Decathlon và KitKat biến sự cố “màn hình xanh” của Microsoft thành ý tưởng quảng cáo dí dỏm

Ngày 19/7, màn hình thế giới “phủ xanh” vì sự cố của Microsoft, khiến máy bay bị đình trệ, ngân hàng, doanh nghiệp, trường học và nhiều nơi khác bị ảnh hưởng. Tận dụng sức nóng của sự kiện, Decathlon và KitKat đã nhanh chóng biến “màn hình xanh” đầy ám ảnh này thành ý tưởng marketing dí dỏm, nhưng cũng không kém phần sáng tạo và hiệu quả.

Màn “bắt trend” theo thời sự của Decathlon và KitKat

Giữa lúc cả thế giới đang xôn xao vì sự cố gián đoạn nghiêm trọng của Microsoft, Decathlon đã dựng loạt biển quảng cáo kỹ thuật số (DOOH) để khuyến khích người tiêu dùng ra ngoài và mua sắm. Quảng cáo mô phỏng màn hình xanh đầy ám ảnh của Microsoft Windows, nhưng dí dỏm lật biểu tượng mặt buồn thành mặt cười, kèm theo dòng chữ màu trắng: “Outage? Get outside” (tạm dịch: “Có sự cố hả? Vậy ra ngoài thôi”). Bên dưới là thông báo về đợt giảm giá lên đến 50% cho các sản phẩm ngoài trời của thương hiệu.

Sáng kiến ​​này được Decathlon triển khai rộng rãi bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, áp dụng trên các nền tảng mạng xã hội và DOOH.

Nguồn: LBBOnline

Trong khi đó, KitKat đã có cách tiếp cận khác, giàu cảm xúc hơn. Thương hiệu cũng “biến tấu” màn hình lỗi của Microsoft Windows bằng sắc đỏ đặc trưng của mình và nhắc nhở người tiêu dùng nghỉ ngơi: “Thiết bị của bạn gặp sự cố và cần khởi động lại, tức là nó đang nghỉ ngơi. Bạn cũng nên nghỉ xả hơi và nạp lại năng lượng”. Bên dưới là mã QR dẫn đến website thương hiệu và dòng chữ nhỏ hài hước: “Nếu bạn lỡ gọi nhân viên hỗ trợ IT rồi thì cho họ nghỉ ngơi chung luôn nha”.

Nguồn: KitKat

Đại diện phát ngôn của Nestlé cho biết quảng cáo này tiếp tục nhấn mạnh thông điệp “Have a break, have a KitKat” (Nghỉ xả hơi, xơi KitKat) quen thuộc, nhằm tạo ra một khoảnh khắc nhẹ nhàng cho người tiêu dùng nhưng cũng đồng thời thể hiện sự nhạy bén trong truyền thông của thương hiệu. Ý tưởng sáng tạo này được thực hiện bởi Courage Inc. – independent agency có trụ sở tại Toronto, đối tác truyền thông của KitKat và Nestlé Canada.

“Quảng cáo này cho phép chúng tôi kết nối với người tiêu dùng trong thời gian sự cố công nghệ toàn cầu ảnh hưởng nghiêm trọng và mang đến cho họ cái nhìn nhẹ nhàng hơn về vụ việc. Chúng tôi nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng và mong muốn tiếp tục gây bất ngờ cho họ với các chiến dịch tiếp thị theo thời điểm sắp tới”, đại diện phát ngôn của Nestlé cho biết.

Màn “bắt trend” thời sự này của KitKat khiến nhiều người nhớ đến dòng “tweet” nổi tiếng một thời của thương hiệu vào 10 năm trước, khi Facebook gặp sự cố gián đoạn.

Nguồn: The Work

Vì sao Decathlon và KitKat thành công?

Theo Marketing-Interactive, tiếp thị phản ứng (reactive marketing) được sử dụng khá phổ biến trong thời gian gần đây, tuy nhiên, tốc độ phản ứng nhanh nhạy của Decathlon và KitKat đáng được khen ngợi.

“Tôi nghĩ việc ‘ăn theo’ các sự kiện nóng không phải là điều mới. Nhiều thương hiệu đã làm điều này, đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội. Tuy nhiên, Decathlon đã thực thi một cách sáng tạo và nhanh chóng, đặc biệt là đối với một chiến dịch OOH, phải nói là rất ấn tượng”,Joyce Gan, Partner/Group Client Services Director của Fishermen Integrated, nhận định.

Bà Gan cho rằng cả hai quảng cáo đều thông minh, chân thực và rất phù hợp. “Theo tôi, việc tận dụng các xu hướng hoặc sự kiện hiện tại để tương tác với người tiêu dùng trong thời gian thực chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả”, Gan nói, “Các chiến dịch ‘bắt trend’ thời sự này hoạt động tốt vì khả năng nhân hoá thương hiệu, biến thương hiệu thành một người tham gia vào cuộc trò chuyện trực tiếp với khách hàng”. Kết quả là thu hút được sự chú ý và tương tác ngay lập tức từ phía họ.

Ông Shouvik Prasanna Mukherjee, Giám đốc Sáng tạo của Golin APAC, đồng ý rằng việc tận dụng một khoảnh khắc văn hoá đang được bàn tán, liên quan đến khách hàng và phù hợp với tính cách thương hiệu, sẽ mang lại hiệu quả cao.

Đặc biệt, quảng cáo của Decathlon và KitKat không chỉ nhanh nhạy và kịp thời, mà còn nhất quán với các chiến dịch dài hạn – “Get Outside” (Decathlon) và “Have a break” (KitKat).

Nguồn: Adobo Magazine

Nguồn: KitKat

“Để thực hiện một chiến dịch tiếp thị phản ứng hiệu quả, bước đầu tiên, các thương hiệu cần tìm một khoảnh khắc văn hoá phù hợp và phản ứng bằng một giọng điệu chân thực, theo đúng tính cách thương hiệu”, ông Mukherjee chia sẻ. Ngoài ra, trong quá trình này, thương hiệu cũng cần xem xét các rủi ro tiềm ẩn xung quanh chủ đề/sự kiện để phản ứng một cách phù hợp. Điều này, theo ông Mukherjee, đòi hỏi một đội ngũ Marketing biết nắm bắt xu hướng, một quy trình phát triển ý tưởng sáng tạo và phê duyệt linh hoạt, và tất nhiên là một chút khả năng chấp nhận rủi ro.

Trong khi đó, bà Gan nhấn mạnh rằng sự thành công của một chiến dịch tiếp thị phản ứng sẽ phụ thuộc vào (1) tính kịp thời, (2) tính sáng tạo và (3) sự liên quan đến thương hiệu.

“Cơ bản là các thương hiệu cần có khả năng xác định một cách thông minh các sự kiện, tin tức và diễn biến hiện tại mà thương hiệu có thể tận dụng”, Gan giải thích, “Nó giống như một buổi hài kịch ứng biến, nơi người biểu diễn phải nhanh nhẹn, thông minh và tạo ra khoảnh khắc đáng nhớ để ghi điểm với người xem”.

* Nguồn: Marketing-Interactive