Manager Student Activities and Partnership tại Global Pathways Program: “Cần kỷ luật để đi đường dài”

“Động lực thôi thúc chúng ta tạo nên dấu ấn cá nhân, thường bùng nổ trong một khoảnh khắc nhất định. Kỷ luật lại giúp chúng ta bền bỉ vượt qua những thời khắc đầy khó khăn, thử thách trên chặng đường chinh phục mục tiêu dài hạn” - Chị Bùi Nguyễn Tú Mỹ, Manager Student Activities and Partnership, Global Pathways Program, Học viên MBA tại Đại học Western Sydney khóa 2022 chia sẻ tại sự kiện MBA Meetup do Viện ISB kết hợp Đại học Western Sydney tổ chức.

*Được biết, chị đã gắn bó với lĩnh vực Giáo dục trong nhiều năm, chị có thể chia sẻ thêm về hành trình phát triển sự nghiệp?

Theo học ngành Ngân hàng tại Singapore theo trào lưu thời cuộc, và trải qua công việc thực tập ở phòng Sản phẩm khách hàng doanh nghiệp, ngân hàng Standard Chartered và chuyên viên tại phòng Điều tra gian lận, Grant Thornton, tôi cảm thấy dù mình may mắn học được nhiều từ đồng nghiệp nhưng bản thân thiếu tố chất để phát triển trong lĩnh vực Tài chính. Tôi quyết định dừng lại để đi theo tiếng gọi từ trái tim: phát triển con người. Và tôi chuyển sang lĩnh vực Giáo dục.

Quá trình đi tìm sứ mệnh bản thân dẫn dắt tôi qua nhiều vai trò và môi trường khác nhau trong việc giảng dạy và phát triển chương trình. Hiện tại, tôi đang đảm nhận vị trí Manager Student Activities and Partnership tại Global Pathways Program - chương trình du học chuyển tiếp đến các đại học Top 1% thế giới dành cho các bạn sinh viên. Công việc chính của tôi là làm việc trực tiếp với hai bên - đối tác và sinh viên. Đối với các đối tác nước ngoài, tôi nhận vai trò kết nối với họ để mang thêm nhiều chương trình mới, thú vị đến các bạn sinh viên. Đối với các bạn sinh viên, chúng tôi tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực tự thân (capacity building), bổ trợ chương trình học chính khoá.

Chị Tú Mỹ, Manager Student Activities and Partnership, Global Pathways Program, Học viên MBA tại Đại học Western Sydney khóa 2022 tham gia vào sự kiện MBA Meetup.

*Trong nhiều năm làm quản lý, chị cho rằng yếu tố động lực hay kỷ luật quan trọng hơn trong hành trình phát triển sự nghiệp?

Tôi thường lấy khao khát khám phá mọi thứ, tạo dấu ấn cá nhân làm động lực để phát triển khi còn trẻ. Động lực thường bùng nổ trong một vài khoảnh khắc nhất định nhưng không kéo dài. 

Hiện nay, tôi chọn kỷ luật để theo đuổi các mục tiêu dài hạn. Kỷ luật giúp tôi không từ bỏ mỗi khi gặp khó khăn. Ở những thời điểm đó, tôi thường nghĩ về lý do bắt đầu để đi trọn vẹn con đường mình đã quyết định theo đuổi.

Đặc biệt, tôi tin khi làm việc trong các tổ chức có những mục tiêu dài hạn, việc duy trì tính kỷ luật là điều bắt buộc cho mỗi cá nhân. Vì hành trình phát triển chắc chắn đầy thách thức, cám dỗ, nhưng kỷ luật sẽ giúp các bạn vượt qua.

"Tôi tin khi làm việc trong các tổ chức có những mục tiêu dài hạn, việc duy trì tính kỷ luật là điều bắt buộc cho mỗi cá nhân" - chị Tú Mỹ chia sẻ.

*Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp chú trọng quản trị hiệu suất thay vì tập trung phát triển con người. Đối với chị, động lực hay kỷ luật quan trọng hơn trong việc quản lý đội ngũ?

Với kinh nghiệm cá nhân, tôi thường áp dụng cả hai yếu tố để quản lý đội ngũ. Đặc thù công việc của team khi làm về trải nghiệm sinh viên thì về bản chất cần yếu tố sáng tạo và làm mới liên tục, vì vậy không thể sử dụng kỷ luật hoàn toàn mà vẫn phải tạo ra động lực bằng các tạo trải nghiệm vui vẻ, thoải mái cho các bạn. Đồng thời, có những task cần “cởi trói", vì vậy, các bạn cũng cần không gian để sáng tạo thay vì bị gò bó.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng kỷ luật cũng rất quan trọng. Đôi lúc, team tôi sẽ “tuột mood” khi làm việc. Vì thế, tôi thường sử dụng xen kẽ yếu tố động lực để các bạn giữ vững phong độ. Điều đó không chỉ giúp các bạn cảm thấy được đối xử công bằng, bình đẳng mà còn giúp những bạn yêu thích sáng tạo có thêm mục tiêu phấn đấu nếu cảm thấy thiếu động lực làm việc.

Tóm lại, động lực giúp các bạn thăng hoa trong cách làm việc, nhưng không thể thiếu kỷ luật để duy trì sự ổn định và phát triển lâu dài. Google rất nổi tiếng trong cách quản lý - họ vẫn cho các nhân viên 20% thời gian để thực hiện dự án cá nhân, và 80% thời gian còn lại dành cho công việc tại công ty. Để đảm bảo hiệu quả, họ vẫn áp dụng hệ thống báo cáo, hệ thống OKR, … để kiểm soát và đánh giá đội ngũ và mỗi cá nhân.

“Để giữ vững phong độ làm việc cho các bạn, tôi thường áp dụng xen kẽ yếu tố động lực và kỷ luật” - chị Tú Mỹ chia sẻ về cách quản lý đội nhóm.

*Được biết, chị là học viên MBA tại Đại học Western Sydney. Chị có gặp phải khó khăn gì trong việc học không? Chị đã áp dụng động lực và kỷ luật để vượt qua những khó khăn trong học tập?

Khó khăn đầu tiên của tôi chính là điều ai học MBA cũng đã từng trải qua - kỹ năng quản lý thời gian. Việc cân bằng thời gian giữa đi học - đi làm đã khó, người có gia đình như tôi còn khó gấp đôi (cười). Tôi luôn trăn trở khi phải hy sinh thời gian dành cho gia đình. Vì vậy, tôi luôn áp dụng kỷ luật để không bỏ cuộc, nỗ lực vượt qua thời khắc khó khăn ấy.

Bên cạnh đó, khó khăn thứ hai chính là vượt qua sở đoản của mình khi học MBA. Tuy khi xưa học Ngân hàng nhưng tôi đến giờ vẫn "sợ số" (cười). Tuy nhiên khi đảm nhận các vị trí lãnh đạo cấp cao như C-level, chúng ta phải đọc rất nhiều tài liệu, số liệu để có thể đưa ra quyết định phù hợp cho doanh nghiệp. Vậy nên trong môn Finance của thầy Đức Võ, tôi rất tâm đắc với triết lý "vượt qua sở đoản" mà thầy khéo léo đưa vào môn này cho những người như tôi vượt qua rào cản tâm lý cố hữu đang kìm hãm mình. 

*MBA đã mang lại cho chị những gì sau khóa học?

Có những môn vừa học xong đã áp dụng ngay lập tức, không cần hoàn thành cả quá trình. Ví dụ, môn Contemporary People Management đã giúp tôi hệ thống hóa lại kiến thức quản lý sau 10 năm làm việc theo phong cách “tự phát". Tôi nhận thấy mình học được nhiều điều bổ ích từ các mô hình mang đậm chất “học thuật", từ đó có thể tự tin hơn trong cách quản lý.

Bên cạnh kiến thức quản lý, tôi còn học được cách kỷ luật bản thân thông qua Final Challenge. Đề bài tuy dễ nhưng khi tham gia, những con người “nghiện công việc" như tôi mới nhận ra việc duy trì thói quen tốt trong cuộc sống lại khó thế nào. Đơn giản chỉ là mỗi ngày thiền 5 phút, đạp xe, chạy bộ, … nhưng dường như vẫn cực kỳ khó để duy trì (cười). 

Một điều nổi bật khác mà tôi học được từ chương trình MBA chính là những cách làm tốt nhất (best practice) mà các bạn học đã mang đến lớp. Đó là những kiến thức, kinh nghiệm được thử nghiệm, rèn luyện, đúc kết qua nhiều năm làm việc. Nhờ tham gia vào một cộng đồng đa dạng như MBA, tôi mới có thể chứng kiến “nghệ thuật làm slide” từ team có xuất thân từ creative, “nghệ thuật trình bày gãy gọn, súc tích” từ team có xuất thân nghiên cứu thị trường.

Từ đó, tôi mở mang thêm tầm mắt, đặt ra những tiêu chuẩn mới trong công việc để phấn đấu, đồng thời, tôi còn tìm thêm các bạn có khả năng thực hiện tương tự trong nhóm (cười).

“Gặp gỡ, kết nối trong cộng đồng MBA đa dạng đã mở mang thêm cho tôi những tiêu chuẩn mới trong công việc" - chị Tú Mỹ chia sẻ.

*Lời khuyên mà chị gửi đến cho các thế hệ trẻ về cách duy trì động lực và kỷ luật trong công việc, học tập, cuộc sống?

Bây giờ tôi cảm thấy biết ơn bản thân lúc trước đã chấp nhận học MBA và không ngừng nỗ lực. Sau hành trình MBA, tôi nhận ra bản thân ở thời điểm đó “Đừng trì hoãn”, hãy thực hiện ngay đi vì hành trình sẽ đưa chúng ta đến những chân trời mới, giúp nâng cao “tầm nhìn" của bản thân.

*Cảm ơn về những chia sẻ đầy bổ ích và thú vị từ chị Mỹ. Chúc chị thật nhiều sức khỏe và thành công trong sự nghiệp!

MBA Meetup là chuỗi sự kiện giao lưu trực tuyến về hành trình học vấn, trải nghiệm học tập cùng kinh nghiệm làm việc từ chia sẻ của các học viên, cựu học viên đã và đang theo đuổi chương trình MBA. Xem thêm các sự kiện từ chương trình MBA tại Đại học Western Sydney tại đây.