Marketer Thanh Uyên
Thanh Uyên

Content Editor @ Brands Vietnam

Brand Updates W35-37/2024: Gojek rời Việt Nam, nhiều doanh nghiệp chung tay hỗ trợ người dân vùng lũ

Brand Updates W35-37/2024: Gojek rời Việt Nam, nhiều doanh nghiệp chung tay hỗ trợ người dân vùng lũ

Trong những tuần qua, bản tin Brand Updates liên tục ghi nhận nhiều thông tin đáng chú ý: Gojek chính thức rút khỏi thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài cùng chung tay cứu trợ người dân vượt qua bão lũ, 7-Eleven từ chối đề nghị mua lại của công ty mẹ Circle K... và nhiều tin tức nổi bật khác.

Gojek thông báo rút khỏi thị trường Việt Nam

Sau 6 năm kinh doanh tại Việt Nam, hãng gọi xe công nghệ Indonesia bất ngờ thông báo ngừng hoạt động từ ngày 16/9. Đại diện Gojek cho biết công ty mẹ là Tập đoàn GoTo đã đưa ra quyết định này khi đánh giá lại sự hiện diện trên thị trường của thương hiệu. Đây được xem là một bước tiến chiến lược nhằm củng cố hoạt động kinh doanh, cho phép công ty tập trung vào các thị trường tăng trưởng bền vững hơn.

“Chúng tôi gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc đến toàn bộ nhân viên, người dùng, các đối tác tài xế, đối tác nhà hàng, những người đã đóng góp và là một phần không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh của Gojek tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ thực hiện các hỗ trợ cần thiết đối với tất cả các bên bị ảnh hưởng trong suốt quá trình chuyển tiếp này, đồng thời tuân thủ các quy định và pháp luật hiện hành”, phía Gojek chia sẻ.

Theo Business Times (Singapore), Gojek Việt Nam chiếm chưa đến 1% tổng giá trị giao dịch của GoTo trong quý II/2024. Do đó, việc rút khỏi Việt Nam sẽ không ảnh hưởng đến tình hình tài chính của công ty. Trước đó, vào năm 2021, GoTo cũng đã tạm biệt Thái Lan. Hiện tại, công ty chỉ tập trung phát triển tại quê nhà và thị trường trọng điểm Singapore.

Gojek thông báo rút khỏi thị trường Việt Nam.

Nguồn: Tuổi Trẻ

Nhiều doanh nghiệp chung tay hỗ trợ người dân vượt qua bão lũ

Với tinh thần tương thân tương ái, cùng hướng về các tỉnh thành chịu ảnh hưởng nặng nề sau siêu bão Yagi, các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài đã chung tay trợ giúp người dân thông qua nhiều hình thức khác nhau.

Tiêu biểu như tập đoàn Vingroup thông báo ủng hộ 250 tỷ đồng cho hoạt động cứu trợ khẩn cấp như dựng lại khoảng 2.000 ngôi nhà bị sụp đổ, và hỗ trợ từ 150-300 triệu đồng cho gia đình có người thân thiệt mạng. Tập đoàn Viettel đóng góp 20 tỷ đồng vào quỹ của Bộ Quốc phòng và 80 tỷ đồng các dịch vụ cung cấp cho người dân vùng bị ảnh hưởng. Tập đoàn VNPT đóng góp 25 tỷ đồng hiện vật và 25 tỷ đồng dịch vụ cung cấp cho người dân. Mỗi doanh nghiệp ngành Ngân hàng cũng ủng hộ khoảng 1-2 tỷ đồng, nâng tổng số tiền ủng hộ của toàn ngành lên 37,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn tích cực tham gia hỗ trợ thông qua hoạt động vận chuyển hàng hoá cứu trợ. Như Tập đoàn Masan hỗ trợ 16.000 phần quà thực phẩm và nhu yếu phẩm với tổng giá trị ước tính khoảng 7 tỷ đồng. Thế Giới Di Động tặng 10.000 nồi cơm điện, giúp người dân sớm tái thiết lại cuộc sống bình thường sau bão lũ. FPT Shop triển khai các điểm sạc miễn phí tại những khu vực chịu ảnh hưởng nhằm đáp ứng nhu cầu duy trì thông tin liên lạc của người dân…

Đến thời điểm hiện tại, số lượng các đơn vị ủng hộ đồng bào khu vực lũ lụt ở miền Bắc vẫn tiếp tục tăng cao, với niềm hy vọng người dân các tỉnh thành sớm trở lại cuộc sống bình thường.

Nhiều doanh nghiệp chung tay hỗ trợ người dân vượt qua bão lũ.

Nguồn: VnExpress

GSM hợp tác với công ty con của tập đoàn Mai Linh, lập liên doanh sửa chữa ô tô

Ngày 12/9, GSM (đơn vị vận hành Xanh SM) và Mê Kông Xanh (thuộc Mai Linh Group) công bố quyết định thành lập liên doanh MeKong Xanh SM, cung cấp dịch vụ sửa chữa ô tô trên toàn quốc. Theo thỏa thuận, hệ thống xưởng này sẽ sửa chữa, bảo dưỡng cho cả xe xăng và xe điện của Xanh SM, Mai Linh, đối tác nhượng quyền, cá nhân tham gia nền tảng Xanh SM Platform, đối tác của Mê Kông Xanh và toàn bộ xe mang thương hiệu VinFast trên toàn quốc.

Trong giai đoạn đầu, hai bên sẽ chuyển đổi 39 xưởng dịch vụ sẵn có của Mê Kông Xanh và hoạt động theo mô hình mới. Dự kiến đến hết năm 2025, liên doanh có thêm 60 xưởng, nâng tổng quy mô lên 99 xưởng trên toàn quốc; qua đó đưa MeKong Xanh SM trở thành hệ thống sửa chữa ô tô quy mô lớn hàng đầu Việt Nam. Đặc biệt, 99 xưởng này sẽ được tích hợp vào mạng lưới các xưởng dịch vụ sẵn có của VinFast (hơn 80 xưởng) nhằm đáp ứng nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng ô tô của người Việt.

Theo ông Hồ Huy – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mai Linh, Mê Kông Xanh sẽ chia sẻ bề dày kinh nghiệm và đặc thù của lĩnh vực sửa chữa, bảo dưỡng; đồng thời tận dụng lợi thế về công nghệ của GSM để phát huy sức mạnh tổng hợp, mang lại lợi ích song phương.

GSM hợp tác với công ty con của tập đoàn Mai Linh, lập liên doanh sửa chữa ô tô.

Nguồn: VnExpress

Nisshin Seifun Welna gia nhập thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam

Nisshin Seifun Welna, thành viên của tập đoàn Nisshin Seifun (Nhật Bản), chính thức ra mắt loạt sản phẩm tiêu dùng đa dạng cho thị trường Việt Nam. Trong lần đầu tiên ra mắt, Nisshin Seifun Welna mang đến 3 loại xốt mì ý dạng túi ăn liền, 2 loại xốt nấu cơm và sắp tới là 6 loại bột trộn sẵn.

Tại quê nhà Nhật Bản, danh mục thực phẩm chế biến sẵn của Nisshin Seifun Welna trải dài từ bột mì, bột chiên giòn, bột chiên tampura đến sốt mì ý, thực phẩm đông lạnh… và chiếm thị phần lớn trên nhiều phân khúc. Công ty quyết định thâm nhập thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam vì nhận thấy nhu cầu cao về thực phẩm chế biến sẵn của người Việt, đặc biệt là ở các hộ gia đình có hai nguồn thu nhập cao và thường xuyên nấu ăn tại nhà.

Đại diện Nisshin Seifun Welna cho biết công ty đã tận dụng tối đa năng lực sản xuất của hai công ty con tại Việt Nam, đồng thời nghiên cứu và phát triển chuỗi sản phẩm phù hợp với gu ẩm thực của người Việt. Các sản phẩm sở hữu nhiều hương vị mới, khác biệt so với vị nguyên bản Nhật Bản, nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam.

Dự kiến, thương hiệu sẽ mở rộng phân phối các sản phẩm mì ý khô và thực phẩm đông lạnh, được sản xuất bằng công nghệ hiện đại tại các nhà máy ở Việt Nam, Nhật Bản, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ…

Nisshin Seifun Welna gia nhập thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam

Nguồn: Báo Tin Tức

7-Eleven từ chối đề nghị mua lại của công ty mẹ Circle K

Seven & I Holdings (công ty mẹ của chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven) vừa từ chối đề nghị mua lại của Alimentation Couche-Tard (công ty mẹ của chuỗi Circle K) vì không chấp nhận mức giá chào mua. Trong đề xuất gần nhất, Alimentation Couche-Tard đã đưa ra mức giá gần 15 USD/cổ phiếu, nâng tổng trị giá của thương vụ lên 38,5 tỷ USD.

Trong thông báo ngày 6/9, Seven & I Holdings cho biết họ luôn “cởi mở và cân nhắc chân thành” với bất kỳ lời đề nghị nào có lợi nhất cho các cổ đông. Tuy nhiên, “chúng tôi cũng sẽ từ chối những đề xuất không đánh giá đúng giá trị thực của công ty, hoặc không giải quyết được các lo ngại pháp lý” – thông báo viết.

Trên thực tế, trong suốt 20 năm qua, các nhà đầu tư nước ngoài và những doanh nghiệp như Alimentation Couche-Tard đã cố gắng mua lại 7-Eleven nhưng không thành công. Đến nay, 7-Eleven vẫn được xem là niềm tự hào của ngành bán lẻ Nhật Bản. Chính phủ và cổ đông trong nước không muốn để 7-Eleven rơi vào tay người nước ngoài vì lo sợ đánh mất bản sắc doanh nghiệp.

Dù vậy, giới chuyên gia và nhà đầu tư vẫn kỳ vọng sẽ có cuộc đàm phán tiếp theo giữa hai công ty. Bởi nếu được thực hiện, đây sẽ là thương vụ M&A lớn nhất của một doanh nghiệp nước ngoài với công ty Nhật Bản, và cũng sẽ là thương vụ thâu tóm xuyên biên giới lớn nhất toàn cầu trong năm nay.

7-Eleven từ chối đề nghị mua lại của công ty mẹ Circle K.

Nguồn: Bloomberg

Qualcomm xem xét mua lại bộ phận thiết kế chip của Intel

Qualcomm đang xem xét việc thâu tóm các bộ phận khác nhau của Intel – công ty công nghệ gặp khó khăn về tài chính, đang tìm các bán đi một số đơn vị kinh doanh và tài sản. Trong đó, mảng thiết kế chip dành cho PC của Intel đang được ban lãnh đạo của Qualcomm đặc biệt quan tâm. Nếu thoả thuận được thực hiện, Qualcomm có thể củng cố công nghệ, mở rộng danh mục sản phẩm và giành được chỗ đứng tại thị trường mới.

Qualcomm vốn là công ty bán dẫn nổi tiếng trong lĩnh vực điện thoại thông minh, hiện được định giá 184 tỷ USD. Trong năm tài chính gần nhất, Qualcomm đã tạo ra doanh thu khoảng 36 tỷ USD. Trong khi đó, Intel đã chứng kiến một quý II “thảm hại”, đồng thời tiếp tục “vật lộn” với tình hình kinh doanh trì trệ, khiến ban lãnh đạo phải cân nhắc bán đi một số bộ phận kinh doanh. Do đó, triển vọng mua lại của Qualcomm là hoàn toàn khả thi nếu công ty đưa ra lời đề nghị chính thức.

Ngoài Qualcomm, Apple cũng được cho là đang tìm hiểu các bộ phận kinh doanh khác nhau của Intel.

Qualcomm xem xét mua lại bộ phận thiết kế chip của Intel.

Nguồn: VnExpress

YouTube cung cấp công cụ quản lý trẻ em cho phụ huynh

YouTube vừa giới thiệu một tính năng mới cho phép phụ huynh giám sát chặt chẽ hơn hoạt động của con cái trên nền tảng. Tính năng này sẽ liên kết tài khoản của phụ huynh và con cái thông qua trung tâm Family Center. Từ đó, phụ huynh có thể theo dõi hoạt động của con trên YouTube. Ngoài ra, họ cũng sẽ nhận được thông báo qua Email về các sự kiện quan trọng như khi con tải lên video mới hoặc lên sóng livestream.

YouTube nhấn mạnh tính năng này được thiết kế dựa trên nguyên tắc “tin tưởng, nhưng xác minh”. Các thanh thiếu niên toàn quyền quyết định việc có tham gia vào trải nghiệm giám sát này hay không, và có thể hủy liên kết tài khoản với phụ huynh bất cứ lúc nào. Đây là một nỗ lực của YouTube nhằm giải quyết những lo ngại về an toàn trực tuyến của trẻ em nhưng vẫn tôn trọng quyền tự chủ của người dùng thiếu niên.

Brand Updates W35-37/2024: Gojek rời Việt Nam, nhiều doanh nghiệp chung tay hỗ trợ người dân vùng lũBrand Updates W35-37/2024: Gojek rời Việt Nam, nhiều doanh nghiệp chung tay hỗ trợ người dân vùng lũ

Nguồn: YouTube Blog

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Theo Thanh Uyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Tổng hợp