MBA Meetup tháng 7/2024: Quản trị sự khác biệt – Nền tảng xây dựng văn hóa đội nhóm
Sự khác biệt của mỗi cá nhân tạo nên tính đa dạng văn hóa của tổ chức. Nhưng làm sao để người leader có thể duy trì và dẫn dắt tất cả “sự khác biệt” hướng đến mục tiêu chung?
Khác bao nhiêu mới là “khác biệt”?
Theo anh Nguyễn Thanh Tâm – Head of Commercial, Samsung – mỗi cá nhân đã là một sự khác biệt. Trong một tập thể, từng cá nhân được nhận biết nhờ sự khác biệt về độ tuổi, vùng miền, năng lực, phong cách... Vì thế, chúng ta không cần phải tạo thêm sự khác biệt. “Hãy nuôi dưỡng bản sắc cá nhân, đó là cách nâng cao giá trị bản thân từ những khác biệt sẵn có”, anh nói.
Với chuyên môn của một Marketer, anh Phạm Thái Tuấn – Marketing Manager, Nestlé Food Business – cho biết, để tồn tại giữa thị trường với quá nhiều sản phẩm tương tự nhau, trở nên khác biệt là công thức giúp nhãn hàng để lại dấu ấn trong lòng người tiêu dùng. Tuy nhiên, khác biệt bằng cách tạo ra sản phẩm hoàn toàn mới trong bối cảnh ngày nay, dường như là điều không tưởng.
“Khác biệt không phải là cố gắng trở nên mới hoàn toàn. Tạo ra những thay đổi tích cực cũng đã là khác biệt”, anh Phạm Thái Tuấn – Marketing Manager, Nestlé Food Business – nhận định.
Khi được hỏi về định nghĩa của sự khác biệt, Marketing Manager của Nestlé Food Business đã không ngần ngại bày tỏ quan điểm thông qua việc chia sẻ về dự án truyền thông “Kỷ niệm 88 năm Maggie đồng hành cùng người tiêu dùng Việt”, dự án mà anh cho rằng chỉ với một sự khác biệt nhỏ đã tạo nên thành công lớn.
“Khi lên kế hoạch hoạt động tri ân khách hàng, tôi nhận thấy phương thức dán nhãn thủ công còn tồn tại nhiều hạn chế về mặt thời gian và chi phí. Mặc dù trước đây nhãn hàng đã thử nghiệm phương thức dán nhãn tự động nhưng lại thất bại. Với năng lực kỹ thuật hiện tại của công ty, tôi quyết tâm thử sức công nghệ tự động lần nữa.
Sau quá trình nỗ lực nghiên cứu và dốc sức phối hợp cùng bộ phận Kỹ thuật, hoạt động kỷ niệm 88 năm của Maggie chính là cột mốc đánh dấu lần đầu phương thức dán nhãn tự động được nhãn hàng áp dụng. Ngoài ra, dự án lần đó đã giúp tôi tin tưởng hơn vào sức mạnh của tinh thần dám nghĩ dám làm”, anh Tuấn tự hào.
Tự trị “tách biệt” trước khi quản trị “khác biệt”
Trong buổi gặp gỡ tại MBA Meetup, anh Nguyễn Thanh Tâm – Head of Commercial, Samsung Vietnam – đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với các bạn trẻ Gen Z: “Dù chỉ vừa mới tốt nghiệp, các bạn đã là những cá nhân rất giỏi và cởi mở vì sớm được tiếp xúc với môi trường quốc tế”, anh Tâm nhận thấy các bạn rất tự tin về năng lực và mạnh dạn thể hiện tính cách cá nhân, và với anh “sự tự tin về năng lực và dám khẳng định mình là điều đáng khích lệ”.
Tuy nhiên, anh Tâm muốn nhắc nhở các bạn rằng: vẫn còn rất nhiều bạn trẻ tài năng và nổi bật khác, tương tự như các bạn. Theo lập luận đó, Head of Commercial của Samsung cho rằng, sự tiết chế mới là yếu tố tạo ra sự khác biệt trong trường hợp này.
Hiện nay, tôn trọng khác biệt của từng cá nhân trở thành quy tắc ứng xử bắt buộc trong giao tiếp xã hội. Dựa vào điều này, mọi người dần mạnh dạn thể hiện màu sắc cá nhân và không ngừng chứng tỏ mình khác biệt. Nhưng nếu đặt không đúng hoàn cảnh, khác biệt sẽ bị biến chất thành tách biệt.
Đối với những người làm việc ở vị trí Leader – quản lý, kỹ năng “tự trị” sự khác biệt lại càng quan trọng hơn. Bởi vì “sự khác biệt trong phong cách lãnh đạo của người dẫn đầu sẽ tạo nên văn hóa đội nhóm” – anh Phạm Thái Tuấn nhận định. Trước khi quản trị được sự khác biệt của từng cá nhân trong đội ngũ, người leader cần phải điều tiết sự khác biệt của bản thân và chọn ra “sự khác biệt” phù hợp nhất nhằm mang lại văn hóa tích cực cho toàn đội ngũ.
Mục tiêu chung – Yếu tố quyết định trên hành trình quản trị khác biệt
Theo anh Nguyễn Thanh Tâm, bên cạnh kiến thức chuyên môn, quản trị sự khác biệt cũng là kỹ năng giúp người leader quản lý đội nhóm thành công.
Để dung hòa được sự khác biệt, anh cho rằng yếu tố đầu tiên bắt buộc phải có chính là chiến lược rõ ràng. Chiến lược này giúp người leader trả lời được câu hỏi: Mục tiêu chung của cả team là gì? Mục tiêu đó đóng vai trò như hạt “giống” giúp tập hợp các thành viên lại cùng một điểm.
Anh Phạm Thái Tuấn cũng khẳng định về tầm quan trọng của “mục tiêu chung” trong quá trình làm việc nhóm. “Khi xuất hiện quá nhiều ý kiến khác nhau và dẫn đến xung đột, chúng tôi bắt đầu nhìn lại mục tiêu chung. Ý kiến phù hợp chính là ý kiến đang phục vụ mục tiêu chung. Ý kiến được chọn là ý kiến phục vụ mục tiêu chung tốt nhất”, anh nói.
Thứ hai, không thể bỏ qua bước truyền đạt mục tiêu tới tất cả thành viên trong đội. Leader có vai trò phải truyền đạt rõ ràng, nhất quán và đảm bảo mọi người đều nắm bắt chính xác mục tiêu chung.
Thứ ba, người Leader phải biết cách phân công nhiệm vụ dựa trên năng lực và sự khác biệt của từng người. Đây được xem là điểm mấu chốt trong quy trình quản trị sự khác biệt. Công việc phù hợp giúp nhân viên có nhiều cảm hứng và động lực làm việc cũng như phát huy được thế mạnh của mình. Nhân viên nhờ đó mà được nâng cao sự hài lòng trong quá trình theo đuổi nhiệm vụ.
Thứ tư, người Leader phải không ngừng tạo động lực và sự gắn kết. Sau khi đã kết nối đội ngũ bằng mục tiêu chung, người leader phải biết cách duy trì mối liên kết đó thông qua việc liên tục tạo động lực cho từng thành viên. “Tôi thường xuyên truyền cho nhân viên lòng yêu sản phẩm với mong muốn xây dựng cho đội ngũ niềm tin vào công việc, từ đó giúp họ làm việc hăng say”, anh Tâm chia sẻ bí quyết.
Đừng học MBA chỉ vì muốn trở nên khác biệt!
“Tôi không học MBA để trở nên khác biệt! Thậm chí, tôi mong muốn những kiến thức học được sẽ giúp tôi làm việc một cách có hệ thống hơn và dần đi vào khuôn khổ”, anh Phạm Thái Tuấn chia sẻ. Những ai có nhu cầu và đáp ứng đủ điều kiện của chương trình đều có thể theo học MBA. Thậm chí, có rất nhiều chương trình MBA được thiết kế đặc biệt cho từng nhóm nhu cầu nhỏ khác nhau.
Sự khác biệt trong chương trình MBA thuộc Đại học Western Sydney nằm ở cách từng học viên trải nghiệm. Theo anh Nguyễn Thanh Tâm, sự khác biệt đến từ chính chương trình học và những bạn học mà anh có cơ hội được làm việc chung. Chương trình học rất hiện đại và tập trung vào thực tiễn chứ không nặng lý thuyết như những gì anh tưởng tượng ban đầu.
Trong quá trình học, học viên sẽ có cơ hội được tiếp xúc với nhiều cá nhân đến từ nhiều ngành nghề khác nhau. Mọi người khác nhau về động lực học, năng lực học, background, kỹ năng chuyên môn, quan điểm, cách tư duy... Tất cả những khác biệt đó tạo nên sự thú vị cho lớp học. Đặc biệt, trong làm việc nhóm, học viên có thể rèn luyện kỹ năng quản trị sự khác biệt tương tự như quản trị đội nhóm trong công ty.
Nhìn lại những giá trị mà chương trình MBA mang đến, anh Tuấn cho rằng: “Không nên đặt mục tiêu học MBA để giỏi hơn người khác. Học MBA giúp bạn giỏi hơn bạn của ngày hôm qua”.
Kết
Dưới góc độ của nhà quản lý, khác biệt là một yếu tố cần thiết để bạn trở nên nổi bật giữa tập thể. Nhưng dù khác biệt đến đâu, từng thành viên trong tổ chức cũng không nên rời xa mục tiêu chung. Vì sự khác biệt chỉ có ý nghĩa khi nó tồn tại trong tập thể và mang lại giá trị đột phá đóng góp vào thành công cuối cùng.
MBA Meetup là chuỗi sự kiện giao lưu trực tuyến về hành trình học vấn, trải nghiệm học tập cùng kinh nghiệm làm việc từ chia sẻ của các học viên, cựu học viên đã và đang theo đuổi chương trình MBA.
MBA Meetup là chuỗi sự kiện giao lưu trực tuyến về hành trình học vấn, trải nghiệm học tập cùng kinh nghiệm làm việc từ chia sẻ của các học viên, cựu học viên đã và đang theo đuổi chương trình MBA.
Xem thêm các sự kiện từ chương trình MBA tại Đại học Western Sydney tại đây.