Dùng AI để thu hút khách hàng trên mạng xã hội
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang khiến doanh nghiệp và các ngành nghề trên toàn cầu chuyển mình theo tốc độ vũ bão, thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng kinh tế. Dùng AI trong marketing mạng xã hội như thế nào để tăng doanh số và sự hài lòng của khách hàng? Các giảng viên cấp cao ngành Digital Marketing từ Đại học RMIT chia sẻ một số ý kiến.
Bài viết là quan điểm của Tiến sĩ Alrence Halibas và Tiến sĩ Umair Akram – Giảng viên Cấp cao ngành Digital Marketing, Đại học RMIT.
Lợi ích của việc tích hợp AI trên mạng xã hội
Thị trường AI tại Việt Nam ước tính tăng trưởng 28,6% mỗi năm, với giá trị dự kiến cán mốc 3,4 tỷ USD vào năm 2030. Chính phủ đã triển khai chiến lược quốc gia về AI để định vị Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu lĩnh vực này, đặc biệt là trong khu vực Đông Nam Á.
Theo Tiến sĩ Alrence Halibas, Giảng viên Cấp cao tại Đại học RMIT, AI có thể cải thiện hành trình và quyết định của người dùng, tăng xu hướng sử dụng các nền tảng số để tìm kiếm và mua sản phẩm.
Bà cho biết: “Một trong những thế mạnh của AI là khả năng cung cấp các gợi ý được cá nhân hóa. AI sử dụng bộ lọc dựa trên nội dung, chẳng hạn như gợi ý các sản phẩm tương tự như những mặt hàng mà người dùng đã ‘thích’ trong quá khứ và lọc kết hợp, gợi ý các sản phẩm dựa trên sở thích của người dùng tương tự”.
Các chiến lược này làm tăng khả năng mua hàng bằng cách đảm bảo rằng nội dung và sản phẩm được hiển thị trên trang nội dung của người dùng phù hợp với sở thích và nhu cầu của họ.
Một ví dụ khác là chatbot và trợ lý ảo, sử dụng xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) để tương tác với khách hàng theo thời gian thực trên các nền tảng mạng xã hội. Bà giải thích: “Chatbot trả lời các câu hỏi, cung cấp thông tin về sản phẩm và hướng dẫn khách hàng xuyên suốt quá trình mua hàng”.
Các kỹ thuật marketing nâng cao dựa trên AI khác bao gồm:
- Phân tích dự đoán: Phân tích lịch sử dữ liệu từ mạng xã hội để dự đoán nhu cầu khách hàng và cung cấp các sản phẩm kịp thời và phù hợp.
- Phân tích cảm xúc: Xem xét các bài đăng trên mạng xã hội và đánh giá của khách hàng để nhận định về cảm xúc họ dành cho sản phẩm và thương hiệu, từ đó đội ngũ marketing có thể điều chỉnh các chiến lược phù hợp.
- Định giá linh động: Theo dõi giá cả theo thời gian thực dựa trên nhu cầu, sự cạnh tranh và các yếu tố thị trường khác để đảm bảo mức giá tối ưu nhằm tối đa hóa doanh số và lợi nhuận.
Giảng viên Cấp cao Umair Akram chia sẻ một số chiến dịch triển khai AI thành công tại Việt Nam.
Chiến dịch của VietJet do PMAX triển khai năm 2023 đã sử dụng Nền tảng dữ liệu khách hàng (CDP) để phân tích hơn 150 triệu bản ghi của người dùng. Chiến dịch này đã tạo ra hơn 300 phân khúc khách hàng và triển khai quảng cáo cá nhân hóa trên hơn 25 kênh. VietJet đã đạt doanh số cao hơn gấp sáu lần so với cùng kỳ năm 2022, ghi nhận 1,7 triệu lượt đặt vé máy bay và tăng 75% số người dùng hoạt động hàng tháng trên ứng dụng.
Việc sử dụng AI một cách chiến lược cho quảng cáo cá nhân hóa và hiểu biết về khách hàng theo thời gian thực cho thấy tiềm năng của công nghệ này trong chuyển đổi marketing trên mạng xã hội.
Chiến dịch của Samsung với hai sản phẩm Galaxy Z Flip4 và Fold4 do Cheil Vietnam thực thi đã sử dụng CDP được điều khiển bằng AI để phân tích dữ liệu khách hàng và tạo ra hơn 300 phân khúc. Điều này cho phép quảng cáo cá nhân hóa trên nhiều kênh, bao gồm Instagram và TikTok, nhắm đến người tiêu dùng Gen Z.
Thông qua nền tảng sáng tạo “Galaxy ME” và sự hợp tác với các nhà thiết kế thời trang, chiến dịch này đã đạt được 96,4% thị phần buzz, 97% nhận thức về thương hiệu và tăng đáng kể ý định mua hàng và doanh số. Việc triển khai AI không chỉ tăng cường tương tác mà còn củng cố vị thế dẫn đầu của Samsung trong thị trường điện thoại thông minh màn hình gập.
Tương lai của AI trong marketing mạng xã hội
Tiến sĩ Akram nhấn mạnh tiềm năng của các hệ thống dựa trên AI trong việc xác định những sản phẩm thu hút sự tương tác của khách hàng trên mạng xã hội. Bằng cách phân tích tương tác của khách hàng, doanh nghiệp có thể xác định thuộc tính sản phẩm nào gây ấn tượng mạnh nhất. Sau đó, họ có thể đưa thông điệp marketing đến đúng đối tượng khách hàng và tăng tương tác.
Tiến sĩ Halibas chia sẻ rằng những khách hàng gắn bó tình cảm với thương hiệu có nhiều khả năng trải nghiệm sự hài lòng cao hơn và có ý định mua hàng nhiều hơn.
Ông cho biết: “Doanh nghiệp cần cân nhắc đến các tác động hành vi và xã hội của công nghệ AI đối với hành vi và trải nghiệm của khách hàng. Điều này cho phép họ phát triển những chiến lược tương tác với khách hàng và các trải nghiệm người dùng sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và mang lại lợi thế cạnh tranh”.
Để nuôi dưỡng điều này, bà khuyến nghị doanh nghiệp hỗ trợ cho khách hàng trước và sau khi mua, chủ động giao tiếp và cung cấp các tương tác cá nhân hóa.
Các chuyên gia RMIT tin rằng công nghệ AI sẽ tiếp tục cung cấp mức độ cá nhân hóa chi tiết, nội dung và quảng cáo cá nhân hóa chính xác dựa trên hồ sơ người dùng và hành vi theo thời gian thực.
Tiến sĩ Halibas cho biết, những tiến bộ trong NLP và máy học sẽ giúp chatbot và trợ lý ảo trở nên tinh vi hơn, cung cấp các tương tác khách hàng liền mạch và giống như con người.
Theo bà, các cải tiến liên tục trong công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) và AI sẽ tạo ra những trải nghiệm mua sắm sống động trên mạng xã hội, cho phép người dùng thử sản phẩm ảo trước khi mua.