P
Pham Minh Tue

Creator @ Storytelling Lịch Sử Thương Hiệu

Thương hiệu BYD và hành trình “xây dựng những giấc mơ” xanh

Xuất phát điểm là nhà sản xuất pin sạc, nhờ khả năng nhạy bén với các cơ hội kinh doanh của Vương Truyền Phúc, BYD xông pha vào thị trường ô tô và từng bước đạt được những cột mốc ấn tượng. Trải qua nhiều năm, BYD đã biến mình thành một công ty “linh hoạt và nhanh nhạy” trong những giai đoạn khó khăn, và tiếp tục hướng đến tương lai đầy hứa hẹn trên hành trình “xây dựng những giấc mơ” xanh.

Mở đầu

Một ngày nắng đẹp trời, Vương Truyền Phúc (Wang Chuanfu) đậu chiếc Mercedes S-class mới của mình trước cửa trung tâm R&D của ông ta ở Thượng Hải. Ít phút sau, gã tập hợp những kỹ sư giỏi nhất của mình, quay về phía chiếc xe sang trọng và tuyên bố: “Được rồi, tháo nó ra thành từng mảnh!”.

Không một ai trong số các kỹ sư mảy may tiến lên. Một người lí nhí: “Nhưng... nhưng đó là xe của anh mà?”. Người khác phụ họa: “Nó còn mới tinh nữa!”

Hiểu ra tình thế bế tắc mình tạo ra, Vương Truyền Phúc lấy chìa khóa xe trong túi. Xẹt một cái, gã ta rạch một đường dài ngoằng từ đầu đến đuôi xe, xé toạc lớp sơn bóng loáng. “Được rồi, giờ thì chẳng còn lý do gì để giữ nó nguyên xi nữa nhỉ?”. Vương Truyền Phúc vứt chìa khóa lên nắp capo rồi quay lưng bỏ đi, để lại những kỹ sư há hốc mồm nhìn theo.

Nhà sáng lập Vương Truyền Phúc vào những năm 1990.
Nguồn: Kevin Xu

Du hành ngược thời gian – dự án “Xây dựng những giấc mơ”

Vương Truyền Phúc, sinh năm 1965, là một người đàn ông phi thường. Ông ta tuyên bố rằng cái tên viết tắt của công ty – BYD – có nghĩa là “Build Your Dreams” (Xây dựng những giấc mơ), và tự hào ghi toàn bộ cụm từ này trên hầu hết các mẫu xe của mình. Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn cách đây khá lâu, Vương Truyền Phúc lại nói rằng cụm từ này không có nghĩa cụ thể nào tại thời điểm đó. Sau đó, một phóng viên kể lại rằng Vương Truyền Phúc, với nụ cười bí ẩn, đã thú nhận với ông rằng cụm từ đó thực sự có nghĩa là “Mang tiền của bạn về túi hắn” (Bring Your Dollars).

Lĩnh vực chuyên môn của Vương Truyền Phúc là điện và pin, nhờ vậy mà ông nắm rất rõ về công nghệ sản xuất pin tại Trung Quốc.
Nguồn: South China Morning Post

Vương Truyền Phúc có bằng cử nhân hóa học và khoa học vật liệu, từng là nghiên cứu viên và giảng viên trợ lý tại Đại học Khoa học Công nghệ Bắc Kinh hồi đầu những năm 90. Lĩnh vực chuyên môn của ông ta là điện và pin, nhờ vậy mà nắm rất rõ về công nghệ sản xuất pin tại Trung Quốc. Nhìn thấy tiềm năng và tự tin vào khả năng làm mọi thứ tốt hơn, Vương Truyền Phúc đã bắt tay với Lã Hướng Dương (Lu Xiangyang) – người không có gì ngoài tiền – cùng nhau lên đường tới Thâm Quyến thành lập công ty riêng. Tháng 2/1995, BYD được đăng ký với tư cách là nhà sản xuất pin sạc.

Thâm Quyến thời điểm đó là một miền đất hứa của Trung Quốc. Ngày nay, gần 15 triệu người đang sống ở Thâm Quyến, cùng với 8 thành phố xung quanh, nơi đây trở thành cụm đô thị lớn thứ hai ở Trung Quốc. Thâm Quyến được mệnh danh là “Thung lũng Silicon của Trung Quốc” bởi vì ngoài BYD của Vương Truyền Phúc, các công ty như Huawei, Tencent và DJI (nhà sản xuất flycam) cũng bắt nguồn từ đây.

BYD phát triển mạnh mẽ trong môi trường năng động đó. Ngoài kiến thức chuyên môn, Vương Truyền Phúc còn rất nhạy bén về các cơ hội kinh doanh. Anh bắt đầu sản xuất pin sạc NiCd (nickel-cadmium). Để bắt tay vào sản xuất, BYD sử dụng một công thức mà họ sẽ lặp lại nhiều lần sau này: “sao chép ngược”, “cải tiến” “tự sản xuất”.

Sao chép nhưng không chỉ là “copy”

Nhiều công ty Trung Quốc nổi tiếng với biệt tài “copy” sản phẩm phương Tây. BYD thời kỳ đầu cũng không ngoại lệ. Vương Truyền Phúc và đội ngũ của mình tháo tung những viên pin Sony hay Sanyo ra, nghiên cứu cách chúng hoạt động, rồi sản xuất ra một thứ tương tự mang thương hiệu BYD.

Nhưng điểm khác biệt của Vương Truyền Phúc so với nhiều đối thủ ở chỗ ông ta không dừng lại ở việc sao chép đơn thuần. Ngay từ những ngày đầu, Vương Truyền Phúc đã nhận thấy tầm quan trọng của nghiên cứu và phát triển (R&D). Chính vì thế, BYD đã dành nhiều tiền bạc và thời gian cho mảng này.

Dây chuyền sản xuất pin của BYD những năm 2000.
Nguồn: CarNewsChina.com

Lấn sân sang ngành sản xuất xe hơi

Với nguồn nhân công giá rẻ dồi dào, Vương Truyền Phúc đã thuê cả nghìn công nhân và dồn sức tối ưu quy trình sản xuất, thay vì mua máy móc đắt tiền để tự động hóa. Chiến lược này hiệu quả bất ngờ, bởi đến năm 2002 khi BYD lên sàn chứng khoán Hong Kong, họ đã trở thành nhà sản xuất pin sạc hàng đầu tại Trung Quốc.

Lần chào bán cổ phiếu lần đầu (IPO) của BYD ban đầu là một thành công. Thế nhưng, niềm vui không kéo dài bao lâu vì đến tháng 1/2003, giá cổ phiếu của BYD bất ngờ “bùm một phát” giảm mạnh. Cớ sự là gì? Thì ra Vương Truyền Phúc vừa mua lại một nhà sản xuất xe hơi mini ở Shaanxi.

Vương Truyền Phúc đang tìm kiếm lĩnh vực để mở rộng hoạt động kinh doanh và ngành xe hơi được ông ta chọn làm ứng viên sáng giá. Vương Truyền Phúc nhìn thấy thị trường ô tô Trung Quốc đang bùng nổ và đây là cơ hội vàng để mang kho pin sạc của mình ra sử dụng.

Một trong những nỗi lo của Vương Truyền Phúc khi gia nhập ngành sản xuất xe hơi là nguồn vốn và sự rủi ro. Tuy nhiên, vào năm 2003, cơ hội đã đến. Một tập đoàn công nghiệp khổng lồ muốn bán nhà máy sản xuất xe hơi đang thua lỗ của họ, trong khi chính quyền địa phương lại muốn duy trì nhà máy để đảm bảo việc làm. Nhờ vậy, Vương Truyền Phúc bất ngờ có thể trở thành nhà sản xuất xe hơi với cái giá bèo bọt. Vào tháng 1/2003, Vương Truyền Phúc đã mua lại Qinchuan Automobile.

Vương Truyền Phúc sớm nhìn thấy thị trường ô tô Trung Quốc đang bùng nổ và đây là cơ hội vàng để mang kho pin sạc của mình ra sử dụng.
Nguồn: Forbes

BYD không chỉ sao chép, họ cải tiến

Ngoài việc mua lại Qinchuan Auto (sau này được đổi tên thành BYD Automobile), Vương Truyền Phúc còn mua thêm một nhà máy sản xuất khuôn mẫu ở Bắc Kinh và thành lập một phòng R&D tại Thượng Hải.

Ông Vương xông pha vào thị trường xe hơi theo cách tương tự như cách ông đã thống trị thị trường pin. Mọi chuyện bắt đầu với “sao chép ngược” (Reverse engineering) – nghe thì có vẻ tiêu cực nhưng với BYD thì đây là chiến lược “sao chép + cải tiến”. Các kỹ sư BYD tháo tung mọi loại xe hơi ra, kể cả chiếc S-class sang trọng của ông chủ, để học cách lắp ráp và tạo ra những chiếc xe tốt nhất. Nhà máy sản xuất khuôn mẫu ở Bắc Kinh sau đó sẽ cấp tốc cung cấp tất cả các loại khuôn cho các bộ phận, giúp BYD tự chủ hoàn toàn.

Động cơ là một ví dụ điển hình. Những chiếc BYD đầu tiên được trang bị động cơ Mitsubishi do Trung Quốc sản xuất, nhưng chỉ trong vài năm, tất cả các xe đều sử dụng động cơ BYD. Những động cơ này nhìn “hao hao” giống Mitsubishi nhưng không hoàn toàn giống. Các kỹ sư không chỉ sao chép – họ cải tiến.

Thành công nhờ công thức quen thuộc

Đến năm 2005, mẫu xe hơi đầu tiên của họ tự phát triển ra đời, đó là chiếc F3. Chiếc xe này có bề ngoài khá giống với Toyota Corolla đương thời nhưng giá lại rẻ hơn nhiều. Đó chính là phân khúc mà BYD đang nhắm tới: Rẻ hơn các mẫu xe nước ngoài, nhưng chất lượng lại tốt hơn nhiều so với tất cả các đối thủ khác tại Trung Quốc.

F3 – Mẫu xe hơi đầu tiên do BYD tự phát triển.
Nguồn: Pakwheels

Với đà phát triển nhanh chóng, BYD đã tung ra hàng loạt các mẫu xe hoàn chỉnh từ năm 2006 trở đi. Gần như tất cả các dòng xe đầu tiên đều có những điểm tương đồng với Toyota thời đó. BYD sản xuất nhiều phiên bản, nhắm mục tiêu cụ thể đến một khu vực hoặc nhóm khách hàng nhất định. Tất cả các mẫu xe này đều được trang bị động cơ xăng.

Mục tiêu của Vương Truyền Phúc là sản xuất xe điện, và mẫu xe đầu tiên ra đời vào năm 2008 – F3DM – thuộc dòng xe hơi hybrid.

F3DM là mẫu xe đầu tiên thuộc dòng xe hơi hybrid của BYD.
Nguồn: Gasgoo

Năm 2010, mẫu xe hơi điện đầu tiên của BYD – E6 – ra mắt. Ban đầu được dành làm xe taxi (thậm chí còn xuất khẩu sang Châu Âu với số lượng nhỏ) nhưng sau đó được sản xuất và bán rộng rãi trên thị trường nội địa vào khoảng một năm sau. Sự phát triển của BYD được hỗ trợ bởi các chính sách của chính phủ nhằm thúc đẩy phát triển xe hơi sử dụng năng lượng sạch. BYD được hưởng các khoản trợ cấp dành cho những chiếc xe ít khí thải hoặc không khí thải này.

Đến năm 2019, BYD cuối cùng đã bán được nhiều xe điện hơn các mẫu xe xăng truyền thống.

Năm 2010, mẫu xe hơi điện đầu tiên của BYD – E6 – ra mắt.
Nguồn: The Wall Street Journal

Những bước chuyển mạnh mẽ nâng tầm giao thông xanh

Qinchuan được đổi tên thành BYD Automobile. BYD giờ đây không còn giới hạn mình ở mảng xe du lịch nữa. Xe buýt điện và xe buýt công cộng của BYD đang được sử dụng tại nhiều sân bay và thành phố trên toàn thế giới.

Không chỉ là ông lớn trong lĩnh vực xe buýt điện, BYD còn sản xuất đủ các loại xe tải điện. Từ xe rác, xe phân phối hàng hóa, đến đầu kéo chuyên dụng cho cảng biển và sân bay, thậm chí cả những xe ben khổng lồ 60 tấn được sử dụng trong khai thác mỏ. Và trong vài năm gần đây, công ty cũng đang sản xuất cả tàu điện, chẳng hạn như những đoàn tàu đang chạy trên mạng lưới công cộng ở quê nhà Thâm Quyến.

Xe buýt điện và xe buýt công cộng của BYD đang được sử dụng tại nhiều sân bay và thành phố trên toàn thế giới.

Xe buýt điện và xe buýt công cộng của BYD đang được sử dụng tại nhiều sân bay và thành phố trên toàn thế giới.
Nguồn: South China Morning Post

Vươn tầm nhờ nguồn vốn và các đối tác quốc tế

Sự phát triển bùng nổ của BYD ban đầu chủ yếu là ở thị trường nội địa. Nhưng tên tuổi của họ được biết đến rộng rãi hơn trên toàn thế giới khi Berkshire Hathaway, quỹ đầu tư nổi tiếng của Warren Buffett, đầu tư một lượng lớn cổ phiếu của BYD – khoảng 10% cổ phần – vào năm 2008.

Tên tuổi của BYD được biết đến rộng rãi hơn trên toàn thế giới khi Berkshire Hathaway đầu tư vào một lượng lớn cổ phiếu.

Năm 2008, tên tuổi của BYD được biết đến rộng rãi hơn trên toàn thế giới khi Berkshire Hathaway đầu tư vào một lượng lớn cổ phiếu.
Nguồn: Forbes

Một phần nhờ cú hích này, BYD cũng lọt vào tầm ngắm của Daimler. Mặc dù người Đức đã có mối quan hệ lâu dài với BAIC, nhưng vào năm 2011, họ cũng thành lập một liên doanh với BYD. Sản phẩm đầu tiên của liên doanh này là một chiếc MPV điện. Chiếc xe được bán trên thị trường dưới thương hiệu Denza.

BYD là một trong những hãng xe đầu tiên thể hiện tầm nhìn đi trước đối thủ của mình. Họ đã dốc hầu bao để tuyển mộ Giám đốc Thiết kế nổi tiếng – Wolfgang Egger, người từng xây dựng sự nghiệp tại Alfa Romeo và Seat – vào năm 2016. Các mẫu xe thế hệ thứ hai của BYD, bắt đầu với chiếc Qin vào năm 2013, đã có diện mạo riêng biệt hơn hẳn. BYD đặt tên cho tất cả các mẫu xe thế hệ thứ hai theo tên các triều đại Trung Quốc trước đây. Các cái tên quen thuộc khác có thể kể đến như Qin (Tần), Tang (Đường), Yuan (Nguyên) và Song (Tống).

Các mẫu xe thế hệ thứ hai của BYD, bắt đầu với chiếc Qin vào năm 2013, đã có diện mạo riêng biệt hơn hẳn.

Các mẫu xe thế hệ thứ hai của BYD, bắt đầu với chiếc Qin vào năm 2013, đã có diện mạo riêng biệt hơn hẳn.
Nguồn: Wikipedia

Linh hoạt, dám nghĩ, dám làm để vượt qua cơn khủng hoảng

Trải qua nhiều năm, BYD đã biến mình thành một công ty “linh hoạt và nhanh nhạy” trong những giai đoạn khó khăn. Vào đầu đại dịch COVID-19, nhiều nhà sản xuất xe hơi chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang hoặc nước rửa tay khô khi dây chuyền sản xuất chính bị đình trệ. BYD cũng sản xuất khẩu trang, nhưng đồng thời, họ còn phát triển và chế tạo cả máy may khẩu trang. Vào cuối tháng 3/2020, họ đã sản xuất được một trăm nghìn khẩu trang và nhiều máy may khẩu trang mỗi ngày.

Cuối tháng 3/2020, BYD đã sản xuất được một trăm nghìn khẩu trang và nhiều máy may khẩu trang mỗi ngày.

Cuối tháng 3/2020, BYD đã sản xuất được một trăm nghìn khẩu trang và nhiều máy may khẩu trang mỗi ngày.
Nguồn: BYD

Sự linh hoạt đó cũng thể hiện trong việc phát triển xe. Các thương hiệu Nhật Bản đã vận động hành lang để nới lỏng quy định đối với xe hybrid tại thị trường Trung Quốc, đạt được mục đích, và ngay khi các quy định mới được áp dụng, BYD đã giới thiệu hệ thống hybrid DM-I với động cơ đốt trong hiệu quả nhất thế giới.

Còn về mảng pin, họ đã phản ứng với các lo ngại về an toàn bằng “Blade Battery”. Đây là những cell hình lăng trụ dài, mỏng có thể lắp ráp thành một khối mà không cần mô-đun. BYD là hãng đầu tiên vượt qua bài kiểm tra “xâm nhập pin” mới của Trung Quốc với kết quả xuất sắc. Loại cell này sử dụng hóa học LFP, do đó chúng tương đối rẻ và ít bị hạn chế bởi tài nguyên.

Chiến lược sản xuất nhiều bộ phận nội bộ của BYD đã mang lại lợi nhuận kếch xù trong cuộc khủng hoảng chip bán dẫn hiện nay. BYD ít bị ảnh hưởng hơn hầu hết các hãng khác vì họ tự sản xuất một lượng lớn chip của mình. Để kiếm tiền từ việc sản xuất linh kiện, BYD đã tập trung các nhà máy phụ tùng của mình thành một công ty con mới và đặt tên là Fudi – và họ cũng đã IPO thành công tại sàn Hong Kong.

Trải qua nhiều năm, BYD dần trở thành một công ty “linh hoạt và nhanh nhạy” trong những giai đoạn khó khăn.
Nguồn: Motorist.sg

Tiên phong trong cuộc cách mạng giao thông xanh

Nhìn lại hành trình ấn tượng của BYD và hướng đến tương lai đầy hứa hẹn, một điều chắc chắn: BYD chính là một trong những thương hiệu đi tiên phong trong cuộc cách mạng giao thông xanh toàn cầu. Với đội quân xe điện đa dạng, công nghệ pin tiên tiến và tinh thần đổi mới không ngừng, BYD đang từng bước “phủ xanh” lên thế giới.

Với đội quân xe điện đa dạng, công nghệ pin tiên tiến và tinh thần đổi mới không ngừng, BYD đang từng bước “phủ xanh” lên thế giới.

Với đội quân xe điện đa dạng, công nghệ pin tiên tiến và tinh thần đổi mới không ngừng, BYD đang từng bước “phủ xanh” lên thế giới.
Nguồn: BYD

Càng ngày, nhu cầu xe điện tăng cao, các vấn đề môi trường lại nóng bỏng hơn bao giờ hết. BYD không chỉ dừng lại ở việc sản xuất xe hơi, mà còn đang kiến tạo một di sản bền vững cho thế hệ mai sau. Trên hành trình tiến đến tương lai trong lành, xanh mát và bền vững hơn, hãy nhớ rằng BYD không chỉ “xây dựng những giấc mơ”, mà còn đang tạo ra một ngày mai tươi sáng hơn.