Tổng hợp xu hướng Marketing nửa đầu năm 2024

Tổng hợp xu hướng Marketing nửa đầu năm 2024

Vậy là nửa đầu năm 2024 đã trôi qua với đầy biến động từ kinh tế đến chính trị, xã hội. Đứng trước bối cảnh đó, ngành Marketing tại Việt Nam cũng chuyển mình liên tục và ghi nhận nhiều xu hướng mới.

Ngành Marketing đóng một vai trò then chốt cho sự phát triển của doanh nghiệp trong thời đại nền Kinh tế Chú ý (Attention economy). Các chuyên gia Marketing cần không ngừng cập nhật, bổ sung kiến thức để bắt kịp với sự thay đổi của thị trường và đưa ra những định hướng mang tính chiến lược cho các chiến dịch, hoạt động Marketing. Sau đây là tổng hợp những xu hướng Marketing đáng chú ý trong nửa đầu năm 2024.

1. Đẩy mạnh ứng dụng AI trong gia tăng hiệu xuất tiếp thị

Trái ngược với lo lắng AI sẽ thay thế vị trí của con người trong việc sáng tạo nội dung, chúng ta lại đang ghi nhận thực tế rằng các chuyên gia tiếp thị đang tích cực ứng dụng AI trong việc hỗ trợ họ thực hiện các nhiệm vụ hàng ngày và cả trong quá trình sáng tạo. Theo Kantar, có đến 67% các marketers trả lời rằng họ cảm thấy tích cực về khả năng của AI. Thêm vào đó, HubSpot cũng đưa ra dự báo rằng sẽ có thêm khoảng 38% các marketer chưa dùng AI sẽ cân nhắc sử dụng trong năm 2024.

Tổng hợp xu hướng Marketing nửa đầu năm 2024

Ngành Marketing đang chứng kiến xu hướng đẩy mạnh việc ứng dụng AI trong gia tăng hiệu xuất tiếp thị.
Nguồn: Pexels

AI từ lâu đã được ứng dụng trong phân tích các thuật toán, dữ liệu liên quan đến chiến dịch Marketing. Với sức mạnh trong việc phân tích dữ liệu, AI sẽ tiếp tục giúp các chuyên gia Marketing hiểu hơn về khách hàng mục tiêu, xác định xu hướng và dự đoán hành vi người tiêu dùng.

Ngoài ra, generative AI (AI tạo sinh) mới đang là xu hướng mới được ưa chuộng trong ngành sáng tạo thời gian gần đây. Với khả năng tổng hợp thông tin, genAI có khả năng hỗ trợ các phần khác nhau của quá trình sáng tạo như lên ý tưởng, xây dựng dàn ý, viết script hoặc thậm chí là hỗ trợ tạo ra hình ảnh. Ứng dụng genAI có thể tiết kiệm cho mỗi marketer 3 giờ đồng hồ để sản xuất một nội dung. Một vài ứng dụng phổ biến được các marketer tin dùng là: ChatGPT, Google Gemini, Poe.

Tuy nhiên, việc ứng dụng AI trong sáng tạo cần đi kèm sự cẩn trọng để hạn chế tối đa những rủi ro về mặt chất lượng nội dung. Các marketer cần chủ động nắm bắt những hạn chế của AI trong việc tổng hợp thông tin và xây dựng các chính sách kiểm duyệt để ngăn chặn việc phát tán thông tin sai lệch và thiếu đạo đức.

2. Ưu tiên nội dung ngắn và Livestream

Sự phổ biến của TikTok, YouTube Shorts hay Instagram Reels đã góp phần không nhỏ đến thị hiếu của công chúng trong việc ưu tiên tiếp nhận dạng nội dung ngắn. Những video này làm rất tốt việc thu hút và giữ chân sự quan tâm của khán giả. Theo Wistia tiết lộ, những video thời lượng dưới 60 giây có tỷ lệ tương tác đạt 50%, nhiều hơn tỷ lệ tương tác của những video có thời lượng khoảng 60 phút 16%. Xu hướng này mở ra cả thách thức lẫn cơ hội cho các marketer trong việc chuyển mình để thích nghi nội dung ngắn này. Các nội dung cần được xây dựng một cách ngắn gọn, súc tích mà vẫn phải đảm bảo sự hấp dẫn và truyền tải chính xác tinh thần của thương hiệu.

Thông tin từ AccessTrade Việt Nam 2024 cho thấy, ba nền tảng livestream bán hàng phổ biến nhất tại Việt Nam là Facebook (31,9%), Shopee (30,9%) và TikTok (17,2%). Bình quân mỗi tháng đang có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream, với sự tham gia của hơn 50.000 nhà bán hàng.

Sự phổ biến của influencer marketing, KOL và livestream đã mở ra một xu hướng ngành nghề mới với tên gọi KOS (Key Opinion Sales). Họ xuất hiện như là một nhà bán hàng chuyên nghiệp đại diện cho nhãn hàng và được mọi người tin tưởng. Họ sở hữu kĩ năng bán hàng chuyên nghiệp và lượng người theo dõi hùng hậu, dễ dàng thúc đẩy người xem mua hàng.

Trong bối cảnh các thương hiệu từ bình dân đến cao cấp lần lượt “rủ nhau” livestream, tiếp thị thông qua KOS lại càng trở nên sôi nổi hơn. Mặc dù mô hình này còn khá mới mẻ tại Việt Nam, đã có nhiều cá nhân KOS trở nên nổi bật như Võ Hà Linh, Phạm Thoại, Lucie NguyễnTuấn Dương. Sự xuất hiện của chương trình truyền hình thực tế “The Shoppertainer – Ngôi sao chốt đơn” cũng đã một lần nữa ghi nhận xu hướng KOS và Livestream sẽ tiếp tục được nở rộ trong tương lai.

Tổng hợp xu hướng Marketing nửa đầu năm 2024

Trong bối cảnh các thương hiệu từ bình dân đến cao cấp lần lượt “rủ nhau” livestream, tiếp thị thông qua KOS lại càng trở nên sôi nổi hơn.
Nguồn: Smoney

3. Tập trung vào tính bền vững và trách nhiệm xã hội

Năm 2024 chứng kiến sự bùng nổ của nhóm Millenials và Gen Z trong việc trở thành những khách hàng mục tiêu tiềm năng chính của nhiều thương hiệu. Để có thể tạo ra nhiều kết nối và điểm chạm đối với nhóm khách hàng trẻ này, các thương hiệu cần hiểu được các giá trị mà nhóm khách hàng ưu tiên tìm kiếm. Cụ thể, cả 2 thể hệ trên đều được định nghĩa là những công dân có trách nhiệm. Họ quan tâm đến rất nhiều vấn đề xã hội trải dài từ bình đẳng, giáo dục, quấy rối tình dục đến cả các vấn đề mang tính chính trị như chiến tranh, tham nhũng.

Việc quan tâm đến các vấn đề xã hội cũng được phản ánh rõ rệt thông qua hành vi mua sắm của nhóm người tiêu dùng này. Ví dụ gần đây nhất chính là cuộc tẩy chay mạnh mẽ đối với Starbucks và rất nhiều nhãn hàng được cho là có dính líu hoặc ủng hộ đối với hành vi diệt chủng của Israel đối với Palestine. Các bạn trẻ không chỉ dừng ở việc tham gia biểu tình mà còn lập ra một chuỗi danh sách các thương hiệu cần được tẩy chay và lan truyền nó trên khắp các diễn đàn mạng xã hội.

Tổng hợp xu hướng Marketing nửa đầu năm 2024

Các sĩ quan cảnh sát đang bảo vệ cửa hàng Starbucks khỏi hàng nghìn người biểu tình ủng hộ Palestine ở thành phố New York vào cuối năm ngoái.
Nguồn: CNN

Không chỉ dừng lại ở các thương hiệu, Gen Z cũng khắt khe đối với những người nổi tiếng khi họ lựa chọn im lặng trước sự việc Israel tấn công vào thành phố Rafah. Kết quả là Blockout Trend (phản đối giới người nổi tiếng thờ ơ với nạn diệt chủng) đã trở thành một trong những cuộc khủng hoảng truyền thông lớn nhất từ trước đến nay đối với cả ngành giải trí toàn cầu.

Từ những ví dụ trên, ta có thể thấy rằng việc các thương hiệu và những người nổi tiếng lựa chọn phản ứng như thế nào trước các sự kiện xã hội ảnh hưởng lớn đến lòng trung thành của người tiêu dùng. Điều này trở thành một thách thức lớn hơn nữa cho các thương hiệu khi mà giờ đây sự im lặng cũng có ý nghĩa đối với người tiêu dùng. Họ mong đợi sự lên tiếng về một lập trường rõ ràng của thương hiệu đối với các vấn đề xã hội. Các nhà hoạch định chiến lược Marketing cần rất khéo léo trong việc lựa chọn phát ngôn, xây dựng kế hoạch thực tiễn và thống nhất.

Tổng hợp xu hướng Marketing nửa đầu năm 2024

Blockout Trend đã trở thành một trong những cuộc khủng hoảng truyền thông lớn nhất từ trước đến nay đối với cả ngành giải trí toàn cầu.
Nguồn: Mashable

Nhìn chung, khi bối cảnh xã hội và công nghệ thay đổi, đòi hỏi những marketer cần linh hoạt để thích ứng với thời cuộc. Chủ động cập nhật và sẵn sàng điều chỉnh kế hoạch là những điều cần thiết để phân bổ ngân sách và nguồn lực hiệu quả trong chiến dịch. EloQ Communications mong rằng những tổng hợp trên đã hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc xây dựng cái nhìn toàn cảnh và cập nhập nhất đối với các xu hướng Marketing nổi bật trong năm 2024.

* Nguồn: EloQ’s blog