TGM Research và PRO Việt Nam ra mắt báo cáo về phân loại rác tại nguồn ở Việt Nam
Với mong muốn nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của cộng đồng, góp phần vì một Việt Nam xanh – sạch – đẹp hơn, TGM Research hợp tác cùng Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) đã thực hiện một nghiên cứu chuyên sâu về nhận thức và hành vi người tiêu dùng đối với việc phân loại và tái chế rác thải trên cả nước.
“Báo cáo Phân loại rác tại nguồn ở Việt Nam” đi sâu vào vấn đề cốt lõi tạo nên khoảng cách giữa nhận thức và hành động của người tiêu dùng đối với các vấn đề về môi trường, đồng thời, chỉ ra những rào cản hạn chế thói quen sử dụng sản phẩm tái chế của người tiêu dùng. Qua đó, PRO Việt Nam và các bên liên quan có cơ sở để xây dựng những hoạt động thiết thực nhằm thúc đẩy ý thức phân loại rác tại nguồn và hướng người tiêu dùng tới những sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường.
Ông Greg Laski, nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc của TGM Research, nhận định rằng: “Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ quan trọng trong hành trình phát triển kinh tế, đặc biệt khi mô hình kinh tế tuyến tính hiện nay bộc lộ những hạn chế nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường và lãng phí tài nguyên. Việc ban hành Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, với quy định về phân loại rác thải tại nguồn có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, càng khẳng định tính cấp bách của vấn đề này. Vì vậy, chúng tôi tin rằng báo cáo này được ra đời vào một thời điểm vô cùng thích hợp, mang đến cho chúng ta cơ hội vàng để tạo ra những thay đổi mang tính đột phá, hướng đến một tương lai nơi rác thải được tái tạo thành nguồn tài nguyên quý giá thay vì gánh nặng cho môi trường”.
Nhấn mạnh lợi ích của sự hợp tác này cũng như chia sẻ tầm nhìn chung vì một Việt Nam xanh – sạch – đẹp, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ Tịch PRO Việt Nam cho biết: “Nâng cao nhận thức cộng đồng về tái chế và phân loại rác là một trong những ưu tiên chiến lược trong hoạt động của PRO Việt Nam. Thông qua nghiên cứu hợp tác với TGM Research lần này, chúng tôi không chỉ mong muốn hiểu sâu sắc nhận thức, hành vi và những rào cản hiện có trong việc hành động phân loại rác nói riêng cũng như việc tham gia hành động bảo vệ môi trường nói chung của người dân.
Chúng tôi hy vọng các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức phi chính phủ và các bên liên quan có thể tham khảo nghiên cứu này trong việc hoàn thiện chính sách, xây dựng các chương trình hành động cụ thể nhằm thúc đẩy và tác động mạnh mẽ tới nhận thức và hành động của mỗi người dân”.
Dưới đây là tóm tắt những nội dung chính từ “Báo cáo Phân loại rác tại nguồn ở Việt Nam”:
Mức độ quan tâm đến môi trường của người Việt Nam ngày càng cao, tuy nhiên tỷ lệ tham gia của người trẻ vẫn còn hạn chế
Kết quả khảo sát cho thấy môi trường là vấn đề mà người dân Việt Nam ngày một quan tâm, với 73% người bày tỏ lo ngại về các vấn đề môi trường, đặc biệt là ở các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tuy nhiên, nhóm tuổi thể hiện ít sự quan tâm nhất tới các vấn đề về môi trường là nhóm tuổi 15-24.
Mặc dù nhận thức được các thách thức chung về môi trường hiện nay, 40% người trong độ tuổi này thừa nhận rằng họ không thực sự ý thức về những tác động của suy thoái môi trường tại nơi mình sinh sống. Điều này dẫn đến tỷ lệ tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường như phân loại rác thải tương đối thấp. Khảo sát cho thấy chỉ có 30% người trẻ thuộc thế hệ Z này thừa nhận từng tham gia các hoạt động hoặc cuộc họp bảo vệ môi trường địa phương.
Khác biệt về nhận thức ở nhóm tuổi này còn thể hiện ở sự hiểu biết về các khái niệm bền vững như nguyên tắc 3R (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế). Trong khi 87% người được khảo sát ở tất cả các nhóm nhân khẩu học đều biết đến 3R, con số này lại thấp hơn đáng kể ở nhóm tuổi 15-24. Cụ thể, 26% nhóm này chưa từng nghe về nguyên tắc 3R, và khoảng một nửa chỉ tiếp xúc một cách thụ động về khái niệm này.
Khảo sát cũng cho thấy thực tế, mức độ nhận thức về các vấn đề môi trường ở nhóm tuổi này chỉ dừng lại ở mức ý thức chứ chưa có hành động cụ thể. Dù bày tỏ sự ủng hộ cho việc phân loại rác tại nguồn, chỉ 34% nhóm tuổi này thực sự thực hiện việc này tại nhà.
Bức tranh trái chiều về thói quen bảo vệ môi trường của giới trẻ: Thách thức hiện hữu và nhu cầu tiềm năng
Tỷ lệ tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường của giới trẻ, đặc biệt là việc phân loại rác, vẫn còn thấp. Nghiên cứu sâu hơn cho thấy yếu tố thời gian hạn chế và tốn chi phí được cho là rào cản lớn nhất, với 15,8% số người được hỏi cho rằng đây là những vấn đề chính. Điều này có thể liên quan đến lối sống bận rộn thường thấy ở nhóm tuổi này, khi mà việc cân đối tài chính và quản lý thời gian là những thách thức lớn. Bên cạnh đó, 12,7% người được khảo sát cho biết họ thiếu hiểu biết về các loại rác thải cần phân loại.
Bên cạnh đó, 85% người thuộc nhóm tuổi này nhận thức được lợi ích của các sản phẩm có bao bì tái chế nhưng yếu tố chính ảnh hưởng tới lý do mua hàng của họ là vấn đề chất lượng (62%) và giá thành sản phẩm (42%). Trong đó, nhóm nữ giới là nhóm thể hiện sự quan tâm lớn (72%) tới vấn đề chất lượng và nhóm nam giới quan tâm nhiều hơn về vấn đề chi phí.
Tuy nhiên, một tín hiệu tích cực đang dần xuất hiện: Việc phân loại rác thải tại nguồn chưa trở thành thói quen phổ biến, nhưng hơn 50% số người được khảo sát thuộc nhóm tuổi 15-24 đã nhận thức được tầm quan trọng của việc phân loại rác. Đáng chú ý, 95% bày tỏ sự quan tâm tìm hiểu thêm về các phương pháp phân loại rác. Điều này cho thấy sự cần thiết của việc nâng cao kiến thức về phân loại rác cho cộng đồng, đặc biệt là nhóm tuổi thanh thiếu niên.
Nâng cao nhận thức về phân loại rác thải cho giới trẻ: Cơ hội và giải pháp
Kết quả khảo sát cho thấy sự cần thiết trong việc đẩy mạnh các hoạt động phân loại rác tại nguồn tập trung vào nhóm tuổi từ 15-24. Nhóm này có nhận thức hạn chế về chương trình phân loại rác thải của thành phố, thấp hơn mức trung bình quốc gia. Bên cạnh đó, 57% người được hỏi cho rằng họ chưa nhận được những hướng dẫn chính thức về phần loại rác thải cũng như kiến thức bảo vệ môi trường, từ đó cho thấy tính cần thiết của các chương trình giáo dục toàn diện và xuyên suốt đối với nhóm tuổi này.
Để giải quyết hạn chế này, chính quyền địa phương có thể triển khai các chiến dịch giáo dục kiến thức kết hợp với các hoạt động cộng đồng. Theo khảo sát, 78% mong muốn tham gia các buổi tập huấn, trong khi 55% cho biết họ mong muốn nhận các tài liệu giáo dục.
Giới trẻ là nhóm đối tượng có ảnh hưởng lan tỏa tới cộng đồng đặc biệt là trên mạng xã hội, do đó, việc tập trung nâng cao hiểu biết và nhận thức bảo vệ môi trường của nhóm tuổi này là rất cần thiết để truyền cảm hứng và thúc đẩy hành động trong cộng đồng.
Tải báo cáo đầy đủ tại đây.