Brand Updates W29/2024: BYD “chào sân” thị trường Việt Nam, Microsoft gặp sự cố “màn hình xanh chết chóc”
Cùng Brands Vietnam điểm lại những tin tức nổi bật trong tuần qua: “Ông lớn” xe điện BYD chính thức gia nhập thị trường Việt Nam; Microsoft gặp sự cố “màn hình xanh chết chóc”, khiến nhiều hoạt động kinh doanh trên toàn cầu bị tê liệt; thương hiệu thực phẩm Hàn Quốc O’Food đổi mới nhận diện... và nhiều thông tin đáng chú ý khác.
“Ông lớn” xe điện BYD chính thức có mặt tại Việt Nam
Ngày 18/7, BYD Auto tổ chức sự kiện “Grand Launch – Technology Green Future” tại TP.HCM, chính thức “chào sân” thị trường Việt Nam. Tại sự kiện, BYD cũng công bố giá bán lẻ của 3 dòng ô tô điện chủ lực là Dolphin, Atto 3 và Seal.
Ông Võ Minh Lực, Giám đốc Điều hành BYD Auto Việt Nam, chia sẻ rằng BYD sẽ tập trung phát triển nhiều chiến lược trọng tâm nhằm góp phần đa dạng hoá phương tiện di chuyển xanh và giải pháp năng lượng sạch, từ đó hướng đến một tương lai bền vững tại Việt Nam.
Ở giai đoạn đầu thâm nhập thị trường, nhằm giải quyết bài toán tài chính giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận sản phẩm, BYD đã liên kết với 3 ngân hàng lớn là BIDV, VPBank, VietinBank. Thời gian tới, các bên sẽ hợp tác triển khai các chính sách tài chính ưu đãi, được “đo ni đóng giày” cho khách hàng đại lý và khách hàng cá nhân khi mua xe điện BYD. Đồng thời, BYD cũng hợp tác với nhiều đối tác bảo hiểm nhằm giúp chủ xe an tâm vận hành phương tiện.
Về chiến lược phát triển hệ thống trạm sạc, BYD Auto Việt Nam không tập trung xây dựng hạ tầng trạm sạc, mà sẽ thực hiện nhiều kế hoạch thay thế nhưng vẫn đảm bảo sự tiện lợi và an tâm cho khách hàng. Theo ông Võ Minh Lực, trong thời gian sắp tới, BYD sẽ hợp tác với các đối tác trạm sạc lớn. Điều này đồng nghĩa với việc ngoài bộ giải pháp sạc tại nhà mà BYD cung cấp, khách hàng có thể sạc xe tại trạm sạc công cộng cũng như tại các hệ thống đại lý của BYD trên toàn quốc.
Microsoft gặp sự cố “màn hình xanh chết chóc”
Ngày 19/7, khoảng 8,5 triệu thiết bị sử dụng hệ điều hành Windows trên toàn cầu bất ngờ gặp lỗi “màn hình xanh chết chóc” (Blue Screen Of Death – BSOD). Vấn đề được xác định là do lỗi kỹ thuật của “bản cập nhật vội” mà CrowdStrike – công ty cung cấp giải pháp bảo mật cho Microsoft – triển khai.
Đến chiều ngày 19/7, sự cố màn hình xanh của Microsoft đã trở thành chủ đề nóng nhất toàn cầu. Dù con số 8,5 triệu thiết bị bị ảnh hưởng chiếm chưa đến 1% tổng số thiết bị sử dụng hệ điều hành Windows trên thế giới, song, sự cố này vẫn gây ra tác động nghiêm trọng. Về cơ bản, đã có hàng loạt doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực, bao gồm ngân hàng, hàng không, viễn thông, đài truyền hình và đài phát thanh, siêu thị… phải ngừng hoạt động trong hàng giờ, kéo theo nhiều thiệt hại lớn.
Theo các nhà phân tích, đây có thể là lỗi mất kết nối lớn nhất và có tính “tàn phá” nhất từ trước đến nay. Ông Andrew Peck, chuyên gia về an ninh mạng tại Đại học Loughborough ở Anh, cũng phát biểu rằng quy trình khắc phục sự cố ở nhiều công ty trên toàn thế giới có thể tiêu tốn hàng tỷ USD.
O’Food công bố nhận diện thương hiệu mới
Mới đây, thương hiệu thực phẩm Hàn Quốc O’Food đã công bố nhận diện mới, hướng đến mục tiêu mang đến “Vị ngon cho cuộc sống tròn đầy”. Việc thay đổi nhận diện là một phần trong chiến lược phát triển toàn cầu của thương hiệu, đồng thời đánh dấu bước chuyển quan trọng trong chiến lược phát triển tại thị trường Việt Nam sau 5 năm hiện diện.
Nhận diện mới của O’Food có sự thay đổi lớn ở thiết kế logo. Cụ thể, logo mới mang màu đỏ chủ đạo, khác với gam màu xanh/vàng ban đầu, thể hiện sự trẻ trung cùng tinh thần nhiệt huyết, đam mê của thương hiệu. Trong đó, chữ “O” được phóng to, tượng trưng cho sự vĩnh cửu, bắt đầu từ giá trị nguyên bản, nhưng đồng thời cũng mang thông điệp về định hướng đổi mới và phát triển không giới hạn của O’Food.
Đại diện thương hiệu cho biết, thông qua chiến lược đổi mới hình ảnh, O’Food thể hiện cam kết nâng cao lượng cuộc sống và truyền tải những nét đẹp ẩm thực từ nhiều nền văn hoá trên thế giới đến với người tiêu dùng Việt Nam. “Với diện mạo mới và những nỗ lực không ngừng nghỉ, chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự tin tưởng và ủng hộ từ người tiêu dùng, đồng thời khẳng định vị thế của mình trong ngành thực phẩm, không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới”, đại diện thương hiệu chia sẻ.
Tập đoàn Nagakawa đổi logo
Ngày 16/7, thương hiệu điều hòa, gia dụng và thiết bị nhà bếp cao cấp Nagakawa tổ chức sự kiện công bố nhận diện mới sau 22 năm hoạt động. Theo bà Nguyễn Thị Huyền Thương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Nagakawa, việc đổi nhận diện thương hiệu là bước đi mạnh mẽ, đánh dấu sự chuyển mình của doanh nghiệp sau hơn hai thập niên đồng hành hàng triệu gia đình Việt.
Điểm khác biệt trong bộ nhận diện thương hiệu mới là hình khối tối giản, bỏ biểu tượng symbol (dấu móc) trong logo cũ để sử dụng hoàn toàn logo dạng chữ (wordmark), nhấn mạnh vào thương hiệu một cách trực diện. Biểu tượng hai nét móc lưỡng nghi được phát triển thành hình ảnh giọt nước trong lòng 4 chữ “a”, tượng trưng cho 4 giá trị cốt lõi của tập đoàn là: Tận tâm, Sáng tạo, Thân thiện, Tin cậy. Ngoài ra, font chữ mới cũng là kiểu chữ tối giản, nét đậm, bo tròn các góc cạnh nhằm tạo cảm giác tin cậy, thân thiện và hiện đại hơn.
“Không đơn thuần là thay đổi hình ảnh, chúng tôi muốn thể hiện khát vọng, chiến lược phát triển bền vững, đặt mục tiêu trở thành thương hiệu năng động, hiện đại, sáng tạo, uy tín không chỉ ở Việt Nam, mà còn vươn tầm thế giới”, bà Huyền Thương lý giải thêm.
Netflix có thêm 8 triệu người dùng mới
Theo báo cáo kết quả kinh doanh vừa được công bố, Netflix đã có quý II/2024 “phát triển mạnh mẽ” với doanh thu tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, chạm mốc 9,56 tỷ USD. Trong đó, lượng thuê bao đạt 277,65 triệu người dùng, tăng thêm khoảng 8 triệu người so với quý đầu năm và tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh nội dung video mới, quảng cáo đang dần trở thành một nguồn thu đáng kể của Netflix. Dù không đưa ra con số cụ thể, Netflix cho biết lượng người dùng đăng ký gói thuê bao kèm quảng cáo đã tăng 34%.
Gói thuê bao kèm quảng cáo được Netflix ra mắt vào cuối năm 2022, trong bối cảnh số lượng người dùng sụt giảm khiến hãng phải chặn việc chia sẻ mật khẩu và triển khai gói cước rẻ hơn. Dù chiến lược này đang phát triển tốt, Netflix vẫn chưa tiến hành triển khai ở quy mô lớn.
Trong thư gửi các nhà đầu tư, Netflix cũng nhấn mạnh: “Hoạt động kinh doanh quảng cáo của chúng tôi đang phát triển thuận lợi và trở thành một phần quan trọng đóng góp vào mức tăng trưởng tài chính công ty. Tuy nhiên, việc phát triển một doanh nghiệp từ con số 0 đi lên cần thời gian. Vì vậy chúng tôi không kỳ vọng quảng cáo sẽ là nguồn lực chính cho tăng trưởng doanh thu trong năm 2024 hoặc 2025”.
Unilever chuyển nhượng thương hiệu máy lọc nước Pureit cho tập đoàn Mỹ
Ngày 15/7, Unilever thông báo chuyển nhượng nhãn máy lọc nước Pureit cho A.O.Smith – một tập đoàn công nghệ có trụ sở tại Mỹ. Đại diện đôi bên cho biết các thủ tục chuyển giao dự kiến hoàn tất vào cuối năm nay. Trong thời gian đó, Unilever vẫn sẽ tiếp tục quản lý hoạt động kinh doanh của Pureit.
Ông Eduardo Campanella, Chủ Tịch Unilever Home Care, cho biết việc chuyển nhượng Pureit đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển danh mục đầu tư của tập đoàn, hướng tới một không gian lớn hơn, phù hợp hơn với “kế hoạch hành động tăng trưởng” mà Unilever đang hướng đến.
Hiện tại, Pureit đang hoạt động chủ yếu tại thị trường Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka, Việt Nam, Mexico và một số quốc gia khác. Do đó, sự gia nhập của Pureit được kỳ vọng sẽ giúp A.O.Smith củng cố vị thế và tăng gấp đôi khả năng thâm nhập thị trường Nam Á. “Văn hóa đổi mới, bộ nhận diện và cách đề cao dịch vụ của Pureit là sự bổ sung tuyệt vời, giúp chúng tôi định vị thương hiệu cao cấp và danh mục sản phẩm rộng khắp ở khu vực. Chào đón Pureit đến với gia đình A.O.Smith”, ông Kevin J. Wheeler – Chủ Tịch kiêm Giám đốc Điều hành của A.O.Smith bày tỏ.
Doanh thu Nokia thấp nhất gần 10 năm qua
Ngày 18/7, Nokia thông báo lợi nhuận quý II/2024 giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 423 triệu Euro (tương đương 462 triệu USD). Doanh thu ròng cũng giảm 18%, còn 4,47 tỷ Euro – thấp nhất kể từ năm 2015.
Nokia lý giải nguyên nhân của sự sụt giảm này là do “thị trường liên tục yếu đi”.“Các số liệu đi xuống chủ yếu do so sánh với quý II năm ngoái, thời điểm Ấn Độ tích cực triển khai mạng 5G”, CEO Nokia – ông Pekka Lundmark – giải thích. Ông cho biết môi trường kinh doanh hiện tại vẫn tồn tại nhiều thách thức, do “các nhà mạng di động vẫn thận trọng”.
Dù vậy, Nokia kỳ vọng tình hình sẽ ổn định trở lại và doanh thu ròng sẽ tăng mạnh nửa cuối năm nhờ các đơn hàng mới nhận gần đây. “Tình hình đang cải thiện. Doanh thu phục hồi chậm hơn chúng tôi dự đoán một chút. Dù vậy, chúng tôi vẫn đang trên đà đạt mục tiêu tài chính cả năm, nhờ hành động nhanh chóng để giảm chi phí”, CEO Nokia nhận định.
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.
Theo Thanh Uyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Tổng hợp