Fashion Icon #17: Dolce & Gabbana – “Chơi đùa” với mọi nguyên tắc để thổi hồn vào những bộ cánh
Dolce & Gabbana, dưới bàn tay tài hoa của hai nhà sáng lập Domenico Dolce và Stefano Gabbana, đã mang đến cho làng thời trang những bộ trang phục giúp phụ nữ tự tin là chính mình. Nhờ luôn say mê sáng tạo với quan điểm thời trang cần thêm phần vui nhộn và tươi mới, hai nhà thiết kế đã tạo nên đế chế tỷ đô của những bộ cánh Ý tinh xảo.
Fashion Icon là chuỗi bài về gương mặt đứng sau các biểu tượng thời trang đình đám trên thế giới do Brands Vietnam thực hiện. Thông qua chuỗi bài này, marketers có thể hiểu hơn về lịch sử hình thành và sự phát triển của các đế chế thời trang trên toàn cầu.
Nhân duyên tạo nên hai mảnh ghép hoàn hảo của thương hiệu Dolce & Gabbana
Domenico Dolce sinh ra trong một gia đình kinh doanh quần áo vào năm 1958 tại Polizzi Generosa, Sicily, nơi ông đã làm việc từ khi còn nhỏ. Trong khi đó, Stefano Gabbana ra đời năm 1962, là đứa con thứ hai trong một gia đình khá bình thường, mẹ ông là thợ giặt và bố làm việc tại nhà máy in.
Dolce vốn có niềm yêu thích với thời trang ngay từ khi còn bé, ông thậm chí đã tự may quần áo cho bản thân khi chỉ mới 6 tuổi. Do đó, sau khi trưởng thành, Dolce theo học thiết kế thời trang tại học viện Marangoni ở Milan, thế nhưng ông đã nhanh chóng nghỉ học chỉ sau bốn tháng vì nhận ra bản thân đã nắm được hết những kiến thức mà nhà trường giảng dạy. Sau đó, ông đến làm việc cho Giorgio Corregiari – một thương hiệu thời trang của Ý thời bấy giờ.
Cho đến năm 1980, Dolce và Gabbana lần đầu gặp nhau khi học cùng chuyên ngành thiết kế thời trang. Do có nhiều điểm chung, hai người nhanh chóng trở thành bạn bè và bắt đầu làm việc cùng nhau. Đến năm 1982, sau khi Gabbana hoàn thành nghĩa vụ quân sự, hai người cùng nhau thành lập studio tư vấn thiết kế. Đó cũng là sự khởi đầu cho thương hiệu thời trang của riêng họ với cái tên của cả hai là Dolce & Gabbana.
Đáng chú ý, có một quãng thời gian mà cả hai đã bắt đầu hẹn hò cùng nhau, chỉ tiếc là mối tình này chỉ kéo dài đến năm 2005. Dù vậy, Dolce và Gabbana vẫn luôn ăn ý với vai trò đối tác kinh doanh. Điều tạo nên thành công của thương hiệu nằm ở sự kết hợp hoàn hảo giữa hai nhà sáng lập. Trong khi Dolce đóng vai trò như một giám đốc sáng tạo, còn Gabbana lại được biết đến như một vị doanh nhân với nhiều chiến lược kinh doanh khôn ngoan và sắc bén.
Hành trình khởi nghiệp từ khó khăn để vươn lên đỉnh cao
Khi mới thành lập, Dolce & Gabbana đối mặt với nhiều khó khăn về mặt tài chính. Do vậy, họ đã phải nhờ đến sự trợ giúp của bạn bè để có ngân sách thuê người mẫu, cũng như cung cấp phụ kiện cho người mẫu.
Với sự nỗ lực không ngừng, vào năm 1985, nhờ tham gia vào nhóm Milan Fashion Talent, họ được nhà quảng bá thời trang Beppe Modenese mời tham gia buổi trình diễn thời trang đầu tiên. Buổi trình diễn này đã mang lại cho họ một số thành công nhất định, tuy nhiên vẫn chưa giúp họ có đủ kinh phí để thuê người mẫu chuyên nghiệp và dàn dựng một buổi biểu diễn thời trang hoàn chỉnh.
Do đó, cả hai đã bắt tay thực hiện bộ sưu tập đầu tiên tại Tuần lễ Thời trang Milan. Để tiết kiệm chi phí, cả hai đã mời những người bạn đáng tin cậy mặc trang phục và phụ kiện cá nhân để tham gia buổi trình diễn. Thậm chí, Dolce còn phải mang tấm ga trải giường từ nhà để làm tấm màn sân khấu. Cũng chính vì thế, bộ sưu tập này có tên là “Real Women”, nhằm vinh danh những người phụ nữ chân thật đã bước đi trên sàn diễn.
Kể từ lúc này, khi bản sắc thương hiệu dần được định hình và tạo nên sự khác biệt, Dolce & Gabbana đã liên tục đạt được thành công ấn tượng. Bằng chứng là chỉ sau một năm, tức là năm 1986, họ tiếp tục ra mắt bộ sưu tập thứ hai và mở cửa hàng đầu tiên. Được biết, những bộ trang phục này được lấy cảm hứng từ hình ảnh vừa chân thật vừa quyến rũ của những người phụ nữ trong những tác phẩm kinh điển của Leopard, những câu chuyện về Verga và những bức tranh của Guttuso.
Trong giai đoạn này, mẫu thiết kế “The Sicilian Dress” của Dolce & Gabbana thực hiện được xem là một trong những trang phục có tầm ảnh hưởng nhất mọi thời đại, đồng thời đại diện cho sự khác biệt của thương hiệu vào lúc bấy giờ.
Năm 1987, thương hiệu giới thiệu dòng sản phẩm đầu tiên sử dụng chất liệu dệt kim. Không lâu sau, nhiều dòng sản phẩm khác như đồ lót và đồ bơi cũng được Dolce & Gabbana cho ra mắt với chất liệu dệt kim. Năm 1988, Dolce & Gabbana giới thiệu bộ sưu tập “Donnafugata” thuộc buổi trình diễn Xuân Hè 1988, vốn được lấy cảm hứng từ bộ phim cùng tên. Bộ sưu tập này nhận được nhiều lời khen ngợi bởi kiểu dáng áo nịt ngực, cách phối màu sắc rực rỡ cùng với chất liệu vải sang trọng.
Vài năm sau đó, thương hiệu tiếp tục duy trì phong độ và ngày càng nâng cao danh tiếng. Năm 1989, hai nhà sáng lập của thương hiệu đã ký hợp đồng với tập đoàn Kashiyama và mở cửa hàng đầu tiên tại Nhật Bản. Năm 1990, bộ sưu tập thời trang dành cho nam được ra mắt và giành được giải thưởng Woolmark Award vào năm kế tiếp.
Cũng trong năm 1989, sau khi nữ ca sĩ đình đám Madonna bày tỏ sự yêu thích và tạo được hiệu ứng tích cực khi mặc chiếc áo nịt ngực và áo khoác của Dolce & Gabbana trong chương trình “In Bed with Madonna”, thương hiệu đã nhanh chóng sản xuất hơn 1.500 bộ trang phục khác để nữ ca sĩ sử dụng cho chuyến lưu diễn quốc tế “Girlie Show” của cô.
Năm 1991, Dolce & Gabbana quyết định mở rộng danh mục sản phẩm của thương hiệu, bao gồm kính mắt, đồng hồ, cà vạt nam, trang sức, mỹ phẩm và bộ sưu tập dành riêng cho cô dâu.
Từ năm 1993 đến năm 1995, dòng nước hoa đầu tiên dành cho nam và nữ ra đời, đồng thời nhận được sự yêu thích của công chúng và chuyên môn. Cả hai dòng nước hoa cho cả nam và nữ đều được vinh danh tại hạng mục “Best Fragrances” với giải thưởng Perfume Academy.
Khi bước qua thiên niên kỷ mới, Dolce & Gabbana ngày càng được những người nổi tiếng yêu thích. Những ca sĩ nổi tiếng như Whitney Houston, Madonna, Beyoncé… liên tục đặt hàng trang phục cho các chuyến lưu diễn quốc tế của họ. Đáng chú ý, nữ ca sĩ Kylie Minogue và Madonna không chỉ đặt hàng trang phục cho các chuyến lưu diễn, mà còn tham gia chiến dịch quảng bá của thương hiệu.
Trong giai đoạn này, Dolce & Gabbana tiếp tục gây dấu ấn với một số thiết kế nổi bật, chẳng hạn như bộ sưu tập Xuân Hè 2003 với loạt thiết kế được đánh giá vừa mang tính gợi cảm vừa có sự cứng rắn của một nữ chiến binh.
Kể từ năm 2004 đến năm 2017, Dolce & Gabbana chịu trách nhiệm thiết kế trang phục cho câu lạc bộ bóng đá Milan và đội tuyển bóng đá quốc gia của Ý.
Năm 2009, bộ sưu tập cho dòng sản phẩm trang điểm ra mắt, với gương mặt đại diện là nữ diễn viên nổi tiếng Scarlett Johansson.
Năm 2012, Dolce & Gabbana đã tổ chức một buổi triển lãm công khai ở Milan với một căn phòng chứa đầy những chiếc tivi trưng bày các bộ sưu tập của họ trong vòng hai thập kỷ qua. Kể từ đó, thương hiệu tiếp tục giữ vững vị thế và mang đến những thiết kế mới mẻ và độc đáo.
Tính thẩm mỹ của thương hiệu đến từ đâu?
Xuyên suốt hành trình phát triển của Dolce & Gabbana, theo nhận định của giới chuyên môn và cộng đồng đam mê thời trang, yếu tố khiến cả hai đạt được thành công vang dội là do họ đã nỗ lực tạo ra những bộ trang phục giúp phái nữ cảm thấy tự tin và xinh đẹp.
Với quan điểm của Dolce và Gabbana, thời trang cần có sự vui nhộn và tươi mới. Do đó, cả hai không ngừng sáng tạo để thể hiện quan điểm về thời trang của họ với thế giới.
Không chỉ vậy, các thiết kế của thương hiệu cũng được lấy cảm hứng từ những tên tuổi huyền thoại như Christian Dior, Coco Chanel hoặc Gianni Versace. Hai nhà sáng lập của Dolce & Gabbana đã đưa vào những góc nhìn mới mẻ, táo bạo và mang tính tiên phong từ chính những thiết kế quen thuộc của các nhà thiết kế huyền thoại.
Ngoài ra, nhờ yêu thích điện ảnh của Ý, cụ thể là lấy cảm hứng từ những biểu tượng điện ảnh như Sophia Loren, Anna Magnani hoặc Marcello Mastroianni, những người đại diện cho sự quyến rũ của nước Ý. Dĩ nhiên, Sicily – nơi mà Dolce ra đời cũng đã góp phần tạo nên vẻ đẹp đặc trưng của thương hiệu với các hoạ tiết hoa, kết hợp với màu sắc ấm áp với mục đích phản ánh cảnh quan và truyền thống của hòn đảo xinh đẹp này.
“If we can do it, others can too.”
Dolce và Gabbana không chỉ thành công với vai trò nhà thiết kế thời trang, mà họ còn trở thành một biểu tượng văn hoá. Minh chứng rõ nhất cho điều đó là các thiết kế của họ xuất hiện trong nhiều bộ phim, video ca nhạc và tạp chí thời trang. Dolce và Gabbana cũng hợp tác với nhiều thương hiệu nổi tiếng khác, chẳng hạn như Coca-Cola và Samsung.
Hơn thế nữa, Dolce và Gabbana cũng là cái tên truyền cảm hứng cho những tín đồ thời trang. Được biết, cả hai đã khởi nghiệp chỉ với số vốn chưa đến 2.000 USD, vậy mà họ đã trở thành "những nhà thiết kế quyền lực" và nằm trong số những người giàu nhất nước Ý. Dẫu vậy, cả hai còn được biết đến với tính cách khiêm tốn và hào phóng. Hai nhà thiết kế này luôn trân trọng và biết ơn những người hâm mộ họ, đồng thời sẵn sàng đóng góp cho cộng đồng thời trang. Họ cũng nhiệt tình tham gia các hoạt động vì cộng đồng, chẳng hạn như nghiên cứu về AIDS và giáo dục trẻ em.
Cuối cùng, như nhiều người vẫn nói, Domenico Dolce và Stefano Gabbana sở hữu khả năng của một tín đồ thời trang đích thực, khi mà họ có thể kết hợp khéo léo các yếu tố thời kỳ và đất nước khác nhau vào thời trang. Từ đó tạo ra những bộ cánh tôn lên vẻ đẹp của bất kỳ giới tính nào qua chất liệu vải và những chi tiết đính đá tinh xảo. Do vậy, Dolce và Gabbana đã trở thành minh chứng rõ ràng về sự bùng nổ của thời trang Ý vào giai đoạn giữa những năm 1980 mà không ai có thể phủ nhận.
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.
Theo Phương Quyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Tổng hợp