Marketer Lam Phương
Lam Phương

Content Executive @ Brands Vietnam

Liệu thương hiệu có cần minh bạch với người tiêu dùng khi sử dụng nội dung do AI tạo ra?

Trong thời kỳ lên ngôi của AI, nhiều doanh nghiệp đang học cách sử dụng công cụ này để cải thiện hiệu quả và trở nên nổi bật hơn trong môi trường tiếp thị số. Theo báo cáo Digital Trends 2024 của Adobe cho khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Nhật Bản (APJ), các thương hiệu thuộc khu vực này đang dẫn đầu trong việc triển khai AI tạo sinh và dự kiến sẽ có những thay đổi lớn về tổ chức trong thời gian tới để mở rộng quy mô áp dụng.

Gần hai phần ba (65%) giám đốc điều hành thuộc khu vực APJ tham gia nghiên cứu cho biết họ đã triển khai hoàn toàn hoặc đang thí điểm các giải pháp AI, tỷ lệ này cao hơn so với các doanh nghiệp ở Mỹ (61%) và Châu Âu (55%). Trong khu vực APJ, tỷ lệ triển khai AI cao nhất là ở Nhật Bản (82%), tiếp theo là Ấn Độ và Châu Á (đều đạt 72%).

Báo cáo cũng cho thấy, việc ứng dụng AI tạo sinh là yếu tố góp phần thúc đẩy tăng trưởng nhiều nhất cho các thương hiệu trong khu vực APJ vào năm 2024. Do đó, đa số các thương hiệu đang soạn thảo hướng dẫn sử dụng AI một cách có trách nhiệm (73%) và đồng thời điều chỉnh kế hoạch triển khai AI sao cho phù hợp với các mục tiêu kinh doanh lớn hơn (71%).

Hơn 2/3 các thương hiệu APJ tin rằng AI tạo sinh có khả năng phân tích và quản lý dữ liệu tốt hơn bất kỳ bộ phận nào của tổ chức. Họ nhận ra rằng khả năng quản lý và phân tích dữ liệu chính là năng lực cốt lõi của thương hiệu, thế nên hầu hết đều lên kế hoạch tăng cường đầu tư vào quản lý dữ liệu khách hàng trong năm 2024. Ấn Độ là quốc gia dẫn đầu trong khu vực APJ với 75% thương hiệu có kế hoạch này.

Tầm quan trọng của niềm tin của người tiêu dùng

Sự gia tăng nhanh chóng của việc tạo, chia sẻ và xuất bản nội dung trong thời đại AI đã đặt ra nhiều câu hỏi quan trọng liên quan đến vấn đề niềm tin cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, theo Simon Dale, Vice President của Adobe Châu Á.

“Liệu người dùng có thể nhận biết nội dung do AI tạo ra, đặc biệt là những thông tin sai lệch hay không? Các tổ chức và nhà sáng tạo nội dung làm thế nào để đảm bảo rằng họ đang đổi mới có trách nhiệm khi tận dụng lợi ích của AI?”, Simon Dale chia sẻ.

Khi những câu hỏi này vẫn chưa tìm được lời giải, thương hiệu sẽ phải đối mặt với những hậu quả của việc lan truyền thông tin sai lệch do AI tạo ra. Điều này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến danh tiếng của thương hiệu, vốn gắn liền với niềm tin của người tiêu dùng, Simon Dale nói thêm.

Thực tế, báo cáo của Adobe cho thấy niềm tin vẫn là ưu tiên hàng đầu của 86% người tiêu dùng trong khu vực khi tương tác với những trải nghiệm trên môi trường kỹ thuật số do thương hiệu mang lại.

Trong khi đó, 81% người tiêu dùng cảm thấy thoải mái khi các thương hiệu sử dụng hình ảnh do AI tạo ra để làm cho thông điệp tiếp thị hấp dẫn hơn. 80% người tiêu dùng đồng ý với việc các thương hiệu sử dụng AI để đưa ra gợi ý tốt hơn về các sản phẩm và dịch vụ mà họ có thể quan tâm.

Khi ngày càng nhiều thương hiệu sử dụng AI để sáng tạo nội dung, người tiêu dùng sẽ dần đánh giá cao những nội dung này hơn vì họ hiểu rằng AI chỉ là công cụ. Chính người sử dụng công cụ mới là người đáng tin cậy, chứ không phải bản thân AI, theo Sagar Paranjpe – Senior Consultant về marketing và trải nghiệm khách hàng tại Prasarana Malaysia.

Duy trì tính minh bạch

Các công cụ AI ngày càng phổ biến và được sử dụng rộng rãi trong tiếp thị, đặc biệt là công tác sáng tạo nội dung. Thế nên thương hiệu cũng cần minh bạch với người tiêu dùng bằng cách công bố minh bạch nếu sử dụng nội dung do AI tạo ra, Paranjpe chia sẻ.

“Niềm tin là yếu tố vô cùng quan trọng. Nếu người tiêu dùng phát hiện rằng nội dung được tạo bởi AI mà không được thông báo trước, thì việc lấy lại sự tín nhiệm sẽ rất khó khăn, tốn kém và thậm chí có thể tổn hại lớn đến uy tín thương hiệu. Trong thời đại thông tin hiện nay, người tiêu dùng sớm hay muộn cũng sẽ nhận ra, và càng phát hiện muộn, hậu quả càng nghiêm trọng hơn”, ông nói thêm.

Thật vậy, thời đại của nội dung do AI tạo ra đòi hỏi một mức độ cởi mở và trung thực mới, và người tiêu dùng sẽ mong đợi các thương hiệu thẳng thắn về các hành động của họ, Simon Dale cho biết.

Đó là lý do tại sao Adobe đã khởi động Sáng kiến Xác thực Nội dung (Content Authenticity Initiative) và đồng sáng lập Liên minh Nguồn gốc và Xác thực Nội dung (Coalition for Content Provenance and Authenticity) nhằm thúc đẩy việc phát triển bộ tiêu chuẩn chung về xác thực nội dung, hướng đến áp dụng rộng rãi. Adobe cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Công nghệ Tiên tiến về An toàn Trực tuyến (CATOS) để nghiên cứu áp dụng công nghệ xác thực nội dung tại Singapore.

Adobe khởi động Sáng kiến Xác thực Nội dung (Content Authenticity Initiative) nhằm thúc đẩy việc phát triển bộ tiêu chuẩn chung về xác thực nội dung, hướng đến áp dụng rộng rãi.

Adobe khởi động Sáng kiến Xác thực Nội dung (Content Authenticity Initiative) nhằm thúc đẩy việc phát triển bộ tiêu chuẩn chung về xác thực nội dung.
Nguồn: Photofocus

Ngoài ra, tính minh bạch về nội dung do AI tạo ra không chỉ là vấn đề đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng mà còn là một yêu cầu chiến lược để xây dựng niềm tin, đảm bảo các hành động có đạo đức và duy trì các tiêu chuẩn chất lượng và tính xác thực cao, ông nói thêm.

Tuy nhiên, theo Don Anderson – Giám đốc Điều hành của Kaddadle Consultancy – đôi khi, điều đó còn phụ thuộc vào loại nội dung được sản xuất

“Ví dụ, một bài đăng dạng văn bản thông thường trên Facebook có thể không cần nêu rõ nếu nó được sản xuất bằng AI, nhưng một báo cáo nghiên cứu có thể cần phải công bố điều này do vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ và nguồn gốc thông tin được trích dẫn”, Don Anderson nói thêm.

Ông Anderson nhấn mạnh rằng, khi sử dụng AI để tạo ra các thông điệp dành cho người tiêu dùng, thương hiệu cần đảm bảo rằng họ sử dụng dữ liệu và thông tin riêng của mình. Điều này giúp duy trì sự tin tưởng từ phía người tiêu dùng, đặc biệt khi AI giúp dễ dàng tiếp cận thông tin và ý tưởng sáng tạo.

“Điều này đặc biệt quan trọng với các thương hiệu tài chính và bảo hiểm – nơi mà thông tin đáng tin cậy trong thông điệp marketing đóng vai trò then chốt trong trải nghiệm người dùng và quyết định mua hàng”, ông Anderson khẳng định.

Ông cũng lấy Dove làm ví dụ, thương hiệu đã giải quyết hiệu quả các mối lo ngại của người tiêu dùng về deepfake và hình ảnh do AI tạo ra trong chiến dịch #KeepBeautyReal, bằng cách củng cố cách mà thương hiệu đại diện và tôn vinh vẻ đẹp trên toàn thế giới, đồng thời sử dụng nghiên cứu độc quyền để củng cố vị thế của mình trong một nghiên cứu toàn cầu.

Trong kỷ nguyên AI, việc minh bạch về nội dung do AI tạo ra là điều cần thiết để xây dựng niềm tin và bảo vệ uy tín thương hiệu. Sự rõ ràng không chỉ đảm bảo chất lượng mà còn giúp tránh mất lòng tin từ phía khách hàng. Do đó, các thương hiệu nên chủ động thông báo khi sử dụng AI trong quy trình sáng tạo nội dung.

Theo Lam Phương / Brands Vietnam
* Nguồn: Marketing-Interactive