Hướng Dẫn Viết Kịch Bản TVC & Template Tham Khảo
Viết một kịch bản TVC có thể cảm thấy khó khăn lúc đầu, nhưng với một phương pháp có cấu trúc và hiểu rõ mục tiêu của bạn, bạn có thể tạo ra một kịch bản hấp dẫn và hiệu quả thu hút sự chú ý của khán giả. Hãy cùng AIM tìm hiểu từng bước một quá trình tạo ra một kịch bản TVC ấn tượng thông qua bài viết dưới đây!
I. Hiểu về kịch bản TVC
1. Kịch bản TVC là gì? Tổng quan về kịch bản TVC
Kịch bản TVC là gì? Đây là câu hỏi mà nhiều người mới bước chân vào lĩnh vực quảng cáo thường đặt ra. Trước hết, về khái niệm cơ bản, TVC là một dạng video ngắn, được tạo ra nhằm quảng bá một sản phẩm, dịch vụ, hoặc thương hiệu trên truyền hình. Mục đích chính là để giới thiệu, thuyết phục và nhắc nhở người xem về những gì bạn đang cung cấp, từ đó thúc đẩy họ hành động.
Vậy, cùng là một ấn phẩm công chiếu trên truyền hình, giữa kịch bản của TVC và kịch bản của một bộ film truyền hình có gì khác biệt?
TVC có định dạng ngắn gọn hơn nhiều so với phim truyền hình. Có hai lý do cho việc này: thời lượng (length) và thời gian (timing).
Một video TVC thường có thời lượng rất ngắn (trong vòng tối đa 15, 30, 60 hoặc 90 giây), vì vậy bạn phải thu hút được khán giả mục tiêu một cách tối ưu nhất trong khoảng thời gian ngắn nhất (thông thường là 3 giây đầu tiên – khá tương đồng với như các clip TikTok hiện tại)
Mặt khác, nhịp độ cần phải hoàn hảo nên kịch bản TVC phải truyền tải tốt trong một thời lượng nhất định – còn được gọi là “timing”. So với TVC, kịch bản phim truyền hình xen kẽ các câu thoại và hành động, tạo ra nhịp độ khác nhau. Hơn nữa, TVC tách biệt âm thanh và hình ảnh để mang lại cảm giác chính xác hơn về thời gian.
Ngoài ra, giống như một storyboard, kịch bản TVC cần đưa ra cái nhìn tổng quan về các sự kiện, diễn biến theo trình tự, mặc dù chỉ mang tính mô tả. Nhờ định dạng này, người đọc cũng có thể nhanh chóng biết được các yếu tố nào được ghép nối với nhau và đang diễn ra cùng lúc.
Tóm lại, kịch bản TVC sẽ được xây dựng trên thời lượng ngắn với nhịp độ nội dung tương đối nhanh và tinh gọn để tối ưu hóa khả năng truyền tải thông tin sản phẩm/dịch vụ hay thông điệp của thương hiệu.
2. Các loại kịch bản TVC phổ biến
Tương ứng với tính chất cũng như mục đích trong việc xây dựng nội dung của TVC, có một số loại TVC đặc trưng, mỗi loại phục vụ một mục đích khác nhau. Dưới đây là một số loại phổ biến:
- Product-Focused (Tập trung vào sản phẩm): Các quảng cáo này tập trung vào một sản phẩm cụ thể, nhấn mạnh các tính năng và lợi ích của nó cho khách hàng. Ví dụ: bột giặt giúp tẩy trắng, giữ màu vải,…
- Brand-Focused (Tập trung vào thương hiệu): Các quảng cáo này xoay quanh thương hiệu, mục tiêu là xây dựng nhận thức và lòng trung thành với thương hiệu. Loại TVC này thường mang tính kết nối cảm xúc mạnh mẽ hơn các loại khác.
- Promotion (Khuyến mãi): Đây là các quảng cáo thời gian cố định nhằm quảng bá các ưu đãi đặc biệt, giảm giá hoặc sự kiện quan trọng.
- Các thông báo cộng đồng (PSA): Đây là các quảng cáo nhằm tăng cường nhận thức về các vấn đề xã hội, thường không có mục đích thương mại.
II. Cấu trúc của kịch bản TVC
1. Outline cơ bản về nội dung
Đối với mỗi mục tiêu quảng cáo sản phẩm sẽ sử dụng một cấu trúc riêng biệt để tối ưu hóa hiệu quả TVC quảng cáo và thuyết phục người mua hàng.
Thông thường, một kịch bản quảng cáo sản phẩm sẽ có những phần như sau:
- Giới thiệu (Introduction): Thu hút sự chú ý của khán giả. Thông thường, phân đoạn này chỉ có thời lượng trong vòng 5-6 giây trong một TVC quảng cáo 30 giây, nên cần tận dụng insight để tạo ra tình huống hấp dẫn, gây chú ý.
- Cung cấp giải pháp (Solution): Đây thường là lúc mà các sản phẩm được đưa ra với vai trò như một giải pháp “thích hợp nhất” cho vấn đề hay tình huống đã đặt ra ở đầu TVC. Trong phần này, bạn cần tập trung trình bày về các đặc điểm nổi bật và lợi ích mà sản phẩm mang lại.
- Call to Action: Cuối cùng, bạn cần một lời kêu gọi hành động (CTA) mạnh mẽ để khuyến khích khán giả thực hiện một hành động cụ thể như mua hàng, truy cập trang web hoặc đăng ký…
Thời lượng của một TVC thường rất ngắn, vì vậy viết kịch bản cần ngắn gọn, súc tích, và thúc đẩy đúng thông điệp cốt lõi.
2. Cấu trúc của bản script
Tuy nhiên, bạn không thể chỉ ngồi viết văn tự sự với 3 phần trên trong kịch bản TVC, đặc biệt khi kịch bản đó được truyền tay đến rất nhiều bên khác nhau: Ekip diễn viên, production house phụ trách sản xuất, agency quảng cáo,…
Chính vì thế, ngoài việc đảm bảo flow nội dung gồm 3 phần cơ bản trên, bạn cần trình bày kịch bản TVC theo hình thức mà các bên hợp tác (đặc biệt là bên sản xuất) có thể dễ dàng trả lời câu hỏi “Phân đoạn này, ai/cái gì sẽ làm gì? Ở đâu? Vào lúc nào? Có âm thanh gì?”. Bạn càng cung cấp rõ chi tiết trong bối cảnh bao nhiêu, việc thực hiện sản xuất hay brainstorm ý tưởng sẽ càng dễ dàng bấy nhiêu.
Tất nhiên, mỗi người đều sẽ có phương thức trình bày kịch bản TVC khác nhau với các công cụ khác nhau (Google sheet, Excel, Storyboard, Figma,…); nhưng, nếu để ý, bạn sẽ nhận thấy có 2 yếu tố quan trọng bậc nhất khi viết kịch bản TVC – đó là:
-
Visual
Gồm nội dung mô tả và hình ảnh demo. Thông tin ở phần này mô tả những sự kiện, diễn biến nội dung, câu chuyện,…bạn muốn truyền tải bằng lối viết rõ ràng và súc tích. Để giúp người đọc kịch bản có thể mường tượng cụ thể hơn, hình ảnh demo luôn là yếu tố cần thiết.
Ngoài ra, bạn cũng có thể ghi chú về định hướng góc quay, ví dụ như cận cảnh chủ thể hoặc ảnh rộng, zoom xa gần,… Đồng thời, bạn cũng cần ghi chú độ dài của cảnh quay, nhưng tốt hơn hết bạn nên có sự đồng thuận từ phía sản xuất về vấn đề phân bổ thời lượng các cảnh quay.
-
Audio
Gồm phần voice over và các source âm thanh hiệu ứng. Ở phần này, bạn cần tập trung làm rõ vấn đề “Bạn muốn khán giả nghe gì?”. Nó chứa mô tả về tất cả các thành phần âm thanh xuất hiện trong mỗi phân cảnh và có thể có thêm thông tin như độ dài hoặc nguồn của âm thanh đó.
Âm thanh được sử dụng trong TVC có thể là lời thoại của nhân vật (hoặc đối tượng ngôi thứ ba kể chuyện), lồng tiếng, âm nhạc, tiếng leng keng, hiệu ứng âm thanh hoặc khẩu hiệu.
Về phần lời thoại (voice over), bạn sẽ cần có sự đồng thuận với bên diễn viên đóng TVC, sự góp ý chỉnh sửa của bên sản xuất nhằm tránh tình trạng lời thoại lan man, lủng củng, không kết nối với toàn bộ mạch nội dung.
III. Hướng dẫn quy trình viết kịch bản TVC – Giai đoạn chuẩn bị trước khi viết
1. Xác định đối tượng mục tiêu
Về phương pháp nghiên cứu đối tượng mục tiêu:
- Sử dụng các công cụ như khảo sát, thông tin từ mạng xã hội, và báo cáo nghiên cứu thị trường để thu thập dữ liệu về đối tượng của bạn.
- Tạo các chân dung khách hàng chi tiết để đại diện cho các phân khúc khác nhau của thị trường mục tiêu. Ví dụ: Nếu bạn bán sản phẩm chăm sóc da cho phụ nữ, đối tượng mục tiêu của bạn có thể là phụ nữ từ 25-45 tuổi, sống ở các thành phố lớn và quan tâm đến việc chăm sóc da.
2. Xác định mục tiêu – Đặt ra các mục tiêu cụ thể và có thể đo lường
Bạn muốn TVC của mình đạt được điều gì? Dù đó là tăng nhận diện thương hiệu, ra mắt sản phẩm mới, hay tăng doanh số bán hàng, hãy đặt ra các mục tiêu cụ thể và có thể đo lường để hướng dẫn quá trình viết kịch bản của bạn.
3. Nghiên cứu thị trường
Trong một ngành hàng, chắc chắn sản phẩm/dịch vụ của bạn sẽ phải cạnh tranh với những đối thủ cùng ngành với những lợi thế riêng. Sẽ không thể tránh khỏi tình trạng bạn và đối thủ cùng hướng đến phân khúc khách hàng giống nhau, đào sâu những insight tương tự nhau,… Vậy nên, việc nghiên cứu thị trường không chỉ phục vụ cho mỗi công việc sáng tạo mà còn dành cho các hoạt động khác của marketing.
Vậy, nghiên cứu thị trường trong quá trình lên ý tưởng TVC là gì? Gồm 2 đầu việc sau:
- Phân tích các TVC của đối thủ: Xem các TVC của đối thủ cạnh tranh. Ghi chú lại những gì hiệu quả và những gì không. Hiểu rõ chiến lược của họ có thể giúp bạn khác biệt hóa TVC của mình và tìm ra góc nhìn độc đáo của riêng bạn.
- Nắm bắt các xu hướng: Luôn cập nhật các xu hướng thị trường hiện tại và hành vi người tiêu dùng: họ thích xem nội dung ra sao, đang quan tâm đến vấn đề gì,…. Thông tin này đảm bảo rằng TVC của bạn sẽ phù hợp với khán giả và cảm thấy liên quan.
4. Tạo thông điệp chủ đạo
Trong một TVC dài 30 giây, từng giây đều quý giá, nên bạn cần một thông điệp đủ single-minded và rõ ràng. Tập trung vào một thông điệp chính mà bạn muốn khán giả ghi nhớ thay vì cố gắng nhồi nhét thông tin sản phẩm/dịch vụ vào nội dung TVC.
Ngoài ra, TVC là công cụ đắc lực giúp khán giả xác định những khác biệt của bạn so với đối thủ. Hãy nhấn mạnh những điểm bán hàng độc nhất này trong kịch bản của bạn để cung cấp cho người xem một lý do hấp dẫn để chọn bạn.
5. Đừng quên kêu gọi hành động (CTA)
Một CTA mạnh mẽ là rất quan trọng. Dù đó là “Gọi ngay,” “Truy cập trang web của chúng tôi,” hay “Mua ngay hôm nay,” hãy đảm bảo rằng CTA của bạn rõ ràng, trực tiếp và dễ thực hiện. Tạo cảm giác khẩn cấp để thúc đẩy hành động ngay lập tức.
IV. Quy trình viết kịch bản TVC – Giai đoạn viết
Về cơ bản, TVC là một hình thức kể chuyện (storytelling), vậy nên một TVC có nội dung chất lượng là minh chứng của một câu chuyện đủ “trúng tim đen” cùng lối kể đủ hấp dẫn. Để đạt được điều này, bạn cần một cốt truyện rõ ràng, giọng điệu phù hợp với đối tượng mục tiêu, chủ đề thú vị và lời kêu gọi hành động rõ ràng.
Trong giai đoạn bắt tay vào viết này, có 4 bước cơ bản sau:
Bước 1: Xác định câu chuyện
Nguyên tắc hàng đầu luôn là “một câu chuyện đơn giản, không hề nhạt nhẽo hay nhàm chán mà rất dễ theo dõi và dễ hiểu” – hãy để nguyên tắc này định hướng bạn trong toàn bộ quá trình xây dựng cốt truyện kịch bản TVC. Phần đầu, phần giữa và phần cuối đều phải rõ ràng và theo trình tự hợp lý. Cách kể chuyện đặc biệt sẽ thu hút khán giả ngay lập tức, tạo ra sự căng thẳng và đưa ra giải pháp ở phần cuối.
Một số script writer cho rằng âm thanh và visual là để “nhìn thấy” và “cảm nhận” – nhưng sau cùng, phản ứng cảm xúc là kết quả từ sự kết hợp của cả hình ảnh và âm thanh chạy cùng nhau, vì vậy hãy sáng tạo để xác định và kể một câu chuyện lớn hơn tổng các phần của nó.
Bước 2: Xác định tone mood của lối kể chuyện
Một quảng cáo hài hước là niềm yêu thích của mọi người – và có lẽ là loại khó nhất để có được sự chấp thuận của client. Để tìm ra tone mood phù hợp, bạn phải phù hợp với thương hiệu và chọn thứ gì đó gây được tiếng vang với thị trường mục tiêu.
Brand positioning sẽ là điểm dừng chân đầu tiên của bạn trong việc quyết định tông màu quảng cáo truyền hình để viết một kịch bản thành công: tràn đầy năng lượng, thú vị, vui tươi, tích cực, vui vẻ, bình tĩnh, đáng tin cậy,…?
Bước tiếp theo, hãy tìm các yếu tố hình ảnh và âm thanh liên quan đến tính từ trên hoặc cảm xúc mà nó gợi ra. Hãy nhớ rằng khi viết nhiều kịch bản cho cùng một chiến dịch quảng cáo, thách thức có thể là đặt ra một giọng điệu khác nhau cho từng kịch bản trong khi truyền tải cùng một thông điệp.
Bước 3: Chọn chủ đề (theme)
Trong cách storytelling hiệu quả trong kịch bản TVC, chủ đề (theme) thường là một phần của việc xây dựng nhận thức về thương hiệu vì người xem sẽ nhận ra các yếu tố đáng nhớ như nhân vật hoặc hình ảnh từ chiến dịch marketing trên nhiều kênh khác nhau.
Chủ đề cũng có thể phát huy tác dụng trong các yếu tố như hiệu ứng âm thanh hoặc thậm chí được đề cập trong dòng tagline, nhưng nếu bạn lạm dụng nó, khán giả có thể cảm thấy như bạn đang quá nhấn mạnh.
Bước 4: Bắt tay vào viết và hoàn thiện
Những yếu tố ưu tiên đã hoàn thành, đã đến lúc bắt tay vào viết chi tiết những gì bạn đang suy nghĩ, tưởng tượng trong đầu. Dưới đây là checklist, nhớ lưu lại để tránh bỏ sót trong quá trình viết kịch bản TVC nhé:
- Đoạn hội thoại: Hãy đảm bảo rằng hội thoại của nhân vật nghe tự nhiên và hấp dẫn. Đọc lớn để đảm bảo nó trôi chảy và không cảm thấy gượng ép. Giữ câu ngắn và thân mật, và tránh sử dụng thuật ngữ chuyên môn.
- Mô tả hình ảnh, hành động, và bối cảnh: Mô tả những gì người xem sẽ thấy và cách nó hỗ trợ thông điệp. Nên nhớ là càng cụ thể càng tốt để giúp đội ngũ sản xuất hình dung ý tưởng của bạn.
- Kết hợp âm thanh và nhạc nền: Hiệu ứng âm thanh và nhạc nền tăng cường tác động cảm xúc của TVC. Chọn các yếu tố âm thanh bổ sung cho hình ảnh và củng cố thông điệp.
V. TVC script template – Mẫu kịch bản TVC tham khảo
Bạn vẫn chưa biết trình bày kịch bản TVC ra sao để trông chuyên nghiệp, từ bên client đến production house đều hiểu và nắm bắt? Vậy thì ghé xuống dưới đây tham khảo một số mẫu TVC script AIM sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau và tự thiết kế cho bản thân một bản script ưng ý nhé!
Template 1 – Mẫu này khá cơ bản, có phần thông tin các bên thực hiện phía đầu kịch bản
Template 2 (cre: FOTW) – Bố cục trình bày tương tự mẫu 1, có hình ảnh minh họa
Template 3 (cre: MyMedia) – Bạn có thể chia chi tiết từng cột như trên
Template 4 – dạng storyboard (thực hiện bởi AIM)
(Lưu ý: Đây không là TVC nhưng bạn cũng có thể tham khảo cách trình bày trên)
Ngoài ra, bạn có thể truy cập vào kho tàng template.net và tải ngay template kịch bản bạn muốn từ kho tài liệu này.
Viết kịch bản TVC là một quy trình có cấu trúc gồm nhiều bước. Từ việc hiểu rõ đối tượng mục tiêu và đặt ra các mục tiêu rõ ràng, đến việc viết và chỉnh sửa kịch bản, mỗi bước đều quan trọng để tạo ra một TVC thành công.
Bây giờ bạn đã có lộ trình, hãy bắt đầu viết ngay. Hãy thử nghiệm với các ý tưởng và định dạng khác nhau, và đừng ngại nghĩ ra ngoài khuôn khổ.
Chúc bạn sớm thành công với kịch bản TVC đầu tiên của mình!
VI. Chương trình Real Project – Lên ý tưởng truyền thông và TVC cùng thương hiệu Neptune
Bạn vẫn thấy mông lung về TVC, kịch bản TVC sau khi đọc đến đây? Đừng lo lắng vì AIM đã có một chương trình đặc biệt có thể hướng dẫn bạn về lên ý tưởng truyền thông và xây dựng kịch bản TVC.
Chào mừng bạn đến với REAL PROJECT – chương trình mang đến cho các bạn trẻ Creative những lợi ích sau:
- Bước chân vào “vũ trụ Tết” của một trong những thương hiệu Neptune – thương hiệu mang dấu ấn Tết đặc sắc suốt hơn một thập kỷ qua – và được đóng góp ý tưởng và dấu ấn riêng của bạn, một người đến từ thế hệ sáng tạo trẻ.
- Được “mài sắc” ý tưởng bởi đội ngũ mentor là các Creative Director, Strategic Planner gạo cội, để ý tưởng thực sự là ý tưởng, chứ không phải những ý niệm mơ hồ.
- Luyện kỹ năng storytelling và presentation để cùng ý tưởng của mình thăng hoa và tỏa sáng trong ngày báo cáo.
- Nắm bắt cơ hội tuyển dụng ngay sau project, từ các đơn vị tham gia tuyển dụng: Ogilvy, ClickMedia/VML, Momo.
- Nhận học bổng trị giá 1.000.000đ đến 5.000.000đ khi nằm trong top 10 học viên đạt điểm số cao nhất trong đợt báo cáo.
Đây là chương trình bạn không thể bỏ qua – vừa được hướng dẫn thực hành xây dựng kịch bản TVC bài bản, vừa nhận được vô số lợi thế cho khởi đầu sự nghiệp. Đăng ký ngay để thử sức với kịch bản TVC nhé!