Marketer Phố Hương
Phố Hương

Content Executive @ Brands Vietnam

Liên Hợp Quốc: Ngành công nghiệp quảng cáo phải ngừng hợp tác với các khách hàng nhiên liệu hóa thạch

Liên Hợp Quốc: Ngành công nghiệp quảng cáo phải ngừng hợp tác với các khách hàng nhiên liệu hóa thạch

Trong bài phát biểu nhân Ngày Môi trường Thế giới (5/6), Tổng thư ký Liên Hợp Quốc – ông António Guterres – đã kêu gọi các quốc gia trên toàn thế giới cấm quảng cáo của các công ty nhiên liệu hóa thạch, đồng thời kêu gọi các công ty truyền thông và công nghệ ngừng hợp tác với những doanh nghiệp này.

Điều gì đã khiến Liên Hiệp Quốc đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ đến thế? Và vì sao các agency tên tuổi không thể tiếp tục “nhắm mắt làm ngơ” trước câu chuyện này được nữa? 

Mượn tay quảng cáo để “tẩy xanh”

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông António Guterres, cho rằng các công ty quảng cáo và PR đã “tiếp tay và đồng lõa” với các công ty nhiên liệu hóa thạch để “đầu độc” hành tinh. Cụ thể, người đứng đầu Liên Hợp Quốc tuyên bố ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch đã sử dụng quảng cáo để “tẩy xanh” hình ảnh của mình “một cách không biết xấu hổ”.

“Nhiều người trong ngành nhiên liệu hóa thạch đã không biết xấu hổ khi tẩy xanh, thậm chí họ còn cố gắng trì hoãn hành động chống biến đổi khí hậu  bằng cách vận động hành lang, đe dọa pháp lý và các chiến dịch quảng cáo lớn”, ông nói.

Ông António Guterres – Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.
Nguồn: CNBC

Liên Hợp Quốc đang kêu gọi ngành công nghiệp quảng cáo hãy ngừng hợp tác với các công ty nhiên liệu hóa thạch ngay lập tức để ngăn chặn “sự hủy diệt hành tinh”. Ông lên tiếng: “Hãy ngừng nhận khách hàng mới từ ngành nhiên liệu hóa thạch ngay từ hôm nay và lập kế hoạch loại bỏ những khách hàng bạn đang hợp tác hiện tại”. 

Ông cũng đề nghị các chính phủ nên hạn chế hoặc cấm quảng cáo từ các công ty nhiên liệu hóa thạch, tương tự như cách họ hành động với các sản phẩm có hại cho sức khỏe con người như thuốc lá.

Câu hỏi được đặt ra là ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch đã chi bao nhiêu tiền cho quảng cáo để “tẩy xanh”, thuyết phục công chúng Mỹ rằng các sản phẩm của họ có lợi và cần thiết? 

Năm 2019, các nhà nghiên cứu của Trung tâm Điều tra Khí hậu (Climate Investigations Center) đã phân tích các khoản chi tiêu cho quan hệ công chúng của các hiệp hội thương mại nhiên liệu hóa thạch từ năm 2008 qua dữ liệu từ hồ sơ thuế liên bang. Kết quả thật đáng suy ngẫm: “Cuộc điều tra của chúng tôi đã phát hiện ra rằng từ năm 2008 đến năm 2017, các hiệp hội thương mại được phân tích đã chi gần 1,4 tỷ USD cho quan hệ công chúng, quảng cáo và các nhà thầu truyền thông”. 

Trong đó, Viện Dầu khí Mỹ (American Petroleum Institute) đứng đầu với 663 triệu USD trong khoảng thời gian được nghiên cứu, chiếm gần một nửa tổng chi tiêu từ tất cả các hiệp hội thương mại. Phòng Thương mại Mỹ (US Chamber of Commerce) đứng thứ hai với 244 triệu USD chi tiêu. Còn các công ty quan hệ công chúng có những hợp đồng “béo bở” nhất trong khoảng thời gian thu thập dữ liệu là Edelman, DDC Advocacy, FleishmanHillard, và Blue Advertising.

Đánh đổi bằng tương lai của Trái Đất 

Trong suốt năm qua, mỗi khi chuyển sang một tháng mới, nhiệt độ lại tăng lên.
Nguồn: Pexels

Mô tả về tính cấp bách của vấn đề, ông António Guterres đã chỉ ra dữ liệu từ chương trình Copernicus của Ủy ban Châu Âu (EC), tiết lộ rằng tháng 5/2024 là tháng 5 nóng nhất trong lịch sử được ghi nhận.

“Điều này đánh dấu cho việc 12 tháng liên tiếp vừa qua là những tháng nóng nhất từ trước đến nay. Trong suốt năm qua, mỗi khi chuyển sang một tháng mới, nhiệt độ lại tăng lên”, ông Guterres giải thích.

Đã gần một thập kỷ sau thỏa thuận Paris (2015) về biến đổi khí hậu nhằm ngăn chặn nhiệt độ toàn cầu tăng quá 1,5°C, Guterres gọi năm 2024 là “thời khắc của sự thật”. Thật vậy, ông tuyên bố rằng “cuộc chiến vì 1,5°C” sẽ được quyết định trong những năm 2020-2025.

Trong khi đó, tổ chức Oil Change International báo cáo rằng các công ty dầu khí quốc tế hàng đầu thế giới đang lên kế hoạch mở rộng việc sản xuất dầu và khí đốt, những sự gia tăng này sẽ đẩy nhiệt độ toàn cầu vượt xa mục tiêu 1,5 độ C theo thỏa thuận Paris. 

“Hỗn loạn khí hậu sẽ tiêu tốn 38 nghìn tỷ USD mỗi năm vào năm 2050. Biến đổi khí hậu chính là ‘loại thuế ngầm’ lớn nhất mà người dân thường và các quốc gia, cộng đồng dễ bị tổn thương phải trả. Trong khi đó, ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch, thu về lợi nhuận kỷ lục và hưởng lợi từ hàng nghìn tỷ USD trợ cấp được đóng bởi người nộp thuế”, ông Guterres nói thêm.

Duncan Meisel, Giám đốc Điều hành của Clean Creatives – nhóm chiến dịch chống nhiên liệu hóa thạch trong ngành quảng cáo và quan hệ công chúng – gọi những bình luận của người đứng đầu Liên Hợp Quốc về ngành quảng cáo là “lịch sử”.

“Hôm nay là một bước ngoặt trong mối quan hệ của ngành quảng cáo và PR với biến đổi khí hậu. Không còn lý do nào để các công ty tuyên bố rằng họ đang làm đúng khi hợp tác với những kẻ gây ô nhiễm. Mọi người đều biết điều này là sai và mọi người cần phải hành động”, Meisel nói.

Điều gì có thể xảy ra tiếp theo sau lời kêu gọi?

Caroline Davison, Giám đốc Điều hành và phụ trách phát triển bền vững tại công ty Elvis, chia sẻ trong một bài viết trên The Drum rằng các agency hãy chuẩn bị cho một lệnh cấm quảng cáo nhiên liệu hóa thạch không thể tránh khỏi.

Việc cấm quảng cáo thuốc lá cho thấy việc cấm quảng cáo nhiên liệu hóa thạch không chỉ khả thi mà còn là không thể tránh khỏi, và các cơ quan quảng cáo nên bắt đầu có kế hoạch phù hợp. 

Thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt đầu hành động: Pháp đã cấm quảng cáo nhiên liệu hóa thạch vào năm 2022 và các lệnh cấm tương tự đang được xem xét ở Canada và Ireland. Gần đây, thành phố Edinburgh cũng đã theo bước khi tiến hành bỏ phiếu cấm việc quảng cáo cho các công ty nhiên liệu hóa thạch cùng với quảng cáo cho các hãng hàng không, sân bay, xe hơi (trừ xe điện và xe chạy bằng hydro), tất cả các dòng xe thể thao đa dụng (SUV) và cả những kỳ nghỉ trên du thuyền.

Một chiến dịch yêu cầu lệnh cấm quảng cáo nhiên liệu hóa thạch trên toàn Liên minh Châu Âu của tổ chức Greenpeace EU.
Nguồn: Grist

Thách thức đối với các agency khi từ bỏ khách hàng nhiên liệu hóa thạch hoàn toàn là vấn đề tài chính. Rõ ràng, những công ty này có nguồn lực tài chính mạnh và đây có thể chính là những khách hàng mang lại lợi nhuận cao nhất cho một agency. Bà Caroline Davison chia sẻ: “Một lệnh cấm chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến công việc của một agency nếu agency đó làm việc cho nhiều khách hàng thuộc lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, hãy nghĩ đến việc rất có thể nhiều nhân sự trong chính agency của bạn cũng đang phải làm việc trong trạng thái đấu tranh với lương tâm của họ hằng ngày”. 

Cùng góc nhìn này, ông Guterres cũng đã nêu lên quan điểm: “Nhiên liệu hóa thạch không chỉ đầu độc hành tinh của chúng ta – chúng còn ‘độc hại’ cho thương hiệu của bạn”. Ông Guterres cho rằng nhiều người làm việc trong lĩnh vực sáng tạo cũng đang hướng về các công ty đấu tranh vì hành tinh của chúng ta, chứ không phải phá hoại nó. 

Những chia sẻ của cả ông Guterres hay bà Caroline không phải là không có căn cứ. Một báo cáo gần đây của IPA cho thấy 49% người tham gia là nhân viên đang làm việc tại các agency cảm thấy công ty của họ đang làm quá ít để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và họ thật sự lo lắng về điều đó.

“Nhiên liệu hóa thạch không chỉ đầu độc hành tinh của chúng ta – chúng còn ‘độc hại’ cho thương hiệu của bạn”, ông Guterres nêu quan điểm.
Nguồn: Pexels

Một tín hiệu đáng mừng là cho đến nay, hơn 1.100 công ty quảng cáo, PR và sáng tạo đã ký cam kết Clean Creatives để từ chối hợp tác với các công ty dầu khí lớn. Nhưng có lẽ, để tạo ra được tác động sâu rộng thì vẫn phải biến câu chuyện này thành một “cuộc chiến chung”: Sẽ ra sao nếu các tập đoàn quảng cáo lớn thừa nhận trách nhiệm mà ngành công nghiệp quảng cáo phải đảm nhận nếu muốn mang lại sự thay đổi? Và sẽ thế nào nếu chính những người làm quảng cáo  tự kêu gọi lệnh cấm quảng cáo nhiên liệu hóa thạch, đồng ý chịu trách nhiệm, kiểm soát và nghiêm túc thực hiện điều đó?

Theo Phố Hương / Brands Vietnam
* Nguồn: Tổng hợp