Marketer Hoàng Vinh
Hoàng Vinh

Creative Director @ Vilian Branding

Khi kinh doanh không chỉ là bán hàng: 1 góc nhìn thương hiệu từ những điều nho nhỏ

Khi kinh doanh không chỉ là bán hàng: 1 góc nhìn thương hiệu từ những điều nho nhỏTôi luôn tự hỏi: khi làm thương hiệu, bạn thường bắt đầu từ đâu và đánh giá nó như thế nào? Có phải dựa vào cảm tính, hay chỉ đơn thuần theo đám đông? Theo tôi, đánh giá một thương hiệu nên bắt đầu từ "nguyên tắc 3B cơ bản": Business (kinh doanh), Brand (thương hiệu), và Behavior (hành vi). Đây là 3 yếu tố nền tảng giúp xây dựng và định hình thương hiệu một cách bền vững. Và khi nhìn nhận về Kati, tôi cũng bắt đầu từ 3 yếu tố này:

1. Business: Việc kinh doanh của bạn là gì?

Điều đầu tiên và quan trọng nhất: Kati đang kinh doanh gì? Từ góc nhìn của số đông, Kati là một doanh nghiệp trong ngành FnB, kết hợp với không gian trải nghiệm. Ở 1 góc nhìn giản đơn, ta có thể thấy chỉ cần sản xuất ra những sản phẩm cốt lõi liên quan đến đồ uống như vài thùng nước sạch mang thương hiệu Kati đi làm từ thiện cũng đã đủ để tạo sự lan tỏa. Tuy nhiên, với một thương hiệu có tham vọng và tầm nhìn dài hạn như Kati, điều này chưa đủ. Kinh doanh không chỉ là bán sản phẩm mà còn phải tạo nên giá trị khác biệt. Sản phẩm chỉ là phương tiện, còn giá trị mà bạn mang lại cho khách hàng là yếu tố tạo nên thương hiệu mạnh. Và ta sẽ đi đến điều tôi quan tâm thứ 2

2. Brand: Thương hiệu của bạn xây dựng dựa trên giá trị nào?

Mỗi doanh nghiệp đều hướng đến việc mang lại “một giá trị vượt trội” cho khách hàng. Với thời gian, giá trị đó sẽ được khách hàng cảm nhận và ghi nhớ. Với Kati, tôi biết họ đã định vị mình như một nơi trải nghiệm dành cho giới trẻ, nhưng phát triển bền vững dựa trên nguồn nông sản bản địa. Điều này không chỉ thể hiện qua sản phẩm mà còn qua các chiến dịch cộng đồng họ từng thực hiện – từ chiến dịch 1K cho đến những hoạt động gần đây. Vấn đề là, làm sao để duy trì được cam kết này? Thương hiệu không thể chỉ được xây dựng từ những hành động ngắn hạn. Kati cần tiếp tục hành trình cam kết với cộng đồng, hướng tới vùng nông sản bản địa, hỗ trợ những khu vực nghèo khó – tất cả điều đó phải được truyền tải một cách nhất quán, trẻ trung, sang trọng nhưng vẫn nhân văn.

Chúng ta có thể thấy rằng, hình ảnh và thông điệp của Kati dường như chưa được truyền tải đồng bộ trong chiến dịch bị mang tiếng mấy ngày gần đây. Thông báo và hình ảnh có phần vội vã, chưa thực sự phản ánh rõ nét giá trị và định hướng thương hiệu. Thương hiệu phải là sự tích lũy của các điểm chạm tích cực, không phải là những khoảnh khắc bột phát. Cho nên, để tạo nên 1 thương hiệu đúng định hướng ta phải có những thói quen tích cực không phải từ ban lãnh đạo không mà còn phải từ những nhân sự tuyến đầu, điều đó sẽ tạo nên những hành động đúng đắn phản ánh những giá trị lõi của công ty và lan tỏa hình ảnh tích cực của Doanh nghiệp. Và tôi muốn chia sẻ về điều thứ 3 tôi quan tâm đó là…

3. Behavior: Hành vi của bạn như thế nào?

Hành vi của doanh nghiệp và nhân viên phản ánh trực tiếp giá trị cốt lõi và mục tiêu thương hiệu. Khi thương hiệu đã được định hình rõ ràng, nhân viên sẽ hiểu rõ “sứ mệnh” của doanh nghiệp mình. Họ sẽ không chỉ phục vụ khách hàng mà còn trở thành những đại sứ thương hiệu, giúp khách hàng cảm nhận được giá trị mà thương hiệu Kati mang lại. Ví dụ: “việc cảm ơn khách hàng” – dù chỉ là một hành động nhỏ – có thể giúp xây dựng hình ảnh thương hiệu tích cực. Kati có thể tạo ra sự khác biệt bằng cách cảm ơn khách hàng vì đã góp phần vào những dự án vì cộng đồng, khiến cả nhân viên và khách hàng đều cảm thấy mình đang làm điều ý nghĩa. Một lời cảm ơn chân thành, dù nhỏ, nhưng có thể mang lại trải nghiệm sâu sắc và tạo ấn tượng lâu dài. Không nói đâu xa, nhìn vào các doanh nghiệp như TGDĐ hay những nhà hàng sushi Nhật Bản, bạn sẽ thấy rằng hành vi phục vụ là một phần quan trọng trong việc tạo dựng thương hiệu cảm xúc mạnh. Những hành động nhỏ nhưng được thực hiện với ý thức và thái độ đúng đắn sẽ nâng tầm trải nghiệm khách hàng, và giúp thương hiệu phát triển bền vững.

Kết luận: Thương hiệu không phải là những thứ nhất thời, nó cần được xây dựng từ “giá trị cốt lõi”, và phải được truyền tải qua mọi hoạt động, từ sản phẩm đến hành vi nhân viên. Tôi nghĩ rằng làm thương hiệu bền vững không cần quá nhiều chiêu trò hay sự hào nhoáng, chỉ cần bạn luôn trung thực với giá trị của mình và kiên định theo đuổi những điều ý nghĩa. Nói tới đây tôi bỗng nhớ đến 1 vị sư đi bộ 6 năm…

Hoàng Vinh - The Brandee