Số sản phẩm bán được tăng nhưng số shop giảm nói lên điều gì về TMĐT Việt Nam năm qua?

Theo báo cáo toàn cảnh thị trường bán lẻ trực tuyến của Metric qua các năm, năm 2023 tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm của nhà bán so với năm 2022. Tổng số shop có phát sinh đơn hàng trên 5 sàn TMĐT giảm 1,3%, tương đương khoảng 10.000 nhà bán, bất chấp sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của những mô hình và nền tảng TMĐT mới. Trong khi đó số sản phẩm bán ra thành công trên mỗi shop vẫn tăng 52,3%. Vậy những con số này nói lên điều gì về thị trường bán lẻ trực tuyến trên 5 sàn TMĐT Việt Nam hiện nay?

Số liệu tổng quan về thị trường sàn bán lẻ trực tuyến Việt Nam từ 2021-2023

Nguồn: Metric

Nhìn vào ba biểu đồ trên, chúng ta có thể thấy rõ những điểm chính sau:

1. Doanh thu và sự tăng trưởng của thương mại điện tử

Doanh thu tổng thể trên 5 sàn thương mại điện tử (TMĐT) đã tăng liên tục từ 2021 đến 2023. Cụ thể, doanh thu từ TMĐT B2C tăng từ 113.418 tỷ đồng năm 2021 lên 232.134 tỷ đồng năm 2023. Sự gia tăng này cho thấy sự mở rộng không ngừng của thị trường TMĐT tại Việt Nam và mức độ chấp nhận ngày càng cao của người tiêu dùng đối với mua sắm trực tuyến.

2. Số lượng sản phẩm bán ra và nhu cầu của người tiêu dùng

Số lượng sản phẩm bán ra tăng mạnh qua từng năm, đặc biệt là sự tăng trưởng lớn từ 2022 đến 2023. Từ 1.091 triệu sản phẩm năm 2021, con số này đã tăng lên 2.269 triệu sản phẩm vào năm 2023. Điều này minh chứng cho sự mở rộng nhanh chóng của thị trường và nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng đối với mua sắm trực tuyến.

Số lượng sản phẩm bán ra trên các sàn tăng mạnh qua từng năm, đặc biệt là sự tăng trưởng lớn từ 2022 đến 2023.
Nguồn: Hires.vn

3. Số lượng shop có đơn hàng thành công và sự phân bố của người tiêu dùng

Mặc dù số lượng shop có đơn hàng thành công tăng từ 506 nghìn shop năm 2021 lên 646 nghìn shop năm 2022, nhưng lại giảm nhẹ xuống còn 637 nghìn shop vào năm 2023. Sự giảm nhẹ này có thể do nhiều yếu tố như cạnh tranh khốc liệt, lựa chọn thị trường sai, hoặc thiếu kế hoạch kinh doanh phù hợp.

Tuy nhiên, mặc dù số lượng shop giảm, nhưng số lượng sản phẩm bán được trên mỗi shop lại có sự tăng trưởng. Điều này có thể chỉ ra rằng những shop bán hàng kém chất lượng, không đầu tư bài bản hoặc các seller cá nhân đã tự động bị “đào thải” và buộc phải rút lui khỏi cuộc chơi.

Người tiêu dùng ngày càng thông thái và khắt khe, họ sẽ tập trung vào các gian hàng uy tín, chất lượng còn lại, dẫn đến số lượng shop giảm nhưng doanh thu và số lượng sản phẩm bán ra vẫn giữ nguyên hoặc tăng. Điều này đồng nghĩa với việc doanh thu trung bình của mỗi shop trên sàn tăng, tập trung vào các gian hàng chính hãng và sản phẩm chất lượng.

Sự giảm nhẹ của số lượng shop có đơn hàng thành công có thể do nhiều yếu tố như cạnh tranh khốc liệt, lựa chọn thị trường sai, hoặc thiếu kế hoạch kinh doanh phù hợp.
Nguồn: VnExpress

Sự cạnh tranh khốc liệt trên các sàn TMĐT, sân chơi không dành cho kẻ yếu

Ngành TMĐT Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ và nhanh chóng cũng là nhờ sức nóng từ cuộc cạnh tranh khốc liệt trên các sàn. Và cuộc đua này ngày càng tăng độ khó bởi các yếu tố như: sự xuất hiện của nhiều tay chơi từ nước ngoài, tâm lý người tiêu dùng thay đổi, một người mua mà vạn người bán...

Theo dự báo, doanh thu từ các sàn TMĐT sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2024, có thể đạt khoảng 650.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, bên cạnh sự tăng trưởng là sự cạnh tranh khốc liệt khi hơn 100.000 nhà bán hàng đã rời khỏi thị trường trong năm qua, nhưng đồng thời lại có sự xuất hiện của nhiều nhà bán hàng mới.

Chuyển dịch lên sàn TMĐT đã trở thành xu hướng kinh doanh gần như tất yếu trong bối cảnh chuyển đổi số. Từ các tiền lệ thành công rực rỡ, ngày càng có thêm nhiều doanh nghiệp đưa sản phẩm của mình lên sàn. Và càng nhiều nhà bán hàng mới thì sự cạnh tranh càng tăng, đặc biệt là ở các khía cạnh như chất lượng sản phẩm, dịch vụ khách hàng, giá cả, ưu đãi, và các chương trình chăm sóc khách hàng.

Từ các tiền lệ thành công rực rỡ, ngày càng có thêm nhiều doanh nghiệp đưa sản phẩm của mình lên sàn.
Nguồn: Getty Images

Một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự cạnh tranh trong thị trường TMĐT hiện nay là sự thay đổi trong tâm lý mua sắm của người tiêu dùng. Với sự phát triển mạnh mẽ của các mạng xã hội, người tiêu dùng ngày càng trở nên “quyền lực” hơn bao giờ hết. Họ không chỉ đơn thuần là người mua hàng mà còn trở thành những người đánh giá sản phẩm và dịch vụ. Những đánh giá này được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, khiến người tiêu dùng nâng cao kỳ vọng khi mua sắm. Họ không còn chấp nhận phải chọn lựa giữa “giá cả”, “chất lượng” và “trải nghiệm” – họ mong muốn có được tất cả.

Sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng đã thúc đẩy các doanh nghiệp phải phát triển những chiến lược mới để tiếp cận thị trường một cách hiệu quả hơn. Cuộc đua cạnh tranh không chỉ dừng lại ở giá cả mà còn mở rộng sang trải nghiệm khách hàng và dịch vụ logistics. Các sàn TMĐT liên tục áp dụng và tăng cường những tính năng “thời thượng” để bắt kịp xu hướng của người tiêu dùng như livestream, affiliate marketing, gamification, và gần đây nhất là short-video. Dịch vụ logistics cũng trở thành một vùng cạnh tranh mới, đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo trải nghiệm mua sắm liền mạch từ khi đặt hàng đến khi nhận hàng của người dùng.

Tóm lại, với tất cả thách thức và cả tiềm năng nội tại, thị trường TMĐT Việt Nam vẫn có nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, “cửa sáng” chỉ dành cho những ai chịu thay đổi và những doanh nghiệp trong ngành khi trụ lại đều phải có chiến lược bài bản.

Doanh nghiệp cần làm gì để không bị bỏ lại trong cuộc chơi này?

giá cả bây giờ không còn là tiêu chí cân nhắc duy nhất của người tiêu dùng, doanh nghiệp có trụ vững được hay không chủ yếu vẫn dựa vào việc lựa chọn đúng sản phẩm kinh doanh.
Nguồn: @khunkorn

Giảm giá thành sản phẩm không phải là bài toán lâu dài mặc dù sự cạnh tranh về giá cũng vô cùng gay gắt trên các sàn. Nhưng như đã nói ở trên, giá cả bây giờ không còn là tiêu chí cân nhắc duy nhất của người tiêu dùng, doanh nghiệp có trụ vững được hay không chủ yếu vẫn dựa vào việc lựa chọn đúng sản phẩm vừa chất lượng vừa có tiềm năng kinh doanh, phải có sự nghiên cứu, có chiến lược bài bản trước khi đưa sản phẩm lên sàn.

Bên cạnh đó cũng cần tận dụng tối đa các công cụ marketing solution của sàn để chạy các campaign chung và riêng, lên những chương trình phù hợp vào từng thời điểm trong năm để kích sale, thúc đẩy doanh số hiệu quả.

Ở mặt trận truyền thông, hãy tạo ra những nội dung thể hiện giá trị của sản phẩm thay vì tập trung vào giá cả và chương trình ưu đãi. Theo báo cáo Shoppertainment 2024 của TikTok, 79% người tiêu dùng có được cảm hứng mua hàng từ nội dung thể hiện giá trị sản phẩm thay vì từ chính sách giảm giá.

Người tiêu dùng không muốn đổ xô đi mua hàng chỉ vì có giảm giá. Họ coi trọng trải nghiệm mua hàng cũng như chính hoạt động mua hàng. Do đó, họ muốn nhận được nội dung giúp sản phẩm trở nên sống động và cho phép họ trải nghiệm giá trị của sản phẩm.

Các thương hiệu nên tập trung vào định dạng nội dung có sức ảnh hưởng đến hoạt động mua sắm trong suốt hành trình ra quyết định của người tiêu dùng: “Điều gì thu hút họ chú ý?”, “Họ cân nhắc và đánh giá điều gì?”, cũng như “Điều gì thuyết phục họ mua hàng?”.

Và ngoài các hoạt động thúc đẩy chuyển đổi, đừng quên triển khai những chiến dịch branding, định vị hình ảnh thương hiệu. Vì yếu tố thương hiệu cũng ảnh hưởng rất lớn đến quyết định mua hàng. Thương hiệu càng mạnh thì sức cạnh tranh càng cao.

Cuối cùng, các doanh nghiệp cần phải có chiến lược kinh doanh chặt chẽ, tối ưu hóa quy trình vận hành, và đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật và nhân sự để đảm bảo hoạt động kinh doanh diễn ra một cách hiệu quả và bền vững trên sàn TMĐT.

Kết luận

Số sản phẩm bán được tăng mạnh trong khi số lượng shop phản ánh rằng người tiêu dùng đang ngày càng tập trung vào các cửa hàng uy tín và chất lượng hơn, thay vì trải rộng lựa chọn. Kết quả là các nhà bán hàng kém chất lượng hoặc không đầu tư bài bản dần bị loại bỏ khỏi thị trường. Sự tập trung vào các gian hàng chính hãng uy tín giúp tăng doanh thu cho mỗi shop, đồng thời thúc đẩy sự cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, dịch vụ khách hàng và trải nghiệm mua sắm. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp cần phải không ngừng nâng cao chất lượng và sáng tạo trong chiến lược kinh doanh để duy trì sự phát triển bền vững.