Giải mã tác động của ESG đến mô hình kinh doanh của doanh nghiệp
Các yếu tố ESG (Environment – Social – Governance) đang ngày càng tạo nên ảnh hưởng đáng kể đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời tác động không nhỏ đến quyết định giải ngân của nhà đầu tư.
Như vậy, doanh nghiệp cần tích hợp ESG như thế nào? ESG ảnh hưởng đến quyết định của các nhà đầu tư ra sao? Khám phá ngay chia sẻ của các chuyên gia Tài chính tại hội thảo MBA Talk #88.
MBA Talk #88 với chủ đề “Connecting the dots – ESG factors and Financial models” nằm trong khuôn khổ module tài chính của chương trình Thạc sĩ Kinh doanh PSO MBA. Tại đây, PGS TS Đoàn Anh Tuấn – ISB Lecturer, bà Nguyễn Thị Huyền Dương – Investment Manager, Asset Management Firm, ông Vương Nguyễn Đăng Khoa – Director of Strategic Finance & Planning, SABECO và ông Nguyễn Mạnh Tú – Head of Strategy Consulting, Dream Incubator Vietnam, sẽ cùng thảo luận chi tiết về tác động mạnh mẽ của ESG đến doanh nghiệp.
Thực trạng xả thải carbon và bài toán tích hợp ESG vào hoạt động kinh doanh
Ông Nguyễn Mạnh Tú – Head of Strategy Consulting, Dream Incubator Vietnam, cho biết ngành năng lượng tái tạo, than và dầu đóng vai trò then chốt trong an ninh quốc gia, đồng thời cũng là nguồn phát thải carbon đáng kể, chiếm đến 50% tổng lượng khí thải ra môi trường. Như vậy, bài toán đặt ra là ngành năng lượng cần có những động thái gì để vừa đảm bảo vận hành vừa giảm thải carbon ra môi trường.
Tương tự, trong ngành nông nghiệp, riêng mảng chăn nuôi đã có tác động không nhỏ đến biến đổi khí hậu thông qua khí thải nhà kính. Gia súc sản sinh khí mê-tan (CH4) thông qua quá trình tiêu hoá, đóng góp 10% trên tổng lượng khí thải ra hàng năm. Ngoài ra, cánh đồng lúa cũng giải phóng khí mê-tan qua rễ lúa, phân bón thải ra khí oxi nitơ (N2O) – hai khí này đều thúc đẩy hiệu ứng nhà kính.
Hiển nhiên, ngành giao thông vận tải cũng góp một lượng lớn khí thải ra môi trường thông qua khói thải khi xe lưu thông. Ông Tú cho rằng, một giải pháp khả thi tính đến thời điểm hiện nay là việc chuyển từ xe chạy bằng xăng sang xe chạy bằng điện.
Ngành lâm nghiệp được coi là một điểm sáng khi hoạt động kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo trách nhiệm với môi trường. Cụ thể, ngành này giúp tạo ra những khu vực biệt lập, trồng cây gây rừng, giúp giảm thiểu hiệu ứng nhà kính.
Ứng với tình hình trên, Chính phủ đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy những chuyển biến tích cực, một mặt vẫn duy trì và phát triển hiệu quả kinh tế của các ngành nghề, mặt khác đảm bảo trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường thông qua việc tích hợp các yếu tố ESG.
Cụ thể, Việt Nam cam kết giảm 9% lượng khí thải thông qua nỗ lực quốc gia và 27% lượng khí thải nhờ sự hỗ trợ quốc tế. Để đạt đến mức phát thải ròng bằng 0, Việt Nam cần một lượng tiền đáng kể, ước tính lên đến 348 tỷ USD trong 15-18 năm tới. Như vậy, thách thức này liên quan đến toàn thể xã hội chứ không chỉ riêng Chính phủ.
Ví dụ tại Nhật Bản, do nhu cầu phát triển kinh tế và đảm bảo tích hợp các yếu tố ESG, các ngân hàng tại Nhật đã có những chính sách như: Hỗ trợ doanh nghiệp quản lý rủi ro; Có các khoản vay ưu đãi dành riêng cho doanh nghiệp phát triển những dự án có ESG; Đóng vai trò tư vấn và cấp chứng chỉ carbon, giúp doanh nghiệp được lợi thế khi gọi vốn đầu tư.
Kết hợp các yếu tố ESG vào quyết định đầu tư
Dưới góc độ một nhà đầu tư, bà Nguyễn Thị Huyền Dương – Investment Manager, Asset Management Firm, đòi hỏi doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chuẩn ESG nhất định. Bởi theo bà, “xu hướng ESG được chuẩn hóa và tạo thành một bộ tiêu chí đánh giá doanh nghiệp. Khi ra quyết định đầu tư vào một doanh nghiệp nào đó, các quỹ đầu tư yêu cầu dùng bộ tiêu chí ESG để đánh giá doanh nghiệp trước khi ra quyết định đầu tư.”
ESG ảnh hưởng đến việc lựa chọn tài sản của danh mục đầu tư và cách ra quyết định đầu tư. Làm rõ hơn nhận định này, bà Huyền Dương cung cấp 05 khía cạnh chịu ảnh hưởng của ESG trong quá trình đầu tư:
Nhu cầu của nhà đầu tư
Nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến các yếu tố ESG trong mô hình kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều nhà đầu tư sẵn sàng phân bổ vốn cho các doanh nghiệp làm tốt việc tích hợp ESG, dù biết trước khoản đầu tư này có thể mang lại lợi nhuận thấp hơn trong ngắn hạn. Có thể nói, nhu cầu đầu tư bền vững và có trách nhiệm của các nhà đầu tư góp phần hình thành hành vi và chiến lược tích hợp ESG của doanh nghiệp.
Quy định về ESG
Hiện nay, có nhiều yêu cầu mới liên quan đến các quy định về ESG. Các doanh nghiệp đều cần tuân thủ các quy định này và đảm bảo hoạt động phù hợp với các tiêu chuẩn pháp lý. Việc tuân thủ các quy định về ESG giúp công ty tránh các rủi ro và tổn thất, đồng thời tăng uy tín và danh tiếng của công ty.
Quản lý rủi ro
Trên thực tế, tích hợp các yếu tố ESG có thể xác định những rủi ro tiềm ẩn mà việc phân tích tài chính truyền thống có thể bỏ qua. Việc kết hợp các tiêu chí ESG vào quy trình quản lý rủi ro giúp nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro dài hạn liên quan đến thiệt hại về môi trường, các vấn đề xã hội hoặc thất bại trong quản trị. Với nhà đầu tư, điều này giúp danh mục đầu tư linh hoạt và bền vững hơn.
Đo lường hiệu suất
Số liệu về ESG trở thành một phần quan trọng trong việc báo cáo cho các bên liên quan. Ngày nay nhiều công ty được yêu cầu theo dõi và báo cáo hiệu suất liên quan đến ESG. Các số liệu này nhằm cung cấp sự minh bạch và trách nhiệm giải trình, từ đó nhà đầu tư có thể ra quyết định sáng suốt dựa trên tính bền vững thực tiễn của công ty.
Định vị thị trường
Các công ty ngày nay luôn tìm cách đáp ứng các mục tiêu về ESG trong khi vẫn theo đuổi lợi nhuận tài chính mong muốn, bởi các Investor thường tìm kiếm các lựa chọn đầu tư thân thiện với ESG nhất. Như vậy, một doanh nghiệp định vị thành công với vai trò một công ty có hiệu quả ESG vượt trội hoàn toàn có thể thu hút các nhà đầu tư và quỹ.
Quy trình 4 bước đánh giá đầu tư tích hợp ESG
Tại hội thảo, bà Huyền Dương tập trung nhấn mạnh 04 bước đánh giá đầu tư vào doanh nghiệp tích hợp ESG, gồm:
Sàng lọc đầu tư:
- Sàng lọc rủi ro và cơ hội ESG: Đánh giá tiềm năng của các khoản đầu tư dựa trên rủi ro và cơ hội có liên quan đến ESG. Cụ thể, nhà đầu tư thường đánh giá mức độ quản lý các tác động môi trường, trách nhiệm xã hội và thực tiễn quản trị.
- Kiểm tra loại trừ: Bước này gồm việc xác định các ngành nghề/doanh nghiệp không đáp ứng các tiêu chuẩn về ESG và loại những tổ chức này khỏi danh sách xem xét.
- Phân loại rủi ro theo ngành: Đây là việc phân loại các ngành dựa trên rủi ro ESG của chúng.
Thẩm định:
- Xếp hạng rủi ro ESG: Đây là việc xếp hạng rủi ro cho các công ty dựa trên hiệu suất ESG của họ. Điều này giúp xác định được những rủi ro và những nguy cơ tiềm ẩn liên quan đến các khoản đầu tư.
- Kết hợp phân tích ESG vào đề xuất đầu tư: Đây là quá trình phân tích ESG một cách chi tiết trong đề xuất đầu tư để đảm bảo các yếu tố liên quan đến ESG đều được xem xét trước khi ra quyết định đầu tư.
Ra quyết định đầu tư:
- Tích hợp cân nhắc về ESG vào thỏa thuận đầu tư: Cần đảm bảo rằng các tiêu chí ESG là một phần của các điều khoản và điều kiện đầu tư. Điều này bao gồm các yếu tố như cam kết cải thiện hiệu suất ESG hoặc đơn giản là tuân thủ các tiêu chuẩn nhất định.
- Xác định chiến lược ESG cho các công ty được đầu tư mới: Phát triển chiến lược để cải thiện hiệu suất ESG của công ty được đầu tư. Đây có thể là việc đặt ra mục tiêu giảm phát thải hoặc cải thiện các biện pháp quản trị.
Giám sát và báo cáo:
- Giám sát chặt chẽ các công ty được đầu tư và tham gia vào các vấn đề ESG có liên quan: Liên tục theo dõi hiệu quả hoạt động ESG của các công ty được đầu tư và tương tác với họ.
- Báo cáo ESG hàng quý cho Hội đồng quản trị và các bên liên quan: Thường xuyên báo cáo tình hình thực hiện ESG cho các bên liên quan để duy trì tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Tích hợp ESG vào quá trình ra quyết định đầu tư: Case study Hoàng Anh Gia Lai (HAGL)
HAGL là doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản và nội thất, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức). Năm 2013, HAGL gây chú ý trên thị trường chứng khoán vì những hoạt động gây tranh cãi. Trong năm đó, HAGL mở rộng hoạt động sang Lào và Campuchia, tập trung vào trồng cao su. Để đạt được điều này, họ đã phát quang những khu rừng rộng lớn để xây dựng nhà máy và các hoạt động kinh doanh khác.
Tuy nhiên, một vấn đề lớn đã nảy sinh khi kết quả nghiên cứu của một số tổ chức nghiên cứu về môi trường như Global Witness, cho thấy người dân địa phương bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các hoạt động quy mô lớn của HAGL vào thời điểm đó. Công ty chưa cam kết tạo việc làm hoặc cung cấp các phương án tái định cư cho cộng đồng phải di dời. Sự việc này đã vấp phải sự phản đối dữ dội của các tổ chức hoạt động xã hội và môi trường.
Kết quả của việc này niềm tin vào HAGL của các nhà đầu tư bị ảnh hưởng. Việc công ty chưa giải quyết được các vấn đề môi trường và xã hội khiến HAGL trở thành một khoản đầu tư tiềm ẩn rủi ro. Các quỹ ngoại đặc biệt ngần ngại đầu tư vào HAGL do những vấn đề chưa được giải quyết. HAGL được cho thời hạn 6 tháng để giải quyết và khắc phục các vấn đề. Tuy nhiên, trong thời gian đó công ty chưa có hành động thích đáng, khiến các nhà đầu tư nước ngoài lớn phải cân nhắc thoái khoản đầu tư của họ ở công ty.
Trường hợp này nhấn mạnh tác động đáng kể mà các yếu tố ESG có thể gây ra đối với danh tiếng và sức hấp dẫn của công ty đối với các nhà đầu tư. Nó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc doanh nghiệp phải giải quyết nghiêm túc các trách nhiệm về môi trường và xã hội, vì việc bỏ qua những khía cạnh này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về tài chính và danh tiếng.
ESG trong doanh nghiệp bia
Những năm gần đây, các quy định về hoạt động tái chế được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa vào lộ trình hoạt động của các doanh nghiệp tại Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp bia. Với doanh nghiệp bia, ông Vương Nguyễn Đăng Khoa – Director of Strategic Finance & Planning, SABECO, cho biết việc xử lý chất thải từ chai, lon, thùng carton, nắp chai và một số nguyên vật liệu đóng gói khác là một yếu tố vô cùng quan trọng. Ông Khoa cho biết, có 04 hướng tái chế chính, gồm:
- Thực hiện tái chế nội bộ: Xây dựng một nhà máy, hệ thống chuyên dụng cho quy trình tái chế rác thải. Các tổ chức FMCG lớn trên thế giới đã có thể xây dựng hệ thống này cho doanh nghiệp, còn tại Việt Nam thì chưa quá phổ biến.
- Thuê một nhà cung cấp dịch vụ bên thứ ba đủ điều kiện để tái chế.
- Ủy quyền toàn bộ cho bên thứ ba đủ tiêu chuẩn và phi lợi nhuận để tái chế.
- Đóng quỹ Bảo vệ môi trường của Chính phủ.
Ứng với quy định về tái chế của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chắc chắn doanh nghiệp sẽ chịu những ảnh hưởng tài chính nhất định. Ông Khoa đề xuất những chiến lược sau để bảo vệ lợi ích tài chính của doanh nghiệp:
- Phân bổ ngân sách: Dành kinh phí cho việc tái chế.
- Tích hợp chuỗi giá trị: Đưa chi phí tái chế vào chuỗi giá trị của công ty để quản lý chúng như một phần giá vốn hàng bán.
- Tối ưu hóa: Hợp lý hóa chuỗi giá trị và quy trình sản xuất để giảm thiểu việc sử dụng bao bì.
- Chiến lược định giá: Cân nhắc việc tăng giá để bù đắp chi phí tái chế. Khi chọn phương án này, cần thực hiện dần dần để tránh sự nhạy cảm về giá của khách hàng.
- Thành lập các đơn vị tái chế: Trong khi Việt Nam thiếu các công ty tái chế có tổ chức so với các nước phát triển, việc thành lập một đơn vị tái chế nội bộ là một chiến lược dài hạn đáng xem xét.
Bằng cách giải quyết các yếu tố này, các công ty bia có thể quản lý tốt hơn tác động đến môi trường, tuân thủ các nguyên tắc ESG và vẫn đảm bảo phát triển bền vững.
Kết
Tích hợp các yếu tố ESG đã trở thành yếu tố bắt buộc cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Các ngành từ năng lượng, nông nghiệp đến hàng tiêu dùng nhanh đều phải đối mặt với thách thức và cơ hội trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội. Hội thảo MBA Talk #88 đã cung cấp những góc nhìn đa chiều, khẳng định rằng tích hợp ESG không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để doanh nghiệp tạo ra giá trị lâu dài, hướng tới một tương lai bền vững và thịnh vượng.
MBA Talk là chuỗi hội thảo với sự tham dự của các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực, các lãnh đạo, quản lý cấp cao từ các doanh nghiệp đa quốc gia, tập đoàn lớn trong và ngoài nước cùng các Giáo sư – Tiến sĩ từ các trường đại học lớn tại Việt Nam & Nước ngoài. Các khách mời sẽ cùng thảo luận, chia sẻ nhiều vấn đề, tình huống thực tiễn trong kinh doanh nhằm cung cấp kiến thức theo hướng chuyên sâu, đúng triết lý đào tạo PSO (Problem Solving in Organization).
Theo dõi các sự kiện MBA Talk tiếp theo TẠI ĐÂY