Thiết kế bao bì dược nhân văn

Tính thẩm mỹ không phải yếu tố quan trọng nhất trong quá trình thiết kế bao bì dược nhưng hiện nay đang bị lạm dụng.

Dưới góc nhìn của nhiều người – bao bì sản phẩm chỉ có tác dụng về mặt hình thức, nghĩa là chỉ ưu tiên chất lượng của sản phẩm bên trong còn thiết kế bao bì đẹp xấu, tròn méo ra sao cũng không quan trọng.

Chẳng hạn sản phẩm điện thoại thì chỉ cần chiếc điện thoại bền bỉ, đáp ứng nhu cầu sử dụng và sau này bán lại vẫn “được giá” là được, hộp đựng không quan trọng. Sản phẩm giày dép thì chỉ cần đúng kích cỡ bàn chân, mang vào êm ái và phục vụ đúng các công năng khác nhau như chạy bộ hay đi làm, đi chơi là được, chứ hộp đựng không quan trọng.

Tuy nhiên, như Vũ từng chia sẻ trong nhiều bài viết trước về thiết kế bao bì, bản thân bao bì cũng là một sản phẩm, vì vậy nó phải là kết quả của công đoạn nghiên cứu rồi ứng dụng thói quen người dùng một cách khoa học và có bài bản.

Cùng được “thai nghén” và hiện thực hoá ý tưởng bởi các đội ngũ thiết kế đồ hoạ, nhưng không giống với những ấn phẩm truyền thông hay nhận diện thương hiệu khác, bao bì sản phẩm là thứ sẽ theo chân người tiêu dùng về đến tận nhà. Thậm chí có thể cùng họ “trải qua” quá trình sử dụng sản phẩm bên trong suốt nhiều tháng, hoặc nhiều năm ròng.

Đội ngũ Vũ Digital thực hiện dự án thiết kế bao bì dược nhân văn.
Nguồn: vudigital.co

Tất nhiên mỗi ngành nghề, lĩnh vực và dòng sản phẩm đều có những đặc thù riêng về thiết kế hay trải nghiệm sử dụng bao bì. Có những sản phẩm như điện thoại và giày dép thì nhiều người không quan tâm đến bao bì bên ngoài. Họ nhanh chóng cất tủ, đưa vào kho hoặc cho con cháu nộp vào Kế hoạch Nhỏ của lớp thay vì phải đóng tiền mặt.

Cũng có những sản phẩm mà bao bì có tác dụng bổ trợ, kết nối hay đóng vai trò trực tiếp trong quá trình sử dụng sản phẩm. Người dùng thường không muốn, hoặc không thể bỏ đi bao bì vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả sử dụng. Thiết kế bao bì dược, thuốc hay thực phẩm chức năng nói riêng chính là những ví dụ như vậy.

Đã có không ít bài viết và sản phẩm thiết kế trên thị trường liên quan đến thiết kế bao bì dược, nên trong bài chia sẻ lần này Vũ muốn phân tích và gửi đến các bạn một góc nhìn mới mẻ hơn – đó là hành trình thiết kế bao bì dược nhân văn.

Ngay bây giờ sẽ là nội dung chi tiết, hy vọng các bạn đều sẽ theo dõi và thấu cảm một cách trọn vẹn nhất, để cùng Vũ đưa ra những ý kiến hay quan điểm cá nhân về chủ đề lần này.

Vai trò của thiết kế bao bì dược

Dược phẩm và các loại thuốc nói riêng được công nhận là loại hàng hoá đặc biệt, vì chúng sở hữu các đặc tính có thể tác động đến sức khoẻ và thậm chí tính mạng người sử dụng. Phần lớn thuốc xuất hiện trên thị trường hiện nay được dùng qua đường uống, tức là đưa trực tiếp sản phẩm vào cơ thể và tận dụng cơ chế thẩm thấu để phát huy tác dụng.

Nếu so sánh với các sản phẩm cũng dùng qua đường uống, hoặc đưa trực tiếp vào miệng như bánh kẹo hay thực phẩm chức năng nói chung, sản phẩm thuốc vẫn có quy định và tiêu chuẩn thiết kế bao bì khắt khe hơn nhiều.

Trên thực tế người dùng có thể hoàn toàn yên tâm về chất lượng dược phẩm và các loại thuốc, nếu từ đầu mối sản xuất cho đến các bên liên quan như nhà cung cấp, nhà phân phối, bác sĩ và cả dược sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ riêng của mình. Nhưng vì không có cơ sở nào để đảm bảo điều đó, nên các tiêu chuẩn hay quy định thiết kế bao bì dược đã ra đời để trở thành cơ sở vật lý đáng tin cậy.

Trải nghiệm tốt sẽ giảm cảm giác lo âu qua đó nâng cao khả năng điều trị của bao bì dược.
Nguồn: vudigital.co

Điều này cũng giống như việc trước khi mua bán nhà đất, cần có đảm bảo về quyền sở hữu thông qua sổ hồng, giấy xác nhận quyền sở hữu hay giấy chứng nhận cấp phép xây dựng. Hoặc trước khi đăng ký kết hôn thì cần có giấy xác nhận độc thân. Nếu chỉ nói rằng “tôi là chủ ngôi nhà này” hay “tôi thật sự đang độc thân” thì ai cũng nói được.

Đối với thiết kế bao bì dược, mục tiêu sau cùng là tạo ra vật chứa hiệu quả giúp đảm bảo sản phẩm bên trong không bị thay đổi về hình dáng, biến đổi về tính chất trong quá trình vận chuyển, bảo quản và phát huy tối đa tác dụng khi người sử dụng đưa vào cơ thể.

Tất nhiên để hoàn thành mục tiêu này, thiết kế bao bì dược không chỉ cần đáp ứng các yêu cầu về thẩm mỹ và trải nghiệm cầm nắm. Bên cạnh đó, các yêu cầu về màu sắc và ngôn ngữ thiết kế đặc trưng, tính ứng dụng khi xuất hiện trên các tủ thuốc, hay khả năng hướng dẫn và cung cấp thông tin đầy đủ đến người dùng cũng không kém phần quan trọng.

Bởi vì khác với bánh kẹo hay thực phẩm, người dùng không có đủ khả năng đánh giá một sản phẩm thuốc chỉ bằng kiến thức nền tảng. Chúng ta có thể đánh giá bánh ChocoPie vị truyền thống thì ngon hơn vị dưa hấu, Coca-Cola vị nguyên bản thì dễ uống hơn vị Coca Zero, nhưng khó lòng đánh giá một sản phẩm thuốc có phù hợp với cơ địa và tình trạng của bản thân hay không.

Thiết kế bao bì dược hoàn chỉnh và đúng chuẩn đóng vai trò quan trọng trong hướng dẫn, cung cấp thông tin đến người dùng hay thậm chí là các bác sĩ, điều dưỡng và trình dược viên trong quá trình kê toa, chỉ định rồi cung cấp phác đồ điều trị bệnh.

Thiết kế bao bì dược phẩm có vai trò hướng dẫn và cung cấp thông tin.
Nguồn: vudigital.co

Tính thẩm mỹ trong quá trình thiết kế bao bì dược

Hiện nay nước ta đang có 3 đầu mối sản xuất và cung cấp thuốc chủ lực bao gồm: thuốc xí nghiệp, thuốc ngoại nhập và thuốc do các doanh nghiệp tư nhân trong nước sản xuất.

Thời kỳ trước 1975, thuốc được nhập hoàn toàn từ nước ngoài với chi phí cao và hạn chế về mục đích sử dụng. Sau 1975, các xí nghiệp dược phẩm trong nước bắt đầu đẩy mạnh sản xuất, cung cấp thuốc cho thị trường với giá bán thấp và nguồn cung dồi dào hơn. Tuy nhiên vẫn tồn đọng nhiều hạn chế so với “thuốc tây” ngoại nhập.

Nguyên nhân đến từ quy trình sản xuất trong nước chưa ứng dụng máy móc hiện đại, thuốc ngoại nhập được bảo hộ công nghiệp với các công nghệ bào chế tiên tiến, thuốc ngoại nhập liên tục chi tiền để nghiên cứu cải thiện tác dụng… Nhưng chưa cần bàn đến chất lượng của sản phẩm thuốc bên trong, ngay từ thiết kế bao bì thuốc bên ngoài của các xí nghiệp cũng tạo ra tâm lý e ngại cho người dùng.

Chiếu theo tiêu chuẩn thiết kế bao bì dược hiện nay, ngôn ngữ và trình tự phân loại bao bì được chia thành 3 nhóm: theo chuyên ngành, theo bản chất hoá học và theo mức độ tiếp xúc với sản phẩm thuốc bên trong. Cụ thể thì như thế nào?

Phân nhóm và thử nghiệm mẫu là giai đoạn quan trọng khi thiết kế bao bì dược.
Nguồn: vudigital.co

  • Theo chuyên ngành: Thiết kế bao bì dược dạng chuyên ngành có thể kể đến các loại vỉ bấm, vỏ nang hay thuỷ tinh trung tính, còn lại không theo chuyên ngành ví dụ như các loại chai lọ, màng bọc nhựa hay hộp giấy carton.
  • Theo bản chất hoá học: Là thiết kế bổ trợ cho chai lọ bằng nhựa hay thuỷ tinh, phổ biến nhất vẫn là các dạng nút nhôm, nút cao su và ít gặp hơn là màng nhôm, màng PVC…
  • Theo mức độ tiếp xúc: Chia thành bao bì sơ cấp và bao bì thứ cấp (bao bì cấp 1 và bao bì cấp 2), trong đó bao bì sơ cấp có tiếp xúc trực tiếp với thuốc như chai lọ hay vỉ bấm, bao bì thứ cấp bao bọc bên ngoài bao bì sơ cấp và không tiếp xúc trực tiếp với thuốc – chẳng hạn như hộp giấy, túi đựng…

Những tiêu chuẩn này đối với thuốc xí nghiệp ở thời kỳ đầu là tương đối khó khăn, chưa kể một số hạn chế nơi tư duy và màu sắc thiết kế bao bì dược nói riêng.

Các sản phẩm dược đến từ xí nghiệp thuốc thời đó không tuân thủ các yêu cầu nhất định về màu sắc, phong cách hay ngôn ngữ thiết kế. Không ít sản phẩm có thiết kế và màu sắc rườm rà, nếu không muốn nói là loè loẹt. Ở chiều ngược lại, thuốc ngoại nhập có màu sắc và ngôn ngữ thiết kế nhất quán, tối giản nhưng dễ dàng định vị hình ảnh chuyên ngành trong mắt người tiêu dùng.

Bao bì của xí nghiệp dược phẩm thường không tuân thủ quy tắc thiết kế.
Nguồn: PharmTech

Mãi cho đến sau này với sự xuất hiện của các doanh nghiệp tư nhân, tham gia sản xuất thuốc và khắc phục toàn bộ những nhược điểm của thuốc xí nghiệp – mà vẫn đảm bảo giá thành chấp nhận được, thì người tiêu dùng vẫn có xu hướng ưu tiên tính thẩm mỹ trong quá trình chọn mua. Thậm chí mặc định rằng thiết kế bao bì dược đẹp mắt, thu hút nghĩa là sản phẩm đó có chất lượng cao.

Nhưng như đã nói ở phần đầu bài viết, tính thẩm mỹ không phải yếu tố quan trọng nhất trong quá trình thiết kế bao bì dược. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, tính thẩm mỹ đang bị lạm dụng và thậm chí nhiều đội ngũ thiết kế sẵn sàng phớt lờ, bỏ qua tính nhân văn trong quá trình làm việc để ưu tiên cho tính thẩm mỹ.

Thế nào là thiết kế bao bì dược nhân văn?

Vũ muốn sử dụng một số định nghĩa và cách nhìn của những tên tuổi hàng đầu thế giới, có liên quan hoặc tham gia vào lĩnh vực dược phẩm để mở đầu chủ đề “thiết kế bao bì dược nhân văn”.

Theo định nghĩa của SPG Pack – công ty trực thuộc SP Group đến từ Châu Âu, một thiết kế bao bì dược tốt phải đảm bảo các tiêu chí sau đây: tuân thủ các quy định và chứng nhận về bao bì dược phẩm, độ bền bao bì phải chịu được các cú sốc lớn trong quá trình vận chuyển, đóng gói bao bì để duy trì nhiệt độ thích hợp khi thời tiết chuyển biến quá nóng hoặc quá lạnh, phải có tính năng chống giả mạo và thân thiện với trải nghiệm người tiêu dùng.

Còn theo góc nhìn của Ascend Packaging Systems, thiết kế bao bì dược tốt cần đảm bảo các quy định của cơ quan quản lý thực phẩm/dược phẩm, phải chống chịu được với tình trạng phơi nhiễm và ô nhiễm môi trường, phải mang lại sự dễ chịu cho người tiêu dùng trong quá trình sử dụng, đặc biệt phải đi kèm với các tính năng “chống trẻ em”.

Thiết kế bao bì dược phẩm nhập khẩu vẫn được đánh giá cao.
Nguồn: Ecobliss

Cả hai tổ chức nói trên cũng đều thống nhất một nội dung rằng, thiết kế bao bì dược tốt và nhân văn còn phải lưu tâm đến tính bền vững trong sản xuất – nghĩa là mức độ thân thiện với môi trường sống xung quanh. Công tác sản xuất không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, chất lượng sống của người dân và kể cả tài nguyên sẵn có.

Trong quá trình tìm hiểu về cách định nghĩa một thiết kế bao bì dược nhân văn, Vũ đặc biệt ấn tượng với đề cập của Ascend Packaging Systems về tính năng “chống trẻ em”.

Bao bì “chống trẻ em” được phê duyệt theo Đạo luật Phòng chống độc Hoa Kỳ năm 1970, định nghĩa như sau: “Bao bì ‘chống trẻ em’ rất khó để trẻ em mở ra và lấy một lượng chất có hại trong khoảng thời gian hợp lý, nhưng không khó để người lớn sử dụng đúng cách”.

Cục Quản lý Thực phẩm & Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã thực hiện các thử nghiệm để phê duyệt bao bì “chống trẻ em”, bằng cách tập hợp 50 trẻ trong độ tuổi 42 đến 51 tháng tuổi.

Bài kiểm tra thành công khi không có trẻ em nào mở được bao bì, hoặc chỉ tối đa 3 trẻ mở được bao bì trong thời gian dưới 5 phút. Nếu nhiều hơn, bài kiểm tra sẽ được thực hiện lại. Trong trường hợp có từ 11 trẻ trở lên mở được bao bì, thì thiết kế bao bì dược phẩm đó không vượt qua bài kiểm tra.

Một thiết kế bao bì thuốc “chống trẻ em”.
Nguồn: Pharmaceutical Technology

Nhìn lại thị trường dược phẩm trong nước, không có nhiều sản phẩm được trang bị bao bì “chống trẻ em” (dù sản phẩm đó dành cho trẻ em hay người trưởng thành). Thậm chí vì quá ưu tiên tính thẩm mỹ, mang lên thiết kế bao bì của mình quá nhiều màu sắc và hoạ tiết, nhiều đội ngũ thiết kế cho ra đời một thiết kế bao bì dược… nhưng không hề giống bao bì dược chút nào.

Trong ánh mắt và thế giới quan của trẻ nhỏ, những đứa trẻ chưa biết chữ, chưa biết đọc biết viết thì những thiết kế bao bì đó làm chúng liên tưởng đến các sản phẩm quà vặt, bánh kẹo nhiều hơn. Cộng với việc không được trang bị bao bì “chống trẻ em”, khiến rủi ro dành cho trẻ nhỏ lớn hơn nhiều khi chúng mò mẫm, tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm thuốc.

Thói quen và tiêu chuẩn cũ kĩ của các xí nghiệp dược phẩm năm xưa vẫn còn bám rễ, chính là nguyên nhân lớn của thực trạng thiết kế bao bì dược không có gì nổi bật. Thậm chí không hướng đến trải nghiệm người dùng – những người đáng lẽ ra nên được quan tâm, chăm chút đến từng chi tiết khi đã chấp nhận “xuống tiền” để tiếp cận các sản phẩm y tế, dược phẩm.

Khoan đề cập các giá trị bền vững và nhân văn có phần xa vời, ngay từ những trải nghiệm người dùng cơ bản nhất như mở nút chai cao su, tháo tem niêm phong lọ thuốc thuỷ tinh hay bẻ gãy đầu thuốc ống uống (thường gặp ở sản phẩm vitamin, men vi sinh…) trên sản phẩm thuốc nội cũng đủ khiến người dùng gặp khó khăn.

Không ít nhà sản xuất, nhà cung cấp hiện nay còn định hướng sử dụng hoàn toàn tiếng Anh (hoặc ngoại ngữ) trên thiết kế bao bì dược – dù khách hàng mục tiêu toàn bộ là người Việt Nam và không có vấn đề gì với việc đọc hiểu tiếng Việt. Tất nhiên, không phải ai trong số họ cũng sử dụng ngoại ngữ một cách trôi chảy và lưu loát.

Việc ưu tiên tính thẩm mỹ một cách cực đoan, hay sử dụng hoàn toàn ngoại ngữ trên bao bì thuốc không vì mục đích gì khác – ngoài việc tạo cảm giác rằng đây là sản phẩm tốt, khiến người dùng lầm tưởng rồi đánh đồng chất lượng sản phẩm nội với sản phẩm nhập khẩu.

Một lẽ tất yếu, nhiều thương hiệu trong nước chọn làm như vậy vì chất lượng thật sự của sản phẩm không cao, nếu không muốn nói là không có tác dụng chữa bệnh vượt trội.

Không nên quá ưu tiên tính thẩm mỹ khi thiết kế bao bì dược.
Nguồn: LogaPak

Giờ hãy nhìn lại cách định nghĩa của các doanh nghiệp, tổ chức uy tín hàng đầu thế giới về thiết kế bao bì dược phẩm hiệu quả và nhân văn. Tuyệt nhiên trong số những gạch đầu dòng mà họ liệt kê, chẳng có dòng nào yêu cầu các đơn vị thiết kế phải tạo ra một “sản phẩm bao bì” đẹp mắt, thu hút cả. Ép buộc họ sử dụng một ngôn ngữ nào đó – vì mục đích tạo cảm giác đắt đỏ và chất lượng cao lại càng không.

Đã đến lúc các thương hiệu và doanh nghiệp dược phẩm trong nước nhìn lại, tái định nghĩa và hình dung hệ thống tiêu chuẩn thiết kế bao bì dược theo hướng nhân văn, ưu tiên tính hiệu quả cũng như trải nghiệm của bản thân người dùng. Mà thay đổi lớn nhất ngay từ gốc rễ, phải nằm ở chính những đội ngũ thiết kế thương hiệu và bao bì dược phẩm.

Một thiết kế bao bì chẳng có gì ngoài đẹp mắt, ấn tượng về thẩm mỹ có thể dễ dàng chinh phục đối tác sản xuất, cung cấp dược phẩm ngay tại buổi thuyết trình đầu tiên. Nhưng khi ứng dụng nó vào thực tế thì không có gì đảm bảo rằng, người sử dụng (thông thường là người bệnh) sẽ có trải nghiệm thuận tiện và vừa ý nhất.

Hãy nghĩ đến những sản phẩm trợ tim với nắp hộp thuốc thiết kế trợ lực, nhiều rãnh lớn liền kề nhau để thao tác mở hộp khi khẩn cấp trở nên dễ dàng hơn.

Hoặc một số bao bì thứ cấp của các hãng dược phẩm Nhật Bản, họ in to rõ hình ảnh có liên quan đến tác dụng chính của thuốc – chẳng hạn thuốc cảm thì ảnh em bé bị sốt, thuốc rối loạn tiêu hoá thì người phụ nữ ôm lấy bụng, nhằm mục đích tránh gây hiểu lầm với thuốc hoặc bất cứ sản phẩm nào khác.

Một thiết kế bao bì dược nhân văn tại Nhật Bản.
Nguồn: Japan Web Magazine

Những thiết kế kiểu như vậy có thể không quá đẹp mắt, không quá tối giản theo xu hướng thiết kế hiện đại, thậm chí khó lòng thuyết phục đối tác thương hiệu ngay từ lần đầu tiên. Nhưng nếu nhìn bằng lăng kính đa chiều, nghĩ sâu hơn một chút rồi dành ưu tiên cho trải nghiệm và sức khoẻ của người bệnh, không khó để chúng ta nhận ra tính nhân văn của những thiết kế này.

Hành trình kiến tạo và lan toả các giá trị bền vững, nhân văn không bao giờ dễ dàng. Nó không chỉ đòi hỏi thời gian, năng lực và tâm huyết của người làm nghề, mà còn yêu cầu một góc nhìn rộng lớn, quan điểm sâu sắc và luôn định hướng cho đi để nhận lại nhiều hơn.

* Bài viết gốc: Vũ Digital