Quản lý đội nhóm: Task-oriented hay People-oriented?

Quản lý đội nhóm: Task-oriented hay People-oriented?

Task-oriented và People-oriented từ lâu đã là hai trường phái quản trị được ứng dụng bởi nhiều đế chế công nghệ như Viettel và FPT. Vậy, nếu ở vai trò là một Manager hay Leader, vận dụng Tasked-oriented hay People-oriented liệu có giúp phát huy được hết sức mạnh đội nhóm?

Để tìm hiểu cặn kẽ hơn về vấn đề này, cùng lắng nghe chia sẻ từ chị Nguyễn Thị Nhật Thu – Team Lead, Reference Data, NielsenIQ Vietnam và anh Nguyễn Thanh Quang – Engineering & Packaging Transformation Manager, Suntory PepsiCo trong sự kiện MBA Meetup 10/2024 với chủ đề: “Quản lý đội nhóm – Task-oriented hay People-oriented?”.

MBA Meetup 10/24: “Quản lý đội nhóm: Task-oriented hay People-oriented?” cùng hai diễn giả khách mời lựa chọn ra phong cách quản lý đội nhóm hiệu quả nhất.

Phong cách quản lý hình thành như thế nào?

Theo trải nghiệm cá nhân, hai khách mời đều cho rằng có nhiều yếu tố quyết định đến phong cách quản trị.

Về mặt chủ quan, bản thân mỗi người khi sinh ra sẽ có giá trị riêng biệt. Để hiểu rõ giá trị cốt lõi của mình, việc tự nhận thức là vô cùng quan trọng. Qua việc quan sát những suy nghĩ, hành động, hành vi, tương tác hằng ngày, mỗi người có thể khám phá ra khuynh hướng tự nhiên, từ đó định hình phong cách quản trị phù hợp.

Về mặt khách quan, ý kiến đánh giá của những người xung quanh cũng là một nguồn tham khảo đáng tin cậy. Cộng thêm các công cụ như MBTI cũng giúp xác định nhóm tính cách cá nhân dựa trên cơ sở khoa học.

Sự kết hợp giữa những nhận định chủ quan và khách quan này sẽ giúp mỗi người hiểu rõ hơn về bản thân, từ đó phát huy thế mạnh và khắc phục hạn chế. Tuy nhiên, tính cách là một yếu tố động, luôn thay đổi và phát triển dưới tác động của môi trường. Môi trường sống và làm việc sẽ phần nào định hình, tác động và thậm chí là thay đổi phong cách quản trị của mỗi người.

Đối với anh Nguyễn Thanh Quang – Engineering & Packaging Transformation Manager, Suntory PepsiCo – anh lựa chọn phong cách Task-oriented vì tính chất công việc liên quan nhiều đến kỹ thuật dẫn đến việc đề cao tính rạch ròi, chính xác, và trật tự trong quá trình làm việc.

People-oriented – Nếu không phải Leadership style, hãy là Leadership skill

Theo góc nhìn của Manager tại Suntory PepsiCo, anh Nguyễn Thanh Quang nhận định: “Trong xử lý công việc, Task-oriented cho phép bạn tập trung vào mấu chốt vấn đề và nhanh chóng tìm ra phương hướng giải quyết. Trong tình huống khẩn cấp, Leader càng phải ưu tiên giải quyết dựa trên công việc để nhanh chóng ổn định quy trình.”

Tương tự với anh Quang, công việc hiện tại của chị Nguyễn Thị Nhật Thu – Team Lead, Reference Data, NielsenIQ Vietnam – mang xu hướng Task-oriented rất rõ ràng. Tuy nhiên, chị Nhật Thu nhấn mạnh rằng: “Mặc dù việc tập trung vào nhiệm vụ là quan trọng nhưng Leader không nên bỏ qua yếu tố con người. Việc điều chỉnh phương pháp làm việc để phù hợp với từng đối tượng nhân viên là yếu tố không thể thiếu.”

Tuy tính chất công việc thiên về task-oriented, nhưng chị Nhật Thu vẫn theo đuổi phong cách people-oriented.

Tuy tính chất công việc thiên về task-oriented, nhưng chị Nhật Thu vẫn theo đuổi phong cách people-oriented.

Quản lý linh hoạt với từng thế hệ nhân viên

Mỗi thế hệ nhân viên theo đuổi những giá trị và kỳ vọng khác nhau về công việc. Để lãnh đạo hiệu quả, Leader cần nắm bắt được những đặc điểm này và điều chỉnh phương pháp làm việc cho phù hợp, thay vì đồng bộ một phương pháp cho tất cả mọi người.

Thế hệ Gen X thường ưa chuộng sự ổn định và khi nhận nhiệm vụ, họ mong muốn nhận được yêu cầu phải rõ ràng. Do đó, phương pháp quản trị Task-oriented, tập trung vào từng nhiệm vụ cụ thể, là phù hợp với họ.

Ngược lại, thế hệ Gen Z lại cần môi trường làm việc sáng tạo và truyền cảm hứng. Do đó, Leader nên tạo điều kiện thuận lợi cho nhân viên gen Z sáng tạo trong khi vẫn duy trì định hướng và mục tiêu chung của toàn đội. Chị Nhật Thu đã lựa chọn nguyên tắc “lạt mềm buộc chặt” kết hợp giữa Task-oriented và People-oriented để các nhân viên trẻ đồng lòng theo đuổi mục tiêu chung.

Khai thác bộ ba: Động lực – Áp lực – Mục tiêu

Qua quá trình làm việc và tiếp xúc với nhiều đối tượng, anh Nguyễn Thanh Quang nhận định: “Đa phần người đi làm thường luôn có những vấn đề liên quan đến 3 từ khóa: Động lực – Áp lực – Mục tiêu”. Để lồng ghép People-oriented hiệu quả, có thể tập trung khai thác ba yếu tố này.

Theo anh Nguyễn Thanh Quang, bộ ba “Động lực – Áp lực – Mục tiêu” là chìa khóa giúp leader thấu hiểu nhân viên.

Theo anh Quang, bộ ba “Động lực – Áp lực – Mục tiêu” là chìa khóa giúp Leader thấu hiểu nhân viên.

Đôi khi, áp lực cũng góp phần thúc đẩy con người tiến về phía trước. Anh Nguyễn Thanh Quang chia sẻ, nhiều nhân viên không ngần ngại bày tỏ muốn làm việc trong một môi trường thử thách, vượt qua giới hạn và đạt được những thành tựu mới. Đây hoàn toàn là một nguyện vọng hợp lý với mong muốn được phát triển ở tốc độ nhanh hơn.

Đối với nhóm nhân viên này, Leader nên giao cho các bạn những task phù hợp với nguyện vọng phát triển hơn là chỉ o ép trong khuôn khổ của “Job Description”. Việc giao cho nhân viên những nhiệm vụ mang tính thử thách, đòi hỏi sự sáng tạo và chủ động, không chỉ giúp họ nâng cao năng lực mà còn tạo ra một môi trường làm việc năng động hơn.

Giao tiếp bằng ngôn ngữ của nhân viên

Trong quá trình triển khai dự án tại các nhà máy Suntory PepsiCo trên cả ba miền, anh Nguyễn Thanh Quang đã có cơ hội làm việc với một đội ngũ đa dạng về độ tuổi, tính cách và văn hóa. Mỗi người, với những cá tính và động lực riêng biệt, đã mang đến những màu sắc khác nhau cho dự án.

Để quản lý một đội ngũ như vậy, anh Quang nhận ra rằng điểm mấu chốt là làm sao để giao tiếp với nhân viên bằng ngôn ngữ của họ. Thay vì áp dụng một phong cách quản lý chung cho tất cả mọi người, anh đã dành thời gian lắng nghe, tìm hiểu những mong muốn và kỳ vọng của từng thành viên.Vì vậy, để có thể thuyết phục nhân viên, Leader cần thỏa mãn mong muốn và yêu cầu chính đáng của từng người.

Đồng tình với chia sẻ của anh Quang, chị Thu nhắn nhủ đến các nhà quản lý trẻ đừng nên đóng khung mình trong bất kỳ một phong cách lãnh đạo nào, bởi vì không có phong cách nào là toàn diện. Hãy trải nghiệm và tìm cho mình một phong cách phù hợp và thật sự hiệu quả.

MBA Meetup 10/24 khép lại với sự động thuận của hai khách mời về sự cần thiết của kỹ năng làm việc cùng con người dù leader đang theo đuổi phong cách quản lý nào.

MBA Meetup 10/24 khép lại với sự động thuận của hai khách mời về sự cần thiết của kỹ năng làm việc cùng con người dù Leader đang theo đuổi phong cách quản lý nào.

Kết

Trong quá trình dẫn dắt đội nhóm, Leader sẽ liên tục phải đối diện và giải quyết những vấn đề liên quan đến con người. Do đó, bất kể bạn đang theo đuổi phong cách Task-oriented hay People-oriented, việc trang bị các kỹ năng về quản trị và giao tiếp với con người là yếu tố gần như bắt buộc để tạo sự gắn bó và động lực cho đội ngũ.

MBA Meetup là chuỗi sự kiện giao lưu trực tuyến về hành trình học vấn, trải nghiệm học tập cùng kinh nghiệm làm việc từ chia sẻ của các học viên, cựu học viên đã và đang theo đuổi chương trình MBA. Xem thêm các sự kiện từ chương trình MBA tại Đại học Western Sydney tại đây.