QC Manager, FrieslandCampina Vietnam: “Đánh giá kết quả công việc của nhân viên là bước không thể thiếu”

“Đánh giá kết quả công việc của nhân viên là bước không thể thiếu, vì đây là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của công ty.” Anh Đặng Lê Chí Thành - QC Manager, FrieslandCampina Vietnam, học viên MBA khóa 2023 tại Đại học Western Sydney chia sẻ tại sự kiện MBA Meetup do Đại học Western Sydney và Viện ISB phối hợp tổ chức.

QC Manager, FrieslandCampina Vietnam: “Đánh giá kết quả công việc của nhân viên là bước không thể thiếu”

*Được biết anh đã có nhiều năm làm việc trong khối nhà máy, mời anh giới thiệu đôi nét về công việc hiện tại và môi trường nơi anh công tác?

Tôi là Đặng Lê Chí Thành, hiện đang đảm nhận vai trò QC Manager tại Frieslandcampina Vietnam. Tôi đã gắn bó với môi trường nhà máy trong suốt gần 17 năm với các vị trí QAQC - R&D. Hiện nay tôi đang dẫn dắt một đội ngũ gồm 30 thành viên, để tạo ra các sản phẩm thực phẩm an toàn và đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cao trước khi đưa đến tay người tiêu dùng.

Trong ngành sữa, thách thức lớn nhất mà lao động phải đối mặt là việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình và tiêu chuẩn. Điều này là cực kỳ quan trọng vì sản phẩm gắn liền với sức khỏe của người tiêu dùng. Môi trường làm việc này đôi khi mang lại áp lực lớn, đặc biệt là đối với các nhân viên mới ra trường, vì yêu cầu về tiêu chuẩn rất chặt chẽ và hạn chế tối thiểu sai phạm.

*Ở vai trò Line Manager của hơn 30 nhân viên, anh đã làm gì để thống nhất định hướng của ban lãnh đạo đến từng cá nhân?

Trong vai trò Line Manager của hơn 30 nhân viên, từ định hướng chung của lãnh đạo cấp cao, tôi tiến hành “chia nhỏ miếng bánh” sao cho phù hợp với từng cá nhân dựa trên năng lực của họ. Sau đó, tôi thiết lập một quy trình theo dõi chi tiết từng giai đoạn và đánh giá hiệu suất thường xuyên. Việc này giúp cả tôi và nhân viên có thể phát hiện sớm những thay đổi trong hiệu suất làm việc.

Khi nhận thấy kết quả công việc có dấu hiệu đi xuống, tôi sẽ hỗ trợ nhân viên hoạch định các Action Plan nhằm đưa hiệu suất công việc trở về đúng mức kỳ vọng. Ngược lại, nếu có bước đột phá, chúng tôi sẽ đúc kết bài học và chia sẻ nội bộ để cùng nhau học hỏi và ứng dụng.

Đánh giá kết quả công việc của nhân viên là bước không thể thiếu, vì đây là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của công ty. Hiểu được điều này, tôi luôn chú trọng việc hỗ trợ nhân viên đánh giá lại quá trình làm việc, qua đó công nhận những đóng góp tích cực và tìm giải pháp cho những hạn chế cần khắc phục.

Trong quá trình đánh giá, chúng tôi đặt nhân viên vào hai hệ quy chiếu: so với tập thể và so với cá nhân, nhằm xác định mức độ đóng góp của họ. Ở góc độ của Line Manager, tôi có cơ hội làm việc gần gũi và thấu hiểu những nỗ lực và tiềm năng của nhân viên mình. Hiểu được tầm quan trọng của việc khích lệ tinh thần làm việc, tôi luôn chủ động khen thưởng và động viên nhân viên ngay cả khi chưa có sự can thiệp từ cấp trên.

QC Manager, FrieslandCampina Vietnam: “Đánh giá kết quả công việc của nhân viên là bước không thể thiếu”

Anh Thành Lê – Học viên MBA khóa 2023, chia sẻ tại sự kiện MBA Meetup do Viện ISB kết hợp với Đại học Western Sydney tổ chức.

*Trong quá trình học MBA, đâu là môn học khiến anh phải đầu từ nhiều thời gian và công sức nhất?

Với nền tảng kỹ thuật và kinh nghiệm làm việc trong môi trường sản xuất, thuật ngữ tài chính từng là điều hoàn toàn mới lạ đối với tôi. Đi từ tiếp xúc đến lĩnh hội kiến thức trong môn Financial Reports for Decision Making là một quá trình tốn nhiều thời gian và công sức.

Tuy nhiên, nhờ vào lối giảng nhẹ nhàng và lôi cuốn của giảng viên, tôi đã dần chinh phục được thế giới tài chính. Giảng viên dẫn dắt chúng tôi qua thế giới tài chính sinh động, giúp chúng tôi tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên. Sự hỗ trợ nhiệt tình từ giảng viên và quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân khiến tôi càng trân trọng hơn những giá trị từ môn học. Đến thời điểm hiện tại, giá trị tôi nhận được từ môn học này không chỉ là điểm số mà còn là sự phát triển cá nhân, cụ thể là mở rộng về business mindset.

*MBA chắc chắn không phải là một hành trình dễ dàng. Anh đã làm gì để vượt qua những khó khăn, thử thách mà MBA mang lại?

Khó khăn lớn nhất của tôi là phải thay đổi cách tư duy theo chiều sâu sang tư duy theo chiều rộng. Trước đây, để giải quyết vấn đề công việc, tôi sẽ chỉ dựa vào những căn cứ kỹ thuật và chuyên môn. Sau quá trình học tập, chuỗi giá trị của doanh nghiệp và những yếu tố tác động từ môi trường ngoài cũng là những tôi quan tâm trước để ra các quyết định thật sự tối ưu.

Bên cạnh đó, thời gian và sức khỏe cũng là những yếu tố quan trọng. Tỷ trọng thời gian dành cho MBA phải chiếm đến khoảng 20% - 30% quỹ thời gian của tôi. Sau một ngày làm việc 8 - 9 tiếng, việc duy trì trạng thái năng động và bền bỉ là điều không hề dễ dàng. Tôi luôn chú ý đến sức khỏe bằng cách tập thể dục và ăn uống điều độ để có thể duy trì được sự tập trung và hiệu quả trong học tập cũng như công việc.

*Sau những nỗ lực vượt qua thử thách như vậy, anh có lời khuyên gì muốn gửi đến các bạn chuẩn bị tham gia hành trình MBA?

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đừng học MBA chỉ vì muốn nâng cấp chức danh. Bạn phải thật sự rất sẵn sàng cho hành trình này. Trước hết các bạn cần khởi động với lý do học tập đủ lớn, đủ vững chắc và nuôi dưỡng động lực cho chặng đường về sau.

Quan trọng không kém, bạn bắt buộc phải duy trì được năng lượng và thể lực bền bỉ. Vì học MBA tương tự như trải nghiệm chạy marathon, bạn không thể hoàn thành đường chạy nếu thể chất không cho phép.

Cảm ơn anh Đặng Lê Chí Thành đã dành thời gian tham dự buổi gặp mặt ngày hôm nay. Mong rằng những chia sẻ thực tế từ anh Thành sẽ giúp các bạn hiểu hơn về chương trình MBA và có được sự chuẩn bị sẵn sàng cho hành trình sắp tới!

MBA Meetup là chuỗi sự kiện giao lưu trực tuyến về hành trình học vấn, trải nghiệm học tập cùng kinh nghiệm làm việc từ chia sẻ của các học viên, cựu học viên đã và đang theo đuổi chương trình MBA.

Xem thêm: Các sự kiện từ chương trình MBA tại Đại học Western Sydney