Mô hình tài chính và công tác định giá doanh nghiệp – “Bản đồ chiến lược” cho tổ chức
Mô hình tài chính và công tác định giá doanh nghiệp đóng vai trò then chốt trong quản lý tài chính và hoạch định chiến lược. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng quá trình này tiềm ẩn nhiều thách thức.
Các chuyên gia giàu kinh nghiệm tại hội thảo MBA Talk #74 chia sẻ gì về cách triển khai mô hình tài chính và định giá doanh nghiệp? Cùng Thạc sĩ Kinh doanh PSO MBA khám phá ngay tại bài viết dưới đây!
MBA Talk #74 với chủ đề “Financial Planning & Corporate Valuation: Market Update”, hân hạnh có sự dẫn dắt của PGS TS Đoàn Anh Tuấn – ISB Lecturer, cùng sự chia sẻ từ kinh nghiệm của ông Đặng Nguyễn Trường Tài – Investment Director tại Daiichi Life Vietnam Fund Management và ông Lê Quốc Trung – Finance Director tại FrieslandCampina Vietnam.
Mô hình tài chính – “Kim chỉ nam” dẫn dắt doanh nghiệp
Mô hình tài chính được ví như kim chỉ nam dẫn dắt doanh nghiệp đưa ra những quyết định sáng suốt, tối ưu hiệu quả hoạt động và đạt được mục tiêu đề ra. “Mô hình tài chính cung cấp kho thông tin hữu ích để ra các quyết định chiến lược”, ông Lê Quốc Trung – Finance Director, FrieslandCampina Vietnam – nhấn mạnh tại hội thảo.
Bên cạnh được ứng dụng rộng rãi trong tài chính doanh nghiệp, mô hình tài chính có thể được sử dụng trong các lĩnh vực liên quan như ngân hàng đầu tư, ngân hàng thương mại và quản lý danh mục đầu tư. Trong ngân hàng đầu tư, mô hình tài chính hỗ trợ việc thẩm định giá trị doanh nghiệp, phân tích các dự án đầu tư và cấu trúc các giao dịch tài chính phức tạp.
Ngân hàng thương mại sử dụng các mô hình này để quản lý rủi ro tín dụng, dự báo dòng tiền và tối ưu hóa các sản phẩm tài chính. Trong quản lý danh mục đầu tư, mô hình tài chính giúp phân tích rủi ro và lợi nhuận, xây dựng chiến lược đầu tư và tối ưu hóa hiệu suất của danh mục.
Ứng với từng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh và mức độ chi tiết mà doanh nghiệp muốn áp dụng, cấu trúc và độ phức tạp của các mô hình tài chính cũng có sự khác biệt đáng kể. Vì thế, việc xây dựng mô hình tài chính cho doanh nghiệp chưa có một công thức “one size fit all” cụ thể nào.
Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), ông Trung cho rằng mô hình tài chính sẽ đơn giản hơn. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp kinh doanh nhiều ngành hàng và sản phẩm khác nhau, mô hình tài chính sẽ trở nên phức tạp hơn rất nhiều.
Tại MBA Talk #74, ông Trung đã giới thiệu 5 mô hình tài chính cơ bản:
- Mô hình báo cáo tài chính (Financial statement model): Bao gồm báo cáo lãi lỗ (Profit and Loss), bảng cân đối kế toán (Balance Sheet) và báo cáo lưu chuyển tiền tệ (Cash Flow). Các báo cáo này giúp doanh nghiệp theo dõi tổng quan tình hình tài chính, đánh giá hiệu suất hoạt động và dự báo dòng tiền.
- Mô hình ngân hàng đầu tư (Investment banking model): Bao gồm mô hình IPO (Initial Public Offering) và mô hình so sánh (Comparable Model). Thông thường, các nhà đầu tư sử dụng mô hình này để đưa ra quyết định mua bán, sáp nhập và đầu tư vào doanh nghiệp.
- Mô hình sáp nhập và mua lại (M&A model): Được sử dụng để đánh giá các quyết định sáp nhập, mua lại hoặc hợp tác với các doanh nghiệp khác. Mô hình này giúp xác định “bức tranh” tương lai của việc sáp nhập, bao gồm cổ tức, vốn chủ sở hữu và các yếu tố tài chính khác trước khi ra quyết định chính thức.
- Mô hình mua lại bằng đòn bẩy (Buyout model – Leveraged BO model): Mô hình này là một phương pháp tài chính được sử dụng để mua lại một công ty bằng cách sử dụng một lượng lớn vốn vay (đòn bẩy). Tài sản của công ty bị mua lại thường được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay. Bằng việc tận dụng mô hình mua lại bằng đòn bẩy, nhà đầu tư có thể xác định thời điểm mua bán hợp lý, chiến lược bán và các yếu tố liên quan để đưa ra quyết định tối ưu.
- Mô hình dòng tiền chiết khấu (Discounted Cash Flows Model – DCF Model): Đây là một phương pháp định giá doanh nghiệp hoặc tài sản dựa trên dự báo các dòng tiền trong tương lai và chiết khấu chúng về giá trị hiện tại. Mô hình này dựa trên nguyên tắc rằng giá trị của một doanh nghiệp hoặc tài sản phụ thuộc vào khả năng tạo ra dòng tiền trong tương lai.
Từ thiết lập mô hình tài chính đến định giá doanh nghiệp
Trong việc quản lý và định hình chiến lược, mô hình tài chính và định giá doanh nghiệp là hai yếu tố không thể tách rời. Mô hình tài chính, với vai trò là nguồn dữ liệu đầu vào, cung cấp cơ sở vững chắc cho chiến lược định giá doanh nghiệp, từ đó tăng tính chính xác trong xác định giá trị doanh nghiệp, quản lý rủi ro tài chính hay đo lường hiệu suất.
Tại hội thảo MBA Talk #74, ông Đặng Nguyễn Trường Tài – Investment Director tại Dai-ichi Life Vietnam Fund Management – giới thiệu tổng quan về hai mô hình định giá doanh nghiệp phổ biến:
1. Định giá tương đối (Relative Valuation): Để minh họa cho mô hình định giá tương đối, ông Tài nêu ví dụ về một người muốn mua lại một doanh nghiệp trong lĩnh vực FMCG. Bên mua muốn so sánh giá trị của doanh nghiệp này với các doanh nghiệp tương tự trên thị trường để đánh giá xem mức giá này cao hơn hay thấp hơn so với giá trị thị trường chung.
Như vậy, phương pháp này đánh giá giá trị của một tài sản bằng cách so sánh nó với các tài sản tương tự trên thị trường. Thông thường, các chỉ số tài chính hoặc các thông tin khác về doanh nghiệp được so sánh với các công ty cùng ngành, cùng quy mô hoặc cùng lĩnh vực hoạt động. Các phương pháp định giá tương đối bao gồm định giá theo tỷ lệ PE (P/E ratio), định giá theo tỷ lệ P/B (P/B ratio), so sánh về lợi nhuận, doanh thu hoặc các chỉ số tài chính khác.
2. Định giá tuyệt đối (Absolute Valuation): Phương pháp định giá này được sử dụng trong trường hợp mua lại một doanh nghiệp mà không có các doanh nghiệp tương đối để so sánh. Trong tình huống này, cần phải cố gắng xác định giá trị nội tại và tiềm năng phát triển của tài sản thông qua các phương pháp tài chính.
Trong định giá tuyệt đối, thông thường sử dụng các phương pháp như mô hình dòng tiền chiết khấu (DCF), mô hình tăng trưởng (Growth Model) hoặc các mô hình định giá khác để ước lượng giá trị hiện tại của dòng tiền tương lai mà tài sản có thể tạo ra.
Tiếp cận thị trường từ trên xuống (Top-down Approach)
Tiếp cận thị trường từ trên xuống là một phương pháp được sử dụng để phân tích thị trường và đưa ra quyết định đầu tư hoặc kinh doanh. Top-down Approach bắt đầu bằng việc xem xét một cách tổng quan về bối cảnh vĩ mô, toàn cầu, sau đó xem xét từng quốc gia và đào sâu vào từng ngành nghề cụ thể trước khi bước vào mổ xẻ tình hình thực tế của doanh nghiệp.
Đi sâu nghiên cứu thị trường chứng khoán, ông Tài đánh giá thị trường này là động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế, vì nó tập trung các công ty niêm yết, được xem là mạnh mẽ và minh bạch, và được nhiều nhà đầu tư tin tưởng và kỳ vọng tạo ra sự phát triển. Do sự bất ổn của thị trường, các nhà đầu tư cá nhân thường hướng đến đầu tư ngắn hạn, trong khi các tổ chức có thể xem xét đầu tư dài hạn.
Trong năm 2023, tín hiệu về điều kiện vĩ mô hỗ trợ thanh khoản trong lĩnh vực tài chính thường ổn định ở mức trung bình, với tâm lý vẫn thận trọng do những áp lực bên ngoài như tốc độ phục hồi chậm, gián đoạn chuỗi cung ứng, chiến tranh/căng thẳng, tình hình tiền tệ phức tạp và lạm phát.
Những thách thức này đặt ra những yêu cầu mới cho chính sách tiền tệ của Việt Nam, trong khi các biện pháp hỗ trợ vẫn đang được thực hiện mặc dù lãi suất chính sách đã giảm và các biện pháp khác cũng đã được thực hiện.
Kết
Trong bối cảnh biến động khó lường của thị trường, kế hoạch tài chính và định giá doanh nghiệp không đơn thuần là công cụ quản lý mà còn là “kim chỉ nam” cho các quyết định chiến lược của doanh nghiệp. Việc lập kế hoạch tài chính và định giá doanh nghiệp chuẩn chỉnh, chính xác chính là nền tảng để doanh nghiệp phát triển bền vững, vươn lên vị trí hàng đầu trong ngành.
Với những chia sẻ từ các chuyên gia giàu kinh nghiệm Tài chính, hy vọng rằng các bạn đã được trang bị nền tảng vững chắc về kế hoạch tài chính và định giá doanh nghiệp, tạo tiền đề để ứng dụng vào công việc thực tế và gặt hái thành công.
MBA Talk là chuỗi hội thảo với sự tham dự của các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực, các lãnh đạo, quản lý cấp cao từ các doanh nghiệp đa quốc gia, tập đoàn lớn trong và ngoài nước cùng các Giáo sư – Tiến sĩ từ các trường đại học lớn tại Việt Nam & Nước ngoài. Các khách mời sẽ cùng thảo luận, chia sẻ nhiều vấn đề, tình huống thực tiễn trong kinh doanh nhằm cung cấp kiến thức theo hướng chuyên sâu, đúng triết lý đào tạo PSO (Problem Solving in Organization).