Case-study: Bí mật đằng sau các chiến dịch CSR vì môi trường “viral” trên mạng xã hội?

Môi trường đang trở thành tâm điểm của các chiến dịch CSR bởi vấn đề ô nhiễm dần nghiêm trọng hơn. Theo báo cáo của YouNet Media, 30% trong tổng số 157 chiến dịch CSR khai thác trụ cột CSR (CSR Pillars) môi trường. Thậm chí, 35% trong Top 20 chiến dịch nổi bật nhất trên mạng xã hội cũng là về môi trường. Vậy, Marketers có thể học hỏi được gì từ cách làm truyền thông từ những chiến dịch CSR vì môi trường nổi bật trên MXH?

Hãy cùng YouNet Media tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây!

1. Bức tranh tổng quan chiến dịch CSR vì môi trường trong nửa đầu năm 2024

Nửa đầu năm 2024, thương hiệu đã có những bước tiến đáng kể trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội, đặc biệt là ở lĩnh vực môi trường, minh chứng là các chiến dịch hướng đến môi trường chiếm hơn 30% tổng số chiến dịch CSR (theo báo cáo của YouNet Media).

Thiết bị gia dụng, Mỹ phẩm và Mgân hàng là Top 3 ngành hàng tiên phong thực hiện các chiến dịch CSR vì môi trường.

Theo đó, Thiết bị gia dụng, Mỹ phẩm và Ngân hàng là Top 3 ngành hàng tiên phong thực hiện các chiến dịch CSR vì môi trường. 3 ngành hàng này lần lượt đóng góp 15%, 11,9% và 9,5% trong tổng số lượng chiến dịch vì môi trường. Không dừng lại ở những lời tuyên bố chung chung, các thương hiệu đã có những hành động rất cụ thể, như ra mắt sản phẩm thân thiện với môi trường (ra mắt sản phẩm mới, thay đổi bao bì…), nâng cao nhận thức về lối sống xanh, hay các hoạt động quen thuộc như trồng cây, tái chế (tái chế rác, thu gom vỏ hộp, chai nhựa, quần áo cũ...).

Ví dụ như chiến dịch “Mỗi giờ xem đều là giờ Trái đất” của Samsung góp phần bảo vệ môi trường nhờ tính năng AI Energy giúp tiết kiệm điện đến 30%, chiến dịch “Tiết kiệm điện – Thành thói quen” của EVN kêu gọi người dân nâng cao ý thức tiết kiệm điện, nhất là vào tháng cao điểm nắng nóng (tháng 3-5), “Tắt đèn bật ý tưởng 2024” của Boovironment kêu gọi tái chế, giảm sinh rác… Những chiến dịch này không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường mà còn nâng cao nhận thức, truyền cảm hứng để cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường.

Mạng xã hội đã trở thành kênh truyền thông đắc lực để lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường. Ngày càng nhiều thương hiệu tận dụng sức mạnh của các nền tảng này để nâng cao nhận thức và kêu gọi cộng đồng cùng chung tay hành động. 35% trong số 20 chiến dịch CSR nổi bật nhất trên mạng xã hội đều tập trung vào chủ đề môi trường. Khám phá Top 20 chiến dịch CSR nổi bật nhất MXH nửa đầu năm 2024 tại đây.

Vậy, những chiến dịch CSR vì Môi trường nổi bật trên MXH đang triển khai những hoạt động truyền thông nào?

2. Phân tích chiến dịch CSR nổi bật trên MXH khai thác chủ đề môi trường

2.1. Chiến dịch “Tiết kiệm điện – Thành thói quen” của Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN)

Chiến dịch vì môi trường nổi bật trên MXH nửa đầu năm 2024 đáng chú ý là chiến dịch “Tiết kiệm điện – Thành thói quen” của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Chiến dịch kêu gọi người dân nâng cao nhận thức, thực hiện thói quen tiết kiệm điện, nhất là vào mùa cao điểm nắng nóng (tháng 3-5/2024). EVN đã khéo léo tận dụng thời điểm Giờ Trái Đất để lan tỏa thông điệp chiến dịch, theo đó, thảo luận về chiến dịch tại tuần Giờ Trái Đất cao gấp 6 lần so với tuần trước đó.

Không chỉ truyền thông trên báo chí mà EVN còn thực hiện đa dạng hoạt động trên social media như minigame, livestream, cuộc thi… để thu hút sự chú ý của người dùng. Điểm nhấn của chiến dịch là nội dung không dừng lại ở việc kêu gọi mà còn cụ thể hóa thành hành động dễ thực hiện như: sử dụng những thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng, rút phích cắm khi không sử dụng… và vinh danh những doanh nghiệp đi đầu trong việc tiết kiệm điện. Bên cạnh đó, chiến dịch này còn tận dụng tốt thời điểm đặc biệt của Giờ Trái Đất để kêu gọi người dân cùng hưởng ứng.

Chiến dịch “Tiết kiệm điện – Thành thói quen” của Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN).

Với hơn 6,4K thảo luận trên MXH và báo chí, chiến dịch “Tiết kiệm điện – Thành thói quen” của EVN đã thực sự tạo nên một làn sóng hưởng ứng mạnh mẽ. Những bình luận tích cực như “Dù chỉ bỏ ra một việc làm rất nhỏ thôi mà vẫn có thể giúp cho cuộc sống của mình tốt hơn thì cũng đáng làm đó ạ”, “giờ chịu khó nóng tí chứ vì môi trường cũng không hề gì” đã cho thấy sự quan tâm và hưởng ứng nhiệt tình của cộng đồng. Thành công của chiến dịch không chỉ dừng lại ở việc tạo ra những con số ấn tượng trên mạng xã hội mà còn góp phần thiết thực vào việc giảm tải hệ thống điện và nâng cao ý thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc tiết kiệm năng lượng.

2.2. Chiến dịch “Tắt đèn bật ý tưởng 2024” của Boovironment

Chiến dịch “Tắt đèn bật ý tưởng 2024” của Boovironment với chủ đề “Giảm rác cho sạch – Tái rác cho xanh” đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Với điểm nhấn là sự kiện “Lễ hội Tắt Đèn – Thành phố Xanh” đầy màu sắc và ý nghĩa, và đêm nhạc quy tụ dàn sao đình đám như ca sĩ Mỹ Linh, nhóm nhạc Da Lab, ca sĩ Hoàng Dũng, ca sĩ Thái Đinh, Chi Pu... chiến dịch đã thu hút hơn 4,6K thảo luận và 1,6K người tham gia thảo luận, thuộc Top 14 chiến dịch CSR nổi bật nhất nửa đầu năm 2024 (theo báo cáo YouNet Media). Thông qua các hoạt động như đổi đồ, khuyến khích tái chế và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, chiến dịch đã góp phần lan tỏa lối sống xanh và truyền cảm hứng cho cộng đồng.

Bên cạnh đó, nhằm thực hiện mục tiêu “Giảm sinh rác”, Boovironment còn phát động thử thách “Giảm sinh rác” được tổ chức trên fanpage chiến dịch. Thử thách này đã thu hút nhiều bạn trẻ tham gia, trong đó có thể kể đến những gương mặt đồng hành (KOL, KOCs, Influencers…) nổi bật về thông điệp sống xanh như content creator Ninh TiTo, MC Mai Anh, Nguyễn Hồng Hạnh, Tròn Mama…

Chiến dịch “Tắt đèn bật ý tưởng 2024” của Boovironment.

3. Một số gợi ý khi thương hiệu thực hiện chiến dịch với trụ cột CSR (CSR Pillars) về môi trường

Ô nhiễm môi trường đang ở mức báo động, đòi hỏi mỗi cá nhân và tổ chức, đặc biệt là các tập đoàn lớn phải có trách nhiệm hành động. Tuy nhiên, việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi người dùng không phải là chuyện ngày một ngày hai. Dựa trên quan sát và phân tích dữ liệu trên MXH các chiến dịch CSR trong nửa đầu năm 2024, dưới đây là một vài gợi ý để các thương hiệu tận dụng tối đa sức mạnh của mạng xã hội trong việc thúc đẩy hành động vì môi trường.

3.1. Tận dụng thời điểm đặc biệt để gia tăng sự chú ý và hưởng ứng từ người dùng

Các dịp đặc biệt như Ngày Trái Đất, Giờ Trái Đất hay Ngày Môi trường Thế giới là những thời điểm vàng để các chiến dịch CSR vì môi trường “nương theo làn sóng” thu hút sự chú ý từ người dùng. Khi cộng đồng cùng đang hướng về một sự kiện chung thì việc triển khai chiến dịch vào những thời điểm này sẽ giúp thương hiệu dễ dàng thu hút sự chú ý và tạo ra tác động mạnh mẽ hơn. Minh chứng là vào tuần diễn ra sự kiện Giờ Trái Đất, lượng thảo luận về chiến dịch “Tiết kiệm điện thành thói quen” của EVN “đạt đỉnh” với 3,2K thảo luận.

Dưới đây là những gợi ý về các dịp đặc biệt về môi trường mà thương hiệu có thể tham khảo:

Những dịp đặc biệt mà thương hiệu nên lưu ý khi triển khai trụ cột CSR môi trường.

3.2. Tạo dịp để người dùng cùng chung tay tạo nên ảnh hưởng tích cực

Để chiến dịch CSR vì môi trường đạt được mục tiêu truyền thông thương hiệu phải truyền tải được câu chuyện chạm cảm xúc với thông điệp rõ ràng, ngắn gọn và khơi gợi hành động (dễ nhớ, dễ thực hiện) thông qua đa dạng kênh truyền thông (Fanpage, TikTok, hội nhóm, người có sức ảnh hưởng…) để chiến dịch tiếp cận được càng nhiều người càng tốt.

Mà để có được chiến dịch “chạm” cảm xúc thì câu chuyện truyền thông cần xuất phát từ nhu cầu của người tiêu dùng và môi trường. Hiểu được nhu cầu cộng thêm với giá trị thương hiệu đang xây dựng sẽ hình thành nên được những giá trị bền vững cho mọi sản phẩm, dịch vụ và những câu chuyện trên truyền thông. Từ đó, thương hiệu sẽ ghi được “dấu ấn” khác biệt tích cực lòng công chúng.

3.3. Nương nhờ sức ảnh hưởng của người nổi tiếng để lan tỏa thông điệp tích cực và kêu gọi cộng đồng cùng tham gia

“Bắt tay” với người nổi tiếng trong các chiến dịch CSR không chỉ là một cách để lan tỏa thông điệp mà còn giúp thương hiệu trở nên gần gũi và đáng tin cậy hơn trong mắt công chúng. Hơn nữa, việc lựa chọn người nổi tiếng phù hợp với giá trị cốt lõi của thương hiệu sẽ giúp tăng cường sự gắn kết và tạo ra một dấu ấn bền vững trong lòng người tiêu dùng. Điển hình như Chi Pu, Trox & Lacci, Vũ Phạm Diễm My, Beauty by Chloe Nguyễn là TOP 10 nguồn lan tỏa về chiến dịch “Tắt đèn bật ý tưởng” của Boovironment.

Để chiến dịch CSR đạt hiệu quả lan rộng tối đa, bên cạnh việc hợp tác với những ngôi sao nổi tiếng, các thương hiệu có thể cân nhắc việc hợp tác với micro-influencer, blogger du lịch, KOLs… để đưa thông điệp tiếp cận được những cộng đồng nhỏ hơn. Song song đó, việc khuyến khích nhân viên và khách hàng trung thành tham gia và chia sẻ cũng là một cách thông điệp của chiến dịch được lan tỏa một cách tự nhiên và chân thực hơn.

Marketer có thể tham khảo cách làm truyền thông về chiến dịch CSR từ Top 20 chiến dịch CSR nổi bật nhất trên MXH trong nửa đầu năm 2024. Báo cáo do YouNet Media thực hiện với dữ liệu thu thập từ nền tảng SocialHeat – một trong những nền tảng Social Listening số 1 Việt Nam. Tải báo cáo tại đây.