Pháp luật quy định như thế nào về chương trình khuyến mãi?

Chúng ta có thể dễ dàng Google search “Khuyến mại và Khuyến mãi: Giống hay khác nhau như thế nào?”, cũng như có thể phần nào đoán định rằng, ắt hẳn việc triển khai chương trình khuyến mãi sẽ ít nhiều liên quan đến các quy định của Pháp luật. Tuy nhiên, liệu rằng chúng ta có tự tin bản thân đã hiểu cụ thể những quy định ấy? Hãy cùng mình khám phá chi tiết hơn tại bài viết này nhé!

1. Dân Marketing hay bất kì ngành nghề nào cũng cần quan tâm đến quy định của Pháp luật

Chúng ta có định nghĩa “Pháp luật một hệ thống các quy tắc xử sự do Nhà nước đặt ra (hoặc thừa nhận) có tính quy phạm phổ biến, tính xác định chặt chẽ về mặt hình thức và tính bắt buộc chung thể hiện ý chí của giai cấp nắm quyền lực Nhà nước và được Nhà nước đảm bảo thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội”.

Tuy nhiên, Pháp luật sẽ không quy định cụ thể chúng ta có thể và không thể làm gì, cũng như không giới hạn kiểu như chỉ có thể làm những gì mà Pháp luật cho phép. Vì thế, có thể hiểu nôm na rằng chúng ta có thể làm những điều mà Pháp luật không cấm.

Ngành nghề nào cũng vậy, cũng sẽ có những quy tắc đặc thù, những địa hạt riêng biệt mà không phải ai cũng có thể dễ dàng hiểu thấu và bước vào. Không hề điêu ngoa khi nói rằng “các quy định của Pháp luật không phải ai biết chữ là đều có thể đọc hiểu được”, cũng nhờ vậy, mà dân Law-er mới có việc để làm. Và việc đó chính là: “Translate” từ tiếng Việt qua tiếng Việt.

Cũng vì thế, không phải dân Marketer nào cũng có thể dễ dàng đọc hiểu và Google search những thông tin liên quan đến quy định của Pháp luật.

Mình không phải là một Luật sư, chỉ đơn giản là một cử nhân Luật chính quy mà thôi. Tuy nhiên, chắc rằng khi cần tra cứu thông tin cần thiết nói trên, đối với mình cũng sẽ đơn giản hơn mọi người một tý. Mình rất hy vọng những kiến thức mà mình có được, cũng như những thông tin mà mình đã tự mày mò, nghiên cứu và tích luỹ được, không chỉ giúp ích cho bản thân mình, cho các công việc Marketing mình đang làm; mà còn có thể chia sẻ rộng rãi hơn đến với những ai quan tâm và có thể giúp các đồng môn Marketer phần nào hiểu hơn hay có những phản ứng phù hợp hơn đối với vấn đề bản thân đang gặp phải.

2. Khuyến mãi và Khuyến mại: Giống hay khác nhau như thế nào?

Theo quan điểm từ nhiều nguồn thông tin chia sẻ, có cả Thư viện Pháp luật, thì có thể phân biệt cơ bản:

  • Khuyến mãi là hoạt động tác động đến người bán hàng (đại lý bán hàng, khách hàng trung gian, người phân phối) nhằm kích thích việc nhập hàng, giải phóng hàng tồn hoặc đẩy mạnh doanh số tổng
  • Khuyến mại là hoạt động tác động đến người mua hàng cuối cùng (người mua và sử dụng sản phẩm, dịch vụ).

Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 1, Điều 88 Luật Thương mại 2005 thì chúng ta chỉ có định nghĩa về khuyến mại như sau: “Khuyến mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định”.

Và hiện nay, mình chưa nhận thấy có quy định nào về khái niệm “khuyến mãi là gì?” cũng như cách thức phân biệt cụ thể. Song song đó, tại Điều 92 Luật Thương mại 2005 có quy định về các hình thức triển khai thì hầu như chỉ có “khuyến mại” có thể khai thác tất cả các hình thức ấy, trong khi khuyến mãi thì hạn chế hơn. Vì thế, theo cá nhân mình, trong pháp luật thì chỉ có một khái niệm “khuyến mại” thôi nha!

Khuyến mãi là hoạt động tác động đến người bán hàng, trong khi khuyến mại là hoạt động tác động đến người mua hàng cuối cùng.

Vậy, khuyến mãi có phải chịu ràng buộc đối với các quy định của Pháp luật dành cho khuyến mại hay không?

Theo cá nhân Phưn Phưn nghĩ là . Vì cứ quay lại định nghĩa về khuyến mại tại Khoản 1, Điều 88 Luật Thương mại 2005 thì chúng ta sẽ thấy quy định này ràng buộc đối với cả 2 nhóm và chỉ với cùng một tên gọi là “khuyến mại” mà thôi. Khuyến mại hay khuyến mãi chỉ là cách chúng ta tự quy định và phân loại để phù hợp với thực tế triển khai kinh doanh, marketing. Vì thế, cả hai cũng cần tuân thủ đúng nha mọi người.

3. Khuyến mại theo quy định của pháp luật gồm có những hình thức nào?

Là dân Marketing, ắt hẳn chúng ta sẽ không còn xa lạ với những hình thức chương trình khuyến mại (CTKM) như là:

  • Sampling – Dùng thử sản phẩm
  • Contest – Cuộc thi
  • Rút thăm trúng thưởng – Thẻ cào trúng thưởng
  • Refunds – Hoàn tiền
  • Chương trình khách hàng thân thiết
  • Tặng, cho sản phẩm, tặng quà đính kèm
  • Mã giảm giá, voucher, coupon
  • ...

Thực tế có muôn hình vạn trạng, có vô vàn những hình thức triển khai phong phú, đa dạng phát sinh liên tục hàng ngày hàng giờ. Và môi trường Marketing lại càng là môi trường linh hoạt, biến đổi liên tục. Hôm nay chỉ có bấy nhiêu hình thức CTKM, nhưng ngày mai, ngày mốt thì chưa chắc chỉ có bấy nhiêu. Khi vận hành Marketing, sẽ không có đúng/sai trong việc gọi tên và phân loại hình thức CTKM.

Điều 92, Luật Thương mại 2005 về “Các hình thức khuyến mại” bao gồm 9 hình thức.

Tuy nhiên, nếu xét CTKM vào hệ quy chiếu Pháp luật thì dù thị trường có bao nhiêu hình thức đi chăng nữa, chúng ta cũng cần biết rằng tính đến thời điểm hiện tại, quy định tại Điều 92, Luật Thương mại 2005 về “Các hình thức khuyến mại” chỉ có 9 hình thức mà thôi. Bao gồm:

  1. Đưa hàng hoá mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền.
  2. Tặng hàng hoá cho khách hàng, cung ứng dịch vụ không thu tiền.
  3. Bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán hàng, giá cung ứng dịch vụ trước đó, được áp dụng trong thời gian khuyến mại đã đăng ký hoặc thông báo. Trường hợp hàng hóa, dịch vụ thuộc diện Nhà nước quản lý giá thì việc khuyến mại theo hình thức này được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
  4. Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ để khách hàng được hưởng một hay một số lợi ích nhất định.
  5. Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm phiếu dự thi cho khách hàng để chọn người trao thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố.
  6. Bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự các chương trình mang tính may rủi mà việc tham gia chương trình gắn liền với việc mua hàng hóa, dịch vụ và việc trúng thưởng dựa trên sự may mắn của người tham gia theo thể lệ và giải thưởng đã công bố.
  7. Tổ chức chương trình khách hàng thường xuyên, theo đó việc tặng thưởng cho khách hàng căn cứ trên số lượng hoặc trị giá mua hàng hóa, dịch vụ mà khách hàng thực hiện được thể hiện dưới hình thức thẻ khách hàng, phiếu ghi nhận sự mua hàng hoá, dịch vụ hoặc các hình thức khác.
  8. Tổ chức cho khách hàng tham gia các chương trình văn hóa, nghệ thuật, giải trí và các sự kiện khác vì mục đích khuyến mại.
  9. Các hình thức khuyến mại khác nếu được cơ quan quản lý nhà nước về thương mại chấp thuận.

Vì thế, dù bên ngoài bạn gọi tên CTKM mình triển khai là gì, thì khi muốn biết nó có đang chịu ràng buộc nào hay không, bạn vẫn cần tự so sánh, đối chiếu và quy đổi nó vào một trong chín hình thức đang được quy định tại thời điểm ấy. Trong đó, hình thức thứ 9 là một điều khoản mở dành cho tất cả các hình thức không thể quy vào các nhóm từ 1 đến 8.

4. Chương trình khuyến mại: Doanh nghiệp có được toàn quyền triển khai hay không?

Ngay cả đối với các CTKM không thuộc các trường hợp phải “Thông báo” hoặc “Đăng ký” với cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan, thì doanh nghiệp/tổ chức cũng chỉ có thể chủ động triển khai mà không phát sinh thủ tục hành chính, chứ tuyệt nhiên không phải “toàn quyền triển khai” nha cả nhà.

Cụ thể hơn tý thì có thể hiểu là: Có thể chủ động triển khai nhưng vẫn phải đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của Pháp luật có liên quan, chứ không thể “toàn quyền triển khai” theo ý muốn.

Đơn cử như đối với ví dụ về “CTKM giảm giá có tổng giá trị giải thưởng dưới 100 triệu đồng”, đúng là không cần thông báo hay đăng ký, nhưng một vài quy định cần phải tuân thủ đúng ở đây có thể kể đến như là:

  • Mức độ giảm là bao nhiêu (bao nhiêu % đối với giá bán trước đó)?
  • Thời gian triển khai bao nhiêu ngày?
  • Đôi khi, còn là những ngày đó cụ thể là những ngày nào trong năm?
  • ...

Như mọi người thấy đó, nếu hình thức CTKM giảm giá đã có những ràng buộc cơ bản vậy rồi thì đối với những hình thức CTKM khác như tặng cho/dùng thử… ắt hẳn cũng sẽ có những quy định cụ thể, riêng biệt nữa. Vì thế không có CTKM mà doanh nghiệp được toàn quyền triển khai nha

5. Sản phẩm/dịch vụ nào được và không được khuyến mại?

(Theo quy định tại Điều 93-94, Luật Thương mại 2005 – được hướng dẫn chi tiết tại Điều 5, Nghị định 81/2018/NĐ-CP “Hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại, dùng để khuyến mại”).

Trước khi đi vào vấn đề, đầu tiên, chúng ta cần phân biệt 2 khái niệm sau để biết, hiểu và có thể kiểm tra những quy định tương ứng:

  • Sản phẩm/dịch vụ ĐƯỢC khuyến mại: Tức là sản phẩm/dịch vụ được khách hàng/bạn hàng mua và trả tiền, sau đó mới phát sinh CTKM là một giá trị cộng thêm gì đó.
  • Sản phẩm/dịch vụ DÙNG ĐỂ khuyến mại: Tức là sản phẩm/dịch vụ cộng thêm, được tặng sau đó.

Bảng thông tin những sản phẩm/dịch vụ được khuyến mại và sản phẩm/dịch vụ dùng để khuyến mại .

Bên cạnh đó, “Tiền” có thể được sử dụng như hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại; trừ các trường hợp khuyến mại theo quy định tại các Điều 8, Điều 10, Điều 11 Nghị định này (mình “translate” rõ hơn một tý: Tức là trừ các trường hợp như Tặng mẫu dùng thử miễn phí, Giảm giá, Tặng kèm phiếu mua hàng hóa/ DV).

Có thể hiểu cơ bản là: Tiền (thông thường) không phải một sản phẩm để bán trên thị trường, chúng ta không mua bán tiền nên chúng ta cũng không thể giảm giá hay gửi mẫu dùng thử… Tuy nhiên, đối với trường hợp kinh doanh tiền cũ/tiền cổ thì khác. Đây là một vấn đề khá rộng, nên mình sẽ không chia sẻ tại đây nha. Hãy đón chờ những nội dung tiếp theo nữa, mình sẽ chia sẻ chi tiết và cụ thể hơn về trường hợp này nhé mọi người.

6. Những lưu ý khi muốn triển khai chương trình khuyến mại

Khi kinh doanh và vận hành doanh nghiệp, dù trong ngành nghề nào hay quy mô ra sao, mình nghĩ rồi cũng sẽ có nhu cầu triển khai CTKM, không nhiều thì cũng ít ít, không hoành tráng thì cũng sơ bộ. Trong khi quy định của Pháp luật về CTKM lại khá lằng nhằng, khó hiểu, vì thế, mình sẽ hướng dẫn vài lưu ý cũng như định hướng cơ bản những bước, những điều cần thực hiện để mọi người tiện triển khai nhé.

  • Bước 1: Hoàn tất kế hoạch CTKM như thông thường hay làm.
  • Bước 2: Xác định 2 loại sản phẩm/dịch vụ liên quan của CTKM là những gì (sản phẩm/dịch vụ được khuyến mại là gì? – phần này luôn có nha mọi người; sản phẩm/dịch vụ dùng để khuyến mại là gì? – nếu không có thì bỏ qua nhé).
  • Bước 3: Đối chiếu 2 loại sản phẩm/dịch vụ trên với quy định “Hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại, dùng để khuyến mại” tại Điều 15, Nghị định 81/2018/NĐ-CP nha. Xem bản thân có bị cấm hay không, nếu bị cấm thì mọi người chủ động xử lý/điều chỉnh nhé.
  • Bước 4: Rà soát và xác định hình thức khuyến mại mà bản thân đang triển khai đang là hình thức nào trong danh mục quy định tại Điều 92, Luật Thương mại 2005 về “Các hình thức khuyến mại” nhé.
  • Bước 5: Đối chiếu và check tiếp các quy định liên quan đối với loại hình thức đó như là:
    • Có giới hạn gì khi triển khai hay không (mức độ, thời gian, địa điểm…)?
    • Có cần phải thông báo và đăng ký trước khi triển khai hay không?
    • (Nếu có) Quy định và Thủ tục cụ thể như thế nào?

Bước 5 này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào hình thức CTKM đang được triển khai nên mình chỉ có thể định hướng sơ bộ như trên thôi nhé. Nếu quan tâm và cần được chia sẻ thêm cụ thể thì mọi người cùng đón chờ những bài viết tiếp theo trên kênh Phưn Phưn Marketing nhé!

Dù không phải là một Luật sư, mà chỉ đơn giản là một cử nhân Luật chính quy mà thôi, tuy nhiên, chắc rằng khi cần Google Search & tra cứu những thông tin cần thiết liên quan đến quy định của Pháp luật, với mình sẽ đơn giản hơn mọi người một tý. Mình rất hy vọng những kiến thức mà mình có được, cũng như những thông tin mà mình đã tự mày mò, nghiên cứu và tích luỹ được, không chỉ giúp ích cho bản thân mình, cho các công việc Marketing mình đang làm mà còn có thể chia sẻ rộng rãi hơn đến với những ai đang quan tâm, cũng như có thể giúp các đồng môn Marketer phần nào hiểu hơn hay có những phản ứng phù hợp và kịp thời hơn đối với các nhu cầu mà bản thân đang gặp phải hay thắc mắc.

Hãy follow mình – Phưn Phưn Marketing – để khám phá thêm những chia sẻ, những câu chuyện hành nghề thực tế trong quá trình công tác và làm việc của bản thân mình. Bên cạnh đó là cùng mình nhận diện những vấn đề Marketing nào đã/đang bị ràng buộc bởi những quy định của Pháp luật có liên quan, đồng thời hiểu rõ, tường tận và chính xác nhất về sự ràng buộc ấy nha. Thông tin sẽ vô cùng hữu ích khi hành nghề Marketing luôn, vì trước sau gì, ai trong chúng ta cũng sẽ va và chạm với chúng thôi nè. Hehe!!

Phuong Nguyenh