Nhìn nhận lại báo chí trong thời đại AI
Nhân kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/2024), Giảng viên Cấp cao Đại học RMIT – Tiến sĩ Nguyễn Văn Thăng Long – đặt câu hỏi: “Cơ quan báo chí và người làm báo có thể tận dụng AI để hỗ trợ họ phát triển hay không?”.
Bài viết là quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Văn Thăng Long – Giảng viên Cấp cao, Phó Chủ nhiệm bộ môn Truyền thông chuyên nghiệp tại Đại học RMIT Việt Nam. Ngoài ra, nội dung bài viết cũng được tạo ra với sự hỗ trợ của các công cụ AI.
Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo phát triển nhanh chóng, không ít người làm báo và cơ quan báo chí lo ngại về sự “xâm lược” của AI, khiến tác phẩm báo chí của họ có thể bị dùng (không được sự cho phép) để làm nguồn xây dựng nội dung hoặc làm công cụ hỗ trợ người dùng mạng xã hội dẫn dắt dư luận.
Dù thích hay không thì AI vẫn tiếp tục tồn tại và dần được tích hợp vào công việc và cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Dẫu vậy, cơ quan báo chí vẫn là nguồn tin chính thống và đáng tin cậy ngay cả khi công nghệ AI được sử dụng ngày càng nhiều trong ngành. AI phát triển có thể đi kèm với những mối nguy tiềm tàng nhưng cũng đem đến cơ hội để các cơ quan báo chí và phóng viên “làm mới mình” trong kỷ nguyên số hiện nay.
AI có thể giúp gì cho cơ quan báo chí?
Các cơ quan báo chí có thể sử dụng các công cụ AI để phân tích dữ liệu nội dung truyền thông, thu thập thông tin nền, đồng thời đề xuất giá trị và góc độ cho tin tức.
Họ có thể đẩy mạnh ứng dụng phân tích dữ liệu và các công cụ AI nhằm nắm bắt thị hiếu khán, thính và độc giả, và đề xuất nội dung được cá nhân hóa. Từ việc khai phá dữ liệu bằng AI, các cơ quan báo chí có thể phân tích bộ dữ liệu nội bộ khổng lồ, cũng như ý kiến công chúng về các chủ đề khác nhau ở các bài đăng và bình luận trên mạng xã hội.
Các nhãn hàng đã và đang dùng việc khai phá dữ liệu bằng AI để thấu hiểu khách hàng, từ thị hiếu đến thời gian và dịp tiêu dùng, rồi nội dung mà họ tiêu thụ. Nếu áp dụng điều này vào một tờ báo điện tử chẳng hạn, với lượng dữ liệu khổng lồ mà tòa soạn thu thập được, họ có thể thấu hiểu sở thích của bạn đọc. Ví dụ: độc giả thích đọc báo vào thời gian nào trong ngày và đọc trong bao lâu, họ thích đọc chuyên mục nào (thể thao, kinh doanh, chính trị, đời sống...), họ muốn đọc những bài viết nào, họ ưa thích định dạng gì (bài viết, video, podcast...).
Phân tích dữ liệu bằng AI có thể giúp tòa soạn xác định xu hướng và đặc điểm của độc giả để tùy chỉnh tin tức hiển thị cũng như thông báo đẩy với các tin nóng, podcast hoặc video mà độc giả quan tâm.
Đối với phóng viên muốn đưa tin về những chủ đề mới hoặc những chủ đề nặng về dữ liệu mà họ chưa có thông tin cập nhật (ví dụ: tài chính, thể thao, phát triển bền vững, thành phố thông minh...), AI có thể trích xuất tin tức và cung cấp thông tin tham khảo với các nguồn đáng tin cậy, giúp phóng viên có cơ sở để bắt đầu viết bài.
AI có thể phát hiện những thông tin chưa chính xác, cũng như xác minh lời bình luận, tin đồn hoặc tin tức, hoặc cung cấp nguồn để kiểm tra tính xác thực. Điều này có thể giúp đảm bảo tính chính xác của bài viết. AI cũng có thể đề xuất những ý tưởng, góc độ tin tức và giá trị tin tức mới.
Người làm báo có thể làm gì để tự nâng cấp kỹ năng?
Dựa trên nghiên cứu hiện có trên thế giới, có thể ước tính rằng các công cụ AI giúp giải phóng 40-60% khối lượng công việc của người làm báo. Nếu AI giúp chúng ta tiết kiệm được nhiều thời gian như vậy thì đóng góp của con người trong kỷ nguyên mới này là gì? Câu trả lời là họ có thể tập trung vào việc trau dồi các kỹ năng mềm như tính sáng tạo, tư duy phản biện, khả năng thích ứng, đưa ra quyết định có đạo đức và xây dựng mối quan hệ giữa người và người.
AI có thể tạo ra nội dung chủ yếu từ các bộ dữ liệu hiện có, nhưng nó vẫn chưa có khả năng sáng tạo và kể chuyện như con người. Đối với những câu chuyện giàu cảm xúc và đòi hỏi sự sáng tạo, người làm báo có thể tạo ra một câu chuyện hấp dẫn, thu hút sự chú ý của khán, thính và độc giả của mình. Họ thành thạo hơn trong việc khai thác các vấn đề/tin tức phức tạp cho từng đối tượng (ví dụ: các bài báo về tác động của biến đổi khí hậu đối với cuộc sống con người, nơi làm việc và xã hội).
AI có thể thu thập và xử lý lượng thông tin khổng lồ, nhưng người làm báo phải giữ vai trò giám sát. Họ có thể phân tích thông tin với tư duy phản biện, đánh giá dữ liệu do AI phân tích, cũng như thiên kiến và khuyến nghị mà AI đưa ra. Người làm báo cần đảm bảo tính hiệu quả và chính xác của tin tức được biên soạn với sự trợ giúp của AI.
Vai trò của người làm báo giờ đây giống như bếp trưởng một nhà hàng 5 sao. Bếp trưởng thường không tự mình nấu tất cả các món. Thay vào đó, khâu sơ chế và nấu chính thường do một nhóm đầu bếp với chuyên môn và trách nhiệm riêng đảm trách. Bếp trưởng sẽ hoàn thiện những khâu cuối cùng để tạo nên hương vị đặc trưng riêng cho món ăn, mà vẫn đảm bảo chất lượng và tính nhất quán của món ăn.
Do nguyên tắc phân tích dữ liệu “Garbage In, Garbage Out” (nếu dữ liệu đầu vào có chất lượng kém thì đầu ra cũng sẽ kém), nội dung do AI tạo ra đôi khi bị thiên kiến và phi đạo đức. Người làm báo phải xác định các vấn đề đạo đức trong bối cảnh văn hóa, xã hội và chính trị của từng quốc gia, cộng đồng và đối tượng độc giả mà họ phục vụ. Bên cạnh đó, họ vẫn phải tuân thủ các nguyên tắc báo chí.
Điều khiến người làm báo là bản thể độc đáo và không thể thay thế là khả năng xây dựng mối quan hệ để tiếp cận các nguồn tin (con người) đáng tin cậy, để điều tra các vấn đề mới nổi, để thu thập những hiểu biết hoặc ý tưởng mới và để sản xuất tin tức chính thống. Với kỹ năng giao tiếp, sự tiếp cận và đồng cảm, người làm báo có thể kết nối với nguồn tin và các bên liên quan, tạo dựng được niềm tin và bồi đắp mối quan hệ sâu sắc với các đối tượng này.
Bằng cách kết hợp năng lực AI với các kỹ năng mềm và chuyên môn của con người, các cơ quan báo chí và người làm báo có thể nâng cao tính chuyên nghiệp, trong khi vẫn duy trì các giá trị như tính chính trực, minh bạch và các kết nối có ý nghĩa. Cũng phải nói rằng, người làm báo phải trung thực khi sử dụng các công cụ AI và duy trì tính chân thực của tin tức họ đưa ra.