải tìm được những điểm khiến nhân viên hài lòng và gắn bó với công việc.
Cụ thể, không nên giao những nhiệm vụ lặp đi lặp lại cho nhân viên thích môi trường thử thách. Trái lại, đối với những nhân viên tìm kiếm sự ổn định, leader cần tạo cho môi trường làm việc tập trung. Có những trường hợp điều kiện công việc không cho phép phân công task linh hoạt, hãy chọn các tiếp cận từ cảm xúc để giúp nhân viên tìm ra được giao điểm giữa năng lực cá nhân và tính chất công việc.
* Không biết có tình huống nào bắt buộc anh phải đổi phong cách sang phong cách lãnh đạo khác không? Và điều đó có tạo ra hiệu quả tương tự như Task-oriented không?
Ở những môn học MBA đầu tiên, trong vai trò leader, tôi chưa thể lead mọi người theo tác phong Task-oriented vì các thành viên trong lớp chưa thật sự hiểu rõ về nhau. Khi đó tôi chọn bắt đầu bằng những hoạt động bonding tạo tính gắn kết rồi mới bàn đến bài học và công việc. Khi đã hiểu rõ về nhau hơn, mọi người thậm chí đã tự xung phong đảm nhận những công việc thuộc sở trường của mình. Khi đó, mọi người làm việc cùng nhau không chỉ vì kết quả mà còn vì tinh thần trách nhiệm.
* Theo anh, việc hiểu rõ bản thân thiên về phong cách quản lý nào có lợi ích gì trong việc phát triển sự nghiệp?
Tác phong lãnh đạo là DNA của người leader. Mặc dù người lãnh đạo tốt là một người uyển chuyển nhưng phải xác định được phong cách lãnh đạo để cho tập thể thấy được yếu tố “signature” khiến mọi người nhớ đến.
Đối với công ty ở giai đoạn khó khăn, người ta sẽ cần một người lãnh đạo có “signature” Task-oriented hay Result-oriented để giúp doanh nghiệp sắp xếp lại trật tự tổ chức. Đến giai đoạn cần sự gắn kết trong nội bộ, thì tổ chức sẽ cần một lãnh đạo có thể gắn kết con người và gia tăng sự hài lòng trong tổ chức.
* Anh có lời khuyên gì gửi đến các bạn First Manager để khích lệ các bạn trên hành trình hoàn thiện năng lực quản lý?
Yếu tố quan trọng cần có ở First Manager là lòng dũng cảm. Vì chưa có nhiều kinh nghiệm lãnh đạo, nên bạn cần dũng cảm để liên tục tự nhìn nhận và thừa nhận vấn đề từ bản thân để khẩn trương tìm cách thích nghi với tổ chức và đội ngũ. Khi bạn có thể đối diện và khắc phục những điểm chưa toàn diện, bạn chắc chắn sẽ tự tin hơn và phát triển nhanh chóng hơn.
* Cảm ơn sự góp mặt của anh Nguyễn Thanh Quang tại MBA Meetup 10/24 cùng những chia sẻ chân thành và sâu sắc. Chúc anh thật nhiều sức khỏe và gặt hái được nhiều thành tích trên hành trình MBA.