Ogilvy bàn về các tố chất của “Account Manager cực phẩm”
Là một trong những agency sáng giá nhất thập niên 70-80 với tầm ảnh hưởng đến tận ngày nay, Ogilvy & Mather sớm đã xây dựng cho riêng mình bộ tiêu chí tuyển dụng Account Manager – vị trí đặc thù của ngành quảng cáo. Thay vì liệt kê những gạch đầu dòng như thường lệ, bác Ogilvy đã đúc kết thành những câu hỏi gợi mở và trình bày dưới dạng mẩu tin trên báo in. Nhờ đó, ứng viên có thể đối chiếu mức độ phù hợp của bản thân với công việc.
Sẽ rất lý tưởng nếu công ty tuyển được những nhân viên có năng lực vượt trội. Nhưng tiền đề của việc đó là ứng viên cần hiểu tường tận mô tả công việc (JD), để đánh giá khả năng thực hiện tất cả các nhiệm vụ, đồng thời xác định xem liệu bản thân có thể phát huy tối đa tiềm năng trong môi trường làm việc đó hay không. Sự phù hợp giữa ứng viên và văn hóa doanh nghiệp mới chính là mấu chốt cho sự gắn bó và phát triển bền vững về lâu dài.
Dưới đây là bản lược dịch 18 câu hỏi đại diện cho bộ yêu cầu công việc của vị trí Account Manager tại Ogilvy & Mather, cùng với đó là nhận định dựa trên kinh nghiệm cá nhân của mình (người dịch). Theo bản gốc, nếu bạn có thể thành thật trả lời “có” cho 15 câu trong số đó, có thể bạn có đủ năng lực để trở thành Account Manager tại Ogilvy & Mather, Los Angeles.
“Ogilvy truyền kì” là “tuyển tập” những bài dịch của mình, làm sống lại loạt bài viết “quảng cáo cho công ty quảng cáo”, được đích thân “ông vua quảng cáo” David Ogilvy viết và phát hành vào những năm 1960 và 1970. Qua thời gian, mình nghĩ đây vẫn là những “bí kíp” có giá trị bền vững mà marketer nên đọc một lần trong đời.
Mời bạn xem bản đầy đủ của print-ad “Account Managers: Could you make the grade at Ogilvy & Mather?”:
* Câu hỏi 1: Ngành quảng cáo có phải là đam mê “ăn vào máu” của bạn không? Bạn có tận hưởng việc hoạch định chiến lược, yêu thích việc bán hàng và mong muốn sáng tạo nên những chiến dịch hay ho?
Có thể thấy, đây là một câu hỏi nhằm khám phá niềm đam mê của ứng viên đối với ngành quảng cáo. Bởi chỉ khi thực sự say mê ngành quảng cáo, bạn mới có sự tò mò và đủ động lực để tìm hiểu những người đứng sau các chiến dịch và cảm thấy thôi thúc muốn tham gia để thỏa mãn óc sáng tạo vốn có. Đam mê là bước đệm quan trọng để khởi động sự nghiệp trong ngành quảng cáo với vai trò hoạch định và quản lý chiến lược tại các agency mà không phải bất kỳ chuyên môn nào khác của ngành.
Từ khoá: yêu quảng cáo, mê sáng tạo, thích bán hàng
* Câu hỏi 2: Bạn có chịu được áp lực lớn đến mức nhiều người khác không thể chịu nổi không?
* Câu hỏi 3: Bạn có sẵn sàng làm việc chăm chỉ không? Nếu câu trả lời là “không” thì đừng đọc tiếp.
Hai câu hỏi này thể hiện bản chất của ngành quảng cáo, đặc biệt là creative agency – môi trường tiếp xúc vô số đề bài đến từ nhiều client khác nhau trong cùng thời điểm. Điều này đòi hỏi sự bền bỉ trong việc chịu áp lực từ những yêu cầu đa dạng và khắt khe, cả về tốc độ lẫn chất lượng sáng tạo. Tuy nhiên, không nên coi áp lực là một gánh nặng của ngành. Thực tế, mình biết có những người không xem deadline là áp lực mà là niềm tự hào, bởi họ cảm thấy được khách hàng tin tưởng và đồng đội ngưỡng mộ, như một người hùng trong mắt team của mình.
Từ khoá: chịu được áp lực, tận hưởng deadline
* Câu hỏi 4: Bạn có biết giữ bí mật không? Khách hàng của chúng tôi tin tưởng giao nhiều thông tin quan trọng. Đây không phải là công việc dành cho những người thích nói chuyện phiếm.
Bản chất của agency là làm việc với nhiều client, đôi khi cùng trong một ngành hàng. Càng thành công, agency càng mở rộng phạm vi hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Thế nên, để giữ sự chuyên nghiệp trong công việc mà không xét nét tính cá nhân, các agency thường chia thành nhiều team riêng biệt, yêu cầu các nhóm không giao tiếp với nhau về thông tin khách hàng.
Một Account Manager giỏi không chỉ biết cách bảo mật thông tin mà còn cần sử dụng thông tin đó một cách khôn ngoan. Thông tin “mật” có thể mang lại lợi ích cho khách hàng khác, thậm chí có thể giúp agency giành thêm hợp đồng. Tuy nhiên, cách sử dụng nó còn thể hiện đạo đức trong kinh doanh.
Từ khoá: chính trực
* Câu hỏi 5: Bạn có chịu khó nghiên cứu kỹ trước khi bắt tay vào làm việc không? Tại Ogilvy & Mather, bạn sẽ phải lập kế hoạch và quản lý các chiến dịch quảng cáo trị giá hàng triệu USD. Thành công không phải do may mắn mà có.
Dĩ nhiên, công tác nghiên cứu kỹ lưỡng về thị trường, kênh truyền thông, đối thủ cạnh tranh... là bài tập thường xuyên và không thể thiếu đối với bất kỳ nhân sự nào trong ngành quảng cáo. Ở agency, tần suất này thậm chí còn “dữ dội” hơn. Đây là yếu tố buộc có dù trong thời kỳ nào.
Từ khoá: đào sâu vấn đề, không chủ quan
* Câu hỏi 6: Bạn có vốn từ phong phú không? Người nói mơ hồ và viết không rõ ràng sẽ khó trở thành Account Manager giỏi.
Yêu cầu “vốn từ” liên quan đến khả năng giao tiếp hiệu quả, thay vì khả năng viết copy. Bởi với vai trò Account Manager, bạn sẽ phải làm việc với nhiều khách hàng, đối tác và nhà cung cấp, vì vậy khả năng giao tiếp ngắn gọn, súc tích là điều bắt buộc. Nếu không, việc truyền đạt thông điệp và phản hồi sẽ gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến quá trình điều phối dự án.
* Câu hỏi 13: Bạn có biết nói ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề không? Không có chỗ cho những lời nói dài dòng ở đây.
Tương tự câu 6, khả năng giao tiếp tốt ngoài việc ăn nói khéo léo còn cần gãy gọn, súc tích, đúng vấn đề.
Từ khoá: súc tích, gãy gọn nhưng khéo léo, chuyên nghiệp
* Câu hỏi 7: Bạn có theo dõi công việc đến khi hoàn thành không? Những việc chưa hoàn thành có thể khiến bạn mất kiểm soát. Trong ngành này, điều đó có thể làm cho công việc bị đình trệ.
Ý của bác Ogilvy đó là “bạn có biết chịu trách nhiệm với công việc của mình hay không khi đối tác lơ là”.
Nguyên nhân xuất phát từ việc Account Manager là người chịu trách nhiệm chính trong dự án. Nếu họ không theo dõi sát sao và thúc đẩy tiến độ thì công việc sẽ không thể hoàn thành đúng hạn. Nếu dự án không hiệu quả, trách nhiệm đó sẽ đè nặng lên cả nhóm.
Account Manager phải chủ động theo sát, đôn đốc và yêu cầu mọi người để đảm bảo dự án thành công.
* Câu hỏi 10: Bạn có sẵn lòng giúp đỡ người khác không?
Câu hỏi này liên quan đến câu số 7, một trong những ý nghĩa của chuyện “đổ lỗi” xuất phát từ việc không muốn giúp đỡ người “lơ là”. Khi lựa chọn giúp đỡ người khác là giúp cho client, dự án, con đường sự nghiệp của chính mình.
Từ khoá: có trách nhiệm, làm xong việc
* Câu hỏi 8: Bạn có xem trọng sự nghiệp hơn là chỉ làm việc cho xong không? Những người hay thay đổi công việc thường không thành công ở Ogilvy & Mather.
Đây là một câu hỏi có thể áp dụng cho mọi ngành nghề. Một ứng viên nên định hình một con đường sự nghiệp vững chắc thay vì chỉ đi “xin việc”.
Từ khoá: xây dựng nghề nghiệp chứ không là xin việc
* Câu hỏi 9: Bạn có dám nói “Tôi không biết. Tôi sẽ tìm hiểu và trả lời sau” không? Chúng tôi không đưa ra các phỏng đoán. Và cũng không chấp nhận những quyết định bừa bãi.
Theo tôi, câu hỏi này xoay quanh hai khía cạnh chính: Thứ nhất là việc thừa nhận “tôi không biết” – không phải ai cũng là chuyên gia trong mọi lĩnh vực, và việc thẳng thắn thừa nhận điều này là bước khởi đầu tốt để tìm ra giải pháp nhanh chóng. Điều đó sẽ tốt hơn nhiều so với việc đưa ra những câu trả lời không chắc chắn hay phỏng đoán lung tung.
Từ khoá: biết cái mình không biết
* Câu hỏi 11: Bạn có dám nói “không” với khách hàng không? Khách hàng mong đợi nhận được lời khuyên thẳng thắn, không phải sự nịnh bợ.
Câu hỏi này phản ánh kỹ năng ở người Account Manager dày dặn kinh nghiệm. Việc nói “không” với client là điều cần thiết khi yêu cầu công việc vượt quá phạm vi đã thỏa thuận (SOW) hoặc đòi hỏi những điều không hợp lý, có thể gây tác động tiêu cực đến cả dự án lẫn khách hàng. Một Account Manager giỏi phải biết cách từ chối một cách nhẹ nhàng và khéo léo, vẫn giữ được sự chuyên nghiệp.
Ví dụ, nếu một thương hiệu có ngân sách hạn chế nhưng muốn chạy một chiến dịch viral hoặc OOH không phù hợp ở giai đoạn hiện tại, có hai lựa chọn:
- Say “yes”: Chấp nhận yêu cầu, thu tiền và mặc kệ hiệu quả của chiến dịch.
- Say “no”: Dũng cảm từ chối, thể hiện đạo đức nghề nghiệp và bản lĩnh của một Account Manager có kinh nghiệm.
Từ khoá: biết nói “không” một cách khéo léo
* Câu hỏi 12: Bạn có phải là một đối tác tốt không? Các Account Manager ở đây làm việc với tư cách đối tác với cả client và các đội ngũ sáng tạo, truyền thông, nghiên cứu.
Một Account Manager phải làm việc với nhiều đối tác, cả nội bộ lẫn bên ngoài, vì vậy việc bản thân họ cũng là một đối tác tốt là yêu cầu tất yếu.
Với câu hỏi này, ngụ ý của bác Ogilvy có thể là một Account Manager giỏi cần biết cân bằng giữa việc làm đối tác tốt với khách hàng lớn, nhưng đồng thời không được bỏ qua các thương hiệu nhỏ. Dù hiện tại thương hiệu có thể nhỏ, nhưng một ngày nào đó có thể phát triển lớn mạnh, và nếu họ nhận thấy sự thiếu quan tâm, điều này sẽ để lại ảnh hưởng tiêu cực về lâu dài. Một Account Manager thực thụ là người luôn giữ sự chuyên nghiệp và tận tâm với mọi khách hàng, bất kể quy mô lớn hay nhỏ.
Từ khoá: là một đối tác tốt mà không đánh giá hay kén chọn
* Câu hỏi 14: Bạn có thành tích làm việc tốt không? Chúng tôi luôn tìm kiếm những người có thành tích rõ ràng và vững vàng.
Đương nhiên vì công ty nào cũng muốn tìm những người có dự án thành công chứ không riêng gì Ogilvy & Mather.
Từ khoá: có thành tựu
* Câu hỏi 15: Bạn có quan tâm đến xu hướng kinh doanh và xã hội không? Marketing và quảng cáo thường phản ánh những thay đổi trong xã hội. Bạn cần phải cập nhật liên tục.
Nhiều người cho rằng làm trong ngành quảng cáo chỉ cần hiểu biết về marketing là đủ, mà không để tâm đến những gì đang diễn ra hàng ngày như tin tức kinh tế – xã hội, các ngành hàng không liên quan trực tiếp, hay các mô hình kinh doanh.
Tuy nhiên, những xu hướng này đã luôn đóng vai trò quan trọng và với sự phát triển nhanh chóng của thời đại thông tin, cùng với sự thay đổi liên tục của các mô hình kinh doanh, việc cập nhật thường xuyên là vô cùng cần thiết.
Chiến dịch quảng cáo cần phản ánh yếu tố thời đại để thu hút và đáp ứng đúng nhu cầu của khán giả mục tiêu, đặc biệt nếu bạn muốn bắt kịp xu hướng.
Từ khoá: nắm bắt xu hướng văn hoá – xã hội và thị trường
* Câu hỏi 16: Bạn có đủ năng lượng làm việc từ sáng đến tối không? Tại Ogilvy & Mather, công việc sẽ không dừng lại cho đến khi hoàn thành, không có nhiều thời gian cho những cuộc nói chuyện phiếm.
Nếu hỏi số 2 và 3 đề cập đến tốc độ và mức độ độ chăm chỉ khi làm việc tại agency, thì câu hỏi này liên quan đến câu chuyện chuyển đổi “chiếc mũ tư duy” liên tục – từ việc nghĩ như một người mẹ nuôi con đến cách sử dụng điện thoại...
Nếu không có đam mê thực sự, năng lượng sẽ cạn kiệt rất nhanh. Để thành công, bạn cần biết cách biến áp lực thành động lực chiến đấu, biến deadline và áp lực thành nguồn cảm hứng, khiến bạn trở thành người hùng trong mắt đồng đội.
Từ khoá: tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết
* Câu hỏi 17: Bạn có cứng rắn không? Ogilvy & Mather là agency có tiếng nhưng đôi khi cũng gặp phải thách thức. Chúng tôi không đánh giá cao những người yếu đuối, dễ bỏ cuộc.
Câu hỏi này không chỉ áp dụng riêng cho ngành quảng cáo mà còn có thể áp dụng cho nhiều lĩnh vực và cuộc sống nói chung. Để thành công, bạn cần đủ can đảm để đối diện với thử thách và chấp nhận thất bại. Sự mạnh mẽ cả về tinh thần lẫn thể chất đáng được trân trọng và tuyên dương.
Từ khoá: có sự can đảm để đối diện và đứng dậy trước thử thách và thất bại
* Câu hỏi 18: Bạn có muốn làm việc ở một công ty với cơ hội thăng tiến vượt bậc không? Managing Director của chúng tôi bắt đầu từ vị trí Copywriter. Hai trong số các Management Supervisor của chúng tôi từng là nhà lập kế hoạch truyền thông. Executive Creative Director bắt đầu với vai trò người đưa thư 12 năm trước.
Đây đơn thuần là câu hỏi để giới thiệu về cơ hội làm việc tại Ogilvy & Mather cũng như là câu call-to-action để “chốt” ứng viên.
★★★
Vậy là bạn đã hoàn thành 18 câu hỏi đại diện cho 18 yêu cầu khi làm việc tại Ogilvy & Mather với vai trò Account Manager rồi đấy. Theo bài gốc, nếu bạn vẫn cảm thấy hứng thú sau khi trả lời những câu hỏi này, bạn có thể viết cho agency một lá thư, ngắn gọn hoặc chi tiết tùy bạn để chia sẻ về bản thân và suy nghĩ của bạn về Ogilvy & Mather. Không cần quá trang trọng đâu!
Sau gần 40 năm kể từ khi JD này được xuất bản, bạn có cảm nhận giống mình là cách trình bày này vô cùng thú vị không? Hãy cùng mình thảo luận ở phần bình luận nhé!
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.