Fashion Marketing #46: Xu hướng thời trang “du mục số” lên ngôi
Trong số này tôi lược dịch bài viết đăng trên Jing Daily ngày 1/7/2024 về xu hướng thời trang “du mục số”, là sự kết hợp văn hóa bản địa với phong cách hiện đại, đang được giới trẻ gen Z toàn cầu ưa chuộng bởi tính mộc mạc và gần gũi với thiên nhiên. Và như thường lệ là một số gợi ý cho thị trường Việt Nam.
Nội dung bài viết được đăng lần đầu tại blog Lamhonglan.
Phong cách du mục hiện trở thành xu hướng toàn cầu, khi được thế hệ gen Z ở Mỹ và Nhật bản ưa chuộng và đang dần lấn sân sang Trung Quốc.
Với mong muốn được gần gũi với thiên nhiên và hướng đến cảm giác tự do lãng mạn, phong cách này tạo sự đồng điệu với những giá trị cuộc sống đơn giản và nhẹ nhàng mà thế hệ gen Z ở Trung Quốc đang theo đuổi. Họ ngày càng không muốn đi theo những chuẩn mực truyền thống nhiều áp lực. Thay vào đó, họ muốn tìm lối đi riêng phù hợp với tính cách của riêng mình, hướng đến những trải nghiệm độc đáo mà không màng đến những tiêu chuẩn vật chất như thế hệ trước.
Được truyền cảm hứng bởi bộ phim truyền hình “A Lặc Thái Của Tôi” , tên tiếng Anh là “To the Wonder”, thế hệ trẻ Trung Quốc cảm thấy kết nối hơn với văn hóa nguồn cội, đặc biệt là phong cách du mục của vùng A Lặc Thái (Altay) thuộc Tây Bắc Trung Quốc. Phong cách này đến từ văn hóa dân tộc thiểu số, nghề thủ công gia truyền tiếp nối giữa các thế hệ và được kết hợp với các yếu tố thời trang đương đại.
Gen Z muốn tìm lối đi riêng phù hợp với tính cách, hướng đến trải nghiệm độc đáo mà không màng đến những tiêu chuẩn vật chất như thế hệ trước.
Ra mắt đầu năm 2024 và gây được tiếng vang tại thị trường Trung Quốc và được chọn dự thi liên hoan phim truyền hình tại Cannes, các tập của bộ phim “A Lặc Thái Của Tôi” lấy bối cảnh vùng quê của nhân vật chính tên Li khi cô trở về quê nhà sau thất bại gầy dựng sự nghiệp ở thành phố lớn. Qua lăng kính của cô, người xem chìm đắm trong thiên nhiên vùng thảo nguyên và những phong tục tập quán truyền giữ qua nhiều thế hệ. Series này cũng khiến người xem tạm quên đi những muộn phiền đang có để đắm chìm trong những câu thoại súc tích, lối sống chậm cũng như vẻ đẹp hoang sơ chưa bị tàn phá bởi bàn tay con người. Series này cũng là bệ phóng cho phong cách du mục thiểu số đang thịnh hành ở Trung Quốc và các nhãn hàng trong nước cũng vào cuộc.
Phong cách thời trang du mục đang là nguồn cảm hứng của các nhãn hàng thời trang
Hãng nước hoa Melt Season đã hợp tác với bộ phim cho ra mắt dòng nước hoa với tên gọi “Gọi Gió” (Roaming Wind) hướng đến đời sống du cư và thiên nhiên. Họ kết nối vẻ đẹp của thiên nhiên, văn hóa địa phương và nghề thủ công vào thiết kế của mình để tạo ra khí chất tự do tự tại của phong cách du mục
Đầu năm nay, nhãn hiệu Florasis cho ra BST “Du Cư Lộng Lẫy” (Nomadic Glam) nhằm tôn vinh văn hóa du mục Mông Cổ. Hay thương hiệu Xu Zhi kết hợp các yếu tố thiên nhiên vào màu sắc, quy trình dệt vải với những nguyên liệu tự nhiên và sân khấu diễn catwalk giữa thảo nguyên trong BST “Cơn gió Du Mục” (Wind Nomad).
Các tạp chí thời trang cũng vào cuộc khi dành hẳn một chuyên đề về xu hướng này, đăng tải những nhân vật đại diện cho phong cách này như Ding Zhen, chàng trai người Tây Tạng đang nổi đình đám trên mạng xã hội, hoặc chọn bối cảnh chụp ảnh ở những vùng du mục nổi tiếng ở phía bắc.
Du mục cũng là một lối sống
Phong cách du mục không chỉ phản ánh trong thời trang, nó còn là hiện thân trong lối sống. Giới trẻ đang tìm đến một lối sống đơn giản, kết nối với thiên nhiên và văn hóa nguồn cội cũng như tôn trọng cảm xúc bản thân và những trải nghiệm trong cuộc sống. Họ tìm thấy vẻ đẹp trong những sản phẩm thủ công của dân tộc thiểu số và thích thú khi dùng làm đồ trang trí trong ngôi nhà của họ.
Nhãn hiệu thảm Changphel từ Tây Tạng đã trở nên phổ biến gần đây vì lý do này. Thế hệ trẻ này cũng tìm đến những trải nghiệm như cắm trại giữa thiên nhiên hoang dã để tìm cảm giác tự do, cảm giác sống chậm thay vì theo đuổi lối sống sở hữu vật chất.
Cơ hội tại thị trường Việt Nam
Xu hướng “bỏ phố về quê” tuy không còn rộ như những năm trước, nhưng sau đại dịch COVID-19, việc tìm đến thiên nhiên để “chữa lành” đang trở thành nhu cầu của đa số dân thành thị. Đây là cơ hội cho các thương hiệu thời trang Việt khi thiết kế BST mới hoặc định hình thương hiệu mình theo hướng trải nghiệm chiều chuộng bản thân. Việc sử dụng những vật liệu thủ công được gìn giữ lâu đời trong văn hóa địa phương và thổi nét đương đại vào thiết kế cũng là một gợi ý giúp thời trang Việt trở nên “bền vững” hơn.
Nếu các bạn muốn trao đổi thêm về cơ hội này, hãy email cho tôi: [email protected].
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.
* Nguồn: Blog Lamhonglan