Marketer Phố Hương
Phố Hương

Content Executive @ Brands Vietnam

Mentor – Mentee #5: Cho cần câu, không cho con cá

Hiện nay, không thiếu những chương trình mentorship hay các phương tiện để những bạn trẻ chưa nhiều kinh nghiệm có thể học hỏi từ các anh chị đi trước, tìm thấy cho mình một mentor dẫn lối. Thế nhưng bạn có bao giờ đặt câu hỏi ngược lại, làm sao để biết mình đã sẵn sàng để có mentor? Và nếu đã tìm được, đâu là chìa khóa để duy trì mối quan hệ này? Khi mentee mang đến một bài toán, điều họ thật sự cần có phải là đáp án chính xác?

Trong số thứ 5 của Mentor – Mentee, cùng theo dõi câu chuyện của anh Hồ Đông Thụ – Founder & CEO tại Think Digital và bạn Huỳnh Nhật Bảo Ngọc – Marketing Executive tại Think Digital để xem cách mà mentor và mentee có thể trao cho nhau những giá trị mà cả hai sẵn có.

Trong cuộc đời, sẽ luôn có những người dù không đứng trên bục giảng, trong thâm tâm ta vẫn xem họ là những “người thầy”, đó có thể là người đã dìu dắt ta từ những ngày đầu, cũng có thể là người cho ta một bài học quý giá nào đó về bản thân hay sự nghiệp. Hãy cùng Brands Vietnam đi tìm câu chuyện về “Những người dẫn đường, đưa tôi vào ngành Mar” trong series Mentor – Mentee.

Từ lần chủ động “xin được giải đề”

Những lần trò chuyện đầu tiên của anh Thụ và Bảo Ngọc diễn ra trong hoàn cảnh người xin tài trợ và người đồng ý tài trợ.

Anh Hồ Đông Thụ – Founder & CEO tại Think Digital.

Anh Thụ vẫn thường hỗ trợ câu lạc bộ sinh viên tại các trường đại học để hướng dẫn về mặt chuyên môn hay tài trợ hiện kim, hiện vật. Thời điểm đó, Ngọc hoạt động trong câu lạc bộ ở trường Đại học Kinh tế khá sôi nổi, khi là người đại diện sang nói chuyện cùng bộ phận đối ngoại của Think, anh Thụ kể ấn tượng ban đầu chính là nhìn Ngọc chững hơn so với tuổi bởi sự tự tin bạn có khi giao tiếp với nhà tài trợ.

Nhưng có lẽ, Ngọc để lại ấn tượng sâu đậm hơn cả là khi làm ban tổ chức một cuộc thi marketing nhưng lại thể hiện mong muốn xin giải đề như các bạn thí sinh và muốn được ban giám khảo là anh Thụ lúc đó là góp ý thêm.

“Anh thấy cũng lạ, đã là ban tổ chức, rất nhiều việc lại còn muốn làm bài, nhưng cũng chính từ hành động đó của Ngọc khiến anh thấy được sự cầu thị của bạn”, anh Thụ nói.

Ngọc giải thích năm đó muốn giải đề vì thấy đề thú vị và đã biết anh Thụ qua một trong những lần anh đến chia sẻ cho chương trình ở câu lạc bộ. “Em đã theo dõi anh Thụ từ dạo đó vì khá ấn tượng với sự nhiệt huyết của anh khi chia sẻ về marketing nên nhân dịp ấy, em cũng muốn để lại dấu ấn nào đó qua bài dự thi của mình”, Ngọc kể.

Anh Thụ chia sẻ do có nền tảng về “số” nên bài dự thi lần đó của Ngọc cũng rất… con số, Ngọc phân tích số liệu rất kỹ lưỡng và nội dung đó chiếm đến 80% bài, không thiên về ý tưởng hay câu chữ như các bạn marketer thiên về sáng tạo.

Thế nhưng, cột mốc đánh dấu để anh Thụ và Ngọc trở thành mentor – mentee chính thức là khi Think có đợt tuyển dụng, lần này, Ngọc quyết định nộp đơn vào công ty với vị trí Marketing Executive Intern, và Ngọc đã đậu.

Khi Ngọc đã vào làm ở Think, anh Thụ nói cũng chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ cố gắng thay đổi bất kỳ điều gì Ngọc đang sở hữu mà chỉ làm sao giúp Ngọc có thể tận dụng kỹ năng sẵn có để làm tốt công việc và tạo nên sự khác biệt. “Việc mình biết tôn trọng điểm riêng của mình sẽ là mấu chốt để từ giá trị cốt lõi có thể làm nghề theo cách của mình”, anh Thụ nhận định.

Đến sếp và nhân viên, mentor và mentee

Thời điểm Ngọc mới vào làm việc, giai đoạn ban đầu được dùng để làm rõ lại những định nghĩa về marketing, communication, advertising. “Mọi thứ đều bắt đầu từ định nghĩa. Nếu ở trường học, mình nói về marketing theo hướng học thuật hơn thì khi làm việc, mọi thứ thực tế hơn”, anh Thụ nói.

Bạn Huỳnh Nhật Bảo Ngọc – Marketing Executive tại Think Digital.

Trước khi làm việc tại Think, Ngọc là sinh viên ngành tài chính và đã bắt đầu đi làm từ cuối năm nhất với vị trí marketing intern cho một production house. Ngọc làm qua nhiều nơi khác nhau nhưng hầu hết đều ở vị trí content. “Vì những công việc khi đó chủ yếu vẫn xoay quanh về con chữ, định nghĩa về marketing của em vì vậy vẫn còn khá hẹp. Sau này, khi được anh Thụ mentor, em mới nhìn thấy bức tranh toàn cảnh”.

Ngọc bắt đầu nhìn marketing giống như một cái phễu, đi từ điểm nhìn rộng, cũng tức là một concept lớn rồi mới “mài” dần thành những hoạt động triển khai cụ thể để đạt được mục đích cuối cùng. “Trước đây, em làm mọi thứ khá rập khuôn, bây giờ mới hiểu không có lời giải nào đúng cho mọi đề bài, việc xây dựng chiến lược marketing cho mỗi thương hiệu đều sẽ có những yêu cầu khác nhau, không có công thức nào cố định”, Ngọc nói.

Với anh Thụ, marketing phải lấy người dùng làm trọng tâm rồi tiếp tục xác định những nhu cầu của họ, từ đó tìm kiếm trong sản phẩm, dịch vụ của mình những điểm đáp ứng được nhu cầu đó. Và nếu hiểu theo cách như vậy thì toàn bộ câu chuyện về marketing sẽ là câu chuyện xoay quanh khách hàng: đi từ trọng tâm người dùng đi ra chứ không có chuyện ngược lại đi từ sản phẩm đi vào.

Một nguyên tắc cơ bản khác mà anh Thụ cũng nhấn mạnh với Ngọc ngay từ những ngày đầu là hãy quay lại với những điều cơ bản. Chẳng hạn như thực hiện quảng bá cho sản phẩm mới của công ty là nền tảng quảng cáo, anh Thụ và Ngọc sẽ làm việc với nhau theo hướng mục tiêu cuối cùng của dự án này là gì? Muốn bao nhiêu người biết đến hay bao nhiêu người đăng ký?

Anh Thụ cho biết: “Khi nhìn vào góc độ mục tiêu, những quyết định hoặc những phương tiện truyền thông mà mình chọn sẽ phục vụ chính xác cho mục tiêu đó, không bị ảnh hưởng bởi đối thủ hay những điều thị trường bên ngoài đang làm”.

“Em nghĩ quay về cốt lõi của vấn đề - mình làm việc đó vì mục đích gì là một nguyên tắc chung áp dụng được trong cả công việc và cuộc sống”, Ngọc chia sẻ.

Quy tắc “cho lời khuyên” và “đặt câu hỏi”

Không riêng gì mentor – mentee, trong mọi mối quan hệ, giao tiếp là chìa khóa để hiểu nhau.

Một trong những nguyên tắc anh Thụ dùng để giao tiếp với bạn mentee của mình chính là làm sao để có thể đặt câu hỏi mang tính gợi mở và cho người nghe một nguồn cảm hứng. Aristotle từng nói: “Educating the mind without educating the heart is no education at all!” (tạm dịch: Giáo dục tâm trí mà không giáo dục con tim thì không phải là giáo dục), có thể hiểu rằng giáo dục mà không làm thắp lên sự đam mê, sự khơi gợi để cho người ta tự tìm tòi thì chỉ là cách dạy rập khuôn.

Ngọc kể: “Khi chia sẻ về lộ trình sự nghiệp với anh Thụ, anh sẽ chia sẻ lại với em anh nghĩ để đạt được vị trí đó thì có những kiến thức và kỹ năng nào cần học, rồi anh Thụ gợi ý cho em những khóa học, những điểm cần phải cải thiện thêm trong quá trình học và làm việc của mình”.

Anh Thụ chia sẻ thêm: “Nguyên tắc thứ hai của anh trong quá trình mentoring là không áp đặt và giáo điều. Chẳng hạn như khi Ngọc đến hỏi ý kiến của anh về công việc, anh thường sẽ hỏi trước góc nhìn của Ngọc. Việc này sẽ giúp cho bạn mentee có cảm giác kết quả đạt được cuối cùng không phải là do người mentor đó chỉ nữa mà là bạn tự nghĩ ra, anh muốn cho mentee cảm giác như vậy. Mình xây dựng cho bạn cách giải quyết từ góc nhìn của bạn chứ không nói ngay từ đầu phải làm thế nào hay nhận định góc nhìn của họ là sai”.

Không riêng gì mentor – mentee, trong mọi mối quan hệ, giao tiếp là chìa khóa để hiểu nhau.

Không riêng gì mentor – mentee, trong mọi mối quan hệ, giao tiếp là chìa khóa để hiểu nhau.
Nguồn: @voyata

Ngọc cho biết thêm ở giai đoạn đầu, bản thân cũng thấy khá khó để đặt câu hỏi vì trong một vài trường hợp: “Em cũng sợ rằng liệu câu hỏi mình đặt có quá đơn giản hay không”. Thế nhưng sau một khoảng thời gian làm việc, trao đổi, Ngọc để ý rằng khi mang đến một vấn đề, anh Thụ sẽ không ngay lập tức chỉ ra nên làm thế nào mà thường hỏi ngược lại với vấn đề đó thì Ngọc cảm thấy nên xử lý ra sao.

“Từ đó em tự đúc kết được khi mình nêu ra vấn đề thì nên kèm theo ý kiến, góc nhìn của mình và nhờ các anh chị mentor có thể góp ý thêm, thay vì xin họ đáp án ngay từ ban đầu”, Ngọc nói.

Anh Thụ cũng cho biết thêm: “Và dù nói là nguyên tắc nhưng thật ra theo anh mọi thứ vẫn dựa trên một nền tảng chung đó là tính chân thật. Chân thật ở đây có nghĩa là mình thực sự muốn người mentee đó tốt lên, khi đã thật sự có mong muốn như vậy, anh nghĩ phương cách nào cũng được, mình nhất định sẽ có cách cụ thể để giúp cho họ thôi”.

Tìm thấy mentor, trở nên “nổi bật”

Khi được hỏi về chuyện làm sao để có thể “tìm thấy mentor”, Ngọc cho biết thường theo dõi các anh chị đã làm việc nhiều năm trong ngành, trên nhiều mạng xã hội khác nhau. Sau đó, mình có thể tiếp cận với các anh chị thông qua những buổi chia sẻ hoặc một cách khác đơn giản hơn là chủ động nhắn tin với các anh chị trên những nền tảng mạng xã hội.

“Có rất nhiều anh chị là chuyên gia trong một lĩnh vực, nhưng để tìm ra một người mình có thể đồng hành lâu dài thì cần có sự đồng điệu về cách suy nghĩ, vì vậy ngoài chuyên môn, em cũng để ý cả những khía cạnh khác mà các anh chị thường quan tâm trong cuộc sống”, Ngọc nói.

Khi một người càng hiểu rõ về bản thân mình, họ lại càng dễ tìm được những người mentor phù hợp với định hướng của bản thân.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là từ phía mentor, giữa rất nhiều bạn cùng nhắn tin cho mình với mong muốn trở thành mentee, một bạn trẻ như thế nào sẽ có thể để lại ấn tượng mạnh mẽ?

Trả lời cho vấn đề mà tôi đặt ra, anh Thụ chia sẻ đúng là bản thân anh cũng thường nhận được tin nhắn các bạn muốn trở thành mentee hoặc có thể gặp một buổi để xin lời khuyên không: “Tất nhiên nếu có thời gian và đủ nguồn lực, anh cũng muốn hỗ trợ hết cho các bạn, nhưng dĩ nhiên việc này là không thể. Một bạn để lại ấn tượng mạnh với anh sẽ là người biết rõ mình là ai, mình cần gì trong tương lai”.

Cụ thể, mentee phải là người hiểu rõ giá trị của bản thân mình, trả lời được những câu hỏi như mình đang thích lĩnh vực gì, mình thấy bản thân có nhiều năng lượng nhất khi được làm công việc nào, thần tượng trong ngành là ai, chân dung mình muốn đạt được trong 2-3 năm tới.

Anh Thụ nói: “Khi một người càng hiểu rõ về bản thân mình, họ lại càng dễ tìm được những người mentor phù hợp với định hướng của bản thân. Nếu mang lên bàn cân một bạn trả lời được hết năm câu hỏi về bản thân với một bạn mà chỉ có thể nói mình thích marketing, chắc chắn người mentor sẽ chọn bạn biết rõ về bản thân mình hơn vì điều này phần nào đó thể hiện bạn sẽ nghiêm túc với điều bạn lựa chọn theo đuổi”.

“Người mentee phải hiểu rất rõ bản thân mình trước khi tìm một mentor, đừng ‘fomo’ bạn bè ai cũng có mentor hết rồi nên bây giờ mình cũng phải có. Khi nào trả lời được những câu hỏi cơ bản nhất như có mentor để làm gì, nếu muốn có mentor để phát triển thì mình muốn phát triển như thế nào, khi đó bạn hãy có kế hoạch tìm mentor”, anh Thụ nói thêm.

Bảo Ngọc (ngoài cùng bên trái) và anh Thụ (ngoài cùng bên phải) tại Year End Party của Think Digital.

Thứ hai, ngoài chiều sâu vững chãi thì mentee cũng nên có cách thể hiện ra bên ngoài đủ tốt, làm mình trở nên chuyên nghiệp hơn. Chẳng hạn như có một CV, thông tin trên LinkedIn rõ ràng, hay khi gửi email thì có đôi dòng để giới thiệu trước về bản thân. Vì nếu đã muốn một người mentor cho mình thì hãy cho họ thêm thông tin, nếu chưa có LinkedIn thì vẫn có thể gửi tài khoản Facebook, nhưng đừng để bấm vào thì thấy… trang cá nhân đã bị khóa. “Mình không hiểu mentee của mình là ai thì mình cũng khó đồng ý hơn”, anh Thụ nói.

Anh Thụ kể có một lần, anh liên lạc lại ngay với một bạn kết nối với anh vì ấn tượng đầu tiên là bạn viết một tin nhắn gửi trên Facebook trước với một vài thông tin cá nhân, bạn biết đến anh qua chương trình nào, bạn thấy anh thích chủ đề này và cũng đang muốn tìm hiểu chủ đề đó nên xin phép nhắn tin làm mentee. Nếu anh Thụ đồng ý thì bạn sẽ viết một email chính thức.

“Anh trả lời lại ngay là bạn cứ viết email cho anh và bạn thật sự viết một email trịnh trọng hơn nữa. Ngoài đặt ra vấn đề, bạn còn đính kèm một số thông tin cá nhân, dự án thực tế mà bạn đã làm. Anh đồng ý ngay vì anh nghĩ phải là một người rất hiểu bản thân thì mới thể hiện được ra như vậy”, anh Thụ chia sẻ.

Với bạn Bảo Ngọc, một ưu điểm rất lớn khi có mentor là sẽ sớm biết ưu điểm của mình là gì và cần cải thiện thêm điều gì; thay vì phải mất nhiều thời gian thực tập ở nhiều vị trí khác nhau, qua nhiều công ty khác nhau.

Mentor – Mentee: Câu chuyện của “quản lý sự kỳ vọng”

Tôi hỏi Ngọc nếu không có mentor, Ngọc nghĩ rằng con đường hiện tại mình đang đi sẽ như thế nào. Ngọc bảo “nếu không có mentor, em nghĩ đến một lúc nào đó, em cũng sẽ có được mục tiêu cụ thể cho riêng mình, nhưng có lẽ sẽ mất nhiều thời gian hơn để bắt đầu thực tập ở nhiều vị trí khác nhau, qua nhiều công ty khác nhau”.

Với Ngọc, một ưu điểm rất lớn khi có mentor là sẽ sớm biết ưu điểm của mình là gì và cần cải thiện thêm điều gì: “Em thấy đôi lúc, mọi người sẽ dễ phớt lờ đi những điểm mạnh của mình và chú ý nhiều hơn vào những khuyết điểm – những điều mình chưa có mà không biết làm sao để phát triển ưu điểm mình đang có”.

Dù vậy, Ngọc cho rằng cũng cần quản lý sự kỳ vọng, đừng thần thánh hóa tất cả mọi người vì ai trong cuộc sống cũng có ưu điểm và khuyết điểm riêng. “Dù là mentee đi chăng nữa, em cho rằng chúng ta đều có thể trao cho nhau giá trị trong quá trình giao tiếp, cùng cho nhau những góc nhìn mới mẻ để phát triển”.

Còn với anh Thụ, hẳn nhiên khi là mentor, ai cũng muốn mentee có thể ghi nhận những điều mình chia sẻ và phát triển hơn, thành công hơn trong sự nghiệp.

“Anh nghĩ đó là một hạnh phúc khó tả và cũng là kỳ vọng bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn không thể được như kỳ vọng, anh cũng sẽ không buồn. Với anh việc mình bỏ thời gian, kiến thức để mentor cho một người nào đó giống như việc đưa ra sự hỗ trợ không có điều kiện, anh không cần bạn phải hoàn lại. Vấn đề của mentor là làm hết sức, chia sẻ hết những gì mình biết, không giấu diếm, nhưng để đạt được thành công dĩ nhiên vẫn cần nỗ lực tự thân từ phía mentee”, anh Thụ nói.

★★★

* Mọi người nói nhiều về những điều mentor chỉ dạy mentee, thử nhìn ngược lại, anh Thụ có thể chia sẻ về 3 bài học anh học được từ mentee của mình?

Không chỉ ở mỗi Ngọc, anh thấy ở tất cả những bạn trẻ anh gặp, anh đều học được rất nhiều.

Thứ nhất là liên quan đến tinh thần của người trẻ. Một trong những điểm yếu của người đi làm lâu năm là bị mất đi sự nhiệt huyết của tuổi trẻ. Nếu không được tiếp xúc với những bạn như Ngọc – những bạn trẻ mang vào công việc một đam mê lớn thì lúc đấy mình sẽ dễ dễ bị mất lửa. Anh thấy mình nhận được nhiều ảnh hưởng tích cực từ các bạn.

Vấn đề của mentor là làm hết sức, chia sẻ hết những gì mình biết, không giấu diếm; nhưng để đạt được thành công, mentee vẫn cần những nỗ lực tự thân.

Thứ hai là về mặt kỹ năng, anh nghĩ ai cũng có những điểm mù khác nhau. Càng nhiều kinh nghiệm thì dường như điểm mù lại càng nhiều hơn, khi lắng nghe ý kiến khác với quan điểm trước giờ sẽ dễ có xu hướng “me first” – tôi có kinh nghiệm hơn nên tôi đúng. Anh nghĩ chính việc tiếp xúc với những bạn mentee như Ngọc giúp cho điểm mù của anh được giảm đi.

Chẳng hạn như một trường hợp cũng khá gần đây, trong một buổi họp với team, anh đã chia sẻ việc chiến dịch A này cần có KOL. Khi ấy, anh đã có hình dung cụ thể về các tiêu chí để chọn KOL nhưng lại không nói một cách cụ thể vì nghĩ rằng chắc các bạn cũng biết. Khi Ngọc bắt đầu chủ động hỏi rõ hơn KOL đó xuất hiện kênh nào, bao nhiêu người theo dõi, có yêu cầu gì. Anh mới chợt nhận ra đó là điểm mù và mình phải điều chỉnh. Nếu anh không nói và cũng không ai hỏi thì có lẽ mọi người sẽ phải làm với một yêu cầu không rõ ràng và kết quả cũng sẽ không tốt. Chính những chuyện nhỏ như vậy lại giúp anh nhận ra điểm mình đang thiếu sót.

Thứ ba là vì Ngọc có điểm mạnh khác anh, Ngọc giỏi về phân tích và lập luận logic nên anh cũng học được ở Ngọc cách trình bày thông tin. Tựu trung lại, anh nghĩ giống như ông bà mình đã nói: “Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư” – Trong ba người cùng đi, chắc chắn có người là thầy của mình. Thầy ở đây không phải là phải là một người khai sáng, mang cho mình kiến thức cực lớn, thay đổi hoàn toàn cách tư duy mà đôi khi nhìn cách họ sống, họ làm, họ nói cũng giúp mình có thể tự tham chiếu để học được từ họ điều gì đó.

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Phố Hương / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam