Một agency tạo ra quảng cáo bằng AI tuyệt đẹp, nhưng adidas chưa mua ý tưởng này
Gần đây, đạo diễn Blair Vermette đã thu hút đông đảo sự chú ý của giới mộ điệu với quảng cáo được tạo ra hoàn toàn bằng trí tuệ nhân tạo (AI). Quảng cáo quảng bá bộ sưu tập “Floral” của adidas, dù nhận được nhiều sự quan tâm và phản ứng tích cực, nhưng đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có bất cứ lời xác nhận chính thức nào từ thương hiệu về việc sản xuất quảng cáo này.
Đoạn quảng cáo mô tả hình ảnh “những người mẫu” khoác trên người các thiết kế in hoa rực rỡ nằm trong BST “Floral” của thương hiệu adidas. Họ đang phô diễn những điệu nhảy uyển chuyển và sinh động trên nền bài hát mới nhất của Megan Thee Stallion, Mamushi. Quảng cáo cũng giới thiệu nhiều địa điểm gắn liền với đất nước Nhật Bản như suối nước nóng, nhà ga xe lửa, đền thờ và công viên được phủ đầy hoa anh đào…
Trong bài đăng trên Instagram, Vermette tiết lộ rằng quảng cáo này được tạo ra bởi các công cụ AI RunwayML, Midjourney, Adobe creative suite và Upscaled by Topaz.
“Việc các agency về AI tham gia vào đường đua quảng cáo chỉ còn là vấn đề thời gian. Tầm nhìn của tôi là xây dựng Rabbithole trở thành một công ty như thế”, Vermette nói về quảng cáo mới và studio kỹ thuật số của mình. Đội ngũ của Marketing-Interactive cũng đã liên hệ xác minh về việc ra mắt quảng cáo này nhưng chưa nhận được phản hồi từ thương hiệu.
Phản ứng của chuyên gia trong ngành
Nhiều chuyên gia sáng tạo đều đồng ý rằng quảng cáo này thật sự hấp dẫn về mặt thị giác. Ông Robert Gaxiola, Quản lý quan hệ đối tác của Playbook XP, người đã dành phần lớn sự nghiệp của mình với tư cách là ECD và Giám đốc sáng tạo cho các mạng lưới quảng cáo lớn, cho biết: “Tôi ghét nó, tôi cảm thấy vô cùng ghen tị. Quảng cáo AI này trông thật tuyệt vời cả về phần nhìn và lẫn năng lượng mà nó truyền tải”. Theo ông, quảng cáo có diện mạo “rất tươi mới”, “giàu trí tưởng tượng” và “siêu giải trí”.
Gaxiola cũng không ngớt lời khen ngợi Vermette vì đã sử dụng các công cụ AI để nâng tầm ý tưởng và tạo ra một quảng cáo thú vị. “Sản phẩm trông tuyệt vời, tác phẩm rất đẹp và bố cục tổng thể hoàn hảo. Mọi thứ rất hài hoà, không bị cắt gọt, xử lý quá mức”, Gaxiola giải thích.
Ông Adrian Yeap, người sáng lập Sweatshop, đã khen ngợi quảng cáo vì phần biên tập được cắt ghép khéo léo và lựa chọn một bản nhạc hợp thời, hấp dẫn. “Hình ảnh nhất quán, biên tập sắc nét và âm nhạc bắt tai là những yếu tố quan trọng góp phần làm nên thành công của quảng cáo này. Nếu không có chúng, quảng cáo sẽ trở nên tầm thường và tẻ nhạt”, Yeap chia sẻ.
Tuy nhiên, không phải tất cả các chuyên gia sáng tạo đều thích quảng cáo do AI tạo ra.
Ông Rudi Leung, người sáng lập và giám đốc của Hungry Digital cho biết thoạt nhìn quảng cáo này rất ấn tượng về mặt hình ảnh. Tuy nhiên, sau khi xem kỹ hơn, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy hơi “giả tạo”, thiếu chiều sâu cảm xúc và sắc thái biểu cảm mà con người có thể mang lại, Leung cho biết.
Ông giải thích rằng quảng cáo này là một bằng chứng thú vị và có thể hiệu quả trong bối cảnh cụ thể như trình bày ý tưởng cho khách hàng nhưng không phải là chiến lược dài hạn, ông nói thêm: “Tôi tin rằng quảng cáo không chỉ cần tính thẩm mỹ mà còn cần phải kết nối được về mặt cảm xúc và kể một câu chuyện hấp dẫn, nơi mà khả năng sáng tạo của con người vẫn còn vượt trội.”
Leung cho biết quảng cáo này gây ấn tượng về mặt thẩm mỹ, hiệu ứng hình ảnh và sự trau chuốt nhưng không gây ấn tượng với ông. Ông cho biết mặc dù AI có thể tạo ra hình ảnh đẹp, chất lượng cao, nhưng làm sao để tránh sự đồng nhất sẽ là một thách thức lớn. “Với tính dễ sử dụng của AI, chúng ta có thể thấy một loạt quảng cáo trông giống nhau. Điều quan trọng là cách các thương hiệu làm nổi bật thông điệp của họ và đảm bảo quảng cáo của họ nổi bật về mặt cảm xúc – chứ không chỉ về mặt hình ảnh”, Leung cho biết.
Vai trò của người sáng tạo trong tương lai quảng cáo AI
AI chắc chắn sẽ mang đến những thách thức mới, đặc biệt là đối với những người làm công tác hậu kỳ. Theo Leung, AI có thể nhanh chóng hoàn thiện hình ảnh và đạt được độ chính xác về mặt kỹ thuật khá cao, nhưng yếu tố con người – kể chuyện, nắm bắt tính xác thực và tạo ra câu chuyện có ý nghĩa – vẫn là yếu tố không thể thay thế.
Leung cho biết: “Tôi tin rằng những chuyên gia giỏi trong việc bộc lộ khía cạnh thô sơ, chân thực sẽ tồn tại và phát triển trong một thế giới mà người tiêu dùng khao khát sự chân thực và chiều sâu cảm xúc giữa dòng chảy hoàn hảo do AI tạo ra. Tương lai của nhiếp ảnh và quay phim có thể thay đổi, nhưng sự sáng tạo và hiểu biết của con người sẽ luôn đóng vai trò quan trọng”.
Tương tự, Lara Hussein, CEO và đối tác sáng lập M&C Saatchi Kuala Lumpur cho biết: “AI chắc chắn có thể biến đổi và tạo ra điều kỳ diệu nhưng tôi không tin nó sẽ thay thế vai trò của nhiếp ảnh gia và người quay phim. Sự sáng tạo của con người là điều cần thiết để tạo ra những câu chuyện truyền tải ý tưởng và hiểu được cảm xúc, những yếu tố vẫn không thể thay thế”. Bà nói thêm rằng nhiếp ảnh gia có thể sử dụng AI để nâng cao và tăng tốc độ sáng tạo của họ, AI sẽ là công cụ hỗ trợ họ chứ không phải thay thế họ.
Lara cũng cho rằng việc sử dụng người thật sẽ làm tăng thêm cảm xúc và khiến quảng cáo trở nên giàu cảm xúc hơn. “Mặc dù AI có thể tạo ra hình ảnh sống động như thật, nhưng các thuộc tính của người thật thực sự vẫn quan trọng và không thể thiếu trong việc thiết lập kết nối giữa người với người”, Lara cho biết.
Gaxiola đồng ý rằng vai trò của nhiếp ảnh gia và quay phim sẽ phải được nâng lên một tầm cao mới. Thay vì chỉ cần trỏ và nhấp, các nhiếp ảnh gia và nhà quay phim cần phải đưa ra những quyết định quan trọng hơn, Yeap cho biết. “Họ sẽ phải đưa ra quyết định cao hơn – để đưa trực giác, chuyên môn và sự sáng tạo của họ lên hàng đầu, và tạo ra thứ gì đó thách thức quy ước”, Yeap nói thêm.
Đồng thời, Yeap nhấn mạnh rằng công nghệ AI vẫn còn nhiều hạn chế. Điều này đặc biệt đúng vì vai trò của biên tập viên video và nghệ sĩ âm nhạc – những người đóng vai trò quan trọng trong việc giúp quảng cáo hấp dẫn hơn – không phải là AI.
“AI có thể chỉnh sửa video và tạo ra một bản nhạc như vậy không? Có thể nhưng thực tế là không. Video đã được chỉnh sửa và âm nhạc được tạo ra bởi một người có nhiều năm kinh nghiệm, gu thẩm mỹ và sáng tạo. Đây là điều không dễ đạt được với AI hiện nay”, Yeap cho biết.
Với AI, tương lai của nhiếp ảnh và quay phim có thể thay đổi, nhưng sự sáng tạo và hiểu biết của con người sẽ luôn đóng vai trò quan trọng.
Không thể phủ nhận rằng AI là trợ thủ đắc lực của con người trong nhiều lĩnh vực. Và việc ứng dụng AI trong quảng cáo sáng tạo đã là điều dần trở nên quen thuộc với marketer. Tại Cannes Lions 2024, có 12% bài dự thi ứng dụng AI để triển khai các ý tưởng sáng tạo. Và cũng tại Liên hoan Sáng tạo năm nay, chúng ta đã chứng kiến sự trở lại đầy bứt phá của những kỹ thuật thủ công truyền thống. Có thể thấy rằng, dù AI giúp sáng tạo tiến thêm một bước nhưng yếu tố cốt lõi vẫn đến từ con người.
Tôi – dù không phải là marketer nhưng cũng phải thừa nhận rằng AI đã trở thành công cụ hỗ trợ tôi rất nhiều trong công việc. Và dĩ nhiên, đúng với từ công cụ, nếu không có nó bạn vẫn có thể làm tốt công việc của mình, nhưng nếu có nó bạn có thể sẽ làm tốt hơn. Và khi một công cụ có thể giúp bạn làm tốt hơn (một số lại đang miễn phí), hà cớ gì bạn lại chần chừ không dùng?
Theo Mai Trâm / Brands Vietnam
* Nguồn: Marketing-Interactive