Visa tổ chức Diễn đàn Chính phủ số
Sự kiện một lần nữa khẳng định vai trò đồng hành và thúc đẩy của Visa đối với kế hoạch chuyển đổi số quốc gia. Diễn đàn Chính phủ số có sự tham gia của các Bộ, Ngành, ngân hàng, công ty trung gian thanh toán và các công ty công nghệ hàng đầu tại Việt Nam, phù hợp với Chiến lược phát triển Hạ tầng Thông tin và Truyền thông Việt Nam giai đoạn 2021-2050, nhấn mạnh định hướng xây dựng Chính phủ số của Việt Nam trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội.
Diễn đàn hướng đến mục tiêu hỗ trợ tiến trình ra quyết định của Chính phủ, tinh gọn quy trình tài chính công và tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải ngân hiệu quả. Bên cạnh đó, diễn đàn cũng ưu tiên thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp nhỏ và công ty khởi nghiệp Việt Nam nhằm nâng cao uy tín sản phẩm, ứng dụng công nghệ và nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công, từ đó thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái thanh toán tổng thể của Việt Nam, với sự hỗ trợ của Chính phủ.
Tại diễn đàn, Visa đồng thời thể hiện cam kết của mình trong việc thúc đẩy trải nghiệm số trong giao thông đô thị theo hướng hiệu quả, toàn diện và bền vững.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Visa đã ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) với Công ty Cổ phần Dịch vụ EPAY (EPAY), đơn vị trung gian thanh toán hoạt động rất tích cực trong lĩnh vực thanh toán điện tử và dịch vụ công, thể hiện sự đồng hành của Visa trong hệ sinh thái số thông qua đẩy mạnh hợp tác giữa các bên liên quan.
Thông qua sự hợp tác này, các khoản thanh toán thuế, dịch vụ công và giao thông công cộng sẽ được đơn giản hóa, đặt nền tảng thúc đẩy sự thuận tiện, an toàn và đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, Visa và EPAY sẽ nghiên cứu và phát triển các sáng kiến mới nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực dịch vụ công, ứng dụng nhóm Giải pháp Chính phủ của Visa.
Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào
Đại diện Visa Việt Nam và Lào, bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng được hợp tác với EPAY và đóng góp vào tiến trình chuyển đổi số của Việt Nam. Thanh toán điện tử đã trở thành yếu tố then chốt trong các giao dịch quan trọng giữa Chính phủ, người dùng và doanh nghiệp. Thông qua nỗ lực hợp tác, Visa và EPAY mong muốn đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam hướng tới các mục tiêu chiến lược và nâng cao khả năng tiếp cận thanh toán dịch vụ công cho tất cả mọi người. Quan hệ hợp tác này thể hiện cam kết của Visa trong việc thúc đẩy một nền kinh tế toàn diện cho tất cả mọi người, ở mọi nơi”.
Được biết, EPAY là đơn vị công nghệ tài chính và trung gian thanh toán hàng đầu được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép từ năm 2018. Hướng đến mục tiêu hỗ trợ quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam, EPAY đã hợp tác với nhiều tổ chức, doanh nghiệp lớn trên thị trường để cung cấp các giải pháp toàn diện, từ các thiết bị như kiosk tự phục vụ tiên tiến nhất, đến các giải pháp xác thực định danh và thanh toán số trong hầu hết những lĩnh vực chủ chốt. Hơn nữa, mỗi giải pháp của EPAY luôn mang đến sự tiện lợi tối đa mà vẫn đảm bảo mức độ bảo mật cao nhất.
Bà Nguyễn Mai Phương, Tổng Giám Đốc EPAY
Bà Nguyễn Mai Phương, Tổng giám đốc EPAY, cho biết: "Nhờ sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, các phương thức thanh toán số trong dịch vụ công đang ngày càng được mở rộng và đầu tư kỹ lưỡng. EPAY từ lâu đã xác định mục tiêu là cung cấp mạng lưới thanh toán số an toàn và dễ tiếp cận cho dịch vụ công, người dân và doanh nghiệp. Chính vì thế, sự hợp tác của chúng tôi với Visa chắc chắn sẽ góp phần nâng tầm thói quen giao dịch của người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy hơn nữa sự phát triển kinh tế của Việt Nam".
Nghiên cứu của Visa và công ty tư vấn quản lý toàn cầu Kearney cho thấy thanh toán số có thể hỗ trợ chính phủ trong việc tạo ra một xã hội toàn diện, dựa trên sự tin cậy với các dịch vụ dễ tiếp cận cho tất cả mọi người. Đặc biệt, các hoạt động số hóa khi được triển khai ở cả khu vực công và tư nhân có thể thúc đẩy sự phát triển bất kể mức độ chuyển đổi số hiện tại của Chính phủ.
Nghiên cứu cũng nhấn mạnh sự cần thiết của một chiến lược kỹ thuật số vững chắc, cân bằng giữa lợi ích ngắn hạn và tăng trưởng dài hạn, được thực hiện trên cơ sở các mục tiêu triển khai rõ ràng và sự hỗ trợ từ Chính phủ.
Đồng thời nghiên cứu cũng lưu ý rằng Chính phủ có thể đóng vai trò trung tâm trong quá trình chuyển đổi số, tạo ra một hệ sinh thái tích cực và hoàn thiện, đồng thời tác động đến dòng tiền và quá trình vận hành thông qua việc áp dụng thanh toán số. Quan trọng hơn, tiềm năng của quan hệ đối tác công-tư, đặc biệt là trong môi trường công nghệ khan hiếm nhân tài và thâm dụng vốn, là yếu tố quan trọng đối với sự thành công của số hóa.
“Visa đồng hành cùng tầm nhìn chuyển đổi số và mục tiêu hướng xã hội không dùng tiền mặt của Chính phủ, cam kết nâng cao trải nghiệm thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam thông qua đổi mới sáng tạo. Chúng tôi hiện thực hóa cam kết này thông qua các giải pháp đột phá, giúp Chính phủ và các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tối ưu hóa nguồn vốn và hợp lý hóa việc giải ngân. Visa cũng đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng chấp nhận thanh toán trong các lĩnh vực khác nhau như doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ và thanh toán chính phủ, đồng thời tận dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tăng cường trải nghiệm khách hàng và quản lý rủi ro”. Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào, nhấn mạnh.