Xu hướng người tiêu dùng mùa Hè năm 2024
Trong bài viết trước, PMAX đã mang đến cái nhìn tổng quan về bối cảnh kinh tế và những xu hướng thị trường quan trọng trong mùa Hè 2024. Những cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp trong mùa Hè 2024. Trong bài viết này, chúng ta sẽ đi sâu vào phân tích xu hướng người tiêu dùng mùa Hè 2024. Mục tiêu của bài viết là cung cấp những insights quan trọng về xu hướng và hành vi tiêu dùng, những tác nhân ảnh hưởng đến hành vi này cũng như giải pháp phát triển mà PMAX có thể cung cấp cho doanh nghiệp.
Tổng quan xu hướng người tiêu dùng Hè 2024
Thế hệ người tiêu dùng mới
Với trình độ học vấn ngày càng cao, sự gia tăng của các công việc văn phòng và khả năng truy cập internet, điện thoại thông minh phổ biến, các hộ gia đình Việt Nam đang có xu hướng kết nối, chia sẻ thông tin và đưa ra quyết định mua sắm chung nhiều hơn. Cùng với thế hệ Alpha chiếm 55% dân số, toàn bộ thế hệ Gen Z sẽ bước vào lực lượng lao động trong vòng 5 năm tới, đây là một cơ hội thú vị khác. Thế hệ này, được biết đến với sự độc lập và sẵn sàng thử những trải nghiệm mới, có thể sẽ có những nhu cầu rất khác so với các thế hệ trước. Các thương hiệu đáp ứng mong muốn về sự độc đáo và tính xác thực của họ sẽ có vị thế tốt để nắm bắt sức mạnh chi tiêu của họ.
Khoảng cách thu nhập, giáo dục, kết nối giữa người tiêu dùng thành thị và nông thôn ở Việt Nam đang dần được thu hẹp, đây là một sự thay đổi thú vị. Hành vi mua sắm của người tiêu dùng nông thôn có thể bắt chước theo người tiêu dùng ở các thành phố. Tỷ lệ sở hữu smartphone và internet tăng mạnh ở cả khu vực thành thị và nông thôn, cho thấy sự tiếp cận ngày càng cao đối với công nghệ hiện đại. Đặc biệt, tỷ lệ sở hữu smartphone ở nông thôn đã tăng đáng kể, từ 24% lên 92% chỉ trong vòng 8 năm, thu hẹp khoảng cách với khu vực thành thị.
Điều này dẫn đến nhu cầu gia tăng và mở ra cánh cửa cho nhiều ngành hàng tiếp cận người mua sắm ở nông thôn. Sự gia tăng kết nối và sở hữu thiết bị di động đang biến đổi hành vi mua sắm trực tuyến ở các khu vực nông thôn, dự kiến sẽ phát triển với tốc độ nhanh hơn khu vực thành thị trong 3 năm tới.
Sự phát triển của công nghệ cũng góp phần thúc đẩy xu hướng mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng trong mùa Hè 2024 ngày càng phổ biến. Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng tin tưởng và sử dụng các ứng dụng thương mại điện tử để tìm kiếm sản phẩm, so sánh giá cả, và mua sắm. Điều này không chỉ giúp họ tiết kiệm thời gian và chi phí, mà còn mang lại nhiều lựa chọn hơn với các chương trình khuyến mãi hấp dẫn.
Sự ưu tiên của người tiêu dùng đối với các mặt hàng thiết yếu
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, xu hướng người tiêu dùng trong mùa Hè 2024 đang ưu tiên chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, đồ uống, và các nhu yếu phẩm hàng ngày. Các sản phẩm này chiếm phần lớn trong ngân sách hàng tháng của các hộ gia đình, trong khi các mặt hàng xa xỉ hoặc không cần thiết thường bị cắt giảm. Dưới đây là 3 yếu tố ưu tiên của người tiêu dùng:
- Nhạy cảm về giá (price sensitivity): Trong bối cảnh giá cả hàng hóa tăng cao, người tiêu dùng ngày càng trở nên nhạy cảm về giá. Họ phải xem xét kỹ lưỡng mọi quyết định mua sắm để đảm bảo chi tiêu hợp lý và hiệu quả. Theo báo cáo, người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm khối lượng, mua các gói lớn hơn hoặc tìm kiếm các giao dịch tốt nhất để tiết kiệm chi phí. Tỷ lệ người tiêu dùng tìm kiếm các kênh khác nhau để có giá tốt nhất đã tăng mạnh. Việc mua hàng trong các chương trình khuyến mãi cũng gia tăng đáng kể, cho thấy xu hướng tiết kiệm và kỹ lưỡng hơn trong chi tiêu.
- Nhu cầu sức khỏe thay đổi (evolving health needs): Người tiêu dùng ngày càng ưu tiên sức khỏe và sự lành mạnh, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19. Theo khảo sát của Kantar, Gen Z tìm kiếm các sản phẩm hỗ trợ tiêu hóa hoặc tăng cường sức khỏe da, trong khi Gen X ưu tiên các loại nước uống giúp tăng cường sức khỏe hoặc giải quyết các vấn đề về sức khỏe.
- Đề cao giá trị sản phẩm (fulfilling consumers’ quest for value): Người tiêu dùng tìm kiếm các sản phẩm mang lại giá trị thực sự, bao gồm các khuyến mãi, sản phẩm với số lượng lớn và các lợi ích tiết kiệm. Việc tạo ra các giá trị bổ sung hấp dẫn, sẽ giúp các thương hiệu thu hút nhiều người tiêu dùng hơn và đạt được sự tăng trưởng bền vững.
Shoppertainment Hè 2024: 3 xu hướng chuyển dịch tâm lý của người tiêu dùng
Shoppertainment là một yếu tố đang góp phần thúc đẩy thương mại điện tử Việt Nam tiến xa hơn. Theo báo cáo của EBI 2024 (Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2024), thương mại điện tử đang chiếm khoảng 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, cao hơn mức 8,5% của năm 2022. Trong đó, tỷ lệ bán lẻ hàng hóa trực tuyến so với tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt khoảng 8,8%, cao hơn tỷ lệ tương ứng 7,2% của năm 2022. Dưới đây là ba xu hướng dịch chuyển tâm lý của người tiêu dùng shoppertainment trong mùa Hè 2024:
-
Quyết định trực quan (intuitive decisions): Với 79% người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi các nội dung không liên quan đến chính sách giảm giá, rõ ràng rằng việc tập trung vào chính sách giảm giá không phải là yếu tố quyết định đối với phần lớn người tiêu dùng. Thay vào đó, họ quan tâm đến trải nghiệm mua hàng và những nội dung mang lại giá trị thực cho sản phẩm.
- Trải nghiệm “shopping” thuận tiện (effortless browse-to-buy): Nhu cầu sử dụng các nền tảng nội dung đang ngày càng trở nên phổ biến khắp châu Á – Thái Bình Dương nhờ ưu thế trong việc là một điểm đến duy nhất – nơi người dùng có thể cùng lúc khám phá thông tin, tìm kiếm nội dung và mua sắm trên cùng một ứng dụng – mà không cần thay đổi giao diện, thiết bị hay nền tảng khác trong suốt quá trình tìm hiểu và mua hàng. Báo cáo mới đây của TikTok cho thấy số người tiêu dùng thường xuyên tìm kiếm sản phẩm trên các nền tảng sáng tạo nội dung dạng video như TikTok tăng gấp 1,9 lần so với các công cụ tìm kiếm truyền thống. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong khu vực trong 1-2 năm tới đây khi 93% người tiêu dùng thể hiện mong muốn duy trì hay thậm chí tăng cường trải nghiệm kết hợp mua sắm – giải trí trên các nền tảng sáng tạo nội dung số.
- Tham gia cộng đồng nội dung (content communities): Người dùng thích tham gia vào các cộng đồng nội dung, nơi họ có thể sáng tạo và nghe các ý tưởng sáng tạo, kết nối linh hoạt với nhãn hàng. Với 48% người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi cộng đồng sáng tạo nội dung, rõ ràng rằng các nhà sáng tạo nội dung đóng vai trò quan trọng trong quyết định mua sắm của người tiêu dùng. Người tiêu dùng thường tin tưởng và bị ảnh hưởng bởi những nội dung, đánh giá và đề xuất từ cộng đồng này hơn là từ các thông điệp quảng cáo truyền thống. Tâm lý tiêu dùng đặc thù ở Việt Nam có xu hướng tập trung vào yếu tố xã hội, họ quan tâm nhiều đến những gì cộng đồng và trên mạng xã hội review gì về sản phẩm. Điều này giải thích vì sao yếu tố cộng đồng sáng tạo nội dung có sức ảnh hưởng lớn đến người Việt Nam.
Đào sâu insight người dùng theo chủ đề
Sau khi phân tích ba xu hướng dịch chuyển tâm lý đáng chú ý của người tiêu dùng trong mùa hè 2024, chúng ta đã thấy rõ ràng rằng Shoppertainment đang trở thành một yếu tố quan trọng trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Những quyết định mua hàng không chỉ bị ảnh hưởng bởi giá cả mà còn bởi trải nghiệm, sự tiện lợi và tính kết nối với cộng đồng nội dung.
Để hiểu rõ hơn về xu hướng người tiêu dùng mùa Hè 2024, chúng ta sẽ đi sâu vào từng chủ đề cụ thể, bao gồm nắng nóng và du lịch, học hành, nấu ăn, và các sự kiện thể thao như Euro 2024.
Chủ đề nắng nóng và du lịch
Theo báo cáo của Buzzmetrics, người tiêu dùng bắt đầu quan tâm nhiều đến chủ đề nắng nóng và du lịch từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 7, đạt đỉnh điểm vào đầu tháng 8 với số lượng thảo luận cao nhất vào tháng 6 với hơn 80.000 lượt. Việc người tiêu dùng tìm kiếm các biện pháp tránh nóng và làm mát, tạo ra cơ hội cho các thương hiệu cung cấp sản phẩm và dịch vụ như máy lạnh, quạt điều hòa, và các sản phẩm chống nắng.
Trong khi đó, số lượng người thảo luận về chủ đề du lịch trên mạng xã hội cũng tăng đều đặn từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 7 năm 2023. Số lượng thảo luận cao nhất vào tháng 6 với hơn 20.000 lượt.
Xu hướng người tiêu dùng thích chia sẻ kinh nghiệm và lời khuyên du lịch của mình trên mạng xã hội. Facebook và TikTok là Hai nền tảng tập trung lượng thảo luận lớn về nắng nóng và du lịch. Các fanpage, group, và các vlogger/content creators/influencers đóng vai trò quan trọng trong việc chia sẻ thông tin và trải nghiệm. Các group như “Check in Vietnam”, “Review Du Lịch Nha Trang”, và “DU LỊCH ĐÀ NẴNG – HUẾ – HỘI AN” trên Facebook và các influencers như Mediple, Béo Đi Chơi trên TikTok thu hút nhiều sự chú ý.
Chủ đề học hành
Người tiêu dùng bắt đầu quan tâm đến chủ đề học Hè từ cuối tháng 5 và mối quan tâm này kéo dài đến đầu tháng 8, đạt đỉnh điểm vào đầu tháng 8 với hơn 33.000 lượt quan tâm.
Đối tượng chính thảo luận về học Hè nằm trong độ tuổi 18-34. Trong đó, tỷ lệ từ 25-34 tuổi chiếm 44,5% và tỷ lệ từ 18-24 là 29,6%.
Chất lượng giảng dạy và chi phí học Hè là hai quan ngại lớn nhất khi tỷ lệ thảo luận lần lượt là 48,7% và 22,1% người quan tâm. Điều này cho thấy rằng chất lượng giảng dạy và chi phí học Hè là một yếu tố quan trọng mà phụ huynh cần cân nhắc khi quyết định đăng ký cho con tham gia các khóa học Hè. Các bậc phụ huynh luôn muốn đảm bảo rằng các khóa học có chất lượng cao, giáo viên nhiều kinh nghiệm,chương trình học được thiết kế hiệu quả và việc họ đầu tư vào các chương trình học tập có giá trị tương xứng với số tiền mà họ bỏ ra.
Chủ đề nấu ăn
Người tiêu dùng có xu hướng thảo luận nhiều về chủ đề nấu ăn vào tháng 5 và 6 khi họ có thời gian rảnh rỗi trong kỳ nghỉ với đỉnh điểm thảo luận là gần 25.000 lượt.
Người tiêu dùng thảo luận nhiều nhất về chủ đề kiến thức nấu ăn/đồ uống với 128.474 lượt thảo luận. Đứng thứ hai là chủ đề khoe món ăn/công thức với 115.740 lượt thảo luận. Theo sau đó là chủ đề khen (nấu ngon, đẹp…) với 92.779 lượt thảo luận.
Điểm chung của những chủ đề thảo luận này là chúng đều có lượng tương tác cao. Điều này cho thấy người dùng rất quan tâm đến việc chia sẻ và nhận được phản hồi từ cộng đồng về chủ đề nấu ăn.
Chủ đề sự kiện và bóng đá
Theo báo cáo của Buzzmetrics, người tiêu dùng có xu hướng thảo luận nhiều về chủ đề sự kiện và bóng đá từ đầu tháng 6. Mối quan tâm này kéo dài đến đầu tháng 8, đạt đỉnh điểm vào đầu tháng 8 với hơn 20.000 lượt thảo luận. Đây là thời điểm hoạt động chuyển nhượng của các động bóng đang diễn ra rất sôi nổi, kéo theo một lượt thảo luận rất lớn.
Xu hướng sự kiện mùa Hè với chủ đề âm nhạc và chủ đề nước/biển là những chủ đề nổi bật nhất. Trong đó, chủ đề âm nhạc (37,4%) và chủ đề nước/biển (34,8%) chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các sự kiện mùa Hè. Điều này cho thấy người tiêu dùng đặc biệt quan tâm đến các lễ hội âm nhạc, concert và các sự kiện liên quan đến chủ đề nước/biển, như lễ hội bãi biển và thể thao dưới nước. Ngoài ra, chủ đề ăn uống chiếm 14,7% lượng thảo luận, cho thấy sự quan tâm lớn đến các sự kiện ẩm thực. Những lễ hội ăn uống và các sự kiện liên quan đến thực phẩm luôn thu hút nhiều người tiêu dùng. Các chủ đề còn lại như hoa (8,9%), đèn (2,7%) và pháo hoa (0,8%) cũng có sức hút nhất định.
Điểm qua các sự kiện nổi bật mùa Hè năm ngoái, nổi bật nhất là sự kiện Tiger Crystal Rave 2.0. Đây là sự kiện sử dụng yếu tố “âm nhạc”, đạt 92.550 thảo luận và 372,019 lượt tiếp cận. Tiếp theo sau đó là Tiger Soju K-Pop Night với 32.289 thảo luận và 86.476 lượt tiếp cận. Thành công những sự kiện này cho thấy khả năng tạo ra lượng thảo luận cao và thu hút sự quan tâm lớn từ người tiêu dùng thông qua việc kết hợp các chủ đề hấp dẫn nhất mùa Hè.
Về chủ đề bóng đá, đối tượng chính tham gia thảo luận về sự kiện này nằm trong độ tuổi 18-34, chủ yếu là nam giới. Điều này cho thấy các chiến dịch quảng bá của các thương hiệu và sản phẩm có nhóm đối tượng mục tiêu tương tự nên tận dụng tốt vào mùa Hè này.
Trung bình, các thảo luận về trận đấu bóng đá bắt đầu từ 3-5 ngày trước khi trận đấu diễn ra và kéo dài từ 7-8 ngày sau khi trận đấu kết thúc. Lượng thảo luận cao nhất tập trung trong khoảng thời gian từ “Trước trận đấu 1 ngày” đến “Sau trận đấu 3 ngày”, chiếm hơn 70% tổng lượng thảo luận của người tiêu dùng.
Trong đó, Facebook là nền tảng chính mà người tiêu dùng sử dụng để thảo luận về sự kiện và bóng đá Euro 2024. Các group và influencers có thể đóng vai trò quan trọng trong việc lan tỏa thông tin và tạo ra sự tương tác tích cực với người hâm mộ.
Các thương hiệu có thể tận dụng cơ hội này để tài trợ các sự kiện, quảng bá sản phẩm và tăng cường nhận diện thương hiệu thông qua các chiến dịch liên quan đến Euro 2024 trong mùa Hè năm nay.
Tổng kết
Tổng kết các xu hướng người tiêu dùng mùa Hè 2024 mang đến bức tranh thị trường tiêu dùng đầy tiềm năng với những xu hướng mới mẻ và hành vi mua sắm đa dạng. Với định vị là Total Performance Marketing, PMAX có thể cung cấp các giải pháp marketing toàn diện từ chiến lược đến thực thi có thể giúp doanh nghiệp tối ưu hóa các chiến dịch marketing vào mùa Hè 2024. Những giải pháp này sẽ giúp các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức trong mùa Hè 2024, đạt được sự tăng trưởng bền vững và thành công trên thị trường.
“Báo cáo Marketing mùa Hè 2024: Xu hướng – Insight – Giải pháp” sẽ là nguồn tài nguyên cần thiết, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nắm bắt xu hướng và insight người tiêu dùng trong mùa Hè 2024.
Tải báo cáo tại đây.