Marketer Nguyễn Tô Thanh An
Nguyễn Tô Thanh An

Senior Content Executive @ Brands Vietnam

Fashion Icon #14: Franco Moschino – Biểu tượng “ngổ ngáo” của làng mốt

Fashion Icon #14: Franco Moschino – Biểu tượng “ngổ ngáo” của làng mốt

Trong suốt hành trình sự nghiệp, Franco Moschino không chỉ được biết đến với hình ảnh một nhà thiết kế đầy cá tính, mà còn là một nhà xã hội có nhiều đóng góp tích cực.

Fashion Icon là chuỗi bài về gương mặt đứng sau các biểu tượng thời trang đình đám trên thế giới do Brands Vietnam thực hiện. Thông qua chuỗi bài này, marketers có thể hiểu hơn về lịch sử hình thành và sự phát triển của các đế chế thời trang trên toàn cầu.

Ước mơ trở thành hoạ sĩ và bước ngoặt đầy bất ngờ với ngành thời trang

Franco Moschino sinh ngày 27/2/1950 tại Abbiategrasso, vùng ngoại ô cách Milan khoảng 22km. Gia đình ông sở hữu một xưởng đúc sắt và bố ông kỳ vọng Moschino sẽ tiếp quản khi trưởng thành. Tuy nhiên, ngay từ khi còn nhỏ, ông đã có niềm đam mê với mỹ thuật và nuôi dưỡng ước mơ trở thành hoạ sĩ.

Do vậy, năm 1968, khi vừa 18 tuổi, Moschino rời quê nhà để đến Milan học về mỹ thuật tại Học viện Breta. Đây cũng là cột mốc quan trọng khiến Moschino bắt đầu dấn thân vào lĩnh vực thời trang. Để trang trải chi phí học tập, ông đã làm hoạ sĩ vẽ minh hoạ tự do cho các tạp chí uy tín như Harper's Bazaar, Gap, Linea Italiana… và một số nhà mốt danh tiếng. Đến năm 1971, Moschino có cơ hội làm việc với một nhà thiết kế người Ý đình đám khác là Gianni Versace và Giorgio Armani. Từ đó, ông bắt đầu thay đổi định hướng sự nghiệp sang lĩnh vực thời trang.

Fashion Icon #14: Franco Moschino – Biểu tượng “ngổ ngáo” của làng mốt

Chân dung nhà thiết kế Franco Moschino.
Nguồn: L'OFFICIEL USA

Tạo dấu ấn nhờ những thiết kế khác lạ và cá tính

Theo nhận định của giới chuyên môn, điều tạo nên sự khác biệt của thương hiệu Moschino đó là nhà thiết kế người Ý này đã mang yếu tố hài hước và châm biếm vào thời trang. Kalman Ruttenstein, Vice President for Fashion Direction @ Bloomingdale, đã từng nói rằng “He put humor into fashion, but at a high-quality level.” (tạm dịch: Moschino đã mang yếu tố hài hước vào lĩnh vực thời trang, nhưng với mức độ chất lượng tốt nhất). 

Fashion Icon #14: Franco Moschino – Biểu tượng “ngổ ngáo” của làng mốt

Bộ trang phục mang tính châm biếm thiết kế biểu tượng của Chanel.
Nguồn: Getty Images

Cụ thể hơn, Moschino đã thêu dòng chữ “This is a Waist of Money” tại vị trí để chiếc thắt lưng vàng của bộ trang phục mang tính châm biếm thiết kế biểu tượng của Chanel. Theo Ruttenstein, phong cách hài hước và châm biếm của Moschino đã được hình thành chỉ trong một thời gian ngắn khi ông bước vào lĩnh vực thời trang và nhanh chóng có được sự nhận diện từ cả thế giới.

Với Moschino, thời trang là một công cụ giúp ông phản ánh thực trạng xã hội theo phong cách châm biếm và mỉa mai. Thật vậy, những thiết kế của ông mang phong cách sặc sỡ, cường điệu và xa hoa chính là cách ông phản ánh về gu thẩm mỹ của đại chúng vào những năm 1980. Nói cách khác, dù chưa bao giờ theo đuổi chủ nghĩa khoái lạc, song các thiết kế của ông đều thể hiện được điều đó, cũng chính là xu hướng chung của xã hội lúc bấy giờ.

Fashion Icon #14: Franco Moschino – Biểu tượng “ngổ ngáo” của làng mốt

Với Moschino, thời trang là một công cụ giúp ông phản ánh thực trạng xã hội theo phong cách châm biếm và mỉa mai.
Nguồn: L'OFFICIEL UK

Chưa hết, Moschino cũng là nhà thiết kế đầu tiên nhận ra sự tái sáng tạo (reinvention) chính là xu hướng mà ngành thời trang không thể tránh khỏi trong những năm tới. Do vậy, không chỉ nghiên cứu về lĩnh vực thời trang, ông quan sát các xu hướng đang diễn ra để tìm nguồn cảm hứng và chuyển hoá những điều đó thành các thiết kế đầy ấn tượng và mang tính xã hội. 

Dẫu đạt được nhiều thành công trong lĩnh vực thời trang là thế, song Moschino lại là một người rất khiêm tốn. Trong một cuộc phỏng vấn với The New York Times vào năm 1991, ông đã nói rằng mình không phải là một nhà thiết kế thời trang, ông chỉ là một hoạ sĩ, một người trang trí hoạ tiết và cũng chẳng phải là người tạo nên một kỷ nguyên mới. Thế nhưng, rõ ràng những ảnh hưởng ông đã mang đến cho nền công nghiệp thời trang là điều mà không ai có thể phủ nhận.

I'm not a fashion designer. I'm a painter; a decorator. I'm not the author of a new era.

Trên thực tế, như đã đề cập ở phần trên, trước khi có được công việc đầu tiên với cương vị nhà thiết kế thời trang tại Cadette vào năm 1976, Moschino đã đảm nhận công việc họa sĩ minh hoạ tự do tại các tạp chí uy tín và nhà mốt nổi tiếng. Cho đến năm 1983, ông mới thành lập thương hiệu thời trang cho nữ giới dưới tên của ông. Cũng trong năm đó, Moschino thành lập Moschino Couture!.

Fashion Icon #14: Franco Moschino – Biểu tượng “ngổ ngáo” của làng mốt

Hình ảnh nhà thiết kế Franco Moschino trong một chiến dịch quảng cáo của thương hiệu.
Nguồn: Moschino

Bởi vì không có nhiều kinh nghiệm và kỹ thuật may mặc, ông thường phác thảo ý tưởng cho các nhân viên để họ thực hiện. Dù vậy, nhờ ý tưởng độc đáo, Moschino vẫn liên tục gặt hái được những thành công vang dội với các bộ sưu tập dành cho cả nam và nữ. Năm 1986, Moschino ra mắt bộ sưu tập quần jeans và chỉ một năm sau đó, ông giới thiệu dòng nước hoa đầu tiên dành cho nữ giới tại một buổi tiệc theo chủ đề công viên giải trí. Đến năm 1988, ông giới thiệu thêm dòng sản phẩm mới có mức giá thấp hơn dành cho nam và nữ có tên là Cheap and Chic.

Năm 1990, Moschino mở cửa hàng đầu tiên tại Ý và được trao giải Golden Needle, giải thưởng thời trang danh giá nhất tại Tây Ban Nha. Cùng năm, ông triển khai chiến dịch dài hạn nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề bảo vệ môi trường đối với ngành thời trang. Khi ấy, Moschino đã nói rằng việc trở thành một con người sành điệu đồng nghĩa với việc nhận thức được những tác động xấu của thời trang đối với thiên nhiên. Ông cũng nhấn mạnh rằng những gì thuộc về thiên nhiên thì tốt và quan trọng hơn là thời trang cao cấp. 

Kể từ đó, Moschino liên tục gặt hái được nhiều thành công nhờ phong cách độc đáo, thậm chí có phần quái dị của riêng ông. Thương hiệu Moschino nhanh chóng mở rộng sang mảng trang phục nam, nước hoa, trang sức và giày dép. Theo The New York Times, vốn bị ảnh hưởng bởi phong cách nghệ thuật siêu thực vào những năm 1920, Moschino đã tạo ra một số bộ trang phục vô cùng táo bạo và độc đáo, chẳng hạn như bộ dinner suit (thường được mặc trong những buổi tiệc tối trang trọng) với dụng cụ ăn uống thật (dao, nĩa…), sử dụng những chú gấu nhồi bông cỡ nhỏ để làm mũ hoặc khăn choàng cổ, tạo kiểu cho phần thân của váy quây bằng những chiếc ghim an toàn bằng vàng, hoặc những chiếc váy chỉ có dãy khoá kéo dọc. Ông ấy cũng là người tạo ra những chiếc áo jacket có phần lưng đính kèm đôi mắt của một người phụ nữ, hoặc lá bài với kích cỡ khổng lồ.

Fashion Icon #14: Franco Moschino – Biểu tượng “ngổ ngáo” của làng mốt

Hình ảnh một số thiết kế của Moschino với phong cách độc đáo, thậm chí có phần quái dị của riêng ông.
Nguồn: Getty Images

Sự đột phá trong thiết kế thời trang của Moschino dĩ nhiên không dừng lại ở đó. Ông đã thiết kế chiếc áo sơ mi trắng cho nam với phần tay áo cực dài quấn quanh người như một chiếc áo khoác bó với dòng chữ “For Fashion Victims Only". Ngay cả với những bộ trang phục có thiết kế chỉn chu và dễ mặc, Moschino cũng phối với những chiếc mũ có hình dáng kỳ quặc như máy bay, bóng đèn khổng lồ, thiết bị cứu sinh… để tạo nên một nét độc đáo và khác lạ của riêng ông mà không ai có thể nhầm lẫn.

Không giới hạn ở những bộ trang phục, Moschino còn mang sự đột phá của ông lên sàn diễn thời trang. Những buổi biểu diễn thời trang của ông được dàn dựng rất công phu, chẳng hạn như sự xuất hiện của nghệ sĩ diễn xiếc bên cạnh màn trình diễn của các người mẫu, hoặc cuối buổi biểu diễn thì hàng chục người mẫu đồng loạt cầm cờ Ý bước ra để kết màn một cách hoành tráng.

Moschino cũng nổi tiếng với phong cách làm việc táo bạo và không tuân theo bất cứ chuẩn mực nào. Được biết, vì một vài vấn đề, ông đã từng yêu cầu tạm ngừng buổi trình diễn và yêu cầu các người mẫu rời khỏi sàn diễn, kết quả là các khán giả bên dưới phải chờ đợi và buổi trình diễn cứ thế kết thúc.

Dù tính cách có vẻ thất thường là thế, giới truyền thông và những khách mời rất thích tham gia những buổi trình diễn do Moschino tổ chức. Nguyên nhân là bởi vì các buổi trình diễn do Moschino tổ chức luôn chứa những yếu tố bất ngờ, thú vị và mới mẻ, đặc biệt là những buổi trình diễn trang phục nam. Điều đó xuất phát từ mong muốn thoát khỏi những ràng buộc truyền thống của ngành thời trang. Vì vậy, mỗi buổi trình diễn của Moschino luôn sở hữu phong cách và thông điệp riêng để mang lại sự bất ngờ cho người xem.

He put humor into fashion, but at a high-quality level.

Moschino và những dấu ấn thể hiện quyền tự do ngôn luận vào thời trang

Năm 1994, Moschino được phát hiện đã qua đời tại ngôi nhà của ông ở vùng ngoại ô của Milan. Khi ấy, ông chỉ mới 44 tuổi. Marco Gobbetti, General Manager @ Moschino lúc bấy giờ, cho biết nguyên nhân tử vong của Moschino liên quan đến biến chứng từ khối u ở bụng. Trước đó, vào năm 1992, ông đã trải qua một cuộc phẫu thuật liên quan đến khối u đó. Sau khi qua đời, thi thể của ông được hỏa thiêu và mai táng cùng với gia đình tại một nghĩa trang thị trấn, nơi ông sinh ra và lớn lên.

Trước khi qua đời, ông đã kịp tổ chức buổi trình diễn cuối cùng vào tháng 10 năm 1993. Đây là buổi trình diễn kỷ niệm 10 năm thành lập thương hiệu Moschino, với kết màn gồm nhiều người mẫu nam, nữ và trẻ em trong những bộ quần áo màu trắng và dải băng phòng chống AIDS. Buổi trình diễn được thực hiện này nhằm tiếp nối buổi triển lãm trưng bày có tên là “X Years of Kaos” tại Museo della Permanente ở Milan.

Fashion Icon #14: Franco Moschino – Biểu tượng “ngổ ngáo” của làng mốt

Sau khi Moschino qua đời, thương hiệu vẫn tiếp tục giữ vững vị thế trong giới thời trang.
Nguồn ảnh: Moschino

Sau khi ông qua đời, thương hiệu được tiếp quản bởi Rossella Jardini, người vốn là trợ lý của ông trước đó và tiếp tục giữ vững vị thế của Moschino trong giới thời trang, đồng thời để lại dấu ấn trong lòng người hâm mộ trên toàn thế giới. Những ngôi sao đình đám trên toàn cầu như Madonna, Katy Perry, Miley Cyrus, Nicki Minaj… thường xuyên diện trang phục của Moschino tại các sự kiện giải trí quy mô lớn.

Tuy nhiên, rất khó để tìm được một nhà thiết kế nào có thể kế thừa được những gì mà Moschino đã làm được. Với Moschino, ông không muốn trở thành một phần của ngành công nghiệp thời trang khi mà mọi thứ đang dần rơi vào trạng thái bão hoà, cũng như sự sáng tạo mang tính đột phá gần như không còn. Moschino đã thể hiện quyền tự do ngôn luận vào văn hoá thời trang với phong cách hài hước và châm biếm, điều mà hiếm có nhà thiết kế thuộc thế hệ sau có thể làm được.

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Theo Thanh An / Brands Vietnam
* Nguồn: Tổng hợp