Cốc Cốc: Nhìn cơ hội từ sự đa dạng trong hành vi tiêu dùng ngành Thời trang

Ngành hàng Thời trang – May mặc vẫn luôn là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Đây cũng là một trong những mặt hàng được lựa chọn xuất hiện thường xuyên trong giỏ hàng của người tiêu dùng nội địa. Đi cùng mức tiêu dùng ngày một nâng cao, thị trường Thời trang Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng và ngày càng có nhiều thương hiệu mới tham gia cạnh tranh.

Lắng nghe và thấu hiểu nhu cầu của người tiêu dùng chính là “chìa khóa vàng” để các doanh nghiệp xây dựng chiến lược sản phẩm và chiến lược kinh doanh phù hợp. Do đó, để khám phá nhu cầu thời trang của người Việt, Cốc Cốc đã thực hiện nghiên cứu dựa trên cơ sở dữ liệu 30 triệu người dùng và tiến hành khảo sát 759 đáp viên bằng bảng khảo sát trực tuyến trên nền tảng Cốc Cốc.

Báo cáo này cung cấp những thông tin đáng chú ý về hành vi và xu hướng mua sắm của người tiêu dùng Việt, từ thói quen mua sắm, các tiêu chí lựa chọn đến sự khác biệt giữa các khu vực địa lý… từ đó cung cấp thêm những gợi ý hữu ích cho các thương hiệu, các nhà bán lẻ.

Thấu hiểu nhu cầu mua sắm

Báo cáo chỉ ra rằng gần 50% người tiêu dùng có thói quen mua sắm thời trang hàng ngày, hàng tuần hoặc hàng tháng. Cụ thể, 7,4% có tần suất mua sắm hàng ngày, 16,3% hàng tuần, và 28.5% hàng tháng. Điều này cho thấy mua sắm thời trang là một nhu cầu quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng Việt Nam.

Theo đó, nhằm “đáp ứng nhu cầu cơ bản” và “tự thưởng cho bản thân” là hai mục đích chính của phần lớn người tiêu dùng khi mua sắm các sản phẩm thời trang. Tuy nhiên có sự khác biệt nhất định giữa các khu vực. Trong khi mua sắm để “phục vụ nhu cầu cơ bản” và “tự thưởng bản thân” phổ biến hơn ở nông thôn, thì mua sắm để “thay đổi phong cách” và “bắt kịp xu hướng” phổ biến hơn ở thành thị.

Dữ liệu từ khảo sát cũng chỉ ra rằng, nữ giới có nhu cầu thời trang đa dạng hơn so với nam giới khi Top 4 sản phẩm được người tiêu dùng nữ lựa chọn phân bổ khá đồng đều từ phụ kiện, giày dép cho đến túi ví, balo… thì nam giới lại có nhu cầu đơn giản hơn chủ yếu là quần áo, giày dép và đồng hồ.

Những sản phẩm như túi, ví, balo, đồng hồ phổ biến hơn ở khu vực thành thị. Bên cạnh đó, cư dân thành thị cũng thể hiện rằng họ quan tâm nhiều hơn tới sản phẩm thời trang nam và thời trang trẻ em so với người tiêu dùng khu vực nông thôn. Trong khi đó, thời trang nữ, phụ kiện, trang sức… lại đồng đều ở cả hai khu vực.

Theo khảo sát, có 72,5% người tiêu dùng cho biết họ chủ yếu mua sắm cho bản thân, 36,2% mua sắm cho gia đình, phần còn lại thường mua để làm quà tặng hoặc nhằm mục đích kinh doanh (như bán quần áo, giày dép…).

Trang phục ở nhà trang phục đi làm là hai nhóm sản phẩm chính thường được lựa chọn. Tuy nhiên các trang phục đặc thù khác như thể thao, tiệc tùng, du lịch, dã ngoại cũng có lượng nhu cầu mua sắm tương đối lớn. Nữ giới có xu hướng mua sắm thời trang để tự thưởng cho bản thân để làm quà tặng nhiều hơn nam giới. Ngoài ra, nhu cầu mua sắm thời trang ở nữ giới cao hơn nam giớitất cả các nhóm sản phẩm, trừ Trang phục thể thao, tập luyện.

Khi được hỏi “Bạn thường mua sắm theo xu hướng thời trang mùa hay ưu tiên các sản phẩm cơ bản dùng quanh năm?”, có hơn 38% đáp viên cho biết họ chỉ mua các sản phẩm cơ bản dùng quanh năm, hơn 36% kết hợp giữa cả 2 yếu tố và chỉ 25% cập nhật theo xu hướng mỗi mùa.

Cụ thể hơn, trong khi 44% nữ giới kết hợp giữa nhu cầu cơ bản và xu hướng mùa thì có đến 43% nam giới mua sắm chỉ nhằm phục vụ nhu cầu cơ bản dùng quanh năm.

Xét theo khu vực địa lý, người tiêu dùng miền Nam có xu hướng mua sắm đơn giản còn miền Bắc và miền Trung chuộng xu hướng hơn. Khu vực thành thị cũng có tỉ lệ mua sắm theo xu hướng cao hơn khu vực nông thôn.

Số liệu từ khảo sát chỉ ra rằng “Chất lượng và thẩm mỹ” là 2 tiêu chí đầu bảng, được xấp xỉ trên dưới 1/2 đáp viên cân nhắc khi lựa chọn mua sắm các sản phẩm thời trang, xếp trên các yếu tố khác như giá cả, nhãn hiệu, dịch vụ chăm sóc khách hàng…

Phái đẹp “kén chọn” hơn nam giới đối với hầu hết các tiêu chí, đặc biệt là yếu tố thẩm mỹ như kiểu dáng, phong cách. Trong khi đó, nam giới lại tỏ ra chú trọng tới thương hiệu hơn so với nữ giới.

Có thể nói “Gen Z là một thế hệ tiêu dùng thông minh và khó tính” khi giá cả và khuyến mãi thu hút giới trẻ nhóm tuổi 18-24, tỷ lệ này giảm dần ở các nhóm tuổi lớn hơn. Bên cạnh đó, họ vẫn ưu tiên các yếu tố về chất liệu, độ thoải mái, độ bền nhất, kế tiếp là kiểu dáng, phong cách, trong khi không quá chú trọng thương hiệu – khác với nhóm 25+.

Khảo sát chỉ ra rằng có gần 60% đáp viên miền Bắc quan tâm đến Chất liệu, độ thoải mái, độ bền khi mua sắm thời trang, ở miền Nam tỉ lệ này chưa đến 1/2. Đổi lại, ~50% khách hàng miền Nam sẽ cân nhắc giá cả, khuyến mãi, trong khi tỷ lệ này ở miền Bắc ~40%. Có tới 1/3 đáp viên miền Trung cân nhắc yếu tố thương hiệu khi mua sắm thời trang, trong khi tỷ lệ này ở miền Bắc và miền Nam chỉ ~20%.

Các kênh mua sắm trực tuyến đang lên ngôi so với các kênh mua sắm truyền thống khi có hơn 41% lựa chọn mua qua Sàn thương mại điện tử và 39% mua qua Mạng xã hội. Đặc biệt, tỷ lệ mua sắm trực tuyến ở nữ giới cao gấp từ 1,2-1,4 lần so với nam giới.

Lý do được đưa ra bởi phần lớn đáp viên là mua sắm trực tuyến giúp họ “tiết kiệm được thời gian mua bán”, “xem được đánh giá sản phẩm” và có “mức giá rẻ hơn so với mua trực tiếp”. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại những nguyên nhân khiến cho một lượng không nhỏ người tiêu dùng không lựa chọn mua sắm theo hình thức này. Với họ, việc mua sắm thời trang vẫn cần “thử trực tiếp tại cửa hàng”.

Tác động của truyền thông tới hành vi tiêu dùng

Với đa số người tiêu dùng phổ thông, hơn 50% cho biết mạng xã hội và những người gần gũi xung quanh chính là nguồn cảm hứng chủ yếu cho việc mua sắm thời trang của họ. Các yếu tố tác động khác như người nổi tiếng, tạp chí thời trang, phim ảnh có tỷ lệ tương đương nhau, xấp xỉ 20%.

Về kênh truyền thông, đối với ngành Thời trang, các phương tiện quảng cáo trực tuyến như Web, mạng xã hội, máy tìm kiếm… là kênh truyền thông chiếm tỷ lệ cao nhất với 61,1%, vượt hơn hẳn độ phổ biến của các phương tiện quảng cáo truyền thống. Trong đó, gần 1/2 đáp viên cho biết mạng xã hội tác động lớn tới quyết định mua hàng của họ, gần 1/3 đáp viên bị ảnh hưởng từ công cụ tìm kiếm và các trang mua sắm trực tuyến.

Khám phá thêm hành vi số của người tiêu dùng trong lĩnh vực Thời trang, bao gồm tìm kiếm trên công cụ tìm kiếm, chủ đề và nhóm sản phẩm thời trang phổ biến trên sàn thương mại điện tử tại đây.

Hy vọng rằng những thông tin được rút ra từ báo cáo này có thể giúp các doanh nghiệp và nhà bán lẻ đưa ra những quyết định về việc đa dạng hóa danh mục, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như phát triển thêm các kênh bán hàng, chương trình khuyến mãi hiệu quả. Từ đó, nâng cao vị thế trên thị trường, đồng thời đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành Thời trang Việt Nam.

Xem và tải báo cáo đầy đủ tại đây.