Những ấn phẩm báo chí nổi bật tại SOPA Awards 2024
SOPA Awards là một giải thưởng thường niên do Hiệp hội các nhà xuất bản Châu Á (The Society of Publishers in Asia) thành lập vào năm 1999, nhằm ghi nhận và tôn vinh các tác phẩm báo chí xuất sắc.
Các tác phẩm dự thi được chấm điểm bởi ban giám khảo là các nhà báo và các học giả nổi tiếng từ khắp nơi trên thế giới với những tiêu chuẩn khắt khe.
Danh sách các hạng mục trao giải
SOPA Awards 2024 gồm có 21 hạng mục:
- Excellence in Reporting on Women’s Issues: Tôn vinh những bài viết về cuộc sống của phụ nữ Châu Á và những thách thức mà họ phải đối mặt.
- Excellence in Journalistic Innovation: Tôn vinh tác phẩm báo chí sử dụng các công cụ kỹ thuật số hoặc công nghệ mới để cung cấp nội dung tin tức theo cách sáng tạo và/hoặc khuyến khích sự tham gia của độc giả.
- Excellence in Audio Reporting: Tôn vinh tác phẩm báo chí âm thanh xuất sắc về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội hoặc văn hóa.
- Excellence in Video Reporting: Tôn vinh các bản tin video ngắn xuất sắc.
- Excellence in Human Rights Reporting: Tôn vinh tác phẩm đưa tin về chủ đề nhân quyền xuất sắc.
- Excellence in Feature Writing: Tôn vinh tác phẩm có văn phong xuất sắc khi mô tả một ý tưởng, sự kiện, xu hướng hoặc giải thích một chủ đề quan trọng.
- Excellence in Technology Reporting: Vinh danh các báo cáo nổi bật về công nghệ, minh họa tác động của công nghệ đối với các vấn đề chính trị, kinh tế hoặc xã hội.
- Excellence in Magazine Design: Vinh danh tạp chí có cách trình bày trực quan, sinh động.
- Excellence in Arts and Culture Reporting: Tôn vinh tác phẩm viết về các chủ đề nghệ thuật và văn hóa, bao gồm ẩm thực và du lịch.
- Excellence in Bahasa Indonesia News Reporting: Giải thưởng dành cho những câu chuyện có tác động mạnh mẽ, góp phần định hình những vấn đề liên quan đến tình hình chính trị, kinh doanh hoặc các vấn đề xã hội/văn hóa.
- Excellence in Explanatory Reporting: Tôn vinh tác phẩm có lối viết và phân tích chuyên sâu về một chủ đề quan trọng.
- Excellence in Business Reporting: Tôn vinh các tác phẩm viết về hoạt động kinh doanh.
- Excellence in Infographics: Tôn vinh các bài dự thi có cách trình bày thông tin dưới dạng đồ họa xuất sắc.
- Excellence in Reporting Breaking News: Tôn vinh tác phẩm đưa tin tức thời sự, sự kiện nhanh chóng kịp thời chẳng hạn như thiên tai, bất ổn chính trị, thay đổi chính sách đột ngột của chính phủ và các hành động quản lý, và các câu chuyện kinh doanh và tài chính.
- Excellence in Opinion Writing: Tôn vinh bài viết hoặc bài xã luận góp phần thúc đẩy thảo luận và tranh luận về một chủ đề quan trọng.
- Excellence in Reporting on the Environment: Tôn vinh tác phẩm về môi trường.
- Excellence in Photography: Tôn vinh tác phẩm nhiếp ảnh đặc sắc.
- Giải thưởng Scoop: Tôn vinh câu chuyện độc quyền có tác động đáng kể và được nhiều phương tiện truyền thông cạnh tranh theo dõi.
- Giải Carlos Tejada cho Báo cáo Điều tra Xuất sắc: Tôn vinh ấn phẩm thông qua việc sử dụng các nguồn báo chí của mình, ngoài việc đưa tin có thể bao gồm các bài xã luận, ảnh và đồ họa, phục vụ cho việc thúc đẩy lợi ích công cộng về một chủ đề quan trọng.
- Giải thưởng SOPA dành cho nhà báo trẻ: Vinh danh nhà báo xuất sắc dưới 30 tuổi đã thể hiện tài năng và sự tận tâm đặc biệt trong phạm vi đưa tin của họ.
- Giải thưởng SOPA cho Báo chí Dịch vụ Công: Ghi nhận những tác phẩm báo chí xuất sắc trên phương tiện báo in, nhiếp ảnh, video hoặc trực tuyến, đóng góp tiêu biểu cho dịch vụ công tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Mỗi hạng mục gồm có 3 bảng trao giải gồm: Global, Regional và Chinese. Mỗi bảng sẽ gồm giải thưởng Award for Excellence và Honorable Mention.
Những tác phẩm đáng chú ý tại SOPA Awards 2024
India’s love story with a movie still on the big screen after 27 years
Phóng sự “India’s love story with a movie still on the big screen after 27 years” của nhà báo Mujib Mashal và Suhasini Raj (The New York Times) được vinh danh với Giải thưởng Danh dự (Honorable Mention), hạng mục Excellence in Arts and Culture Reporting – bảng Global.
Bài phóng sự của The New York Times nói về sức ảnh hưởng vượt thời gian của bộ phim Bollywood “Dilwale Dulhania Le Jayenge” (tựa Việt: “Trái tim dũng cảm cưới được cô dâu”). Bộ phim tình cảm lãng mạn này đã được chiếu liên tục suốt 29 năm tại rạp Maratha Mandir của Mumbai, kể từ khi phát hành vào năm 1995. Nhờ yếu tố tình cảm đôi lứa và tình cảm gia đình, phim kết nối được nhiều tầng lớp xã hội khác nhau và nêu cao thông điệp “hãy đi theo tiếng gọi con tim”.
Theo bài báo, các bộ phim chiếu rạp mới có thể thành công hoặc thất bại nhưng lượng khán giả của “Dilwale Dulhania Le Jayenge” vẫn rất ổn định dù đã gần 3 thập kỷ trôi qua. Khán giả đến xem phim hiện tại chủ yếu là người dân thuộc tầng lớp thấp tại Ấn Độ: từ tài xế taxi, thợ hàn, người bán đồ cũ… cho đến người vô gia cư và gái mại dâm. Một số người vào rạp xem phim để tránh cái nóng của thành phố nhưng vẫn có rất nhiều người đến vì thực sự yêu thích bộ phim, dù đã xem đi xem lại hàng trăm lần.
Sự hiện diện xuyên suốt tại rạp, trong gần 3 thập kỷ qua, là minh chứng cho tác động văn hóa của “Dilwale Dulhania Le Jayenge” và mối liên hệ hoài niệm mà phim mang lại cho nhiều người hâm mộ. Trích nguyên văn từ bài báo này: “Đối với những người bị bỏ lại phía sau, thế giới của ‘Dilwale Dulhania Le Jayenge’ — câu chuyện và các ngôi sao, âm nhạc và lời thoại của phim — là một lối thoát. Đối với những người vẫn đang phấn đấu, phim là nguồn cảm hứng. Và đối với những người đã thành công, phim là một chiếc hộp lưu trữ thời gian, là điểm khởi đầu cho quá trình chuyển đổi của Ấn Độ”.
Bất chấp những thay đổi trong ngành công nghiệp điện ảnh và sự gia tăng của các rạp chiếu phim phức hợp, “Dilwale Dulhania Le Jayenge” vẫn tiếp tục thu hút khán giả với sức hấp dẫn vượt thời gian và giữ một vị thế độc đáo trong lịch sử Bollywood.
Nhận xét của ban giám khảo SOPA: “Bài viết chọn một góc nhìn độc đáo để khám phá những biến động kinh tế, xã hội và văn hóa của Ấn Độ trong ba thập kỷ qua, như thường lệ, được viết bằng chất trữ tình đặc trưng của NYT cùng nhiều chi tiết nhân văn. Đây là phóng sự hay nhất. Tôi vẫn nghĩ về câu chuyện này hai tuần sau khi đọc nó”.
Bài viết nhận được đánh giá cao từ Ban Giám Khảo bởi cách đặt góc nhìn rất thú vị – mượn một bộ phim chiếu rạp, ăn khách suốt 29 năm để liên hệ với bối cảnh chính trị, văn hoá và xã hội tại Ấn Độ. Bên cạnh đó, các bức ảnh trong bài chủ yếu xoay quanh rạp phim nhưng vẫn mô tả một cách chân thật và thể hiện rất rõ đời sống tinh thần của người dân lao động ở Ấn Độ.
Married to my rapist: The Indian women saying no
Sự đồng thuận là một điều xa xỉ ở Ấn Độ – một trong những quốc gia đông dân nhất thế giới. Cho đến thời điểm hiện tại, quốc gia này vẫn còn chấp thuận thông lệ từ thế kỷ 17 rằng người phụ nữ thuộc sở hữu của chồng cô ấy. Một điều mà nhiều quốc gia trên thế giới đã thẳng thừng bãi bỏ khi đi trên con đường phát triển. Bài viết “Married to my rapist: The Indian women saying no” khai thác ba câu chuyện hôn nhân từ ba người phụ nữ ẩn danh mà CNN liên lạc được, mang những hiện thực xấu xí về việc hãm hiếp trong hôn nhân ở Ấn Độ ra ánh sáng. Bài báo được vinh danh ở giải thưởng Honorable Mention, hạng mục Excellence in Reporting on Women's Issues (Global).
Điểm sáng đầu tiên của bài viết đến từ chủ đề và cách dẫn dắt. Khi nói về một chuỗi sự việc được lặp lại nhiều đến mức được (đàn ông) Ấn Độ xem là hiển nhiên, thay vì đưa ra các con số định lượng, tác giả dùng trích dẫn và lời kể của nạn nhân trong từng câu chuyện đánh vào nhận thức của người đọc một cách mạnh mẽ:
- “Bà của chồng sẽ không ăn những gì tôi nấu hay chạm vào”.
- “Chồng tôi nói anh ta biết anh ta đang hãm hiếp tôi và bảo tôi cứ việc báo cho nhà chức trách nếu thích”.
Ngoài ra, câu chuyện trong bài có tính đa chiều, cảm xúc nhân vật trong ba câu chuyện đều khác nhau, họ có cái kết khác nhau: có người không sống cùng chồng nữa, có người cùng chồng đến gặp nhà tư vấn hôn nhân để cải thiện mối quan hệ, hoặc cố ép mình tiếp tục sống cùng chồng vì không còn con đường nào khác. Tuy nhiên, tất cả họ đều cho rằng việc hãm hiếp trong hôn nhân nên được hình sự hóa.
Một chút về bố cục bài viết, giữa mỗi câu chuyện là những phân tích sâu hơn về nguồn gốc của các luật lệ khó hiểu này, quan điểm từ các nhà báo và nhà hoạt động xã hội, góc nhìn từ chính những người đàn ông. Cuối cùng, là bức tranh tổng quan để người đọc nhìn thấy quá trình thay đổi của luật pháp về vấn đề này. Tuy nhiên, đích đến về một xã hội công bằng, bình đẳng trong hôn nhân vẫn còn cách phụ nữ Ấn Độ một chặng đường xa xôi.
How to cool down a city
“How to cool down a city” xuất sắc đoạt 2 giải thường tại SOPA Awards: Giải Honorable Mention ở hạng mục Excellence in Journalistic Innovation (Global) và Award for Excellence ở hạng mục Excellence in Infographics (Global). Và điều này, hoàn toàn thuyết phục. Bài báo là câu trả lời cho một câu hỏi hóc búa: Làm thế nào để các thành phố lớn có thể “làm mát” trước những tác động đang ngày càng nhìn thấy rõ của biến đổi khí hậu qua case-study của đất nước Singapore?
Biến đổi khí hậu (Climate Change) vốn không phải là chủ đề mới, vì vậy, làm sao để viết cái cũ với một cách thể hiện mới và khiến độc giả cảm thấy hứng thú là bài toán đặt ra cho The New York Times. Ai cũng biết và nghe qua về biến đổi khí hậu, nhưng vấn đề là làm sao để người đọc có thể hiểu chúng thật sự đang hoạt động như thế nào?
Khô khan, khoa học, khó hiểu vốn là những tính từ thường được nhớ đến khi mọi người nhắc đến biến đổi khí hậu. Và The New York Times đã giải bài toán này bằng cách minh họa cho những kiến thức và nghiên cứu chuyên ngành về khí hậu, dòng nhiệt, xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị qua loạt hình ảnh động kỹ thuật số (motion graphic).
Bắt nguồn từ thực tế một số khu vực trung tâm thành phố Singapore nóng hơn so với các vùng nông thôn bên ngoài thành phố. Bài báo đi từ nguyên nhân của sự nóng lên: hầu như mọi khía cạnh trong quá trình xây dựng mọi thành phố trên toàn cầu đều đang khuếch đại nhiệt, mà như bài báo có viết là “từ những tòa nhà nơi chúng ta sống cho đến những chiếc xe chúng ta lái”. Cụ thể, các thành phố chặt cây và loại bỏ những loại cây tạo bóng mát, phủ những khu vực rộng lớn bằng bê tông và nhựa đường, cuối cùng, chúng hấp thụ nhiệt vào ban ngày và giải phóng nhiệt vào ban đêm.
Để chứng minh cho câu chuyện chủ động tạo ra không gian xanh trong xây dựng có thể giúp thúc đẩy hiệu ứng làm mát. The New York Times đã minh họa cụ thể tính khoa học của giải pháp này bằng ví dụ về cách quy hoạch thực tế của thành phố Marina Bay (Singapore). Thay vì làm mát từng không gian nhỏ riêng lẻ, khu vực này được quy hoạch tập trung, làm mát nhiều tòa nhà cùng một lúc bằng cách chạy nước lạnh qua mạng lưới ống cách nhiệt. Mạng lưới làm mát khu vực này hiệu quả hơn nhiều so với việc sử dụng nhiều máy điều hòa nhỏ, giúp giảm tiêu thụ năng lượng và lượng nhiệt thải.
Có thể nói, việc khéo léo ứng dụng công nghệ không chỉ giúp The New York Times biến mọi thông tin trở nên sinh động và trực quan hơn mà còn cho phép bài báo tăng tính tương tác với độc giả. Bởi thao tác thường thấy của người dùng khi đọc một báo bài điện tử là lướt chuột xuống, khi thao tác đơn giản này cũng có thể tạo ra sự thay đổi trực quan về mặt thị giác, đó là lúc có thể giữ chân độc giả ở lại để đọc đến dòng cuối cùng.
Abortion’s stigma in Indonesia keeps rape victims from safe health services
Bài viết “Abortion’s stigma in Indonesia keeps rape victims from safe health services” của Project Multatuli được tôn vinh ở giải Honorable Mention, hạng mục Excellence in Reporting on Women’s Issues (Regional). Tác phẩm mạnh dạn chạm đến một vấn đề nhạy cảm và bị lãng quên trong xã hội Indonesia – quyền phá thai của nạn nhân bị cưỡng hiếp. Đây là một thách thức về mặt đạo đức và xã hội, đồng thời đụng chạm sâu sắc đến những lỗ hổng trong hệ thống pháp luật hiện hành.
Tại đất nước này, phá thai là việc làm trái pháp luật, trừ khi đó là nạn nhân bị cưỡng hiếp hoặc người mẹ gặp tình trạng nguy hiểm. Luật phá thai đã được mở rộng từ 6 tuần lên 14 tuần thai kỳ cho những trường hợp cưỡng hiếp, nhưng chính những quy định phức tạp, sự kỳ thị xã hội và sự phản đối mạnh mẽ từ các tổ chức y tế lớn vẫn khiến nhiều nạn nhân vẫn không thể sử dụng dịch vụ này một cách dễ dàng.
Tác phẩm đề cập đến câu chuyện đau lòng của Melati, một học sinh tiểu học bị một người đàn ông trung niên cưỡng hiếp. Cô bé mang thai được 4 tuần và gia đình phải chật vật tìm kiếm sự giúp đỡ từ Trung tâm khủng hoảng phụ nữ (WCC) để tìm một nhà cung cấp dịch vụ phá thai ở Jombang, Đông Java. Trước đó, họ đã tìm đến sự hỗ trợ từ đồn cảnh sát địa phương nhưng bị từ chối vì cho rằng “Đó là một hành vi tội lỗi”.
WCC Jombang đã cố gắng hỗ trợ Melati tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà cô đủ điều kiện. Tuy nhiên, các cơ sở y tế nơi Melati sinh sống không thông cảm với các nạn nhân bị tấn công tình dục. Gia đình cô, với sự giúp đỡ của một cố vấn WCC, đã đi đến nhiều trung tâm y tế cộng đồng, xin giấy giới thiệu cần thiết để phá thai hợp pháp tại một cơ sở tiên tiến hơn. Tuy nhiên, không có trung tâm y tế nào dám đưa ra giấy giới thiệu phá thai.
Điểm đặc biệt của bài viết là kể lại những câu chuyện cá nhân đầy đau xót nhưng vẫn đảm bảo đi sâu vào phân tích đa chiều từ góc độ luật pháp, y tế và xã hội. Nhờ đó, độc giả không chỉ nhìn thấy một bức tranh toàn diện, mà còn cảm nhận được nỗi đau của từng nạn nhân và hiểu rõ sự phức tạp và bất công mà họ phải đối mặt.
Không dừng lại ở việc phơi bày thực trạng, bài viết còn khéo léo kêu gọi sự cải tổ từ cộng đồng và ngành y tế, nhằm bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em. Đây có thể là động lực thúc đẩy nhận thức về quyền sinh sản an toàn và quyền phá thai cho nạn nhân bạo lực tình dục, một vấn đề vốn bị đè nén trong xã hội.
Baby snatching: How stateless mums lose their infants in Sabah hospital
“Baby snatching: How stateless mums lose their infants in Sabah hospital” của Malaysiakini đoạt giải Award for Excellence, hạng mục Excellence in Reporting on Women’s Issues (Regional). Đúng như tiêu đề tác phẩm, bài báo là câu chuyện điều tra sống động và chân thật về trường hợp những đứa trẻ sơ sinh của những người mẹ vô quốc tịch bị nhận nuôi mà không hề có sự đồng ý của họ, mà theo nhóm tác giả, đó chính là “bắt cóc”.
Việc được điều trị tại bệnh viện là một điều vô cùng xa xỉ đối với người vô quốc tịch, huống hồ là việc chữa trị và chăm sóc cho những đứa trẻ sơ sinh tại phòng khám NICU. Nhưng các bà mẹ trong những trường hợp này đều không bị yêu cầu thanh toán chi phí chăm sóc và được cho phép rời khỏi bệnh viện mà không có bắt cứ ràng buộc gì. Trùng hợp thay, những đứa trẻ sơ sinh của các bà mẹ vô quốc tịch này đều được nhận nuôi một cách nhanh chóng, trong khi quy trình nhận nuôi con không đơn giản và dễ dàng như thế.
Tréo ngoe hơn là những bà mẹ này đều không có cách nào có thể chứng minh, đó là con của mình. Phải chăng mọi thứ đều đã được tính toán từ trước, ai là người đã thanh toán viện phí cho những đứa trẻ? Hàng loạt câu hỏi chưa có lời giải đáp được đặt ra, phải chăng đây là những chiêu trò nhằm tước đoạt đứa trẻ sơ sinh từ tay những người mẹ vô quốc tịch đáng thương?
Tác phẩm tiết lộ nạn phân biệt đối xử sâu sắc với cộng đồng người vô quốc tịch từ các cơ quan chức năng và xã hội. Người vô quốc tịch gặp rào cản lớn về danh tính chính thức, họ không được hưởng các quyền công dân cơ bản như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, việc làm và bảo vệ pháp lý. Chính những điều này khiến họ mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của sự nghèo đói và bị xâm phạm quyền lợi.
Theo nhận định của hội đồng ban giám khảo, đây là một bài báo điều tra về một vấn đề ít được quan tâm, nhưng có sức ảnh hưởng và tác động thực tế to lớn. Bài báo đã phát hiện và làm rõ một vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân, thông qua quá trình nghiên cứu sâu sắc cùng những thông tin chi tiết, điều mà nhiều phương tiện truyền thông lớn khác khó có thể làm được. Đây chính là sứ mệnh quan trọng của báo chí địa phương.
Bên cạnh đó, bài báo còn được dàn trang một cách sinh động với những hình vẽ và ảnh minh hoạ mang tính kể chuyện rất trực quan, chân thực và thu hút.
Trên đây là một vài tác phẩm nổi bật được vinh danh tại giải thưởng SOPA Awards 2024. Bạn có thể xem danh sách đầy đủ các tác phẩm đoạt giải tại đây.