Data Privacy: Vì sao thương hiệu phải có trách nhiệm hơn với dữ liệu của người tiêu dùng?
Dù đã có nhiều đạo luật về quyền riêng tư dữ liệu được đưa ra, người tiêu dùng vẫn cần được bảo vệ mạnh mẽ hơn để có thể chống lại “chủ nghĩa tư bản giám sát” (surveillance capitalism).
Bài viết được lược dịch từ quan điểm của tác giả Jonathan Joseph trong bài viết gốc “Data Privacy - Why brands must do more to protect consumer personal information” trên AdAge.
Bấm “yes” chưa hẳn là đồng tình
Từ lâu, chúng tôi hiểu rằng người tiêu dùng rất coi trọng quyền riêng tư của họ. Tuy nhiên, gần đây có một câu hỏi được đặt ra về thái độ có vẻ như thờ ơ của người tiêu dùng đối với tình trạng hiện tại của quyền riêng tư dữ liệu.
Khi tìm hiểu sâu hơn, chúng tôi nhận ra rằng sự thờ ơ này không có nghĩa là thiếu quan tâm. Thực tế, thái độ này xuất phát từ cảm giác bất lực về cách dữ liệu của họ bị sử dụng và thậm chí là bị lạm dụng. Việc này đồng thời cũng phản ánh gánh nặng quá lớn đặt lên người tiêu dùng trong việc quản lý và bảo vệ dữ liệu của chính họ và buộc các thương hiệu phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng dữ liệu.
Hãy xem xét Quy định chung của Liên minh châu Âu về bảo vệ dữ liệu (EU’s General Data Protection Regulation – GDPR), một cột mốc quan trọng trong quyền riêng tư dữ liệu và khởi đầu của một kỷ nguyên mới, thời điểm mà quyền của người tiêu dùng được tôn trọng và các doanh nghiệp cam kết minh bạch.
Năm năm trôi qua, rõ ràng rằng một trong những nguyên tắc cốt lõi của nó – sự đồng ý tự nguyện (opt-in consent) vẫn có một “lỗ hổng”, bởi trong thực tế, sự đồng ý này không phải lúc nào cũng dựa trên sự hiểu biết đầy đủ và rõ ràng của người tiêu dùng về cách dữ liệu của họ sẽ được sử dụng. Có bao nhiêu người sẵn sàng sàng lọc qua các trang thỏa thuận dữ liệu trước khi đồng ý với cách dữ liệu của họ bị thao túng? Rõ ràng, cách tiếp cận này đơn giản là không phù hợp với hầu hết mọi người.
Một số người cho rằng sự quan tâm đến quyền riêng tư dữ liệu ở những phân khúc dân số khác nhau sẽ có sự khác biệt, chẳng hạn như những người dùng am hiểu công nghệ và muốn chặn quảng cáo có thể sẽ quan tâm đến vấn đề này hơn những người thích mua sắm trực tuyến và hoạt động năng suất trên mạng xã hội. Hay một quan điểm khác là Gen Z và Millennials sẽ quan tâm đến vấn đề này nhiều hơn thế hệ Baby Boomers. Cũng có một chút sự thật trong những tuyên bố đó, nhưng không phải với cách kiến giải như vậy.
Thực tế, mọi người đều quan tâm đến quyền riêng tư dữ liệu, nhưng sự quan tâm nhiều hay ít sẽ còn phụ thuộc vào kiểu dữ liệu được đề cập. Người tiêu dùng có thể không ngại chia sẻ dữ liệu vị trí nếu họ tin rằng giá trị trao đổi là xứng đáng, trong khi những người khác có thể khó chịu với cách dữ liệu hành vi được sử dụng để tạo ra các quảng cáo mang tính cá nhân hóa quá mức (hyper-personalized ads).
Quan điểm của mỗi người tiêu dùng là khác nhau và không phải ai cũng thoải mái với việc dữ liệu vị trí của mình hay hành vi mua sắm của mình bị truy cập.
Không ai muốn bị xâm phạm quyền riêng tư
The New York Times gần đây đã nêu bật việc một số nhà sản xuất ô tô đang thu thập và chia sẻ dữ liệu lái xe, bao gồm chi tiết mỗi chuyến đi, tốc độ, thông tin về tăng tốc và cả cách hãm phanh của người lái. Dữ liệu này sau đó được bán cho các nhà môi giới dữ liệu và đã được các công ty bảo hiểm ô tô sử dụng để tăng phí bảo hiểm. Vấn đề cốt lõi của trường hợp này là sự thiếu minh bạch về cách các nhà sản xuất ô tô chia sẻ dữ liệu cá nhân của người cầm lái. Người lái xe không biết rằng toàn bộ hành vi lái xe của họ đang bị giám sát.
Một số nhà sản xuất được đề cập trong bài báo trên The New York Times như General Motors đã không thông báo đầy đủ cho người lái xe về cách dữ liệu của họ được sử dụng. Trong vòng vài tuần sau bài báo của Times, General Motors đã ngừng chia sẻ dữ liệu với nhà môi giới. Nhưng đây dĩ nhiên không phải là trường hợp duy nhất thương hiệu tự ý thu thập và chia sẻ dữ liệu của người tiêu dùng mà không có sự đồng thuận.
Ring – công ty con của Amazon với sản phẩm chuông cửa thông minh – cũng nhận về làn sóng tiêu cực khi người tiêu dùng phát hiện ra rằng Ring đang chia sẻ video của người dùng với cảnh sát mà không có sự đồng thuận rõ ràng. Nhiều người dùng sau đó đã yêu cầu được tăng cường minh bạch và sự kiểm soát đối với dữ liệu của họ. Theo The Verge, Ring đã phản hồi bằng cách thay đổi các chính sách chia sẻ dữ liệu với cơ quan thực thi pháp luật.
Có thể thấy, việc thực thi quy định về quyền riêng tư dữ liệu đã tiếp tục phơi bày các trường hợp vi phạm nghiêm trọng. Điều này cũng là chất xúc tác cho việc nâng cao nhận thức của công chúng về các vấn đề quyền riêng tư dữ liệu. Các nhà quản lý tại Mỹ thường cho rằng quảng cáo là “chủ nghĩa tư bản giám sát” và đôi khi điều này thực sự đúng, khi một số hoạt động quảng cáo đang sử dụng dữ liệu cá nhân của người dùng một cách quá mức để tạo ra lợi nhuận.
Hãy cho người tiêu dùng quyền lựa chọn và hiểu biết chính xác
Như một phần của việc xử lý nghiêm các cá nhân/tổ chức thu thập dữ liệu hàng loạt, Ủy ban thương mại liên bang (The Federal Trade Commission – FTC) đã đưa ra cảnh báo cho các doanh nghiệp trong ngành thương mại dữ liệu (data trade) vào tháng trước như sau: “Browsing and location data are sensitive. Full stop” (tạm dịch: “Dữ liệu duyệt web và vị trí là những dữ liệu nhạy cảm). Định nghĩa mở rộng của FTC về thông tin nhạy cảm này là nhằm hạn chế việc một số thương hiệu đang tự ý sử dụng dữ liệu và xâm phạm quyền riêng tư của người tiêu dùng trong hệ sinh thái martech và ad tech.
Trong thời đại kỹ thuật số, nhiều người dùng đã phần nào đã chấp nhận sự thật rằng dữ liệu của bản thân có thể được thu thập và chia sẻ như một phần của cách Internet hoạt động. Người dùng chấp nhận trao đổi một phần dữ liệu của mình để nhận lại những lợi ích từ trải nghiệm tùy chỉnh, các khoản giảm giá hấp dẫn và những nội dung được cá nhân hóa.
Nhưng đến một thời điểm nào đó, họ sẽ cần được vạch ra một ranh giới. Có thể đó là dữ liệu ô tô, có thể là dữ liệu y tế hoặc các dữ liệu cá nhân khác. Liệu những tiết lộ về giám sát, chẳng hạn như những tiết lộ được báo cáo trên New York Times về dữ liệu ô tô, có khơi dậy nhận thức tập thể rằng nhiều người dùng đã đạt đến điểm giới hạn của họ?
Câu hỏi trong tâm trí của nhiều người giờ đây chính là: Lẽ nào không có gì có thể là “bất khả xâm phạm” nữa sao? Trong một thế giới mà mỗi cá nhân có ngưỡng quan tâm về quyền riêng tư dữ liệu khác nhau, chỉ có một cách duy nhất là hãy cho người tiêu dùng sự lựa chọn. Thương hiệu cần cung cấp cho người tiêu dùng sự minh bạch cũng như quyền kiểm soát về cách mà dữ liệu của họ sẽ được sử dụng nếu họ đồng ý chia sẻ.
Như lời của Steve Jobs đã từng nói vào năm 2010: “Quyền riêng tư có nghĩa là mọi người biết họ đang đăng ký cái gì, bằng ngôn ngữ dễ hiểu và được lặp lại nhiều lần (...) Hãy liên tục hỏi họ cho đến khi chính họ phải nói lại với bạn rằng không cần hỏi nữa vì họ bắt đầu cảm thấy mệt rồi. Hãy cho họ biết chính xác bạn sẽ làm gì với dữ liệu của họ”.
Theo Phố Hương / Brands Vietnam
* Nguồn: AdAge