“Từ điển” chuẩn mực kế toán: Giải mã IFRS, VAS và US GAAP

“Từ điển” chuẩn mực kế toán: Giải mã IFRS, VAS và US GAAP

Để đảm bảo sự minh bạch và nhất quán trong báo cáo tài chính, các quốc gia khác nhau đã phát triển các hệ thống chuẩn mực kế toán riêng biệt. Trong bài viết này, cùng PSO MBA khám phá chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS), chuẩn mực kế toán Mỹ (US GAAP) và chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS).

Minh bạch hóa bằng chuẩn mực kế toán IFRS

Chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) là hệ thống các chuẩn mực kế toán toàn cầu do Hội đồng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (International Accounting Standards Board – IASB) phát triển.

IFRS đã được áp dụng tại 144 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, tạo ra một hệ thống báo cáo tài chính đồng nhất, minh bạch và dễ so sánh trên phạm vi toàn cầu. Việc áp dụng IFRS giúp các doanh nghiệp dễ dàng hoạt động trong môi trường kinh doanh quốc tế, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư quốc tế khi đánh giá và so sánh các cơ hội đầu tư.

IFRS phát hành vào năm 2001, hướng đến nâng cấp và thay thế các chuẩn mực kế toán quốc gia trước đây. IFRS liên tục được cập nhật và điều chỉnh để phản ánh sự thay đổi trong môi trường kinh doanh toàn cầu và nhu cầu của các bên liên quan.

Hiện tại, IFRS bao gồm 17 chuẩn mực, bao phủ mọi khía cạnh như ghi nhận doanh thu, tài sản, nợ phải trả.

Hiện tại, IFRS bao gồm 17 chuẩn mực, bao phủ mọi khía cạnh như ghi nhận doanh thu, tài sản, nợ phải trả.
Nguồn: Giảng viên ISB cung cấp

Chuẩn mực kế toán VAS: Cụ thể, chi tiết nhưng đôi khi thiếu linh hoạt

Được ban hành vào năm 2001, chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) là hệ thống các quy định và hướng dẫn kế toán được thiết lập và áp dụng tại Việt Nam. VAS có tác dụng chuẩn hóa việc lập báo cáo tài chính, giúp các doanh nghiệp và tổ chức tài chính có một cơ sở đồng nhất để báo cáo và so sánh kết quả hoạt động tài chính.

VAS bao gồm 26 chuẩn mực kế toán, các chuẩn mực này bao phủ hầu hết các khía cạnh của kế toán tài chính và kiểm toán, từ việc ghi nhận doanh thu, chi phí đến việc đánh giá tài sản và nợ phải trả.

Tại hội thảo MBA Talk #96 do Viện ISB và Đại học Western Sydney tổ chức, ông Ngô Huy Lộc – Director Of Finance And Accounting, CJ CheilJedang – đã chỉ ra những khác biệt cơ bản giữa VAS và IFRS.

Ông Ngô Huy Lộc cùng PGS.TS Đoàn Anh Tuấn – ISB Lecturer và ông Nguyễn Quang Mạnh – Chief Finance Officer, Lazada Việt Nam, chia sẻ tại hội thảo MBA Talk #96.

Ông Ngô Huy Lộc cùng PGS.TS Đoàn Anh Tuấn – ISB Lecturer và ông Nguyễn Quang Mạnh – Chief Finance Officer, Lazada Việt Nam, chia sẻ tại hội thảo MBA Talk #96.

“VAS mang tính chi tiết hơn, trong đó có nhiều văn bản quy định cụ thể. Trong khi đó, IFRS mang tính tổng quát, tập trung đưa ra các khung hướng dẫn mà không đi vào chi tiết” – Director Of Finance And Accounting tại CJ CheilJedang, nhấn mạnh.

Chi tiết chưa hẳn là tốt, vì chính những quy định chi tiết trong quá trình áp dụng VAS là nguyên nhân của những khó khăn và phức tạp trong quá trình triển khai. Còn “ngôn ngữ kế toán quốc tế” lại mang đến sự tiện lợi và linh hoạt trong quá trình thực thi.

Ông Ngô Huy Lộc nhấn mạnh một điểm khác biệt nổi bật là IFRS ghi nhận tài sản và các khoản mục kế toán theo giá trị hợp lý, phản ánh chính xác giá trị thực tế của chúng. Ngược lại, VAS, theo chuẩn mực kế toán truyền thống, ghi nhận tài sản và các khoản mục theo giá trị gốc mà không có sự điều chỉnh theo biến động thị trường.

Ông Lộc chia sẻ nhiều thông tin giá trị về VAS và IFRS tại hội thảo MBA Talk #96.

Ông Lộc chia sẻ nhiều thông tin giá trị về VAS và IFRS tại hội thảo MBA Talk #96.

US GAAP: “Bí quyết” minh bạch trong báo cáo tài chính Mỹ

Hoa Kỳ, trung tâm tài chính toàn cầu, sử dụng US GAAP làm chuẩn mực kế toán chính. Chuẩn mực kế toán Mỹ US GAAP được thiết lập để đảm bảo tính nhất quán và minh bạch trong báo cáo tài chính của các doanh nghiệp hoạt động tại Mỹ, cũng như các doanh nghiệp quốc tế có liên kết với thị trường Mỹ.

US GAAP (Generally Accepted Accounting Principles) đã được phát triển và duy trì bởi Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Tài chính (FASB) từ năm 1973. Bộ quy tắc này bao gồm một hệ thống toàn diện các nguyên tắc và hướng dẫn kế toán, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính chính xác và nhất quán của các báo cáo tài chính tại Hoa Kỳ.

Với kinh nghiệm triển khai đồng thời hai chuẩn mực US GAAP và IFRS, ông Nguyễn Quang Mạnh – Chief Finance Officer, Lazada Việt Nam – đã nhấn mạnh những điểm khác biệt giữa US GAAP và IFRS tại hội thảo MBA Talk #96.

Cũng như VAS, US GAAP có những quy định cụ thể (rules-based), yêu cầu tuân theo các quy tắc kế toán một cách chặt chẽ. Chuẩn mực này đòi hỏi người thực hiện cần tuân theo quy định một cách chính xác, không có ngoại lệ và đương nhiên cũng không có chỗ cho tính linh hoạt.

Ngược lại, IFRS tập trung vào nguyên tắc (principle-based), cung cấp các hướng dẫn tổng quát và khung nguyên tắc để người thực hiện có thể hiểu và áp dụng một cách linh hoạt. Điều này cho phép sự tự do trong việc diễn giải và thực hiện chuẩn mực, miễn là không vi phạm các nguyên tắc cơ bản của IFRS.

Trong khi US GAAP chủ yếu được áp dụng ở Mỹ và một số quốc gia có liên kết chặt chẽ với hệ thống tài chính của Mỹ, IFRS đã được triển khai rộng rãi trên toàn cầu, giúp tạo ra sự thống nhất và hòa nhập trong các quy chuẩn kế toán quốc tế.

Bảng so sánh sự khác biệt giữa US GAAP và IFRS.

Bảng so sánh sự khác biệt giữa US GAAP và IFRS.
Nguồn: Diễn giả cung cấp

Trên thực tế, việc ứng dụng hai hệ thống kế toán này có nhiều sự khác biệt rõ rệt. Ông Mạnh cho biết, một trong những khác biệt nổi bật nhất là trong phương pháp ghi nhận hàng tồn kho. Thông thường, có ba phương pháp chính để báo cáo hàng tồn kho:

  • First In, First Out (FIFO): Phương pháp này ghi nhận hàng tồn kho theo thứ tự nhập trước xuất trước.
  • Last In, First Out (LIFO): Phương pháp này ghi nhận hàng tồn kho theo thứ tự nhập sau xuất trước.
  • Phương pháp trung bình giá trị hàng hóa (WAC): Phương pháp này tính toán giá trị hàng tồn kho dựa trên giá trung bình của hàng hóa.

IFRS – với những nguyên tắc nghiêm ngặt, không cho phép doanh nghiệp ghi nhận hàng tồn theo phương pháp LIFO. “Nhiều doanh nghiệp thường áp dụng LIFO để tiết kiệm chi phí thuế. IFRS không chấp nhận phương pháp này để bảo đảm tính nhất quán và giá trị hợp lý cho lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp”, ông Quang Mạnh chia sẻ.

Trên thực tế, Lazada Việt Nam đã chọn phương pháp WAC khi thực hiện báo cáo tài chính theo hai chuẩn mực để đảm bảo sự tương thích và giảm thiểu khó khăn khi chuyển đổi giữa hai hệ thống.

Để thuận tiện trong việc báo cáo tài chính theo hai chuẩn mực, công ty của ông Mạnh còn “bắt tay” với một đơn vị thứ ba chuyên hỗ trợ việc lập báo cáo tài chính, giúp nộp đến cơ quan thuế, thực hiện các thủ tục thống kê và gửi báo cáo lên công ty mẹ.

Ông Mạnh cho biết thêm, công ty của ông đang áp dụng IFRS để nâng cao tính minh bạch trong kế toán và củng cố lòng tin của các nhà đầu tư tương lai, đặc biệt là khi công ty mẹ đã được niêm yết trên sàn chứng khoán. Mục tiêu cuối cùng là cải thiện hiệu quả tài chính và đảm bảo tính sẵn sàng của công ty.

Ông Nguyễn Quang Mạnh chia sẻ những điểm khác biệt giữa US GAAP và IFRS.

Ông Nguyễn Quang Mạnh chia sẻ những điểm khác biệt giữa US GAAP và IFRS.

Ứng dụng IFRS – “Chìa khóa” hội nhập toàn cầu

Bên cạnh những lợi ích mà ông Mạnh chia sẻ, PGS TS Đoàn Anh Tuấn – ISB Lecturer, cũng bổ sung nhiều giá trị khác mà chuẩn mực IFRS mang lại:

  • Định hướng tốt cho nhà đầu tư và các cấp lãnh đạo: IFRS cung cấp ngôn ngữ kế toán chung, giúp nhà đầu tư hay người phân tích dễ dàng so sánh báo cáo tài chính của các công ty từ các quốc gia khác nhau. Với ngôn ngữ kế toán chung này, doanh nghiệp còn có thể tăng cường tính minh bạch qua các báo cáo đồng nhất.
  • Tăng lòng tin của nhà đầu tư: Mức độ uy tín của doanh nghiệp được nâng cao khi áp dụng IFRS, vì báo cáo tài chính theo IFRS thường được các tổ chức và cơ quan đánh giá tài chính quốc tế, như các công ty xếp hạng tín dụng (credit rating agencies), các quỹ đầu tư và các tổ chức tài chính lớn, xem là đáng tin cậy và minh bạch hơn. Điều này cũng giúp doanh nghiệp dễ dàng huy động vốn toàn cầu hơn nhờ vào sự tin tưởng từ các nhà đầu tư.
  • Cải thiện chất lượng báo cáo tài chính: IFRS thúc đẩy việc sử dụng kế toán theo giá trị hợp lý và yêu cầu thể hiện đầy đủ thông tin, là tiền đề để mang lại báo cáo tài chính chính xác hơn. Với những thông tin tài chính chính xác, doanh nghiệp và các đối tượng liên quan có thể ra quyết định hiệu quả hơn.
  • Mang lại hiệu quả chi phí theo thời gian: Đối với các công ty đa quốc gia, việc áp dụng một bộ chuẩn mực giảm bớt sự phức tạp và chi phí duy trì nhiều hệ thống báo cáo. Ngoài ra, việc đầu tư ban đầu vào đào tạo nhân sự và nâng cấp hệ thống có thể giúp doanh nghiệp hoạt động với quy trình hợp lý, góp phần tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp trong dài hạn.
  • Tuân thủ quy định kế toán quốc tế: IFRS được công nhận bởi nhiều cơ quan quản lý trên toàn cầu, vì thế việc áp dụng IFRS chính là giúp doanh nghiệp đảm bảo tuân thủ các quy định kế toán quốc tế.

PGS.TS Đoàn Anh Tuấn tại sự kiện MBA Talk #96.

PGS.TS Đoàn Anh Tuấn tại sự kiện MBA Talk #96.

Kết

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế, việc hiểu và áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc gia và quốc tế là vô cùng quan trọng. Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS), chuẩn mực kế toán Mỹ (US GAAP) và chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) đều có những đặc điểm riêng và đóng góp thiết yếu vào việc đảm bảo tính chính xác và minh bạch của báo cáo tài chính.

Việc ứng dụng IFRS ngày càng phổ biến trên toàn cầu nhờ vào khả năng cung cấp một khung báo cáo tài chính đồng nhất và dễ so sánh, giúp các doanh nghiệp và nhà đầu tư hoạt động hiệu quả hơn trong môi trường quốc tế.

Áp dụng IFRS không chỉ hỗ trợ các công ty trong việc nâng cao tính minh bạch và uy tín tài chính mà còn giúp giảm thiểu chi phí và phức tạp trong việc duy trì nhiều hệ thống báo cáo. Đồng thời, việc tuân thủ IFRS cũng chứng tỏ cam kết của doanh nghiệp đối với các quy định kế toán quốc tế, mở ra cơ hội thu hút đầu tư và mở rộng hoạt động trên thị trường toàn cầu.

MBA Talk là chuỗi hội thảo với sự tham dự của các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực, các lãnh đạo, quản lý cấp cao từ các doanh nghiệp đa quốc gia, tập đoàn lớn trong và ngoài nước cùng các Giáo sư – Tiến sĩ từ các trường đại học lớn tại Việt Nam & Nước ngoài. Các khách mời sẽ cùng thảo luận, chia sẻ nhiều vấn đề, tình huống thực tiễn trong kinh doanh nhằm cung cấp kiến thức theo hướng chuyên sâu, đúng triết lý đào tạo PSO (Problem Solving in Organization).