Adobe: Các thương hiệu Châu Á – Thái Bình Dương dẫn đầu trong việc triển khai AI toàn cầu

Ngày 25/7/2024, Adobe đăng tải báo cáo “Xu hướng kỹ thuật số 2024 ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Nhật Bản (APJ)”. Trong đó, các quốc gia ở khu vực này đang dẫn đầu trong việc triển khai AI tạo sinh và sẽ sớm thực hiện những thay đổi lớn về tổ chức để mở rộng quy mô áp dụng.

Theo các giám đốc điều hành của thương hiệu khu vực APJ, gần hai phần ba (65%) đã bước đầu thử nghiệm hoặc triển khai toàn diện các giải pháp AI, góp phần giúp họ tiến xa hơn so với các công ty cùng ngành ở Mỹ (61%) và Châu Âu (55%). Trong khu vực APJ, Nhật Bản là quốc gia có mức triển khai AI cao nhất (82%), tiếp theo là Ấn Độ và Châu Á (cùng ở mức 72%).

Nhật Bản là quốc gia có mức triển khai AI cao nhất (82%).
Nguồn: Adobe

Dù các giám đốc điều hành tự tin rằng họ đang triển khai AI tạo sinh theo đúng tiến độ nhưng nhiều chuyên viên lại có quan điểm khác. Cụ thể, với nhận định “doanh nghiệp không có chiến lược triển khai AI”, chỉ có 4% giám đốc điều hành đồng ý, nhưng phần lớn các chuyên viên của tổ chức nghĩ ngược lại. Nhật Bản là quốc gia cho thấy khoảng cách lớn nhất giữa hai đối tượng này, khi có đến 37% chuyên viên cho rằng tổ chức chưa có kế hoạch triển khai AI chính thức.

Lãnh đạo cấp cao và các chuyên viên có quan điểm trái ngược nhau về kế hoạch triển khai AI.
Nguồn: Adobe

Ông Duncan Egan, Vice President, Digital Experience Marketing khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Nhật Bản của Adobe, cho biết sự khác quan điểm này có thể là do mỗi đối tượng có một góc nhìn khác nhau về AI tạo sinh.

“Đối với một số giám đốc điều hành cấp cao, áp dụng AI có thể hiểu đơn giản giống như việc ký hợp đồng với nhà cung cấp, trong khi những chuyên viên bên dưới sẽ hiểu rằng thực tế cần phải có dữ liệu, công cụ và quy trình đào tạo phù hợp để áp dụng AI. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng sẽ thu hẹp khoảng cách này vào năm 2024, khi các tổ chức đã chuẩn bị sẵn sàng hơn để triển khai AI một cách sáng tạo”, ông nói.

Hiện nay, Adobe đang hợp tác chặt chẽ với nhiều thương hiệu trên khắp Châu Á – Thái Bình Dương trong quá trình họ chuyển đổi từ giai đoạn thử nghiệm sang giai đoạn triển khai AI tạo sinh ở cấp doanh nghiệp. Cụ thể, Adobe giúp nhiều doanh nghiệp đưa AI vào quy trình làm việc dễ dàng hơn bằng cách tích hợp AI tạo sinh vào hệ sinh thái ứng dụng Adobe mà các marketers đã sử dụng như: Adobe Acrobat, Adobe Photoshop và các ứng dụng trong Adobe Experience Platform. Đại diện thương hiệu này cũng cho biết quá trình tích hợp này đảm bảo an toàn và bảo mật về thương mại, tuân thủ quyền riêng tư cấp doanh nghiệp.

Ngoài ra, kết quả báo cáo cũng cho thấy việc tích hợp AI tạo sinh là sáng kiến ​​kỹ thuật số hỗ trợ các thương hiệu APJ tăng trưởng nhất trong năm 2024. Do đó, hầu hết các thương hiệu đang xây dựng hướng dẫn sử dụng AI có trách nhiệm (73%) và điều chỉnh lộ trình triển khai AI toàn diện cho những mục tiêu kinh doanh lớn hơn (71%).

“AI tạo sinh đưa ra một lộ trình rõ ràng hơn để thống nhất dữ liệu, dự đoán nhu cầu của khách hàng từ đó cung cấp nội dung phù hợp hơn về yếu tố thời gian. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy mặc dù nhiều thương hiệu có ý định áp dụng AI rộng rãi nhưng chỉ một số ít thực sự có các chiến lược tùy chỉnh để nắm bắt những lợi ích này của AI, từ đó vượt lên trước để xây dựng lòng trung thành, niềm tin và chuyển đổi người tiêu dùng”, ông Egan bổ sung.

Thay đổi cơ cấu tổ chức, chuẩn bị kỹ năng và năng lực dữ liệu cho kỷ nguyên AI

Nhiều thương hiệu đã đoán trước những thay đổi đáng kể đối với mô hình hoạt động và cơ cấu tổ chức để hỗ trợ việc áp dụng AI tạo sinh. Ở APJ, phần lớn doanh nghiệp có ý định tổ chức lại các nhóm và chức năng để đáp ứng việc sử dụng AI, cao nhất ở châu Á (80%) và Ấn Độ (74%). Đây cũng là hai khu vực có kế hoạch giới thiệu vai trò của AI đối với cấp lãnh đạo cao nhất (Ấn Độ là 78% và Châu Á là 73%).

Một số quốc gia có kế hoạch thay đổi cơ cấu tổ chức để triển khai AI.
Nguồn: Adobe

Các giám đốc điều hành cũng đang ưu tiên những sáng kiến ​​giúp nhân viên nâng cao kỹ năng và cung cấp các biện pháp bảo vệ rõ ràng cho việc sử dụng AI tạo sinh. Trong đó, đào tạo kỹ năng AI nâng cao cho nhân viên chủ chốt là lựa chọn được ưu tiên nhất (47%), tiếp theo là các chính sách sử dụng AI có đạo đức và an toàn (45%).

Hơn 2/3 thương hiệu ở APJ cũng tin rằng AI tạo sinh sẽ thay đổi công tác quản lý và phân tích dữ liệu nhiều hơn bất kỳ bộ phận nào khác trong tổ chức. Họ cũng nhận ra rằng năng lực dữ liệu và quản trị là hai nền tảng quan trọng. Hầu hết thương hiệu đều có kế hoạch tăng cường đầu tư vào quản lý dữ liệu khách hàng vào năm 2024, cao nhất là Ấn Độ (75%).

Với những xu hướng này, ông Simon Dale, Vice President của Adobe ở khu vực Châu Á, nhận định: “Châu Á – Thái Bình Dương và Nhật Bản là khu vực đang đi đầu trong việc áp dụng AI tạo sinh. Nhiều thương hiệu đã nhận ra tiềm năng của AI trong việc chuyển đổi tổ chức của họ. Chúng tôi đang thấy sự cam kết mạnh mẽ trong việc tái cơ cấu các chức năng và phòng ban, đồng thời giới thiệu vai trò của AI với cấp lãnh đạo và ưu tiên nâng cao kỹ năng của nhân viên để khai thác triệt để sức mạnh của công nghệ này.

Các doanh nghiệp cũng hiểu rằng việc áp dụng AI tạo sinh phải đi đôi với năng lực dữ liệu phù hợp và quản trị có trách nhiệm. Vì vậy, chúng tôi dự đoán sẽ có sự gia tăng đầu tư vào những lĩnh vực này, từ đó thúc đẩy sự đổi mới và chuyển đổi trên toàn khu vực.”

Báo cáo “Xu hướng kỹ thuật số 2024 ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Nhật Bản (APJ)” là tổng hợp kết quả cuộc khảo sát toàn cầu với 8.600 giám đốc điều hành, các chuyên viên cũng như 6.800 người tiêu dùng được thực hiện vào giai đoạn tháng 1-2/2024. Phân tích ở Châu Á – Thái Bình Dương và Nhật Bản bao gồm phản hồi từ 1.426 giám đốc điều hành và chuyên viên cùng 998 người tiêu dùng, từ Úc, New Zealand, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.

Xem và tải báo cáo bản đầy đủ tại đây.