Marketer Phố Hương
Phố Hương

Content Executive @ Brands Vietnam

Data Station #49: Tái chế – Góc nhìn dài hạn từ báo cáo “Phân loại rác tại nguồn ở Việt Nam”

Với mong muốn nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của cộng đồng, góp phần vì một Việt Nam xanh – sạch – đẹp hơn, TGM Research hợp tác cùng Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) đã thực hiện một nghiên cứu chuyên sâu về nhận thức và hành vi người tiêu dùng đối với việc phân loại và tái chế rác thải trên cả nước.

Từ cá nhân đến doanh nghiệp, đâu là những thách thức trong quá trình này, những nỗ lực nào đã được triển khai trong nhiều năm qua để nâng cao nhận thức của cộng đồng về câu chuyện tái chế? Cùng tìm hiểu qua chia sẻ của bà Chu Thị Kim Thanh – Giám đốc Vận hành PRO Việt Nam và bà Nguyễn Bích Ngọc – Quản lý Truyền thông PRO Việt Nam.

Không chỉ đơn thuần chia sẻ những báo cáo hữu ích, Data Station là loạt bài phỏng vấn đào sâu vào các kết quả nghiên cứu, dưới góc nhìn của người trong cuộc, nhằm đưa ra những quan điểm sâu sắc và đề xuất có tính ứng dụng cao cho kế hoạch marketing sắp tới của bạn.

* Trước hết, bà có thể giới thiệu đôi chút về tầm nhìn và sứ mệnh của PRO Việt Nam?

Bà Chu Thị Kim Thanh – Giám đốc Vận hành PRO Việt Nam.

Bà Chu Thị Kim Thanh – Giám đốc Vận hành PRO Việt Nam.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, PRO đã xác định sứ mệnh trở thành một trong những nhân tố chính đóng góp vào một Việt Nam xanh, sạch, đẹp. Tên PRO cũng vốn là viết tắt của Packaging – Recycling – Organization, nghĩa là tập trung vào việc tái chế bao bì. Vì vậy, nhiệm vụ mà PRO Việt Nam tự đề ra cho mình là tập trung vào việc thúc đẩy để các mô hình thu gom, tái chế bao bì ở Việt Nam trở nên dễ tiếp cận và bền vững hơn.

Năm 2019, khi mới thành lập, PRO Việt Nam có 9 thành viên và trong vòng 5 năm, con số này đã lên tới 30 thành viên, trong đó có nhiều “ông lớn” trong ngành FMCG. Với chúng tôi, làm sao để thúc đẩy tái chế tại Việt Nam là một vấn đề dài hạn và rất cần sự chung tay của tất cả các bên. Doanh nghiệp sẽ cần sự ủng hộ từ người tiêu dùng và cả những chính sách hỗ trợ từ phía chính phủ. Do đó, PRO Việt Nam mong muốn có thể trở thành một tổ chức kết nối các bên để cùng nhau chia sẻ những giá trị chung. Tham vọng của PRO Việt Nam là đến năm 2030, 100% bao bì sản phẩm của các thành viên thuộc PRO Việt Nam sau khi đưa ra thị trường sẽ được thu gom và tái chế.

* Theo số liệu từ “Báo cáo Phân loại rác tại nguồn ở Việt Nam”, có 73% đáp viên thể hiện sự quan tâm đến các vấn đề môi trường và 77% đáp viên cho rằng các vấn đề môi trường có tồn tại trong khu vực sinh sống của họ. Theo bà, sự thay đổi về mặt nhận thức này đến từ đâu?

Nguồn: Báo cáo Phân loại rác tại nguồn ở Việt Nam – TGM Research x PRO Việt Nam

Tôi cho rằng tỉ lệ này là một dấu hiệu tương đối tốt về mặt nhận thức và tôi tin tỉ lệ này đạt được bởi nhiều tác nhân. Trong đó, thứ nhất là sự tuyên truyền từ Chính phủ, các cơ quan truyền thông, báo chí, truyền hình. Trong bối cảnh thế giới phẳng, chúng ta dễ dàng tiếp cận nhiều tin tức không chỉ từ truyền thông trong nước mà còn có cả truyền thông quốc tế.

Tiếp đến là các tổ chức hoạt động vì môi trường như PRO Việt Nam và cả những chiến dịch ESG của nhiều doanh nghiệp. Ngoài ra cũng có những nhóm nhỏ được lập ra bởi các bạn trẻ. Theo quan sát của PRO Việt Nam, trong thời gian vừa qua, các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về môi trường còn có sự tham gia tích cực của các trường đại học, trường phổ thông.

Chẳng hạn như chương trình hướng dẫn các bạn sinh viên hiểu về vòng tuần hoàn của nhựa hay khuyến khích hạn chế đồ nhựa dùng một lần. Tôi tin tất cả những nỗ lực này đã giúp mọi người bắt đầu nhận thức rõ hơn về những ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường đến với cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của bản thân và gia đình.

Vừa qua, PRO Việt Nam cũng vừa khởi động chương trình Vệ sĩ môi trường, nhằm xây dựng chuỗi thu gom và tái chế bao bì vỏ hộp sữa tại các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Chương trình này được sự ủng hộ của UBND tỉnh cũng như sự đồng hành của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh BR-VT, đã tạo được những tác động đáng kể tới nhận thức của nhà trường và các em học sinh trong việc bảo vệ môi trường. Có thể nhận thấy rằng để đi sâu rộng hơn trong việc nâng cao nhận thức và thúc đẩy thành hành động thì bắt đầu từ việc giáo dục, đặc biệt là thế hệ mầm non tương lai là vô cùng cần thiết.

Chương trình thu gom rác, thu gom vỏ hộp sữa tại các trường tiểu học và mầm non ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu do PRO Việt Nam tổ chức ngày 21/9 vừa qua.

Chương trình thu gom rác, thu gom vỏ hộp sữa tại các trường tiểu học và mầm non ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu do PRO Việt Nam tổ chức ngày 21/9 vừa qua.
Nguồn: PRO Việt Nam

* Với câu hỏi Việt Nam có nên xây dựng quy định về việc sử dụng tỷ lệ nguyên liệu tái chế bắt buộc trong các sản phẩm không, có 84% người tham gia khảo sát đồng ý. Thực tế với góc nhìn doanh nghiệp thì liệu điều này có khả thi? Ở Việt Nam, đâu là những thương hiệu đã tiên phong trong hoạt động này?

Tôi có thể nói rằng, việc bắt buộc sử dụng nguyên liệu tái chế trong các sản phẩm là điều hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, việc này cần phải có lộ trình, không thể ngay lập tức trong năm nay hay sang năm sẽ thực hiện được vì việc xây dựng khung quy định cần rất nhiều thời gian bởi nó sẽ liên quan đến nhiều câu chuyện khác như chuẩn bị cơ sở hạ tầng, xây dựng dần công nghệ, dây chuyền.

Bên cạnh đó, việc này cũng sẽ cần sự ủng hộ từ tất cả các cơ quan ban ngành và đặc biệt là người tiêu dùng. Bởi lẽ, nếu tâm lý của người tiêu dùng vẫn còn nghi ngại chuyện dùng nhựa tái chế trong các bao bì đựng thực phẩm, chẳng hạn như lo ngại về vấn đề sức khỏe, sợ rằng làm từ nhựa tái chế sẽ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì hành trình mang nguyên liệu tái chế vào trong đời sống vẫn sẽ rất khó để phát triển.

Với các doanh nghiệp là thành viên của PRO Việt Nam, hiện nay cũng đã có nhiều thương hiệu tiên phong trong việc sử dụng nguyên liệu tái chế và có cam kết sẽ tăng dần tỷ lệ sử dụng như Suntory PepsiCo, Coca-Cola, LaVie…

Nhiều thương hiệu đã sử dụng nguyên liệu tái chế và có cam kết sẽ tăng dần tỷ lệ sử dụng như Suntory PepsiCo, Coca-Cola, LaVie…
Nguồn: Tổng hợp

Bên cạnh đó, tôi nghĩ để tạo được dòng tuần hoàn thì cũng không hẳn chỉ có sử dụng nhựa tái chế hoặc nguyên liệu tái chế mà còn có thể xem xét đến việc giảm bớt nhựa trong sản phẩm, hoặc thay thế những thành phần hiện có bằng việc sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường.

Nhiều doanh nghiệp trong PRO Việt Nam đã thực hiện điều này, chẳng hạn như TH true MILK hay Nestlé, họ đã thay các sản phẩm sử dụng ống hút nhựa bằng ống hút giấy hoặc ống hút có thể phân hủy sinh học. Hay với chai nước suối, năm 2022, Aquafina cho ra mắt bao bì chai nước tinh khiết nhẹ nhất hệ thống Suntory PepsiCo toàn cầu với trọng lượng chỉ 11 gram hay chai Trà Oolong TEA+ với phương pháp chiết rót nóng (Hot Fill) với trọng lượng 15 gram.

Có thể thấy, nhiều thương hiệu đang cố gắng giảm bớt lượng nhựa dùng trong mỗi chai nhưng vẫn giữ nguyên dung tích. Hay việc thiết kế nắp chai có thể đậy kín mà không cần đến lớp màng co nắp chai, bởi những chiếc màng co đó cũng làm từ nhựa và rất khó thu gom để tái chế.

* Khi được hỏi về khái niệm 3R (Giảm thiểu, Tái sử dụng, Tái chế), chỉ có 50% người tham gia khảo sát ở độ tuổi 15-24, trả lời đã từng đọc hoặc nghe qua về khái niệm này. Điều này cho thấy sự hiểu biết về các nguyên tắc của 3R vẫn còn nhiều hạn chế. PRO Việt Nam và các thành viên của PRO Việt Nam đã từng thực hiện những hoạt động gì để thúc đẩy nhận thức và hiểu biết về 3R?

Việc phổ biến nguyên tắc 3R là một trong những trọng tâm hoạt động của PRO Việt Nam. Năm 2021, PRO Việt Nam đã tài trợ để biên dịch và phát hành bộ sách “Cùng học về 3R” (tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu) do Bộ Môi trường Nhật Bản biên soạn và sau đó mang sách đến các cá nhân, trường học, tổ chức liên quan. PRO Việt Nam cũng phối hợp cùng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED) để dịch và xuất bản sách về quản trị chiến lược và kinh tế tuần hoàn.

Năm 2021, PRO đã tài trợ để biên dịch và phát hành bộ sách “Cùng học về 3R” (tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu) của Bộ Môi trường Nhật Bản.

Năm 2021, PRO Việt Nam đã tài trợ để biên dịch và phát hành bộ sách “Cùng học về 3R” (tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu) của Bộ Môi trường Nhật Bản.
Nguồn: PRO Việt Nam

Bên cạnh đó, PRO Việt Nam cũng cùng các đối tác và thành viên tổ chức một số những chiến dịch truyền thông hay các hoạt động thu gom, tái chế ở các khu dân cư, siêu thị, trường học như ở các chuỗi siêu thị và cửa hàng bán lẻ là Saigon Co.op, Ân Nam Gourmet và cả khu dân cư Novaland. Ngoài ra, PRO cũng từng phối hợp với URENCO – công ty Môi trường Đô thị Hà Nội để tổ chức chiến dịch thu gom, đổi rác lấy quà ở một số quận. Trong TP. HCM, PRO làm việc với CITENCO cho chiến dịch này.

Một hoạt động thu gom, tái chế do PRO Việt Nam triển khai tại Saigon Co.op.

Một hoạt động thu gom, tái chế do PRO Việt Nam triển khai tại Saigon Co.op.
Nguồn: Báo điện tử Chính phủ

Nhiều thành viên của PRO Việt Nam như LaVie, Suntory PepsiCo, Mondelez, TTC, URC đã sử dụng logo của PRO Việt Nam trên các bao bì sản phẩm để lan tỏa giá trị, tuyên truyền và gửi đi thông điệp về việc giảm thiểu rác thải và hướng đến nền kinh tế tuần hoàn của bao bì.

Một số thương hiệu cũng tổ chức các hoạt động thu gom trực tiếp như TH true MILK năm 2023 đã tổ chức chương trình “Thu Gom Vỏ Hộp, Lan Tỏa Sống Xanh” để thu gom và tái chế vỏ hộp sữa đã sử dụng tại các cửa hàng. Hay Suntory PepsiCo với “Trạm tái sinh Aquafina” ở các siêu thị, họ có máy để thu gom chai nhựa, lon nhôm và giới thiệu cho người tiêu dùng về mô hình tuần hoàn của của bao bì.

“Trạm tái sinh Aquafina” thu gom chai nhựa, lon nhôm và giới thiệu cho người tiêu dùng về mô hình tuần hoàn của của bao bì.

Chương trình “Thu Gom Vỏ Hộp, Lan Tỏa Sống Xanh” của TH true MILK và “Trạm tái sinh Aquafina” tại các siêu thị
Nguồn: Tổng hợp

Ở thời điểm hiện tại, việc sử dụng nguyên liệu tái chế trong bao bì sản phẩm sẽ tốn kém hơn việc sử dụng nguyên liệu nguyên sinh. Vấn đề thu gom rác tại các hộ gia đình cũng tương đối khó khăn do chúng ta chưa có biện pháp phân loại rác tại nguồn, việc tái chế sau đó vì vậy cũng sẽ mất nhiều thời gian hơn. Vì vậy, với những công ty, nhãn hàng tiên phong trong việc sử dụng bao bì tái chế, tôi cho rằng Nhà nước cũng nên có chính sách khuyến khích để ghi nhận những nỗ lực của các doanh nghiệp.

* PRO Việt Nam có thể chia sẻ thêm một số chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức về bao bì tái chế đã được triển khai và những thách thức mọi người gặp phải trong quá trình thực hiện là gì? Làm thế nào để thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh?

Các chiến dịch truyền thông về nâng cao nhận thức luôn là một trong những trọng tâm dài hạn và được duy trì xuyên suốt của PRO Việt Nam. Trong lộ trình 10 năm mà PRO Việt Nam đề ra, việc truyền thông để thay đổi hành vi người tiêu dùng là một trong những mục tiêu chính.

Các chiến dịch truyền thông về nâng cao nhận thức luôn là một trong những trọng tâm dài hạn và được duy trì xuyên suốt của PRO Việt Nam.

Việc tổ chức chương trình để nâng cao nhận thức như tài trợ biên phiên dịch, phát hành sách, phối hợp với các bên thúc đẩy các chương trình thu gom và tái chế tại địa phương, nâng cao vai trò của người thu gom rác... là một trong những hình thức để PRO Việt Nam tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng, từ đó gia tăng nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng sản phẩm tái chế hoặc ưu tiên những sản phẩm có bao bì làm từ nguyên liệu tái chế.

Bên cạnh đó, PRO Việt Nam cũng phối hợp với các đối tác, các đơn vị truyền thông có uy tín khác để triển khai các chương trình dài hơn nhằm lan tỏa thông điệp, giá trị đến nhiều bạn đọc. Chẳng hạn như chương trình Việt Nam Xanh hợp tác cùng Báo Tuổi Trẻ hay phóng sự về tăng trưởng xanh phối hợp cùng Đài truyền hình Việt Nam để kể các câu chuyện về chuyển đổi xanh, những sáng kiến, cải tiến nhằm mang đến các sản phẩm thân thiện với môi trường của các doanh nghiệp.

Để thúc đẩy tiêu dùng xanh trong dài hạn, trước hết, vẫn cần bắt đầu từ hành chính công, chẳng hạn như khuyến khích việc tiêu dùng xanh hoặc mua sắm công xanh. Bên cạnh đó, việc tiến hành nhiều biện pháp quyết liệt cũng rất quan trọng. Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chậm nhất đến ngày 31/12/2024, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chính thức thực hiện việc phân loại rác tại nguồn.

Chương trình Việt Nam Xanh do PRO Việt Nam hợp tác cùng Báo Tuổi Trẻ.

Chương trình Việt Nam Xanh do PRO Việt Nam hợp tác cùng Báo Tuổi Trẻ.
Nguồn: Tuổi Trẻ

Tuy vậy, tôi cho rằng, vai trò và ý thức tự giác của mỗi cá nhân vẫn là rất quan trọng. Nếu tất cả mọi người đều hiểu được rằng dù chỉ là thói quen, hành vi nhỏ cũng có thể tạo ra giá trị cho chính bản thân và gia đình thì tôi tin rằng sẽ có thể tạo nên những thay đổi lớn.

* Cảm ơn hai bà vì những chia sẻ thiết thực!

Tìm hiểu thêm thông tin về “Báo cáo Phân loại rác tại nguồn ở Việt Nam” tại đây.

Xem thêm các bài viết khác cùng chuyên mục tại đây.

Phố Hương / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam