Những số liệu đáng chú ý được công bố trong Hội thảo bàn về TMĐT và chuyển đổi số của Bộ TT&TT

Tại Hội thảo bàn về thực trạng phát triển TMĐT và năng lực chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số của Bộ TT&TT cho biết, tỷ trọng TMĐT trên tổng bán lẻ của Việt Nam chỉ chiếm 8%, trong khi mức trung bình của thế giới là 19,4%. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển TMĐT của Việt Nam vẫn còn rất lớn.

Ngày 13/9, dưới sự chủ trì của Bộ TT&TT và UBND TP.HCM, Sở TT&TT TP.HCM đã phối hợp với quận Phú Nhuận tổ chức “Hội nghị triển khai chương trình hỗ trợ chuyển đổi số và triển khai thí điểm khảo sát, đo lường, đánh giá hiện trạng và mức độ sẵn sàng thương mại điện tử (TMĐT) và chuyển đổi số các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cửa hàng bán buôn, bán lẻ trên địa bàn quận Phú Nhuận”.

Theo đó, Hội thảo đã công bố nhiều số liệu đáng chú ý về thực trạng phát triển TMĐT và năng lực chuyển đổi số của các doanh nghiệp bán buôn/bán lẻ tại Việt Nam.

Ông Trần Minh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ TT&TT – phát biểu tại Hội thảo.

Ông Trần Minh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ TT&TT – phát biểu tại Hội thảo.
Nguồn: Bộ TT&TT

Theo ông Trần Minh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ TT&TT – đến nay tỷ trọng TMĐT trên tổng bán lẻ của Việt Nam chỉ chiếm 8%, trong khi mức trung bình của thế giới là 19,4%. Đặc biệt, ở các quốc gia phát triển, tỷ trọng này đã vượt khá xa Việt Nam, tiêu biểu là Trung Quốc đạt 43%, Anh 35%, Hàn Quốc 28%, Mỹ 26%. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển TMĐT của Việt Nam vẫn còn rất lớn.

Tính đến hiện tại, Việt Nam có 1,4 triệu cửa hàng tạp hoá, 9.000 chợ truyền thống, 54.008 doanh nghiệp bán lẻ 208.995 doanh nghiệp bán buôn. Toàn bộ hoạt động bán buôn và bán lẻ đã đóng góp gần 10% cho GDP quốc gia năm 2023, chứng tỏ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và tạo ra công ăn việc làm cho người lao động.

Theo Khoản 6 và Khoản 7, Điều 3 Nghị định số 09/2018/NĐ-CP:

  • Bán buôn là hoạt động bán hàng hóa cho thương nhân bán buôn, thương nhân bán lẻ và thương nhân, tổ chức khác; không bao gồm hoạt động bán lẻ.
  • Bán lẻ là hoạt động bán hàng hóa cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức khác để sử dụng vào mục đích tiêu dùng.

Theo đánh giá gần nhất của Cục Kinh tế số và Thương mại điện tử của Bộ Công thương, mỗi người Việt Nam trung bình mua hàng trực tuyến 4 lần/tháng, cho thấy sự phổ biến và nhu cầu ngày càng cao đối với TMĐT. Giá trị thị trường TMĐT của Việt Nam cũng liên tục tăng từ năm 2018-2023, doanh thu đã đạt đến 20,5 tỷ USD vào năm 2023, ước đạt mức tăng trưởng khoảng 200%.

Giá trị thị trường TMĐT của Việt Nam liên tục tăng từ năm 2018-2023 với doanh thu đã đạt đến 20,5 tỷ USD vào năm 2023.
Nguồn: Getty Images

Hiện tại, có khoảng 5 triệu người lao động trong ngành bán lẻ nhưng chỉ có 42% sử dụng CNTT. “Sự lên ngôi của mua sắm online, đã kéo theo số người đi chợ truyền thống giảm hơn 40%. Do vậy, nếu không dùng công nghệ thì rất khó quản lý và phát triển”, ông Trần Minh Tuấn chia sẻ.

Trung Quốc, với văn hoá kinh doanh bán lẻ giống như Việt Nam, đã giảm tốc độ tăng quy mô của các chợ truyền thống từ 0,11% vào năm 2017, xuống còn 0,05% vào năm 2023; từ đó, giúp doanh thu bán lẻ TMĐT chiếm đến 27% tổng doanh thu bán lẻ và có đến 67% dân số nước này đã sử dụng dịch vụ bán buôn, bán lẻ trên TMĐT.

Dựa trên các cơ sở này, ngày 28/8, Bộ TT&TT đã phê duyệt chương trình hỗ trợ cửa hàng bán lẻ chuyển đổi số. Quận Phú Nhuận, TP.HCM là đơn vị đầu tiên trên toàn quốc triển khai thí điểm đầu tiên chương trình này. Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long, Hội nghị là “phát súng” đầu tiên triển khai chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp bán lẻ, bán buôn trên cả nước.

Thứ trưởng Phạm Đức Long phân tích, TMĐT trên tổng bán lẻ của Việt Nam mới chỉ 8%. Nếu thay đổi được tỷ lệ này bằng với mức trung bình thế giới là 19,4%, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ thêm 2,1%, đây là một con số rất lớn. Bộ TT&TT cũng ước tính, nếu làm TMĐT kết hợp với mạng xã hội (social commerce) thì doanh thu của các doanh nghiệp có thể tăng trưởng 32%.

Tương tự, ở lĩnh vực bán buôn, trên thế giới có 88% doanh nghiệp bán buôn đã chuyển sang TMĐT, doanh thu hằng năm tăng trưởng 49%. Như vậy, tiềm năng hiện nay của Việt Nam rất lớn, khi bán buôn trên TMĐT vẫn đang là con số 0.

Ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ TT&TT, tại Hội thảo.

Ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ TT&TT, tại Hội thảo.
Nguồn: Bộ TT&TT

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TPHCM, cho biết trong thời gian tới, Sở TT&TT sẽ phối hợp với UBND quận Phú Nhuận, thực hiện các yêu cầu của chương trình đưa ra như: thí điểm khảo sát, đo lường, đánh giá hiện trạng và mức độ sẵn sàng thương mại điện tử, khả năng sử dụng công nghệ số thực hiện chuyển đổi số 2.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ hoạt động trên địa bàn quận Phú Nhuận.

Từ đây, Sở sẽ hỗ trợ kết nối giữa doanh nghiệp hộ kinh doanh có nhu cầu chuyển đổi số và các doanh nghiệp cung cấp giải pháp chuyển đổi số; thu thập các thông tin, số liệu liên quan để làm cơ sở cho việc xây dựng và điều chỉnh các chính sách hỗ trợ chuyển đổi số. Bên cạnh đó là nắm bắt, xây dựng cơ sở dữ liệu về hiện trạng chuyển đổi số trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ để phục vụ cho công tác quản lý và hoạch định chiến lược của thành phố.

“Việc thúc đẩy thương mại điện tử trong bán lẻ, bán buôn sẽ tạo ra cú hích để cho cả nền kinh tế. Quận Phú Nhuận là địa phương đầu tiên thí điểm triển khai chương trình nên sự thành công của chương trình thí điểm này không chỉ có ý nghĩa với TP.HCM, mà còn lan tỏa và đóng góp vào sự phát triển của kinh tế số của cả nước”, Thứ trưởng Phạm Đức Long bày tỏ sự kỳ vọng.

* Nguồn: Bộ TT&TT