P
Pham Minh Tue

Creator @ Storytelling Lịch Sử Thương Hiệu

Steve Jobs: 5 bài học rút ra từ hành trình trở lại đỉnh cao

Thật không may, Steve Jobs đã không còn ở bên để chứng kiến những thành tựu đáng kinh ngạc khi cuộc đời ông bị cắt ngắn sau một cuộc chiến dài với bệnh ung thư tuyến tụy. Ông qua đời vào ngày 5 tháng 10 năm 2011, ở tuổi 56.

Khi Jobs thành lập Apple Computer vào năm 1976, tầm nhìn của ông về thị trường đã rất rõ ràng. "Chúng tôi cần tạo ra một chiếc Volkswagen cho máy tính cá nhân" ông tuyên bố. Một chiếc máy tính dành cho mọi người. Và ông ấy chưa bao giờ đánh mất tầm nhìn này. Ngay cả trong những năm 1980 đầy biến động, khi bị buộc rời khỏi công ty của chính mình, Jobs vẫn biết sâu sắc rằng sứ mệnh tạo ra chiếc máy tính dành cho mọi người của ông một ngày nào đó sẽ được hoàn thành.

Phải mất 35 năm - 24 năm với Apple và 11 năm xa cách - Steve Jobs đã hiện thực hóa tầm nhìn của mình.

Câu chuyện đáng kinh ngạc của Steve Jobs mang đến nhiều bài học cho cuộc sống. Mặc dù bạn có thể không hướng đến việc tạo ra cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nhưng vẫn có 5 điều quan trọng có thể rút ra để áp dụng cho tất cả chúng ta.

1. Xác định rõ tầm nhìn và mục đích

Khi rời Apple vào năm 1985, sự lựa chọn của Jobs là vô tận. Ông mới 30 tuổi, tài năng, nổi tiếng và sở hữu khối tài sản trị giá hàng trăm triệu đô la. Cuộc sống có thể trở thành chuỗi tiệc tùng bất tận, kỳ nghỉ, nhà sang trọng, du thuyền và những thứ xa hoa mà không cần lo lắng bất kỳ điều gì trên đời.

Đối với nhiều người, đây có vẻ như là con đường mơ ước - sau quá trình làm việc vất vả để cuối cùng có thể hưởng thụ cuộc sống. Nhưng Jobs không bị thúc đẩy bởi những thú vui tận hưởng trong cuộc sống. Ông vẫn yêu thích công việc mình chọn và theo đuổi nó với niềm đam mê mãnh liệt.

“Tôi thậm chí còn nghĩ đến việc rời Thung lũng Silicon. Nhưng dần dần một điều gì đó bắt đầu le lói trong tôi. Tôi vẫn yêu thích những gì mình làm. Biến cố ở Apple không thay đổi điều đó một chút nào. Vì vậy, tôi quyết định bắt đầu lại.”

Khi rời Apple vào năm 1985, tầm nhìn của ông về ngành công nghiệp máy tính vẫn còn lâu mới đạt được, và ông không thể nghỉ ngơi cho đến khi tầm nhìn này trở thành hiện thực. Ông ấy vẫn tập trung vào mục tiêu tạo ra "chiếc Volkswagen của máy tính" - vì vậy, ông ấy đã chọn không nghỉ hưu sớm theo ý muốn và thay vào đó, bắt tay ngay vào làm việc với NeXT.

Chính công việc tại NeXT và việc theo đuổi không ngừng nghỉ tầm nhìn và đam mê của mình đã mở ra cánh cửa trở lại Apple, và cho phép ông bắt đầu triều đại của mình và xây dựng Apple trở thành biểu tượng trong làng công nghệ mọi thời đại.

Bài học rút ra từ Jobs là một khi bạn xác định được tầm nhìn và mục đích, bạn phải trung thành với chúng.

Bởi vì khi quãng thời gian khó khăn đến (và chắc chắn chúng sẽ đến), chính những giá trị này sẽ giúp con thuyền của bạn đi đúng hướng và đưa bạn vượt qua những ngày đen tối nhất.

2. Luôn tiến về phía trước để xâu chuỗi lại quá khứ

Trong bài phát biểu khai giảng nổi tiếng tại Stanford năm 2005, Jobs đã nói với những sinh viên sắp tốt nghiệp:

"Các bạn không thể nhìn về tương lai để xâu chuỗi các sự kiện trong cuộc sống - bạn chỉ có thể kết nối chúng khi quay đầu nhìn lại. Vì vậy, bạn phải tin rằng những mắc xích này bằng cách nào đó sẽ được kết nối trong tương lai của bạn. Bạn phải tin vào một điều gì đó - linh cảm, định mệnh, cuộc sống, hậu quả, bất cứ thứ gì. Niềm tin này chưa bao giờ khiến tôi thất vọng, và nó đã tạo nên tất cả sự khác biệt trong cuộc đời tôi."

Trong cuộc sống của mỗi người, có những lúc họ không thể lý giải được một số sự kiện đã hoặc đang xảy ra. Đối với Jobs, đó là việc bị buộc phải rời khỏi chính công ty mà ông đã khởi nghiệp trong ga-ra của mình. Và mặc dù ông ấy không thể hiểu tại sao điều đó lại xảy ra, ông ấy biết rằng nếu cứ tiến về phía trước, một ngày nào đó ông có thể nhìn lại và hiểu tất cả.

Jobs có chắc mình đang đi đúng hướng không? Tất nhiên là không - bạn không bao giờ có thể chắc chắn 100%. Nhưng miễn là bạn tiếp tục bước về phía trước và khám phá những con đường mới,

Cuối cùng bạn sẽ nhìn lại và nhận ra rằng tất cả những ngã rẽ và những đường vòng đã dẫn bạn đi qua con đường tuyệt vời nhất của cuộc sống.

Nếu không bị Apple sa thải vào năm 1985, Jobs sẽ không bao giờ có được sự tự do sáng tạo như ông đã có tại NeXT. Sự tự do cho phép ông vượt qua những ranh giới sáng tạo trong ngành công nghệ máy tính và tạo ra một hệ điều hành - sau khi được Apple mua lại - sẽ trở thành nền tảng của hệ điều hành MacOS mang tính biểu tượng hiện nay, được hàng triệu người trên toàn cầu sử dụng.

Mặc dù việc bị sa thải là một "liều thuốc đắng" theo cách nói của chính Jobs, nhưng nhìn lại, tất cả những sự kiện xảy ra cuối cùng cũng được kết nối lại thành 1 câu chuyện. Và câu chuyện đó sẽ được nhiều thế hệ tiếp theo nhắc đến.

3. Hãy yêu những gì bạn chọn và làm hết mình

"Công việc sẽ chiếm một phần lớn cuộc đời bạn, và cách duy nhất để thực sự hài lòng là làm những công việc tuyệt vời. Và cách duy nhất để thực hiện công việc tuyệt vời là yêu thích những gì bạn làm. Nếu bạn chưa tìm thấy nó, hãy tiếp tục tìm kiếm. Đừng an phận. Hãy tiếp tục nỗ lực và bạn sẽ biết khi nào mình tìm thấy nó."

Ở tuổi 30, Steve Jobs đã có khối tài sản trị giá hơn 200 triệu đô la. Đến năm 40 tuổi, tài sản của ông có giá trị 1 tỷ đô la. Tuy nhiên, ông vẫn liên tục tìm kiếm những ý tưởng sáng tạo và những vấn đề khó để giải quyết. Nó nằm trong ADN của ông ấy.

Là một trong những người giàu nhất trên thế giới, Jobs có thể rời xa công việc bất cứ khi nào và sống một cuộc sống mà hầu hết mọi người chỉ có thể mơ ước. Thế nhưng, ngày này qua ngày khác, ông vẫn quay trở lại làm việc và cống hiến hết mình. Cho dù đó là ở NeXT, Pixar hay Apple, Steve Jobs không thể dừng lại.

Hãy tự đặt câu hỏi cho bản thân: Bạn có yêu thích những gì bạn đang làm không? Bạn có tiếp tục quay lại ngay cả khi bạn sở hữu khối tài sản lên đến hàng tỷ đô la không? Nếu không, bạn cần đánh giá lại những thứ bạn đang dành thời gian. Bởi vì Jobs đã chỉ cho chúng ta thấy:

Cách duy nhất để thực hiện công việc thực sự quan trọng là yêu thích những gì bạn làm.

4. Để sự tò mò dẫn lối đam mê học hỏi

Thật không may, phần lớn hệ thống giáo dục chính thức ngày nay xoay quanh tâm lý "Học cái này có làm được gì không? Có trong các kỳ thi quan trọng không?". Nhưng Steve Jobs đã cho chúng ta thấy những điều tuyệt vời có thể xảy ra khi bạn mở rộng tâm trí và để sự tò mò dẫn lối cho niềm đam mê học hỏi.

Jobs đã từng tham lớp học viết thư pháp sau khi bỏ học tại Reed College. Nhiều năm sau, khi đang làm việc trên Macintosh, Jobs đã nhớ lại các kiểu chữ thú vị và đẹp mắt mà anh ấy học được trong lớp, và sử dụng chúng làm nguồn cảm hứng để xây dựng toàn bộ font chữ cho máy tính. Cho đến ngày nay, tính năng này vẫn tồn tại trên các máy tính và điện thoại.

Nếu không để sự tò mò thôi thúc ông tham gia lớp học đó, thì Jobs sẽ không bao giờ có được nền tảng kiến thức cần thiết để nhen nhóm ý tưởng này, và mãi mãi thay đổi cách chúng ta tương tác với máy tính.

Hãy để sự tò mò hướng dẫn bạn theo thời gian - biết đâu nó sẽ đưa bạn đến những nơi tuyệt vời.

5. Nhận diện và nắm bắt cơ hội khi chúng đến

Thành công là một sự kết hợp của hai phần: nhận thấy cơ hội xuất hiện và hành động để nắm bắt chúng.

Suốt cuộc đời mình, Jobs có con mắt nhìn nhận cơ hội rất tuyệt vời. Nhưng quan trọng nhất, ông đã hành động theo những cơ hội mình nhìn thấy. Khi gia đình chuyển sống tại một cộng đồng các kỹ sư công nghệ ở Thung lũng Silicon, anh ấy đã chọn học ngành điện tử ở trường trung học - một bước đi dẫn đến việc kết bạn với bạn cùng lớp Bill Fernandez, và cuối cùng là đồng sáng lập Apple Steve Wozniak.

Jobs đã nhận ra thị trường máy tính cá nhân đang phát triển nhanh chóng, và tận dụng các kỹ năng của người bạn thân Wozniak để thành lập một công ty có thể chế tạo chúng với quy mô lớn.

Khi Apple cần vốn để sản xuất Máy tính Apple II, Jobs đã tham gia nhiều cuộc họp với các nhà đầu tư và thất bại hết lần này đến lần khác. Thay vì bỏ cuộc, anh ấy vẫn tiếp tục. Cuối cùng, chính một trong những cuộc họp thất bại đã dẫn anh đến Mike Markkula, và cuối cùng là đến các khoản tiền cần thiết để tạo ra một trong những câu chuyện thành công đầu tiên trong ngành công nghệ máy tính. Một thành công biến Jobs thành triệu phú trong quá trình này.

Vào cuối những năm 1980, việc tạo ra một phim hoạt hình dài sử dụng hoàn toàn công nghệ đồ họa trên máy tính hết sức tốn kém. Tuy nhiên, Jobs biết rằng công nghệ này sẽ phát triển nhanh chóng, các bộ phim hoạt hình sẽ được xây dựng và sản xuất hoàn toàn bằng máy tính. Vì vậy, anh ấy đã đầu tư vào một công ty nhỏ sau này trở thành Pixar. Một khoản đầu tư đã biến anh ấy thành tỷ phú.

Mỗi thành tựu lớn của Jobs đều là sự kết hợp của việc nhận ra cơ hội và đưa tay nắm bắt. Và nó là lời nhắc nhở cho tất cả chúng ta:

Chỉ nhìn thấy cơ hội thôi là chưa đủ, chúng ta phải hành động để đạt được thành quả.

Ngày tồi tệ nhất của tôi

Năm 2005, Jobs đã chia sẻ một số suy nghĩ về ngày ông bị buộc rời khỏi Apple:

“Ở tuổi 30, tôi đã bị tống khứ ra khỏi công ty trước mặt hội đồng quản trị. Mọi thứ tưởng rằng là trọng tâm của toàn bộ cuộc đời của tôi đã biến mất, và nó thật kinh khủng...”

Lúc đó tôi không nhận ra, nhưng hóa ra việc bị Apple sa thải lại là điều tuyệt vời nhất từng xảy đến với tôi. Gánh nặng của thành công đã được thay thế bằng sự nhẹ nhàng của việc quay lại làm người mới bắt đầu, mọi thứ đều không chắc chắn. Nó giải phóng tôi để bước vào một trong những giai đoạn sáng tạo nhất của cuộc đời."

Đối với Steve Jobs, cuộc sống như một tấm vải trắng vào ngày 16 tháng 9 năm 1985. Anh ấy có thể vẽ bất kỳ bức tranh nào mình muốn. May mắn thay, anh ấy đã chọn hoàn thành bức tranh mà sâu thẳm anh ấy định mệnh đã chọn anh để vẽ ra.

Như sự thăng trầm trong câu chuyện của Steve Jobs dạy chúng ta, hãy luôn nhớ rằng trong những ngày đen tối nhất của bạn, bạn vẫn là người quyết định trên con đường. Ngay cả khi bạn phải bắt đầu lại, đừng bao giờ ngại vẽ bức tranh mà bạn được sinh ra để vẽ.