Marketer Nguyễn Tô Thanh An
Nguyễn Tô Thanh An

Senior Content Executive @ Brands Vietnam

Fashion Icon #12: Gianni Versace – Nét chấm phá độc đáo của ngành công nghiệp thời trang

Fashion Icon #12: Gianni Versace – Nét chấm phá độc đáo của ngành công nghiệp thời trang

Với phong cách thiết kế táo bạo, sống động, cùng với niềm đam mê đặc biệt với lịch sử Hy Lạp cổ đại, Gianni Versace đã từng bước trở thành một trong những ông lớn hàng đầu của lĩnh vực thời trang.

Fashion Icon là chuỗi bài về gương mặt đứng sau các biểu tượng thời trang đình đám trên thế giới do Brands Vietnam thực hiện. Thông qua chuỗi bài này, marketers có thể hiểu hơn về lịch sử hình thành và sự phát triển của các đế chế thời trang trên toàn cầu.

Có tài năng may mặc từ nhỏ với niềm đam mê lịch sử Hy Lạp cổ đại

Fashion Icon #12: Gianni Versace – Nét chấm phá độc đáo của ngành công nghiệp thời trang

Gianni Versace và cô em gái Donatella tại Villa Fontanella.
Nguồn: Getty Images

Gianni Versace sinh ngày 2/12/1946 tại Reggio Calabria, Italy. Giống như nhiều biểu tượng thời trang huyền thoại khác, Versace có xuất thân khá bình thường. Ông trưởng thành cùng người em trai Santo Versace và cô em gái Donatella Versace. Bố ông là một người bán than trong thị trấn, còn mẹ ông là thợ may tại xưởng may dành cho giới quý tộc tại địa phương.

Vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ, Gianni đã được truyền cảm hứng với lĩnh vực thời trang nhờ vào người mẹ của ông. Khi mới 9 tuổi, ông đã tự tay may được bộ váy dạ hội màu xanh lệch vai dưới sự hướng dẫn của mẹ ông. Vài năm sau đó, Versace đến xưởng may của mẹ ông để học thêm về may mặc.

Khi trưởng thành, Gianni có thêm niềm đam mê với lịch sử Hy Lạp cổ đại, vốn là nền văn hoá có ảnh hưởng mạnh mẽ đến quê hương của ông. Do đó, ông đăng ký học tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp cổ tại Liceo Classico Tommaso Campanella, song cuối cùng lại bỏ dở giữa chừng. Dẫu thế, nền văn hoá Hy Lạp cổ đại đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong cách thiết kế của ông, bằng chứng rõ ràng nhất là logo thương hiệu Versace có hình ảnh cái đầu của Medusa, vốn là một sinh vật huyền bí trong thần thoại Hy Lạp.

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Kiến trúc, vào năm 26 tuổi, ông chuyển đến Milan để dấn thân vào lĩnh vực thời trang. Ông mất khoảng 10 năm để làm việc dưới nhiều vị trí khác nhau tại các thương hiệu thời trang. Cho đến những năm 1970, Gianni mới bắt đầu đạt được vị thế nhất định trong giới thời trang. 

Thành công nhờ phong cách khác biệt và bộ óc marketing thiên tài

Đến năm 1973, Gianni trở thành nhà thiết kế của “Byblos”, một dòng sản phẩm mang màu sắc trẻ trung của thương hiệu thời trang tại Ý Genny. Năm 1977, ông tiếp tục ra mắt bộ sưu tập “Complice” với phong cách mang tính thử nghiệm cho Genny. Những năm sau đó, với những thành tựu đã đạt được trong sự nghiệp, Gianni ra mắt bộ sưu tập cao cấp đầu tiên dành cho nữ giới mang thương hiệu của ông tại Bảo tàng Nghệ thuật Palazzo Della Permanente. Đây cũng được xem là bộ sưu tập mang tính cách mạng, cũng là cột mốc đầu tiên đưa tên tuổi Versace bước vào đội ngũ nhà thiết kế danh tiếng lúc bấy giờ. 

Khi ấy, giới phê bình đánh giá rất cao năng lực của Gianni, đặc biệt là khả năng phối màu, cùng với tài năng may vá từ bé và sự am hiểu về lịch sử của ngành thời trang. Bộ sưu tập đầu tiên ra mắt tại Bảo tàng Nghệ thuật Palazzo Della Permanente là bước đột phá của ngành thời trang, khi mà Versace lần đầu tiên tạo nên sự kết hợp độc đáo giữa các chất liệu da và ren kim loại, đinh tán và pha lê Swarovski. Trước đó, chưa có nhà thiết kế nào kết hợp các chất liệu trên cho cùng một chiếc váy.

Fashion Icon #12: Gianni Versace – Nét chấm phá độc đáo của ngành công nghiệp thời trang

Hình ảnh một số thiết kế nổi bật của Gianni thuộc bộ sưu tập Xuân Hè 1992, Thu Đông 1992 và Xuân Hè 1994 (từ trái qua phải).
Nguồn: Annelise Phillips, Stylist Gillian Wilkins

Vào thời điểm đó, giới thời trang đang ưa chuộng phong cách đơn giản và màu sắc tông trầm. Do vậy, các thiết kế của ông với phong cách táo bạo, màu sắc sống động và những nét cắt gợi cảm đã nhận được nhiều phản ứng trái chiều. Nhiều người tán dương sự kết hợp giữa phong cách cổ điển sang trọng và sự gợi cảm công khai, nhưng cũng có không ít sự chỉ trích từ công chúng, người trong ngành và giới phê bình. Câu nói nổi tiếng “Armani dresses the wife and Versace dresses the mistress” của  Anna Wintour, Tổng Biên tập của Tạp chí Vogue, được nhiều người sử dụng với hàm ý mỉa mai và phán xét năng lực thiết kế của Gianni.

Armani dresses the wife and Versace dresses the mistress.

Đến năm 1978, Gianni thành lập công ty với sự tham gia điều hành của các thành viên trong gia đình, bao gồm hai cô em gái Donatella và người em trai Santo, lần lượt đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch và Chủ tịch. Paul Beck, chồng của Donatella, cũng trở thành Giám đốc mảng thời trang cho nam. Năm 1979, Versace mở cửa hàng đầu tiên tại Milan.

Những năm tiếp theo trong sự nghiệp, vốn có niềm đam mê với thần thoại Hy Lạp, các thiết kế gây tiếng vang lớn của ông đều thể hiện rõ điều đó. Bộ nhận diện thương hiệu cũng nổi bật với dòng chữ Versace màu vàng, với hình ảnh cái đầu của Medusa và bức phù điêu phong cách Hy Lạp. Sự kết hợp tinh tế này đã khiến công chúng cảm thấy ấn tượng mạnh mẽ với bộ nhận diện thương hiệu của Versace. Khi thương hiệu ngày càng phát triển, ông mua một cung điện tráng lệ tại Via Gesù và Biệt thự Fontanelle trên Hồ Como. Cả hai tòa nhà này đều có những bức tượng Hy Lạp và La Mã cổ đại, với những món đồ nội thất mang phong cách của thời Phục hưng và nghệ thuật hiện đại.

Fashion Icon #12: Gianni Versace – Nét chấm phá độc đáo của ngành công nghiệp thời trang

Khung cảnh biệt thự mang đậm màu sắc thần thoại Hy Lạp của Gianni nhìn từ trên không.
Nguồn: Getty Images

Chưa hết, Gianni cũng là bậc thầy marketing. Theo Anna Wintour, Tổng Biên tập của Tạp chí Vogue, Gianni là một trong những nhà thiết kế đầu tiên mời các nữ diễn viên và ngôi sao âm nhạc tham gia vào chiến dịch quảng cáo của Versace. Gianni cũng được xem là người có công trong việc mang lại danh tiếng cho các siêu mẫu như Naomi Campbell, Cindy Crawford, Linda EvangelistaChristy Turlington. Ông cũng có mối quan hệ với tốt với những ngôi sao trong giới giải trí, chẳng hạn như Elton John, Whitney Houston, Bobby Brown, Eric Clapton, Michael Jackson, Sting Tupac Shakur.

Fashion Icon #12: Gianni Versace – Nét chấm phá độc đáo của ngành công nghiệp thời trang

Gianni và những siêu mẫu thường xuyên xuất hiện trên sàn diễn của Versace.
Nguồn: Getty Images

Trên đà phát triển, những năm sau thương hiệu Versace và cá nhân Gianni tiếp tục đạt được nhiều thành công khác. Năm 1982, Versace mở rộng hoạt động kinh doanh sang mảng trang sức, nội thất cao cấp, đồ sứ và hàng dệt may cho gia đình. Cũng trong năm này, Gianni bắt đầu thiết kế trang phục cho các buổi biểu diễn opera, sân khấu kịch và bale. Đây là cũng là thời điểm Gianni ra mắt chiếc váy “Oroton”, một chiếc áo dây xích làm bằng chất liệu cực kỳ nhẹ, vốn trở thành biểu tượng của sự quyến rũ, danh vọng và xa hoa lúc bấy giờ.

Hơn thế nữa, năm 1982 cũng đánh dấu cột mốc quan trọng trong cuộc đời của Gianni, khi mà ông gặp được Antonio D'Amico, người bạn đời đã luôn đồng hành cùng ông mãi đến khi ông qua đời vào năm 1997.

Fashion Icon #12: Gianni Versace – Nét chấm phá độc đáo của ngành công nghiệp thời trang

Những thiết kế của Gianni nhận được nhiều lời tán dương và vô vàn chỉ trích bởi phong cách táo bạo, quyến rũ.
Nguồn: Getty Images

Năm 1985, Gianni trở thành nhà thiết kế đầu tiên có tác phẩm sáng tạo được trưng bày tại Bảo tàng Victoria và Albert ở Luân Đôn. Đến năm 1989, thương hiệu tiếp tục lấn sân sang lĩnh vực may đo cao cấp (haute couture) khi ra mắt bộ sưu tập Atelier Versace. Với ông, nhà hát là biểu tượng của sự giải phóng và tự do. Vì vậy, các thiết kế của ông đã thể hiện được điều đó bằng cách phối hợp màu sắc và hoạ tiết một cách độc đáo. Trước đó, Gianni đã thiết kế trang phục cho Michael JacksonPaul McCartney trong music video Say Say Say" và cho Elton John ở tour diễn The One Tour.

Cùng năm đó, Versace cũng giới thiệu dòng sản phẩm thứ hai có tên là Versus, được thiết kế bởi Donatella. 

Năm 1991, sự xuất hiện của bốn siêu mẫu Linda Evangelista, Cindy Crawford, Naomi CampbellChristy Turlington trên sàn diễn Versace dưới nền nhạc “Freedom” của nam ca sĩ George Michael đã trở thành huyền thoại. Đây cũng là cột mốc đánh dấu sự ra đời của kỷ nguyên các siêu mẫu.

Fashion Icon #12: Gianni Versace – Nét chấm phá độc đáo của ngành công nghiệp thời trang

Linda Evangelista, Cindy Crawford, Naomi Campbell và Christy Turlington trên sàn diễn Versace dưới nền nhạc “Freedom” của nam ca sĩ George Michael.
Nguồn: Getty Images

Sự ra đi đột ngột của Gianni Versace và di sản cho thế hệ nhà sáng tạo kế thừa

Năm 1997, Gianni đã qua đời do bị sát hại và bỏ lại đế chế thời trang trị giá 807 triệu USD và 130 cửa hàng trên toàn thế giới. Sau khi ông mất, em gái của ông là Donatella Versace đứng ra đảm nhận vị trí Giám đốc Sáng tạo với 20% cổ phần, trong khi người em trai Santo Versace trở thành Giám đốc Điều hành khi sở hữu 30% cổ phần. 

Fashion Icon #12: Gianni Versace – Nét chấm phá độc đáo của ngành công nghiệp thời trang

Năm 1997, Gianni qua đời do bị ám sát trên đường đi bộ về biệt thự của ông.
Nguồn: Getty Images

Đáng tiếc, sau khi Gianni qua đời, công việc kinh doanh bắt đầu tụt dốc, doanh thu không thể đạt được gần 1 tỷ USD, vốn là con số mà Versace thu được dưới sự điều hành của Gianni. Cô em gái Donatella lại rơi vào con đường nghiện ngập và đến nhiều năm sau cô mới bắt đầu cai nghiện để quay lại với công việc kinh doanh. 

Năm 2008, Gian Giacomo Ferraris, Giám đốc Điều hành mới của Versace đã ra quyết định sa thải 350 nhân viên và đóng cửa bốn cửa hàng ở Nhật Bản do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, đến năm 2011, bộ sưu tập Thu Đông của Donatella được đánh giá cao và nhận được sự chú ý từ công chúng. Những năm sau đó, sự nỗ lực của Donatella đã giúp Versace đi qua những giai đoạn khó khăn và duy trì vị thế của thương hiệu trong lĩnh vực thời trang.

Fashion Icon #12: Gianni Versace – Nét chấm phá độc đáo của ngành công nghiệp thời trang

Nữ minh tinh Anne Hathaway xuất hiện trong bộ trang phục thuộc bộ sưu tập Versace Icons, ra mắt vào năm 2023.
Nguồn: Versace

Giống như các biểu tượng thời trang khác, di sản của Versace sẽ luôn tồn tại và là nguồn cảm hứng cho thế hệ nhà sáng tạo mới như Christopher Kane, Riccardo Tisci, Fausto PuglisiOlivier Rousteing. Không chỉ vậy, những ngôi sao đình đám trên toàn cầu như Bruno Mars, Lady Gaga, Beyoncé, Nicki Minaj, Anne Hathaway… cũng thường xuyên mặc trang phục của Versace.

Cuối cùng, dù thời gian trôi qua và sự ra đi của ông luôn là một câu hỏi không có lời giải đáp, có một điều không ai có thể phủ nhận, đó là tầm nhìn độc đáo và gu thẩm mỹ tuyệt vời của ông đã mang lại sức ảnh hưởng to lớn đối với lĩnh vực thời trang.

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Theo Thanh An / Brands Vietnam
* Nguồn: Tổng hợp