Chiến lược không theo đuổi thành công, mà theo đuổi vinh quang
Theo suy nghĩ thông thường, chúng ta nghĩ rằng chúng ta cần chiến lược vì nó giúp giảm thiểu rủi ro thất bại, tăng cơ hội thành công. Tuy nhiên, giảm thiểu rủi ro không đồng nghĩa với việc sẽ gia tăng cơ hội thành công. Ngược lại, giảm thiểu rủi ro có thể đi kèm giảm cơ hội thành công.
“Strategies with the greatest possibility of success also have the greatest possibility of failure” (tạm dịch: Những chiến lược có khả năng thành công lớn nhất cũng mang theo rủi ro thất bại cao nhất) – theo Michael E. Raynor, tác giả sách “The Strategy Paradox”.
Chiến lược không phải là việc chọn đường đi “an toàn” nhất, bởi theo Seth Godin, “being safe is risky” (tạm dịch: an toàn là có rủi ro). Lựa chọn có vẻ an toàn thời điểm hiện tại có thể là lựa chọn nguy hiểm trong dài hạn. Vì thường thì đường đi an toàn là đường đi ta quen thuộc, thoải mái, có thể lý giải được. Nó tạo ra ảo tưởng về sự đúng đắn, hợp lí. Nó níu tư duy sáng kiến, ngăn sự thử sai và che mắt ta trước cơ hội mới, rủi ro mới xuất hiện trên thị trường.
Ngược lại với tư duy “giảm thiểu rủi ro”, đối với mình, chiến lược gắn liền với sự TÁO BẠO, chấp nhận rủi ro. Một bước đi xứng đáng với từ “chiến lược” là một bước đi của sự phiêu lưu. Một cú nhảy qua vực sâu, biết rằng ta có thể trượt chân, nhưng cũng biết được phần thưởng bên kia mỏm đá là mỏ vàng.
Chiến lược, xứng đáng với từ “chiến lược”, thường chứa trong nó một khát khao, hoài bão lớn, để thoát ra khỏi dòng chảy vận động bình thường. Nó ấp ủ một lý tưởng, mục tiêu khó đạt được. “Khó” là điều kiện quan trọng, vì phải có “khó” thì mới cần “chiến lược”. Chọn một điều dễ, điều hiển nhiên để làm thì ta cần “kế hoạch hành động” hơn là “chiến lược”, và điều này không có gì dở hay kém cả. Chỉ là ta cần dùng từ và tư duy “chiến lược” theo đúng vai trò của nó.
Nếu ta cứ tiếp tục làm và làm tốt hơn những gì ta làm hằng ngày, thì ta không cần chiến lược – cứ làm vậy thôi. Trong bối cảnh kinh doanh, nếu một công ty thấy chỉ cần làm tốt hơn và có thể thành công, thì công ty không cần chiến lược mới, mà cần một kế hoạch để tốt hơn. Cũng như chiến lược sự nghiệp, bạn không cần chiến lược sự nghiệp, nếu bạn nghĩ mình chỉ cần tốt hơn mỗi ngày và có thể thoải mái nghỉ hưu với nghề hiện tại.
Thực tế trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng hiện nay, “làm tốt hơn” là không đủ vì trò chơi cuộc sống thay đổi quá nhanh. Sẽ lãng phí khi ta cố gắng tốt hơn trong trò “cờ tướng”, mà không để ý rằng nó đang trở thành trò “cờ vua”. Và chiến lược thường xuất phát từ sự dự đoán xu thế thay đổi đó.
Vậy nói rằng, chiến lược không theo đuổi thành công, vì nó dễ đặt để ta vào tâm lý nhị nguyên thành bại. Nói “thành công” tức ngụ ý rằng “không thất bại”, nhưng bản chất chiến lược không như vậy. Chiến lược có thể gia tăng cơ hội thành công, nhưng cũng đồng thời gia tăng rủi ro, vì nó bắt ta nghĩ lớn, nghĩ khác, và hành động theo hướng không ai đoán được.
Vậy nói rằng, chiến lược là hành trình theo đuổi vinh quang. Của sự phi thường và thú vị. Của những ai dám sống, lựa chọn nghề nghiệp và kinh doanh một cách đặc sắc. Của những ai vượt qua định nghĩa “thành công” chán ngắt thông thường, và khát khao một cuộc đời vinh quang.