Cách nghiên cứu chủ đề bài viết như một nhà báo
Với vai trò một người viết, nghiên cứu không đơn thuần là công việc tổng hợp thông tin. Bạn cần phải “mất ngủ” với việc tìm chủ đề, xác định độ phức tạp, phạm vi bài viết, và dĩ nhiên, đưa ra deadline và ngân sách phân phối bài viết.
Thực hiện nghiên cứu chuẩn chỉnh sẽ cần nhiều thứ hơn là chỉ “Google” một vài từ khóa chung. Điều này cần chiến lược, nguồn tham khảo chính xác, sự cân bằng và độ tin cậy. Vậy bạn cần làm gì để nghiên cứu và phát triển chủ đề mà người đọc thật sự muốn click? Bà Alison Hill, nhà báo của tạp chí Writer's Digest đưa ra một số gợi ý về cách nghiên cứu chủ đề viết như một nhà báo để bạn có thể sản xuất những nội dung chất lượng.
Nghiên cứu báo chí gồm nhiều khía cạnh từ tìm kiếm trực tuyến, nghiên cứu dữ liệu, hồ sơ, khảo sát và thăm dò ý kiến; gọi điện thoại cho các nguồn tin, chuyên gia và quan chức; phỏng vấn trực tiếp, đến các thư viện và kho lưu trữ; và phương pháp truyền thống nhất: đi bộ trên phố và trò chuyện với các nhân vật.
Công cụ nghiên cứu
Tất cả những gì bạn cần là một chiếc máy tính (tốt nhất là laptop) và điện thoại di động được kết nối Wi-Fi, cộng với sự tò mò bất tận. Hãy chuẩn bị một tập đựng hồ sơ để lưu trữ an toàn các tài liệu bạn in ra, đồng thời tạo một thư mục trên laptop để lưu các tài nguyên trực tuyến, và đừng quên chuẩn bị một cuốn sổ tay bỏ túi và bút để ghi chép thông tin hiện trường. Tất nhiên bạn có thể sử dụng các ứng dụng để ghi chú, nhưng nếu điện thoại của bạn hết pin không đúng lúc thì sao?
Internet là công cụ nghiên cứu chủ yếu cùng với nhiều nguồn tài nguyên quý giá như các trang dữ liệu chính phủ. Tuy nhiên, bạn nên kết hợp khéo léo với các nguồn thông tin khác để tận dụng hợp lý các tài nguyên này.
Bắt đầu lên mạng và đọc nhiều nhất có thể!
Nghiên cứu online ban đầu có thể giúp bạn cảm nhận mức độ hot của một chủ đề, nó đã được đề cập ra sao, ở các phương tiện nào. Qua đó, bạn sẽ có cơ sở để quyết định nên tiếp cận câu chuyện dưới góc độ nào. Hãy ghi chép lại các điểm chính trong quá trình bạn đọc các website, và nhớ giữ một danh sách các trang bạn đã tìm kiếm để liệt kê các nguồn tham khảo khi triển khai bài viết chính thức.
Nhưng lướt web cũng rất dễ bị phân tâm, vì vậy hãy cố gắng không sa vào những chủ đề không liên quan, và hãy cẩn thận khi sử dụng các nguồn trực tuyến vì có rất nhiều thông tin cần được kiểm tra lại về tính xác thực.
Các bạn có thể thử mẹo “Wikifishing”, nghĩa là vào trang Wikipedia và đi thẳng đến các tài liệu tham khảo và nghiên cứu ở các nguồn này.
Đối với nội dung blog hoặc dạng kể tên danh sách (listicle) và các sự kiện dễ xác minh, bạn chỉ cần nghiên cứu online là đủ. Ví dụ như với nội dung “Top những đường đu dây Ziplines nhanh nhất thế giới”, bạn có thể lấy thông tin từ nhiều nguồn, gồm các trang web công ty, và kiểm tra chéo các dữ liệu là xong. Nếu muốn chắc chắn hơn nữa, bạn có thể gọi điện cho những người có chuyên môn để xác minh.
Xách ba lô lên và đi đến… thư viện!
Hãy dành thời gian đọc về chủ đề bạn dự định viết và đừng giới hạn bản thân ở các bài viết trực tuyến. Thư viện là thiên đường của người nghiên cứu dù đó là thư viện đại học hay thư viện ở địa phương, luôn có vô số tài nguyên có sẵn trực tiếp và trực tuyến cho các cây bút. Bên cạnh đó, các thư viện công cộng và kho lưu trữ cũng có quyền truy cập vào những bản sao ấn bản báo chí có thể hữu ích cho việc nghiên cứu của bạn. Một số bản sao còn được số hóa trong khi các bản cũ hơn có thể có sẵn trên microfiche (Một đoạn phim phẳng chứa ảnh vi mô của các trang báo).
Các nguồn dữ liệu trực tuyến
Internet đã mở ra nhiều cánh cửa cho các nhà báo thích sử dụng dữ liệu trong bài viết của họ. Phân tích dữ liệu là một kỹ năng quý giá giúp bài viết của bạn thêm phong phú. Chẳng hạn, nếu bạn cần thống kê của chính phủ về tỷ lệ thất nghiệp, bạn có thể tìm thấy tất cả thông tin cần thiết tại trang web của Tổng Cục Thống kê.
Bà Alison Hill từng viết một bài về các nghiên cứu huyền bí do những trường đại học Hoa Kỳ thực hiện, và nghiên cứu đã dẫn bà đến trang web của CIA với nhiều thông tin thú vị, đặc biệt là các tài liệu được giải mã về Stargate (dự án của quân đội Mỹ nhằm nghiên cứu và đánh giá những người có siêu năng lực như thấu thị, ngoại cảm… để ứng dụng trong lĩnh vực quân sự, tình báo).
Phỏng vấn nhân vật (Trực tiếp hoặc qua điện thoại)
Trước khi phỏng vấn, hãy nghiên cứu về nhân vật phỏng vấn và chủ đề, để chuẩn bị danh sách câu hỏi phù hợp. Đôi khi, một cuộc trò chuyện qua điện thoại có thể cung cấp cho bạn những hiểu biết ban đầu về các kiến thức cần thiết hoặc các nguồn tham khảo đáng tin, từ đó bạn có thể mở rộng phạm vi và trọng tâm nghiên cứu của mình. Đây là lúc nghiên cứu của bạn trở nên sống động. Bạn sẽ ngạc nhiên về mức độ thông tin mà mọi người sẵn lòng chia sẻ, đặc biệt là các chuyên gia. Vậy nên hãy cố gắng đặt câu hỏi đúng, kể cả những câu khó.
Nghiên cứu sơ cấp
Nghiên cứu trực tuyến, sàng lọc qua các kho lưu trữ, báo chí, video, hồ sơ tòa án và các khảo sát. Nhưng quan trọng nhất, hãy trực tiếp đến hiện trường nếu có thể.
Khi thấy đội ngũ của bà Alison chỉ tập trung vào màn hình máy tính, biên tập viên sẽ thúc giục họ: “Hãy ra ngoài và nói chuyện với mọi người!”.
Họ là một đội ngũ phóng viên điều tra ở độ tuổi 20, làm việc cho một loạt chương trình thời sự và việc chỉ chăm chăm nghiên cứu online là điều cần hạn chế, ngoại trừ giai đoạn thu thập thông tin cơ bản.
Bởi vì gặp gỡ trực tiếp là cách tốt nhất để tìm đến cốt lõi câu chuyện. Bà Alison không khuyến khích gặp gỡ bí mật với Deep Throat – người được mệnh danh là “nguồn tin giấu tên nổi tiếng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ”, nhưng nếu bạn nghĩ mình có thể có được thông tin độc quyền thì hãy thử làm điều đó.
Theo bà, định nghĩa thực sự của báo chí là phải có mặt tại một địa điểm, nói chuyện với những người có trải nghiệm thực tế, cảm nhận bầu không khí, tham dự một sự kiện và có thể mô tả sống động cảnh tượng tại thời điểm đó. Tất nhiên, một bài viết như vậy vẫn cần được hỗ trợ bởi các dữ liệu và thông tin bổ sung, và có thể là một quan điểm thay thế tùy thuộc vào chủ đề. Nhưng nếu có thể nhân hóa một câu chuyện tin tức hay một bài viết sẽ khiến ngòi bút của bạn vẽ ra những lời văn hấp dẫn hơn.
Hãy tưởng tượng bạn viết một bài phân tích về tình trạng vô gia cư chỉ với dữ liệu và thông tin từ xa. Nó có thể đúng sự thật và hơi thú vị, nhưng so với việc ra ngoài và nói chuyện với những người vô gia cư, lắng nghe câu chuyện và mô tả điều kiện sống của họ, điều đó tạo ra một bài viết tốt hơn và phản ánh chân thực hơn về vấn đề này, đúng không? Lưu ý là hãy luôn xin phép trước khi sử dụng tên thật của ai đó vì nhiều người không muốn chia sẻ thông tin cá nhân.
Tự thu thập dữ liệu
Bạn có thể tìm thấy dữ liệu như số vụ tai nạn tàu hỏa trong một tiểu bang trên các trang web chính phủ. Nhưng để tìm hiểu sâu hơn và khám phá thêm thông tin, hãy nghiên cứu các bài báo trong một khoảng thời gian cụ thể, đặc biệt là các tờ báo địa phương, nơi có khả năng cao là sẽ đề cập đến những câu chuyện này. Bạn sẽ tìm thấy thêm thông tin như những tình huống cụ thể của ai đó.
Ngoài ra, bạn cũng có thể phỏng vấn “người trên đường phố” (vox pops) tốt nhất là với một máy quay hoặc máy ghi âm kỹ thuật số và thu thập ý kiến của nhiều người về chủ đề của bạn để sử dụng kết quả trong bài viết. Có thể sẽ có một câu trả lời của ai đó rất sâu sắc và bạn sẽ muốn phỏng vấn họ thêm.
Mạng xã hội thì sao?
Hãy lướt qua các trang mạng xã hội nếu bạn đang tìm kiếm chủ đề liên quan đến xu hướng. Bạn cũng có thể tìm thấy ý tưởng nhưng hãy thận trọng. Nó chỉ nên là một bước đệm và tuyệt đối không nên sử dụng như nguồn thông tin chính thống. Những status của ai – dù họ có nổi tiếng đến đâu – cũng không phải là tin tức thực sự.
Đọc các bài đăng trên mạng xã hội thường giống như nghe lén một cuộc thảo luận sôi nổi ở quán bar địa phương. Nó không phản ánh chính xác thực tế hoặc nhất thiết là quan điểm của công chúng. Đó chỉ là một cửa sổ thú vị trong thế giới của chúng ta, thế thôi.
Tham dự sự kiện
Là một nhà sản xuất của PBS chuyên về các vấn đề quốc tế, bà Alison đã quyết định tham gia Hiệp hội Liên hợp quốc (UNA). Trong một cuộc họp, bà phát hiện Paul Rusesabagina – người quản lý khách sạn trong bộ phim “Khách sạn Rwanda”, sẽ đến thăm. Vì vậy, bà đã liên hệ với ban tổ chức để có một cuộc phỏng vấn độc quyền 30 phút. Bà đã có được thông tin này trước các nhà báo khác, và việc tham dự sự kiện thật sự đáng giá.
Ngoài ra, tham gia các cộng đồng trực tuyến hoặc đăng ký nhận bản tin và các ấn phẩm từ các nguồn đáng tin cậy có thể hữu ích cho mục đích nghiên cứu. Hãy theo dõi bất kỳ tổ chức phi lợi nhuận hoặc cộng đồng nào hoạt động sôi nổi trong các lĩnh vực bạn quan tâm.
Có thể thấy, một nhà báo sử dụng đa dạng phương pháp nghiên cứu và tìm kiếm thông tin khi muốn triển khai một chủ đề. Tùy thuộc vào độ phức tạp và chiều sâu người viết muốn khai thác thì mức độ đầu tư ở giai đoạn nghiên cứu sẽ khác nhau. Nhưng nhìn chung, một bài viết thực sự lôi cuốn người đọc luôn đòi hỏi người viết khéo léo kết hợp tìm kiếm đa dạng hình thức thông tin (dữ liệu, quan điểm, phỏng vấn, tin độc quyền…).
Theo Phương Quyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Writer’s Digest