Marketer Lam Phương
Lam Phương

Content Executive @ Brands Vietnam

Học này Làm nọ #5: Mai Thy – Không ngại chuyển mình trong mỗi bước chuyển sự nghiệp

Học này Làm nọ #5: Mai Thy – Không ngại chuyển mình trong mỗi bước chuyển sự nghiệp

Liên hệ giữa thế mạnh, hạn chế và sở thích của bản thân là một cách hiệu quả để lựa chọn công việc phù hợp.

Cùng Brands Vietnam lắng nghe chia sẻ từ chị Mai Thy – Head of Marketing tại Jemmia Diamond – để khám phá góc nhìn về hành trình sự nghiệp của marketer xuất thân từ ngành quản trị kinh doanh quốc tế.

Hãy quên đi cụm từ tiêu cực “học một đằng, làm một nẻo”. Trong series “Học này Làm nọ” của Brands Vietnam, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá những câu chuyện chân thực và sống động từ những người đã chọn con đường sự nghiệp khác với ngành đại học, từ đó hiểu rằng việc học không chỉ dừng lại ở đại học, mà đó là một hành trình liên tục và rộng mở. Mỗi bước đi và lựa chọn đều mang ý nghĩa và là bước đệm vững chắc cho thành công trong cuộc sống sau này.

* Chào chị Mai Thy, đầu tiên, chị hãy giới thiệu đôi nét về bản thân.

Xin chào mọi người! Chị là Mai Thy, hiện đảm nhận vai trò Head of Marketing tại Jemmia Diamond, công ty chuyên phân phối trang sức kim cương.

Sau khi tốt nghiệp ngành Quản trị Kinh doanh Quốc tế (International Business Administration) của Trường Đại học Ngoại Thương vào năm 2014, chị từng làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia ở Việt Nam như PepsiCo, Coca-Cola, Vinamilk song song với đảm nhiệm vai trò giảng viên đại học.

Vào đầu năm 2024, chị cũng vừa hoàn thành chương trình thạc sĩ Thương mại Toàn cầu (Master of Global Trade) của Trường Đại học RMIT với mức học bổng 75%.

Học này Làm nọ #5: Mai Thy – Không ngại chuyển mình trong mỗi bước chuyển sự nghiệp

Chị Mai Thy – Head of Marketing tại Jemmia Diamond.

* Chị Thy có thể chia sẻ lý do đằng sau quyết định chọn ngành đại học và thạc sĩ đều liên quan đến kinh doanh quốc tế? Định hướng của chị tại mỗi thời điểm liên quan như thế nào đến ngành học?

Trước ngưỡng cửa đại học, chị nhận thấy bản thân có hứng thú với thương mại toàn cầu cũng như mong muốn phát triển năng lực quản lý đa văn hoá, thế nên đã lựa chọn ngành Quản trị Kinh doanh Quốc tế tại FTU2.

Tuy nhiên, sau khi kết thúc chương trình cử nhân, chị may mắn có cơ hội thực tập tại PepsiCo nhờ một cuộc thi, từ đó mở ra chương mới sự nghiệp với ngành Marketing.

Trong hành trình làm Marketing tại các tập đoàn lớn, chị lại nhận được một học bổng đến từ Hinrich Foundation – tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong mảng thương mại và kinh doanh quốc tế. Vì thế, cuối năm 2021 là thời điểm mà chị quyết định khởi động chương trình thạc sĩ tại Trường Đại học RMIT.

* Cơ duyên nào đưa chị Thy đến với ngành Marketing mặc dù không trực tiếp học về nó?

Như vừa chia sẻ, vào năm cuối đại học, chị đã tham gia cuộc thi “Dynamic – Sinh viên nhà doanh nghiệp tương lai” do Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Cách đây 10 năm, đây là một trong những cuộc thi nổi bật nhất dành cho sinh viên, kéo dài trong 4 tháng để chọn ra 4 trong tổng số 2.000 thí sinh cho vòng Chung kết.

Trong thời gian tham gia cuộc thi, chị thử sức với vai trò thực tập sinh Marketing tại Suntory PepsiCo, nhờ đó được giải những case-study của tập đoàn và trở thành nhân viên chính thức ngay sau tốt nghiệp. Công việc đầu tiên của chị tại Suntory PepsiCo Việt Nam là làm Branding cho nhãn hàng Revive.

Học này Làm nọ #5: Mai Thy – Không ngại chuyển mình trong mỗi bước chuyển sự nghiệp

Đầu năm 2024, chị Mai Thy hoàn thành chương trình thạc sĩ Thương mại Toàn cầu (Master of Global Trade) của Trường Đại học RMIT với mức học bổng 75%.

* Chị đã làm gì để vượt qua những khó khăn, thử thách khi làm công việc không đúng chuyên ngành trong giai đoạn đầu của sự nghiệp?

Để bổ sung những kiến thức và kỹ năng cơ bản cho công việc Marketing ngành hàng FMCG tại client, chị đã tham gia một số khóa ngắn hạn bên cạnh chương trình đào tạo và huấn luyện nhân sự bài bản của tập đoàn đa quốc gia Suntory PepsiCo. Mô hình Competency là một trong số những bài đánh giá đầu tiên của chị khi làm việc tại đây.

Song song đó, chị cũng được dẫn dắt bởi Line Manager – người đã hỗ trợ mình trong công cuộc định hướng nghề nghiệp và xác định thế mạnh và điểm yếu của bản thân.

Nhờ được rèn luyện trong môi trường chuyên nghiệp ngay từ những ngày đầu, chị luôn tự tin đánh giá năng lực bản thân để thích ứng với môi trường làm việc mới.

* Điều gì dẫn đến quyết định học thạc sĩ của chị Thy sau thời gian “thực chiến” ngành Marketing?

Điều kiện tiên quyết với bất kỳ ai trong chúng ta khi ra quyết định đó là “chính mình phải hiểu mình”.

Vào đầu năm 2016, chị đã chuyển sang Vinamilk làm việc và được đề bạt lên vị trí Manager 2 năm sau đó. Lúc này, phạm vi công việc bao gồm cả thị trường nội địa và quốc tế, khác với SOW tại Suntory PepsiCo Việt Nam chỉ xoay quanh hoạt động trong nước.

Một trong những kế hoạch của Vinamilk là mở rộng thị trường sang những nơi chưa có dấu chân thương hiệu. Thế nên, nhiệm vụ của chị là tiến hành nghiên cứu thị trường, hợp tác với các đối tác để ghi dấu nhận diện cũng như ra mắt danh mục sản phẩm phù hợp với địa phương mới đó.

Khi được đảm nhận vai trò làm Marketing quốc tế, chị cảm nhận niềm yêu thích với những công việc hàng ngày vượt ngoài phạm trù Marketing – liên quan đến kiến thức và kỹ năng kinh doanh, sự am hiểu thị trường vĩ mô, văn hoá, kinh tế… Song, chị cũng nhận thấy bản thân đã đến lúc cập nhật và nâng cấp kiến thức một cách bài bản hơn sau 6 năm “thực chiến”.

* Vậy những những kiến thức của chương trình Master of Global Trade hỗ trợ chị như thế nào trong công việc?

Khác với nội dung tổng quan trong chương trình International Business Administration ở cấp bậc đại học, chị được học sâu về hoạt động “đi ra thế giới” của doanh nghiệp hơn. Chẳng hạn như hoạch định chiến lược thị trường quốc tế, phân tích cơ hội – thách thức, hiểu biết về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá…

Đồng thời, chương trình học thạc sĩ cũng mang đến cho chị cơ hội truy cập vào các case-study “go global” để nắm bắt được các yếu tố quyết định đến sự thành hay bại của doanh nghiệp khi thâm nhập thị trường mới.

Đây đều là những kiến thức thực tiễn vào thời điểm chị đảm nhiệm vai trò làm marketing quốc tế cho Vinamilk. Đặc biệt, chị đã cùng team phụ trách thị trường Philippines thành công ra mắt thương hiệu liên doanh Vinamilk-Del Monte vào năm 2021.

* Bước chuyển tiếp trong sự nghiệp của chị Thy từ ngành Đồ uống sang Trang sức diễn ra như thế nào?

Học này Làm nọ #5: Mai Thy – Không ngại chuyển mình trong mỗi bước chuyển sự nghiệp

Sau gần 10 năm làm Marketing tại các tập đoàn FMCG, chị Thy quyết định chuyển mình với ngành hàng Trang sức Kim cương tại Jemmia Diamond – một doanh nghiệp start-up.

Sau gần 10 năm làm Marketing tại các tập đoàn FMCG, chị mong muốn thử thách bản thân trong một ngành hàng và mô hình kinh doanh mới mẻ hơn. Vì thế, chị đã quyết định chuyển mình với ngành hàng Trang sức Kim cương tại Jemmia Diamond.

Ngoài ra, bước ngoặt sự nghiệp này cũng xuất phát từ việc học thạc sĩ. Trước đó, chị đã tạm hoãn một số môn để tập trung cho công việc. Nhưng chung quy, chị vẫn phải tìm giải pháp để vừa hoàn thành chương trình học, vừa cân bằng cuộc sống hơn.

Thoạt nhìn, sự thay đổi ngành hàng lẫn mô hình doanh nghiệp diễn ra đồng thời bước đầu mang đến cho chị không ít khó khăn. Thế nhưng nhờ luôn chuẩn bị tâm thế nhìn nhận khó khăn như cơ hội, chị nỗ lực khám phá những cái mới của lĩnh vực kim cương cũng như học cách thích ứng với nguồn ngân sách Marketing không còn dồi dào như khi làm việc tại tập đoàn lớn.

Bên cạnh nhiệm vụ Marketing chính, chị cũng phụ trách mảng đào tạo nhân sự tại Jemmia Diamond. Giờ đây, trách nhiệm của chị là trở thành người đi đầu trong việc cập nhật và tổng hợp những kiến thức mới nhất về ngành trang sức đá quý thông qua các khoá học tại Viện Đá quý Hoa Kỳ (GIA).

Theo chị, làm việc trong ngành trang sức kim cương không chỉ đòi hỏi sự linh hoạt trong cách làm Marketing, mà còn về việc điều chỉnh phong cách cá nhân sao cho phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng và hình ảnh của thương hiệu.

* Dựa trên đúc kết từ hành trình học tập và làm việc của mình, chị có lời khuyên gì dành cho những bạn đang đối diện với việc lựa chọn giữa tiếp tục học ngành hiện tại và thử sức với nghề nghiệp mới?

Điều kiện tiên quyết với bất kỳ ai trong chúng ta khi ra quyết định đó là “chính mình phải hiểu mình”.

“Hiểu mình” ở đây trước hết là xác định được mục tiêu của bản thân. Nếu mục tiêu 5-10 năm quá xa vời thì hãy vạch ra mục tiêu 1-2 năm về hình mẫu mong đợi ở bản thân (là người như thế nào, làm việc trong lĩnh vực gì, hứng thú với ngành nghề nào). Bên cạnh đó là nắm rõ sở thích cá nhân để xem xét sự phù hợp với ngành nghề mong muốn.

Học này Làm nọ #5: Mai Thy – Không ngại chuyển mình trong mỗi bước chuyển sự nghiệp

Với tâm thế nhìn nhận khó khăn như cơ hội, chị Thy luôn nỗ lực khám phá những cái mới khi dấn thân vào lĩnh vực kim cương.

Đặc biệt, mỗi người đều cần biết được thế mạnh và hạn chế của bản thân. Bởi khoảng 90% những ứng viên mới ra trường được chị phỏng vấn đều không trả lời được câu hỏi này. Việc không hiểu được điểm mạnh, điểm yếu là một trong những nguy cơ dẫn đến chọn sai việc.

Theo đó, việc xác định điểm mạnh, điểm yếu là một hành trình dài bằng cách lượng hoá chi tiết từng kỹ năng sau đó đối chiếu với yêu cầu công việc. Chẳng hạn, nếu đánh giá bản thân là một người có khả năng làm việc nhóm tốt thì mức độ “tốt” đó là bao nhiêu trên thang điểm 10.

Thành tựu không nhất thiết phải trở thành “ông này bà nọ” mà có thể đơn thuần là cột mốc để tán thưởng bản thân tiếp tục nỗ lực trên chặng đường phía trước.

Song song đó, trong trường hợp đi làm 6 tháng đến 1 năm thì mới nhận ra mình không phù hợp với ngành, thì mấu chốt để giải quyết đó là “dũng cảm đối mặt” thay vì chấp nhận làm “tàm tạm”.

Tốt nhất, hãy cố gắng xác định ngành nghề mà bản thân yêu thích càng sớm càng tốt để khi nhìn lại khoảng thời gian đã qua bạn cảm thấy hạnh phúc, hài lòng hay đã có thể ghi dấu một vài thành tựu nho nhỏ. Thành tựu đó không nhất thiết phải trở thành “ông này bà nọ” mà có thể chỉ đơn thuần là cột mốc để tán thưởng bản thân tiếp tục nỗ lực trên chặng đường phía trước.

Hơn thế, ngày nay, chương trình Mentor-Mentee cũng khá phổ biến. Thế nên trước khi quyết định chuyển ngành, hãy tham gia vào các diễn đàn, mạng lưới ngành trên Facebook và LinkedIn để xây dựng kết nối với các anh chị đi trước. Họ là những người va chạm sâu sát nhất với ngành nên ắt hẳn đưa ra lời khuyên thực tiễn nhất với mong muốn của bạn.

* Cảm ơn chia sẻ của chị Thy!

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Lam Phương / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam