Cốc Cốc: Nhìn sâu về sức khỏe tâm trí và trào lưu “chữa lành”

Những áp lực từ công việc, cuộc sống cùng với tình trạng căng thẳng kéo dài đã khiến nhiều người rơi vào trạng thái mệt mỏi tinh thần, kéo theo nhiều vấn đề sức khỏe tâm lý khác.

Sức khỏe tâm trí trở thành một vấn đề quan trọng hơn bao giờ hết, với gần 90% đáp viên của khảo sát đề cao. Từ khóa “Chữa lành” cũng nổi lên như một trào lưu hiện đại thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng.

Để thấu hiểu hơn về những nhận thức xoay quanh sức khỏe tâm trí và trào lưu chữa lành, Cốc Cốc đã thực hiện nghiên cứu dữ liệu khảo sát trực tuyến với 1.164 đáp viên trên nền tảng. Thông qua việc tìm hiểu và chia sẻ những thông tin này, Cốc Cốc tin rằng người đọc sẽ có cái nhìn mới mẻ và toàn diện hơn về vấn đề sức khỏe tinh thần – một vấn đề trọng yếu nhưng vẫn còn nhiều khía cạnh chưa được khám phá đầy đủ. Từ đó, chúng ta có thêm những gợi mở để đồng hành cùng nhau trong chặng đường chăm sóc sức khỏe tâm trí và hồi phục, chữa lành.

Nhận thức về sức khỏe tâm trí

Theo kết quả khảo sát, có 87,1% đáp viên cho rằng sức khỏe tâm trí là một vấn đề rất quan trọng. Đáng chú ý, công chúng hiện có góc nhìn khá tích cực đối với sức khỏe tinh thần của bản thân khi có tới 85,5% đánh giá sức khỏe tâm trí của mình từ bình thường đến tốt.

Nam giới tỏ ra lạc quan hơn nữ giới khi tự đánh giá sức khỏe tâm trí của mình, với tỷ lệ đánh giá Rất tốt/Tốt cao hơn hẳn so với phái đẹp. Ngược lại, nữ giới, đặc biệt là những người nội trợ, lại thể hiện mức độ lo ngại cao hơn với hơn 30% đánh giá sức khỏe tâm trí ở mức Kém đến Rất kém.

Nhận thức về sức khỏe tinh thần, tâm trí cũng có những sự khác biệt theo độ tuổi. Theo đó, lứa tuổi thiếu niên (dưới 18 tuổi) người lao động trẻ (22-34 tuổi) là hai nhóm tuổi đang chịu nhiều áp lực tâm lý khi có ~20% đánh giá sức khỏe tâm trí của bản thân ở mức kém tới rất kém. Độ tuổi 22-34 hiện cũng là độ tuổi lơ là về sức khỏe tinh thần, tâm trí nhất khi có ~8% đáp viên đánh giá sức khỏe tinh thần, tâm trí ở mức ít quan trọng hoặc không quan trọng, trong khi đó trung bình các nhóm tuổi khác chỉ ở mức 2,3%.

Nhận thức về xu hướng “chữa lành”

Cụm từ “chữa lành” ngày càng trở nên phổ biến, với khoảng 90% người được khảo sát cho biết họ đã từng nghe đến khái niệm này. Tuy nhiên, định nghĩa về “chữa lành” lại có sự khác biệt lớn giữa các nhóm người. Khoảng 1/4 đáp viên cho rằng “chữa lành” là chăm chút cho cảm xúc cá nhân và hưởng thụ sau thời gian học tập, lao động căng thẳng, trong khi 2/3 cho rằng đó là hoạt động phục hồi tâm trí và chăm sóc sức khỏe tinh thần.

Mặc dù phần đa người dùng đều có có những quan điểm tích cực về “chữa lành”, nhưng cũng có những lo ngại về việc thương mại hóa quá mức trào lưu này. Khoảng 62,8% đáp viên cho rằng “chữa lành” đang bị thương mại hóa, với nhiều dịch vụ và sản phẩm được quảng cáo nhằm mục đích lợi nhuận hơn là thực sự giải quyết các vấn đề tâm lý.

Xu hướng và hành vi tiêu dùng

Áp lực từ học tập, công việc và tài chính là lý do phổ biến nhất khiến nhiều người có nhu cầu “chữa lành”. Báo cáo cho thấy, 7/10 người tham gia đã từng hoặc đang có ý định chữa lành. Trong đó, tỷ lệ nữ giới có nhu cầu “cần chữa lành” cao hơn so nam giới. Trong khi, nữ giới thừa nhận họ gặp phải nhiều vấn đề về tâm lý thì ngược lại, nam giới lại có xu hướng muốn cải thiện sức khỏe tâm trí nói chung mà không gặp phải vấn đề cụ thể nào.

Theo kết quả khảo sát, trầm cảm, lo âu và căng thẳng là các vấn đề tâm lý phổ biến trong cuộc sống hiện đại khi có hơn 30% người dưới 45 tuổi đã từng gặp phải và cần đến các liệu pháp chăm sóc sức khỏe tâm lý. Theo đó, những vấn đề này thường xảy đến đối với nhóm nghề nghiệp là doanh nhân – học sinh/sinh viên – nhân viên văn phòng.

Có xấp xỉ 90% đáp viên cho biết rằng họ có tham gia những hoạt động khác nhau phục vụ mục đích chữa lành, trong đó hoạt động phổ biến nhất là vui chơi, giải trí (~60%), kế đến là trò chuyện, kết nối với người khác (~40%). Mua sắm cũng được xem là một trong những hoạt động chữa lành phổ biến, xếp thứ 5 với hơn 20% đáp viên lựa chọn.

  • Tuy vậy, nam giới và nữ giới có những cách thức rất khác nhau. Trong khi nam giới thiên về các giải pháp từ thể chất như thể dục, yoga và dinh dưỡng hoặc các liệu pháp chuyên sâu về tinh thần như thực hành thiền định, tham vấn tâm lý, thuốc và thảo dược. Thì nữ giới lại có xu hướng lựa chọn các cách thức giải tỏa gián tiếp như vui chơi, giải trí, trò chuyện, massage, spa hoặc mua sắm.
  • Với các nhóm tuổi khác nhau, xu hướng hành vi cũng có những sự dịch chuyển nhất định. Vui chơi, giải trí là lựa chọn của đông đảo thanh thiếu niên độ tuổi học sinh – sinh viên khi nghĩ về “chữa lành”, tuy nhiên với những nhóm tuổi lớn hơn, sự chú ý của họ dần dịch chuyển sang những hoạt động khác như tập luyện và dinh dưỡng.

Có ít nhất ½ đáp viên cho biết họ đã tìm thấy những thay đổi tích cực trong cuộc sống từ khi tham gia trào lưu chữa lành, đặc biệt là nữ giới và giới trẻ. Tuy nhiên vẫn còn đó những rào cản đối với người dùng khi tiếp cận những dịch vụ “chữa lành” chăm sóc sức khỏe tâm trí. Trong đó, xấp xỉ 40% đến từ đời sống bận rộn không có thời gian và 35% do chi phí đắt đỏ. Ngoài ra, lý do thứ 3 phổ biến nhất đối với nam giới là nhu cầu cần cung cấp đầy đủ thông tin còn đối với nữ giới chính là sự tin tưởng.

Nhắc tới các sản phẩm, dịch vụ về sức khỏe tâm trí, được kì vọng nhất hiện tại vẫn là các liệu pháp nghỉ dưỡng và thư giãn phổ biến như du lịch, ăn uống và nghệ thuật – giải trí với gần một nửa số lượng đáp viên yêu thích. Bên cạnh đó là nhóm các dịch vụ chuyên sâu như tư vấn và trị liệu, chiêm tinh hay thiền định. Theo đó, người dùng thể hiện quan điểm lựa chọn các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng 3 nhóm nhu cầu theo thứ tự ưu tiên sau:

  • Nhóm 1: Phổ biến nhất là nhu cầu về tính dễ tiếp cận (dễ dùng và giá cả phải chăng)
  • Nhóm 2: Tiếp đến là yếu tố chuyên môn (đáng tin, có thông tin hướng dẫn chi tiết, tích hợp nhiều phương pháp và cam kết hiệu quả)
  • Nhóm 3: Cuối cùng là sự kết nối với cộng đồng và tính cá nhân hóa

Thói quen truyền thông

Hai dạng nội dung phổ biến nhất trong lĩnh vực sức khỏe tâm trí và chữa lành đang là video ngắnbài viết với khoảng 1/2 người dùng tiếp cận, kế đến là những dạng nội dung truyền tải được nhiều thông tin hơn như hình ảnh, infographic và podcast. Trong đó, podcast cho thấy sự thu hút đối với giới trẻ và phái nữ.

Khảo sát cũng chỉ ra rằng người dùng có xu hướng chủ động cao trong việc tìm hiểu thông tin liên quan đến lĩnh vực này. Họ không tìm kiếm những thông tin chung chung mà sẽ đi tìm hiểu những xu hướng và nghiên cứu mới, hoặc những khuyến nghị cụ thể, chính xác. Họ cũng thường được truyền cảm hứng bởi câu chuyện cá nhân với sức lan tỏa mạnh mẽ bằng giá trị tinh thần và sự đồng cảm trong cộng đồng chung nhận thức

Hai giới cũng cho thấy sự khác biệt trong cách tiếp nhận thông tin, trong khi nữ giới thường thu hút bởi câu chuyện cá nhân về quá trình chữa lành thì nam giới lại thiên về những thông tin và khuyến nghị cụ thể, chi tiết. Nhóm trẻ dưới 35 tuổi có xu hướng chủ động khám phá các xu hướng hoặc nghiên cứu mới trong khi nhóm trung và lớn tuổi lại cần đến những lời khuyên cụ thể về cách chăm sóc sức khỏe tâm trí cũng như thông tin về các dịch vụ, phương pháp chữa lành.

Khảo sát đã mang lại cái nhìn tổng quan về nhận thức và xu hướng chăm sóc sức khỏe tâm trí cũng như trào lưu “chữa lành” tại Việt Nam. Những tín hiệu tích cực cho thấy cộng đồng đang ngày càng quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe tinh thần một cách toàn diện hơn. Điều này khơi mở những cơ hội và cách tiếp cận mới cho các nhãn hàng kinh doanh sản phẩm và dịch vụ liên quan như ứng dụng chăm sóc sức khỏe tâm lý, các khóa học, thiền định, hay các sản phẩm hỗ trợ giấc ngủ và thư giãn… Tập trung vào sản phẩm tạo ra giá trị thực cho người tiêu dùng sẽ giúp các thương hiệu xây dựng được lòng tin và sự trung thành từ khách hàng.

Xem và tải báo cáo đầy đủ tại đây.

Báo cáo được thực hiện dựa trên dữ liệu thu thập từ khảo sát trực tuyến trên nền tảng Cốc Cốc với hơn 30 triệu người dùng. Tìm hiểu thêm về dịch vụ khảo sát trực tuyến tại đây.