Marketer Phố Hương
Phố Hương

Content Executive @ Brands Vietnam

Fashion Icon #19: Thom Browne – Thổi hồn vào những bộ vest nam cổ điển bằng phong cách thời trang bó sát

Thom Browne, một người đề xướng trang phục phi giới tính, đã ủng hộ đàn ông mặc váy trong hơn một thập kỷ. Cách đây hơn 20 năm, ông đã ra mắt doanh nghiệp thời trang may sẵn mang tên mình và biến cái tên Thom Browne trở thành một trong những thương hiệu có ảnh hưởng nhất bằng cách kiên trì theo đuổi một lý tưởng. Mục tiêu duy nhất của ông, như ông vẫn thường nói với nhân viên của mình, đó là “làm cho bộ vest xám trở nên thú vị”.

Fashion Icon là chuỗi bài về gương mặt đứng sau các biểu tượng thời trang đình đám trên thế giới do Brands Vietnam thực hiện. Thông qua chuỗi bài này, marketers có thể hiểu hơn về lịch sử hình thành và sự phát triển của các đế chế thời trang trên toàn cầu.

Xuất thân là người “ngoại đạo” thời trang

Thom Browne sinh ngày 19/4/1965 tại Pennsylvania, Mỹ. Ông là người con thứ tư trong một gia đình gồm bảy anh chị em gốc Ireland-Ý. Cha của Browne – ông James Michael Browne Sr – là một luật sư và kế toán, làm việc tại một công ty dịch vụ tài chính và thường mặc những bộ vest của Brooks Brothers để đến văn phòng vào mỗi sáng. Trong một bài chia sẻ trên tạp chí l’étiquette, Browne đã thừa nhận rằng trang phục của cha đã ảnh hưởng rất nhiều đến con đường theo đuổi thời trang sau này của ông.

Thom Browne – một người đề xướng trang phục phi giới tính và đã ủng hộ đàn ông mặc váy trong hơn một thập kỷ.
Nguồn: The New Yorker

Thuở thiếu thời, cậu thanh niên Thomas Browne luôn mặc quần jean, thích mặc áo len cổ chữ V bên ngoài áo sơ mi cài khuy. “Lúc đó tôi chẳng quan tâm gì đến thời trang, tôi chưa từng nghĩ đến việc thời trang sẽ trở thành cuộc sống của mình”, Thom Browne chia sẻ.

Browne nghĩ rằng ông sẽ đi theo một con đường sự nghiệp truyền thống, giống như anh trai ông. Thật vậy, ông tốt nghiệp với bằng kinh doanh tại Đại học Notre Dame danh tiếng ở Indiana rồi nhận một công việc tư vấn tại New York, nhưng ông ghét công việc đó và bỏ việc chưa đầy một năm sau đó. Không lâu sau, Browne quyết định chuyển đến Los Angeles và cuối cùng ông đã sống ở L.A. trong 6 năm.

Nhiều câu chuyện về Browne cho rằng ông đã giành những năm 20 tuổi của mình để theo đuổi ước mơ trở thành diễn viên Hollywood. Thực tế, ông từng tham gia đào tạo ngắn hạn với một huấn luyện viên diễn xuất và xuất hiện trong một vài quảng cáo truyền hình. Nhưng ông chủ yếu tự nuôi sống bản thân bằng công việc trợ lý sản xuất và đọc kịch bản. “Kỷ vật” duy nhất trong sự nghiệp showbiz ngắn ngủi của Browne, theo ông, là cái tên của mình. Vì đã có một Thomas Browne trong danh sách Screen Actors Guild (Nghiệp đoàn Diễn viên Màn ảnh), ông cũng bắt đầu sử dụng tên Thom.

Những ý tưởng thiết kế “kỳ quặc”

Kể từ khi bắt đầu làm việc trong thế giới doanh nghiệp, Browne đã hướng tới việc mặc vest Brooks Brothers giống như cha của ông. Nhưng khoảng thời gian ở L.A., ông bắt đầu phát triển phong cách cá nhân đặc biệt hơn. Browne thấy chán bởi những thứ trông quá bình thường. Ông “lùng sục” các cửa hàng đồ cũ để tìm những món đồ cổ điển của nam giới và đem chúng tới tiệm giặt khô để chỉnh sửa, nâng viền ống quần và cắt ngắn tay áo.

Năm 1997, ông chuyển về New York chỉ với một vali đầy vest: “Tôi không có tiền, và điều đó thật đáng sợ”. Sau đó, qua một người bạn, ông có được công việc trợ lý bán hàng tại một showroom nhỏ của Giorgio Armani. Tại đây, ông nhanh chóng trở thành nhân viên bán hàng hàng đầu. Cùng thời gian đó, ông kết bạn với nhân viên trưởng của nhà thiết kế Ralph Lauren và cuối cùng gặp được Lauren, người đang tìm kiếm một nhà thiết kế mới để phát triển trang phục nam cho thương hiệu trang phục công sở tầm trung Club Monaco.

Mặc dù Browne thiếu kinh nghiệm, Lauren đã thuê ông cho công việc này. Browne cố gắng mang ý tưởng của mình đến thương hiệu qua những chiếc cardigan cỡ nhỏ và những chiếc quần lửng nhưng “nó không phù hợp với họ”, ông nhớ lại. Dù không được đón nhận, Browne vẫn cảm thấy “thực sự yêu thích nó đến mức nghĩ rằng mình nên tự làm nó”.

Ralph Lauren và Thom Browne trong một bữa tiệc năm 2006.
Nguồn: Getty Images

Browne không được đào tạo về may mặc. Để làm các mẫu thử cho dòng sản phẩm của riêng mình, ông cần hợp tác với một thợ may có kinh nghiệm, nhưng rất khó để tìm được ai đó sẵn sàng sử dụng các thông số kỹ thuật kỳ lạ của ông. Sau một lần hợp tác không thành công với một thợ may bậc thầy ở Brooklyn, Browne kết nối với Rocco Ciccarelli, một thợ may cổ điển ở Queens.

Hồi tưởng lại ký ức này, Ricco Ciccarelli nói rằng vào một ngày trong năm 2000, ông đã nhận được một đơn đặt hàng mà ông không thể tưởng tượng được. Những bộ vest quá chật, quá ngắn, tất cả mọi thứ đều kỳ lạ so với tiêu chuẩn hiện tại và so với những gì mà Ciccarelli được dạy. Đơn đặt hàng được ký bởi một người tên Thom Browne.

Những thiết kế vest đầu tiên của Thom Browne.
Nguồn: Courtesy of Thom Browne

“Tôi đã nghĩ người này điên rồi. Tại sao lại cắt ngắn quần như vậy”, Ciccarelli nói, “Nhưng may mắn cho anh ta, tôi chưa bao giờ sợ bất cứ điều gì. Hơn nữa, anh chàng Thom này có vẻ là một người thông minh. Vì vậy, tôi đã nhận làm những bộ vest đó”. Năm bộ vest mẫu sau đó đã được ra đời, và thực tế thì Ricco Ciccarelli đã trở thành thợ may chính cho Browne cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2015.

“Tôi nghĩ mình có mặt tốt, mặt điên rồ và mặt bình thường”

Năm 2001, ở tuổi 35, Browne bắt đầu kinh doanh may đo tại căn hộ một phòng ngủ của mình. Ông tự làm mẫu và mặc những bộ vest mẫu quanh thị trấn. Ông nhớ lại rằng khi ông yêu cầu bạn bè mua chúng, họ đã phản ứng theo kiểu: “Tại sao chúng tôi phải mua thứ gì đó thậm chí trông nó còn không vừa với chính bạn?”.

Vào đầu thiên niên kỷ, với sự gia tăng của trang phục công sở thoải mái, hầu hết đàn ông không còn phải mua một bộ vest nữa. Thách thức đối với tất cả các thương hiệu vào thời điểm đó là làm thế nào để họ vẫn muốn mua một bộ và đó là lý do ngày càng có nhiều ý tưởng táo bạo hơn. Những thiết kế ôm gọn của Browne dựa trên sự tuân thủ những quy tắc về trang phục của người Mỹ – khuôn mẫu của “người đàn ông trong bộ vest flannel xám”, nhưng đồng thời, ông cũng đã thay đổi thiết kế truyền thống của bộ vest bằng cách làm cho chúng trở nên ngắn hơn, ôm sát hơn và khác biệt so với chuẩn mực ban đầu.

Kết quả là một cái gì đó vừa có chút lập dị vừa có chút gợi cảm ra đời: tất cả phần ngực nam giới đều được phô bày. Trong thế giới thời trang, Browne ban đầu được coi là một nghệ sĩ thú vị hoạt động “ngoài lề”. “Nó quá nhỏ và quá lập dị”, nhà phê bình thời trang kỳ cựu người Anh Tim Blanks nhớ lại, “Thời điểm đó nếu ai đó nói với tôi rằng đây sẽ là một doanh nghiệp trị giá nửa tỷ USD trong 20 năm, tôi sẽ cười lớn”.

Công thức hiện đã được xác định, nhưng tại sao lại là công thức này? Tại sao lại chọn màu xám? Có phải đó là màu xám mà cha ông đã mặc ở Allentown? “Đối với tôi, đó là sự cổ điển tuyệt đối”, Browne thừa nhận, “Kiểu dáng này rất cá nhân. Tôi thích áo khoác ngắn. Mỗi lần tôi mặc những chiếc áo khoác thông thường, tôi đều thấy chúng quá dài. Vì vậy, tôi giảm độ dài của chúng lại. Đối với tôi, kiểu dáng này tôn lên cơ thể”.

David Bowie diện bộ vest của Browne và biểu diễn tại Radio City Music Hall vào năm 2005.
Nguồn: Vogue

Mỗi món đồ của Thom Browne đều có một dải ruy băng sọc đỏ-trắng-xanh làm điểm nhấn, dù đó là một chiếc nhãn treo sau cổ áo hay một chiếc vòng quanh tay áo sơ mi. Nó được xem như một sự hồi tưởng về những chiếc dây ruy băng trên huy chương thể thao mà Browne đã giành được trong những ngày còn là học sinh và đam mê môn bơi lội.

Năm 2005, sau buổi trình diễn thời trang nam đầu tiên của Browne tại New York City, David Bowie (diễn viên nổi tiếng người Anh) đã ghé vào cửa hàng và yêu cầu một bộ vest chính xác như những gì Browne đang mặc và không cần chỉnh sửa gì cả. Sau đó, Bowie đã mặc nó trong một buổi hòa nhạc truyền hình tại Radio City Music Hall. Phong cách của Browne kể từ đó đã được lan tỏa và trở thành một phần của xu hướng thời trang.

Anna Wintour, tổng biên tập quyền lực của Vogue nhận xét về phong cách mà Browne mang tới cho ngành công nghiệp thời trang rằng: “Giờ đây, chúng ta chấp nhận nó như một phần không thể thiếu của ngôn ngữ thời trang. Ông ấy đã hoàn toàn thay đổi cách chúng ta nhìn nhận”. Một nhân viên của Browne nhớ lại rằng các công nhân xây dựng từng chế giễu ông khi thấy ông đi bộ trên phố với chiếc váy xám của mình ngày nay chỉ hét lên: “Này, chiếc váy Thom Browne đẹp đấy!”.

Thăng trầm của thương hiệu

Browne từng chia sẻ rằng kể từ khi thương hiệu được biết đến, ban đầu, ông đã phải vật lộn để tìm ra “sự cân bằng giữa tính sáng tạo và tính thương mại”. Theo Business of Fashion, thời trang nam đã trải qua một "sự bùng nổ chưa từng có" trong những năm gần đây. Nhưng theo một số ước tính, nó chỉ chiếm khoảng 30% doanh thu của ngành thời trang.

Các nhà thiết kế thời trang nam muốn mở rộng cơ sở khách hàng của mình và không còn muốn làm việc cho một hãng thời trang lâu đời thường chuyển sang lĩnh vực thời trang nữ, phụ kiện, nước hoa và các hạng mục khác để tạo ra một thương hiệu phong cách sống (life-style brand). Thom Browne đã có được chỗ đứng trong ngành thời trang chính thống bằng cách hợp tác với các nhãn hiệu di sản danh tiếng, qua đó nâng cao vị thế và uy tín của mình trong thị trường thời trang.

Trong 5 năm, bắt đầu từ năm 2007, ông thiết kế một bộ sưu tập capsule cho Brooks Brothers có tên là “Black Fleece”. Những bộ vest của bộ sưu tập này có giá khoảng 2.500 USD, gần gấp đôi giá của những bộ vest truyền thống của công ty và khoảng một nửa giá của những bộ vest do chính nhãn hiệu của Browne sản xuất. Năm 2009, Browne cũng thiết kế một bộ sưu tập cho nhà sản xuất đồ trượt tuyết Moncler với những chiếc áo phao có ve áo và mũ len đỏ, trắng và xanh.

Năm 2011, với khoản đầu tư từ một công ty Nhật Bản, ông ra mắt dòng thời trang nữ đầu tiên của mình với những bộ vest chân váy kẻ sọc và áo choàng có viền grosgrain. Hiện nay, công ty của ông điều hành hơn một trăm cửa hàng bán lẻ trên toàn thế giới.

Các thiết kế đa dạng của Thom Browne trong các năm 2007, 2009, và 2011.
Nguồn: Tổng hợp

Năm 2013, năm mà ông đã trở thành người chuẩn bị trang phục cho Michelle Obama trong lễ nhậm chức lần thứ hai của chồng, cuộc khủng hoảng kinh tế ập đến và đe dọa kéo đến công việc kinh doanh thương hiệu Thom Browne. Ông đã quyết định chuyển hướng sang những con đường truyền thống hơn để đạt được sự ổn định tài chính.

Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Đệ nhất phu nhân Michelle Obama (trong trang phục của Thom Browne) tại lễ diễu hành nhậm chức ngày 21/1/2013.
Nguồn: Getty Images

Năm 2018, gã khổng lồ dệt may Ý – Zegna đã mua lại phần lớn cổ phần với định giá năm trăm triệu USD. Giờ đây, 85% cổ phần của thương hiệu đã thuộc Zegna. Nhà thiết kế Thom Browne, người sáng lập thương hiệu và là cổ đông duy nhất còn lại dĩ nhiên cũng đã không còn quyền kiểm soát hoàn toàn đối với thương hiệu của mình. Tuy nhiên, sự hợp tác với Zegna mang lại cho thương hiệu sự ổn định về tài chính. Zegna đã khuyến khích Thom Browne mở rộng dòng sản phẩm của mình theo hướng nữ tính hóa để thúc đẩy tốc độ phát triển của thương hiệu. Quả thực, Thom Browne hiện đã có các buổi trình diễn tại Paris trong Tuần lễ Thời trang Phụ nữ.

Bộ sưu tập mùa Thu năm 2020 tại Paris của Thom Browne.
Nguồn: ELLE

Năm 2023, Thom Browne cũng được công bố là Chủ tịch Hội đồng các nhà Thiết kế thời trang Mỹ (CFDA). Đến ngày hôm nay, các thiết kế của ông được các bảo tàng trên toàn thế giới công nhận, bao gồm Viện Trang phục tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, Bảo tàng Victoria & Albert, Bảo tàng Trang phục ở Bath và Bảo tàng Mode Museum Antwerpen. Hiện tại, Browne đang giữ chức nghệ sĩ lưu trú (Artist-In-Residence) tại Notre Dame, nơi ông đang dạy một lớp có tên “Strong Suits: The Art, Business and Philosophy of Thom Browne”.

Browne đang giữ chức nghệ sĩ lưu trú (Artist-In-Residence) tại Notre Dame.
Nguồn: Vogue

Tại nơi làm việc, mỗi nhân viên mới của nhà thiết kế thời trang người Mỹ này vào ngày đầu tiên đi làm đều nhận được một “starter kit” là các trang phục thuộc thương hiệu Thom Browne, gồm hai bộ vest xám, năm áo sơ mi oxford trắng, một cà vạt len xám và một chiếc khăn pocket square màu trắng.

Đi kèm với đó là một tệp PDF dài 11 trang, với các hình ảnh minh họa và những gạch đầu dòng trình bày các quy tắc về cách mặc thứ mà Browne gọi là “đồng phục”: Các nút áo trên cùng phải để mở. Áo sơ mi không được ủi. Cà vạt, một phụ kiện bắt buộc, phải được giấu kín vào cạp quần. Quần tây của bộ vest có thể được thay thế bằng váy xếp ly, bất kể giới tính của người mặc.

Tất cả nhân viên của Thom Browne phải tuân thủ quy định về trang phục khắt khe mà Browne gọi là “đồng phục”.
Nguồn: The New Yorker

Có thể nói, đến ngày hôm nay, dù bản thân thương hiệu đã có nhiều thay đổi trong chiến lược kinh doanh, sự “tôn sùng” mà Thom Browne dành cho những bộ vest nam cổ điển, chuẩn mực, quần ngắn hở mắt cá chân thực chất chưa bao giờ thay đổi. “Đế chế” suit mà Thom Browne đã tạo nên cùng xu hướng trang phục nam bó sát ngày nay đã không còn bị xem là điều gì đó “bên lề” của thời trang chính thống, ngược lại, nó trở thành phong cách được yêu thích bởi hàng triệu tín đồ thời trang trên toàn cầu.

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Theo Phố Hương / Brands Vietnam
* Nguồn: Tổng hợp