Re-think CSR #30: Phát triển bền vững trong ngành xây dựng là yếu tố “sống còn”
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự gia tăng nhận thức về vấn đề phát triển bền vững (PTBV), ESG đã trở thành một yếu tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển của nhiều doanh nghiệp. Đặc biệt là trong ngành xây dựng vốn có tầm ảnh hưởng lớn đến môi trường (Environment) và cộng đồng (Social).
Trong số 30 của Re-think CSR, hãy cùng Brands Vietnam khám phá vai trò quan trọng của ESG trong ngành xây dựng, những thách thức và cơ hội cũng như các xu hướng thực hành ESG của doanh nghiệp hiện nay qua chia sẻ của chị Võ Thái Xuân Thủy, người có hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành xây dựng và vật liệu xây dựng, hiện đang là Phó Giám đốc Vận hành, Trung tâm dữ liệu tài chính bền vững (SFDRC) thuộc Hiệp Hội Nhà Sản Xuất Sản Phẩm Thân Thiện Môi Trường (EPMA).
“Re-think CSR” là series do Brands Vietnam thực hiện, phỏng vấn các chuyên gia đến từ nhiều ngành hàng và quy mô doanh nghiệp khác nhau, chia sẻ về quan điểm, chiến lược, thực thi và kết quả thực tế có được từ hoạt động CSR của chính những doanh nghiệp tham gia chuyên mục. Từ đó, cung cấp những ý tưởng và cách tiếp cận đa dạng đối với một vấn đề tưởng chừng quen thuộc nhưng vẫn còn khá xa lạ tại thị trường Việt Nam.
* Trước hết, chị có thể chia sẻ kinh nghiệm và quan điểm của bản thân về các hoạt động PTBV trong ngành xây dựng tại Việt Nam?
Mình được tiếp cận khá sớm với khái niệm “Phát triển Bền vững” từ năm 2015 khi đang làm việc tại tập đoàn sơn trang trí AkzoNobel. Thời điểm đó, với sự phân công của tập đoàn, mình chuyển qua phụ trách xây dựng và phát triển thương hiệu Dulux Professional, một thương hiệu dành riêng cho thị trường Xây dựng Dự án quy mô lớn.
Khi bắt đầu tiếp cận thị trường ngách này, mình khám phá ra nhiều điểm khác biệt lớn so với thị trường xây dựng dân dụng. Những quyết định trong thị trường xây dựng dự án lớn sẽ chịu ảnh hưởng bởi chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, thầu xây dựng… Từ yêu cầu của chủ đầu tư là muốn công trình phải đạt được tiêu chuẩn công trình xanh, các anh chị kiến trúc sư mới bắt đầu tìm cách tiếp cận thiết kế bền vững rồi đến công tác lựa chọn sản phẩm để có được bằng chứng xác nhận đây công trình xanh. Tất cả trong ngành xây dựng dự án lớn đều sẽ có quy chuẩn và chứng nhận liên quan.
Thị trường dự án lớn tại Việt Nam thường “đi” trước trong việc tiếp nhận tư duy và tiêu chuẩn quốc tế, từ khâu đầu tư dự án đến khâu triển khai thiết kế và thi công tại công trường. Các dự án có vốn đầu tư nước ngoài thường lựa chọn các tiêu chuẩn quốc tế, phổ biến là tiêu chuẩn Châu Âu, tiêu chuẩn Mỹ, hoặc gần hơn là Nhật Bản và Singapore. Chính điều này giúp khái niệm phát triển xây dựng bền vững bén rễ tại thị trường Việt.
Câu chuyện PTBV của ngành xây dựng từ lúc khởi phát tại Việt Nam đến nay luôn chú trọng về việc thực hành, ít bị yếu tố “tẩy xanh” ảnh hưởng.
Quay về 8 năm trước, khi làm quen với các chứng nhận công trình xanh, chứng nhận sản phẩm xanh hoặc các nhãn xanh cho sản phẩm, mình cũng bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về khái niệm phát triển bền vững trong xây dựng và các đóng góp trong nhiều khía cạnh khác nhau của vật liệu xây dựng. Tiếp đến là các kết nối với cộng đồng các anh chị kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng, chủ đầu tư dự án tâm huyết với thị trường mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho cộng đồng.
Theo nhìn nhận và trải nghiệm của cá nhân, việc thực hành PTBV của ngành xây dựng có tính ứng dụng thực tiễn cao. Việc này là bởi đặc điểm chính về đặc thù ngành. Cụ thể, ngành xây dựng nói chung và sản xuất vật liệu xây dựng có 2 yêu cầu tiêu biểu: Thứ nhất là an toàn lao động nghiêm ngặt, yêu cầu này bao hàm sức khoẻ thể chất và sức khoẻ tinh thần. Nếu muốn phát triển bền vững thì cốt lõi đầu tiên nhất phải là con người, mà để cho con người có thể làm việc lâu dài thì môi trường đó phải an toàn. Thứ hai là tuân thủ quy trình nhằm đạt hiệu suất tối ưu và chất lượng sản phẩm đồng bộ.
Cả hai yếu tố an toàn và quy trình là nền tảng cho mô hình PTBV của doanh nghiệp. Thêm vào đó, đối với nhà sản xuất vật liệu xây dựng hoặc chủ đầu tư dự án thì thành phẩm là sản phẩm hữu hình, mọi thứ đều sẽ rất chuẩn chỉnh về mặt dữ liệu hay chứng nhận, các yếu tố đo lường đánh giá theo số liệu, ít có sự hô hào để đánh bóng tên tuổi.
Chính vì lẽ đó, câu chuyện PTBV của ngành xây dựng từ lúc khởi phát tại Việt Nam đến nay luôn chú trọng về việc thực hành, ít bị yếu tố “tẩy xanh” ảnh hưởng.
* Đi sâu vào giai đoạn thực hành PTBV trong ngành xây dựng tại Việt Nam, văn hóa PTBV xuất hiện từ khi nào và bối cảnh thị trường khi ấy ra sao?
Giai đoạn 1990-2000 tại Việt Nam là thời điểm chính phủ mở cửa nền kinh tế, thị trường xây dựng còn chú trọng nhiều vào phát triển cơ sở hạ tầng như đường xá, cầu, hầm, cao tốc, sân bay và nhiều công trình thuỷ điện nhằm kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và phát triển kinh tế. Thời điểm này, Việt Nam đón nhận lượng kiến thức và công nghệ xây dựng mới từ thị trường quốc tế, tập trung chủ yếu năng suất lao động và hiệu quả kinh tế, xây dựng nền tảng.
Thị trường khi đó tập trung quan tâm đến câu chuyện về năng suất xây dựng nhanh, có đội ngũ và sản phẩm đầy đủ để có thể bàn giao sớm nhất. Vì vậy, khái niệm PTBV thời điểm đó có thể đã xuất hiện ở các thị trường khác như Châu Âu hoặc Bắc Mỹ nhưng chưa được nhắc đến tại Việt Nam.
Đến với giai đoạn thứ hai là từ năm 2000-2020, Việt Nam bắt đầu tiếp cận đến một khía cạnh của phát triển bền vững, cụ thể là câu chuyện về năng lượng, cũng tức là làm sao để sử dụng nguồn năng lượng hiệu quả và sử dụng nguồn nước hiệu quả. Song song, đối với các tập đoàn cung cấp vật liệu xây dựng đa quốc gia, từ rất sớm PTBV đã được đặt như một trong những trụ cột của chiến lược phát triển kinh doanh.
Bằng việc triển khai đồng bộ của các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt đến từ các quốc gia Châu Âu, Việt Nam cũng như các nước trong khu vực Đông Nam Á đón nhận khái niệm PTBV gần như cùng giai đoạn. Trong đó, Việt Nam đã thành lập VGBC – Vietnam Green Building Council vào năm 2007. Tuy nhiên, do chiến lược phát triển kinh tế – xã hội có sự khác biệt, sự phổ biến và thực hành PTBV của Việt Nam có phần chậm chạm hơn các nước bạn.
Việc này đến từ hai nguyên nhân: Một số chủ đầu tư thời điểm đó có xu hướng sử dụng dùng câu chuyện công trình xanh để làm truyền thông quá đà, dẫn đến công chúng bắt đầu có cảm giác như doanh nghiệp đang xu hướng tẩy xanh. Công chúng cũng bắt đầu liên tưởng “xanh” sẽ gắn với cao cấp, “xanh” sẽ đi với chuyện phải trả chi phí cao hơn trong khi họ lại chưa hình dung được những lợi ích hữu hình của việc phát triển bền vững.
Thứ hai là từ chính người xây dựng các công trình cũng không ủng hộ xu hướng phát triển bền vững, họ định hình rằng để sử dụng sản phẩm xanh trong ngành tức là phải trả một chi phí cao hơn 10-15%, trong khi họ hoàn toàn có một sự lựa chọn khác là sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam khi đó vẫn còn rất rẻ.
Do vậy, trên thực tế, từ 2010-2020, Việt Nam đã có một số chủ trương, chính sách lớn thúc đẩy một ngành xây dựng xanh hơn, có trách nhiệm với môi trường hơn, tuy nhiên, công tác chuyển đổi xanh chưa có sự bứt phá.
* Sau cam kết kể từ Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), PTBV trong ngành xây dựng đã có những thay đổi ra sao?
Vì ngành xây dựng chiếm 37% lượng khí thải CO2 hàng năm trên toàn cầu vậy nên sau cam kết của Việt Nam tại COP26, PTBV tại Việt Nam bước sang một kỷ nguyên mới, bên cạnh sự thay đổi lớn trong ngành xây dựng mà là cả nền kinh tế – xã hội của Việt Nam có chuyển biến tích cực.
Nếu trước đó chỉ có những dự án tiết kiệm năng lượng hoặc có yếu tố xanh và vẫn xoay quanh câu chuyện sử dụng năng lượng trong tòa nhà, tiết kiệm nguồn nước, vốn chỉ mới là những khái niệm rất cơ bản của PTBV, chưa có khung pháp lý hay tiêu chí để đánh giá “chuẩn xanh” trong việc nghiệm thu công trình thì sau COP26, nhiều ban ngành, tổ chức, cơ quan đã được Chính phủ chỉ định để tiếp tục theo dõi, đẩy nhanh tốc độ chuẩn hóa chính sách liên quan đến phát triển xanh và bền vững trong ngành xây dựng.
Nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư ở Việt Nam nói chung và trong lĩnh vực xây dựng nói riêng đã xây dựng và triển khai các kế hoạch, giải pháp cụ thể để phát triển doanh nghiệp theo hướng xanh, phát thải thấp và tiến tới trung hòa các bon như mục tiêu đến 2050 mà Chính phủ đã cam kết. Bên cạnh đó cần ghi nhận các nỗ lực tuyên truyền, cập nhật kiến thức và xu hướng PTBV của Chính phủ khi tổ chức định kỳ hàng năm chuỗi sự kiện “Tuần Lễ Công Trình Xanh Việt Nam” với sự chủ trì của Bộ Xây Dựng cùng các cơ quan ban ngành và đã tạo được hiệu ứng truyền thông rất lớn.
Đến thời điểm hiện tại, số lượng công trình xanh đã tăng lên rất nhiều lần so với số lượng mà mình tổng hợp lại được trong 10 năm giai đoạn trước đó. Có thể nói, PTBV trong thị trường xây dựng không còn chỉ là một trào lưu hay một xu hướng mà đã trở thành một quy chuẩn chung cho toàn ngành.
Với sự triển khai hoạt động truyền thông, đào tạo, cập nhật thông tin liên tục của chính phủ, thuật ngữ PTBV không còn xa lạ hay mơ hồ đối với ngành xây dựng, giờ đây, PTBV chính là kim chỉ nam trong việc phát triển kinh doanh của doanh nghiệp tại Việt Nam.
* Nói đến bộ tiêu chuẩn ESG trong ngành xây dựng, chúng ta thường nghĩ tới chữ E (Environment), vậy liệu có vấn đề xã hội nào khác cũng đáng để quan tâm?
ESG được viết tắt bởi 3 chữ cái đầu tiên của Environment – môi trường, Social – xã hội và Governance – quản trị doanh nghiệp. Đây là bộ 3 tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Do đặc thù ngành xây dựng là một ngành khô khan nên doanh nghiệp gặp hạn chế lớn trong tuân thủ “Tính đa dạng, công bằng, và hoà nhập”.
Không riêng gì trong ngành xây dựng, hầu hết khi nhắc đến chữ “S” trong ESG thì các doanh nghiệp thường liên tưởng đến hoạt động cộng đồng, đóng góp cho xã hội (hoạt động “CSR”). Trong khi đó, các mục còn lại trong nội dung “Xã hội” cũng quan trọng không kém bao gồm: Quyền riêng tư và bảo mật; Tính đa dạng, công bằng và hòa nhập; Môi trường làm việc an toàn; và Điều kiện làm việc.
Đối với các công ty thực hành PTBV trước đó, việc tuân thủ Quyền riêng tư hay môi trường làm việc an toàn không phải là rào cản. Tuy nhiên, do đặc thù ngành xây dựng là một ngành khô khan, yêu cầu kỹ thuật cao, điều kiện làm việc ngoài trời thường xuyên đã tạo ra hạn chế lớn cho các doanh nghiệp trong ngành tuân thủ “Tính đa dạng, công bằng, và hoà nhập”. Cụ thể, chúng ta dễ dàng nhận ra tỷ lệ lao động nam chiếm đại đa số trong lực lượng lao động của ngành.
Chẳng cần nói đâu xa, mình là một ví dụ điển hình của tình trạng thiếu cân bằng trong tính đa dạng nhân sự của lực lượng lao động ngành. Qua hơn 13 năm “chinh chiến” tại các tập đoàn lớn của Châu Âu, phần lớn khi nhìn lại, rất nhiều lần tại nhiều nơi, mình trở thành “bóng hồng” duy nhất trong các buổi họp không chỉ tại Việt Nam, mà còn trong khu vực, kể cả tại các cuộc họp Ban Giám Đốc, Ban điều hành công ty, chưa bao giờ số lượng lãnh đạo nữ có thể cân bằng được với các lãnh đạo nam.
Thực trạng này không chỉ diễn ra tại thị trường Việt Nam, chính vì đặc trưng ngành, chúng ta sẽ dễ dàng thấy được sự thiếu cân bằng giới tính tại nhiều tổ chức, công ty xây dựng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Chính vì vậy, trong 2 năm trở lại đây, có khá nhiều sự luân chuyển nhân sự nội bộ, sự bổ nhiệm trong cơ cấu ban giám đốc của các tập đoàn lớn nhằm cân bằng giới và đạt yêu cầu trong tiêu chí “S” của ESG.
* Chị có thể chia sẻ về một số case-study điển hình trong việc lựa chọn thực hành PTBV của doanh nghiệp Việt Nam?
Việc thực hành PTBV tại các doanh nghiệp mình đã từng làm việc khá đa dạng và có sự tiếp cận khác nhau do độ “chín” về lộ trình PTBV khác biệt, tuy nhiên luôn có cùng một mục tiêu hướng đến PTBV. Để liệt kê thì có thể chia thành vài nhóm hoạt động như (1) Hoạt động cho cộng đồng, (2) Hoạt động Nội Bộ và (3) Hoạt động Hướng Tới Khách hàng.
Đối với hoạt động cho cộng đồng hay còn được gọi là CSR, hầu hết các doanh nghiệp đều triển khai mạnh mẽ liên tục nhiều năm liền như thương hiệu Dulux với cam kết sơn lại 100 trường học trong 3 năm tại Việt Nam thuộc sáng kiến “Thành Phố Nhân Văn” thuộc tập đoàn AkzoNobel. Hay một thương hiệu khác là Xi măng Fico-YTL với chuỗi hoạt động hỗ trợ các tỉnh thành miền Nam thực hiện các công trình phúc lợi xã hội xây dựng nông thôn mới: Cụ thể, Fico-YTL cung cấp miễn phí một số lượng bao xi măng để nâng cấp cơ sở hạ tầng ở địa phương như cầu, đường, công viên, sân chơi…
Một chương trình khác mà bản thân thấy rất ý nghĩa là “Phẫu Thuật Nụ Cười” mà Sika Việt Nam đã đồng hành 13 năm liền cùng tổ chức Operation Smile Việt Nam giúp các em nhỏ viết tiếp hành trình tương lai, đã có 4.913 trẻ em được thăm khám, 3.228 em bị hở hàm ếch được trao tặng nụ cười lành lặn tại hơn 20 tỉnh thành trên cả nước trong chương trình.
Ngoài ra, trong khoảng thời gian làm việc tại tập đoàn Saint-Gobain của Pháp, mình biết được rằng bên cạnh những sản phẩm mang đến cho thị trường, tập đoàn còn đầu tư phát triển văn hoá doanh nghiệp, con người, tinh thần sống bền vững, cụ thể tại Saint-Gobain có vị trí Giám đốc Phát triển bền vững nhằm thực thi những thay đổi cần thiết về chính sách, về cách vận hành, về công tác triển khai cải tiến sản phẩm phù hợp với yêu cầu tập đoàn. Có thể nói, văn hóa liên quan đến phát triển bền vững tại tập đoàn Saint-Gobain đã được xây dựng rất mạnh mẽ từ trong chính nội bộ, là cốt lõi phát triển bền vững.
* Cuối cùng, theo chị, các doanh nghiệp trong ngành xây dựng tại Việt Nam cần lưu ý gì khi làm CSR?
Hoạt động CSR trong ngành xây dựng trở thành một hoạt động bắt buộc của doanh nghiệp ngành này, vì khi khai thác tài nguyên, tận dụng các yếu tố địa phương để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh thì các doanh nghiệp cần thực hiện nghĩa vụ của mình với xã hội theo đúng nghĩa của CSR – trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Ý thức thực hiện các hoạt động cộng đồng được đề cao trong tổ chức, và doanh nghiệp trong ngành, vậy nên, trên các phương tiện truyền thông, chúng ta hiếm khi đọc được các tin tức về hoạt động CSR của các doanh nghiệp ngành xây dựng.
Mình luôn cố gắng hết sức có thể để góp sức hoặc tham gia nhiều nhất vào các hoạt động này, không chỉ là của công ty mình công tác mà còn trong cộng đồng kết nối các thương hiệu xây dựng của ngành. Với góc nhìn và trải nghiệm của bản thân, mình thấy rằng các doanh nghiệp trong ngành xây dựng cần tránh thực thi trách nhiệm xã hội theo phong trào, đồng thời, hãy cùng hợp tác với các thương hiệu khác trong ngành tạo ra sức ảnh hưởng lớn nhất có thể trong các hoạt động CSR.
Bởi lẽ, có một thực tế có thể nhìn trong ngành là khi một số doanh nghiệp phải đối diện với những khó khăn tài chính, các hoạt động cũng sẽ bị gián đoạn. Mình rất hy vọng các doanh nghiệp có thể giữ một ngân sách nhất định cho các hoạt động phát triển bền vững, xem điều này như một khoản đầu tư liên tục và không thể thiếu cho sự phát triển của doanh nghiệp trong ngành ở thời gian sắp tới.
* Cảm ơn chị Thủy vì những chia sẻ thiết thực!
Phố Hương / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam