MBA Meetup tháng 5/2024: Đường dài sự nghiệp – Duy trì “động lực” hay “kỷ luật”

MBA Meetup tháng 5/2024: Đường dài sự nghiệp – Duy trì “động lực” hay “kỷ luật”

Điều gì giúp kiến tạo thành công trên đường dài sự nghiệp của mỗi cá nhân? Liệu đó là động lực đột phá hay kỷ luật bền bỉ tạo nên sự khác biệt?

Đường dài sự nghiệp: Khi động lực không đủ, kỷ luật lên tiếng

Tham gia vào sự kiện MBA Meetup tháng 5/2024 với chủ đề “Đường dài sự nghiệp: Duy trì ‘Động lực’ hay ‘Kỷ luật’”, chị Bùi Tú Mỹ – Manager Student Activities and Partnership, Global Pathways Program – đã có nhiều chia sẻ thú vị về vấn đề này.

Theo chị, ở giai đoạn đầu sự nghiệp, chị thường nghiêng về yếu tố động lực. Mong muốn được trải nghiệm nhiều thứ mới mẻ, được thử thách bản thân luôn là nguồn động lực để chị phấn đấu. 

Sau khi đã “kinh” qua những cung bậc thăng trầm của sự nghiệp, chị chọn kỷ luật để đi đường dài. Theo chị, kỷ luật tuy không bùng nổ như động lực, nhưng sẽ giúp chị vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất. “Động lực có thể xuất hiện trong ngắn hạn, nhưng kỷ luật giúp tôi không từ bỏ mỗi khi gặp khó khăn”, chị Tú Mỹ chia sẻ. 

Bên cạnh đó, chị Nguyễn Thị Kim Uyên – Senior Account Director, Dentsu Creative Vietnam – cho rằng kỷ luật giúp bản thân tránh xa cám dỗ, quản lý cảm xúc tốt hơn và có khả năng hoàn thành công việc một cách chuyên nghiệp dù không yêu thích. Với tính chất công việc cần quản lý nhiều khách hàng và dự án, có những ngày chị Uyên phải đối mặt với áp lực. Chị chia sẻ đó là những lúc chị căng thẳng và không muốn làm hài lòng bất kỳ ai. Thế nhưng, chính sự kỷ luật, tôn trọng nghề nghiệp và tính trách nhiệm đã giúp chị vượt qua những khó khăn này. 

MBA Meetup tháng 5/2024 với chủ đề “Đường dài sự nghiệp: Duy trì ‘Động lực’ hay ‘Kỷ luật’” đã đón chào hai nhà quản lý đến từ Dentsu Creative Vietnam và Global Pathways Vietnam.

Chìa khóa dẫn đến thành công của một lãnh đạo giỏi

Là những nhà quản lý dày dạn kinh nghiệm, cả hai khách mời đều khẳng định tầm quan trọng của việc cân bằng động lực và kỷ luật trong quá trình dẫn dắt đội nhóm. Theo đó, nhà quản lý cần linh hoạt điều chỉnh hai yếu tố trên phù hợp với tình huống cụ thể.

Song song với động lực, chị Uyên cho rằng không thể thiếu yếu tố kỷ luật trong việc quản lý đội ngũ. Việc thiết lập một số nguyên tắc nhất định không nhằm mục đích áp đặt các thành viên mà là để giúp các bạn làm việc tốt hơn. Chị Uyên chia sẻ: “Ngay cả nhân viên có ý thức tự giác nhất, có nhiều động lực phát triển nhất cũng có lúc mất phong độ”.

Chẳng hạn như trước khi gặp gỡ khách hàng, các bạn trong team cũng cần tìm hiểu kỹ thông tin về khách hàng, khi làm việc với leader, các bạn cũng cần hiểu quy tắc và văn hoá làm việc để thích nghi, khi làm việc với cấp lãnh đạo lớn hơn, cần hiểu mong muốn và kỳ vọng của sếp để thuyết phục họ chấp nhận đề xuất của mình. “Tuỳ vào từng thời điểm mà tôi chọn động lực hay kỷ luật. Khi có thời gian phong độ đi xuống, cần tăng tính kỷ luật hoặc thời gian động lực đi xuống, cần tăng động lực, chị Uyên chia sẻ. 

Chị Mỹ sẽ chú trọng hơn về hệ thống quản lý trong việc cân bằng. “Chẳng hạn cơ chế thưởng đã phù hợp chưa, team leader có hỗ trợ giải quyết khi phát sinh vấn đề không”, chị nói. Song song với việc cố gắng tạo ra một môi trường mà mỗi thành viên đều cảm thấy hứng thú và cống hiến, chị sẽ xem thêm về nhóm hệ thống quản lý cần tính kỷ luật như báo cáo, OKR… để đảm bảo mục tiêu chung được hoàn thành.

Chị Bùi Tú Mỹ – Manager Student Activities and Partnership, Global Pathways Program – chú trọng hệ thống quản lý như OKR, báo cáo để cân bằng động lực và kỷ luật cho các thành viên.

Hành trình MBA: Nơi rèn luyện tính kỷ luật  

Trước đây, việc gặp gỡ và học hỏi từ bạn bè cùng lớp là nguồn động lực vô cùng lớn để chị Mỹ đến lớp mỗi ngày. Tuy nhiên, có những chị đã từng muốn bỏ cuộc vì gặp khó khăn khi cân bằng giữa công việc và việc học tập. “Đôi khi tôi cũng muốn từ bỏ vì áp lực đến từ công việc, hi sinh thời gian chăm sóc gia đình khiến tôi cảm thấy tội lỗi”, chị Mỹ chia sẻ. 

Mỗi lúc suy nghĩ từ bỏ việc học “ập đến”, chị lại nghĩ về lý do bắt đầu, áp dụng tính kỷ luật để vượt qua những thời khắc khó khăn. Khi nhìn lại hành trình 1,5 năm đã trôi qua, chị Mỹ rất biết ơn vì bản thân dám vượt qua “vùng an toàn” của bản thân. 

Chương trình MBA tại Đại học Western Sydney đã giúp chị hệ thống hóa kiến thức quản lý trong 10 năm qua, quan sát và học hỏi được những điều hay từ các học viên khác, chẳng hạn như cách trình bày slide vô cùng đẹp, gãy gọn, súc tích từ team có những nhà quản lý đến từ NielsenIQ Vietnam, Dentsu Creative Vietnam… 

Ngược lại, chị Uyên lại cho rằng chính động lực phát triển bản thân, học hỏi được góc nhìn tổng quan từ MBA, đóng vai trò là tác động chính giúp chị gần như hoàn thành chặng đường học tập đầy cam go. Mặc dù tại thời điểm bắt đầu, chị Uyên đang đảm nhận vai trò Director, nhưng làm việc nhiều năm liền trong cùng một ngành khiến góc nhìn trở nên hạn hẹp, dần thụt lùi so với những biến động của thị trường. 

Khi tham gia vào hành trình MBA, chị học được cách tiếp cận vấn đề một cách tổng quan, “Helicopter View”, giúp chị Uyên trước khi đưa ra quyết định. Cụ thể, với môn Business Simulation Game do thầy Michael Sharam giảng dạy, trước khi đưa ra một quyết định nào đó, chị phải đọc qua rất nhiều tài liệu, phân tích rất nhiều các thông số khác nhau. Thêm vào đó, chính là tạo thói quen cập nhật các bản tin trên báo nước ngoài, giúp chị theo dõi những biến động trên thị trường.

Chị Nguyễn Thị Kim Uyên – Senior Account Director, Dentsu Creative Vietnam – cho rằng động lực phát triển bản thân đã giúp chị hoàn thành chặng đường học tập đầy cam go.

“Hãy đi tìm động lực và duy trì bằng kỷ luật”

Hành trình MBA chứa đựng nhiều khó khăn nhưng cũng đầy mê hoặc. Để thành công vượt qua mọi thử thách, các khách mời lần lượt đưa ra các lời khuyên như sau: 

  • Tìm kiếm nguồn động lực và duy trì tính kỷ luật

Về cá nhân chị Uyên, động lực lớn nhất thôi thúc chị tiến về phía trước, học hỏi và trở nên tốt hơn mỗi ngày chính là mong muốn trở thành “một người lớn hiện đại” – không ngừng phát triển bản thân, khao khát tạo tác động tích cực và truyền cảm hứng học tập đến thế hệ trẻ. 

Bên cạnh đó, chị khuyên các bạn trẻ hãy luôn duy trì tính kỷ luật bởi vì con đường phát triển sự nghiệp có những đoạn “thăng” và “trầm”; tuy nhiên, các bạn cần cố gắng thực hiện vì trách nhiệm với lời hứa bản thân và những người xung quanh. Tương tự như Định luật Hoa sen, chìa khóa thành công chính là sự kiên trì

  • Ngưng trì hoãn

“Ngưng trì hoãn” chính là điều chị Mỹ muốn nhắn gửi đến bản thân của mình lúc chưa học MBA. Chương trình MBA đã giúp chị thay đổi hoàn toàn phong cách sống và rèn luyện tính kỷ luật một cách hiệu quả. Đặc biệt sau lớp Mindfulness – chuỗi thử thách 28 ngày thực hành tỉnh thức, chị đã thay đổi góc nhìn với rất nhiều điều trong cuộc sống.

Cuối cùng, chị Uyên khuyến khích các bạn trẻ hãy tìm kiếm động lực và duy trì kỷ luật, chị Mỹ nhắn nhủ các bạn hãy ngưng trì hoãn để hành trình MBA được hoàn thành trọn vẹn.

Kết

Đường dài sự nghiệp không chỉ dựa vào động lực hay kỷ luật, mà người trẻ cần kết hợp cả hai để chinh phục con đường phía trước. Động lực giúp chúng ta luôn hướng về phía trước, kỷ luật lại giữ cho tinh thần luôn bền bỉ trước những khó khăn, chạm được đích đến. Vì vậy, hãy luôn tìm kiếm nguồn động lực, duy trì bằng kỷ luật ngưng trì hoãn nếu như các bạn muốn phát triển bản thân trong đường dài.

MBA Meetup là chuỗi sự kiện giao lưu trực tuyến về hành trình học vấn, trải nghiệm học tập cùng kinh nghiệm làm việc từ chia sẻ của các học viên, cựu học viên đã và đang theo đuổi chương trình MBA. Xem thêm các sự kiện từ chương trình MBA tại Đại học Western Sydney tại đây.