Marketer Kurokawa Kengo
Kurokawa Kengo

Founder / CEO @ Asia Plus Inc.

Q&Me: Thị trường thương mại điện tử Việt Nam 2024 – Tăng trưởng bùng nổ và thay đổi xu hướng tiêu dùng

Năm 2024, thị trường thương mại điện tử Việt Nam chứng kiến mức tăng trưởng bùng nổ, cùng những thay đổi đáng chú ý về xu hướng tiêu dùng. Báo cáo mới của Q&Me sẽ cung cấp một cái nhìn tổng quan về xu hướng mua sắm trực tuyến này thông qua phân tích ngành và phân tích hành vi người tiêu dùng.

Tổng quan về xu hướng thương mại điện tử ở Việt Nam

Thương mại điện tử có sự tăng trưởng đáng kể, tăng 48% từ 3,798 triệu USD lên 5,645 triệu USD (theo Metric.vn, so sánh giữa hai giai đoạn tháng 6/2022 đến 5/2023 và giai đoạn tháng 6/2023 đến 5/2024). Mức tăng trưởng này vượt xa so với xu hướng của thị trường bán lẻ – chỉ tăng 9,6% trong năm 2023, con số này nhấn mạnh sự mở rộng nhanh chóng của mua sắm trực tuyến so với bán lẻ truyền thống.

Danh mục ngành hàng phổ biến nhất là sản phẩm Làm đẹp và sản phẩm Nhà cửa & Đời sống. Đối với các danh mục có tốc độ phát triển nhanh nhất, Thể thao & Du lịch có tỷ lệ tăng trưởng 73%; tiếp theo là sản phẩm Thiết bị Gia dụngĐiện thoại & Máy tính bảng, cả hai đều tăng trưởng ở mức 64%.

Hành vi mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng

Q&Me đã tiến hành nghiên cứu 300 người tiêu dùng mua sắm trực tuyến để tìm hiểu hành vi của họ. Trong số những người tiêu dùng được khảo sát, 54 người có thói quen mua sắm trực tuyến hàng tuần, cho thấy tần suất mua sắm trực tuyến cao.

Đối với ngành hàng Làm đẹp và Thời trang, một nửa số người tiêu dùng cho biết mua sắm trực tuyến là kênh mua sắm chính của họ. Tuy nhiên, đối với các ngành hàng Thực Phẩm, người tiêu dùng vẫn có xu hướng ưa chuộng các kênh mua sắm truyền thống hơn.

Động lực chính để sử dụng các nền tảng mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng Việt Nam là các ưu đãi về giá cả và khuyến mãi. Nhiều người tiêu dùng thường xuyên săn sale và tìm kiếm ưu đãi, họ quan tâm đến khả năng tiết kiệm chi phí và các chương trình khuyến mãi online.

Các nền tảng thương mại điện tử phổ biến tại Việt Nam

Khi xem xét đến sự phổ biến của các nền tảng, Shopee là sàn thương mại điện tử dẫn đầu, với 64% người tiêu dùng chọn sử dụng nhiều nhất. TikTok Shop đã trở thành nền tảng phổ biến thứ hai, vượt qua các đối thủ lớn như Lazada, Tiki, và giành lấy thị phần từ các mạng xã hội như Facebook.

Shopee được đánh giá cao dựa trên giá cả cạnh tranh, nhiều chương trình khuyến mãi và đa dạng về sản phẩm. Trong khi đó, người dùng trở nên yêu thích TikTok Shop vì có định vị thương hiệu khác biệt, cung cấp thông tin sản phẩm có giá trị, đánh giá và trải nghiệm mua sắm thú vị; giá cả tốt cũng là một điểm cộng của nền tảng này.

Trong khi Shopee và Lazada được sử dụng rộng rãi cho hầu hết các danh mục ngành hàng, người tiêu dùng lại ưa chuộng mua sắm từ các cửa hàng thương mại điện tử chuyên biệt như Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh cho sản phẩm về công nghệ. Đối với các nền tảng mua sắm mạng xã hội như TikTok Shop và Facebook, ngành hàng được quan tâm hơn là Thời trang và Làm đẹp.

Thương mại điện tử tiếp tục phát triển trong tương lai

Cùng với tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ và số hóa, thị trường thương mại điện tử Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tương lai, được thúc đẩy bởi sự phát triển của các hình thức thanh toán không tiền mặt và quá trình vận hành hiệu quả của các dịch vụ giao hàng nhanh. Tuy nhiên, giá cả và khuyến mãi vẫn là động lực chính của người tiêu dùng Việt Nam – các “thánh săn sale” trong việc tiếp tục duy trì thói quen mua sắm online.

Tải báo cáo đầy đủ tại đây.