Học này Làm nọ #4: Dương Nga – Luyện tư duy kinh doanh từ quá trình “làm thuê” bài bản
Bên cạnh câu chuyện “làm trái ngành”, quyết định “làm thuê” hay “làm chủ” cũng là một trong những vấn đề mà không ít bạn trẻ trăn trở khi mới ra trường.
Theo dõi câu chuyện của chị Dương Nga, hiện là Founder & CEO @ Inception Agency, để có thêm góc nhìn về lát cắt sự nghiệp của một cựu sinh viên Tài chính, từ làm đúng ngành đến trái ngành cùng quá trình khởi nghiệp đan xen với “làm thuê” bài bản tại doanh nghiệp.
Hãy quên đi cụm từ tiêu cực “học một đằng, làm một nẻo”. Trong series “Học này Làm nọ” của Brands Vietnam, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá những câu chuyện chân thực và sống động từ những người đã chọn con đường sự nghiệp khác với ngành đại học, từ đó hiểu rằng việc học không chỉ dừng lại ở đại học, mà đó là một hành trình liên tục và rộng mở. Mỗi bước đi và lựa chọn đều mang ý nghĩa và là bước đệm vững chắc cho thành công trong cuộc sống sau này.
* Đầu tiên, chị hãy chia sẻ đôi nét về ngành học đại học, cũng như tổng quát về hành trình học tập và lựa chọn công việc ban đầu của mình.
Tại bậc cử nhân, chị theo học ngành Tài chính Doanh nghiệp tại Học viện Ngân hàng (Hà Nội). Thời điểm cách nay hơn 14 năm, học sinh lớp 12 thường tập trung vào một số ngành tương đối an toàn trong lĩnh vực kinh tế như Ngân hàng, Kế toán – Kiểm toán và Tài chính. Thế nên chị đã quyết định ngành học trong điều kiện thiếu cơ sở thông tin lẫn định hướng của bản thân.
Dẫu thế, khi chính thức bước vào giảng đường, chị vẫn học tốt các môn chuyên ngành và đạt học bổng. Song, chị cũng bộc lộ niềm yêu thích và sự nghiêm túc của mình với kinh doanh dù chỉ là buôn bán quần áo hay đồ ăn vặt. Thời gian đầu, bạn bè góp vui tham gia, nhưng dần dà chỉ còn chị trụ lại.
Do đó, khi ra trường, chị vô cùng phân vân giữa hai con đường: một là làm việc đúng chuyên ngành, hai là theo đuổi đam mê kinh doanh. Và thời điểm đó, chị chọn bắt đầu tại một công ty start-up ngành viễn thông với vị trí Kế toán.
Tại đây, chị phải tự tìm tòi mọi thứ vì công ty chưa có sẵn cơ sở dữ liệu, cũng như bản thân chưa tích lũy đủ kiến thức chuyên ngành để va chạm thực tế. Thời gian đầu với chị cũng tương đối “mất sức”, nhưng tinh thần trách nhiệm và tính trung thực đã giúp chị hoàn thành tốt công việc này trong 1 năm rưỡi.
* Điều gì xảy ra trong khoảng thời gian làm việc trong lĩnh vực trước đó đã khiến chị thay đổi định hướng sự nghiệp của mình?
Dù nhận được sự tín nhiệm tại công việc đầu tiên, nhưng chị vẫn cảm nhận đây chưa là “điểm đến” mà mình mong đợi và cũng kỳ vọng trải nghiệm ngành Kiểm toán hoặc Ngân hàng để khẳng định định hướng của bản thân. Vì thế, chị mạnh dạn ứng tuyển và đỗ vị trí Chuyên viên Phân tích Tài chính tại Hội sở MSB. Chị phụ trách quản lý kinh doanh ngoại tệ và dự trữ bắt buộc để báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước – một công việc tương đối căng thẳng.
Trong ngành tài chính, số là thứ “biết nói” và đại diện cho doanh nghiệp. Dĩ nhiên, yêu cầu công việc ở đây cũng “gắn chặt” với dữ liệu. Xuất phát điểm tuy không xuất sắc, chị vẫn luôn chăm chỉ để đáp ứng công việc dù thường xuyên làm việc đến tối muộn.
Tuy nhiên, khi sếp vô tình nhắc đến câu chuyện niềm yêu thích với con số mới là động lực chính để họ gắn bó với công việc này xuyên suốt nhiều năm, cũng là lúc chị lần nữa tự hỏi “liệu thanh xuân ‘chôn vùi’ trước màn hình chỉ toàn con số có khiến bản thân hạnh phúc?”.
Trùng hợp, một người bạn của chị đã mở lời cùng xây dựng công ty khởi nghiệp về công nghệ vì biết chị yêu thích kinh doanh. Dường như ngay lập tức chị quyết định dừng công việc tại Ngân hàng để chinh phục con đường mới mà chị nghĩ rằng “phù hợp” hơn. Bên cạnh đó, chị cũng nhận được lời động viên từ sếp – người đã công nhận sự nỗ lực của chị trong thời gian làm việc tại Hội sở.
Hãy quý trọng những giá trị xây dựng trong quá khứ để biến nó trở thành bệ phóng của tương lai.
* Chị đã học được gì trong những ngày đầu chuyển sang lĩnh vực mới?
Khi thương mại điện tử chưa phổ biến như hiện tại, chị đã cùng những người bạn của mình khởi nghiệp với mô hình kinh doanh liên quan đến công nghệ – giải trí. Cụ thể là xây dựng một nền tảng đặt các loại vé giải trí như kịch, xiếc, liveshow…
Trong 4 trụ cột của công ty lúc bấy giờ, chị được giao phụ trách mảng Digital Marketing – vị trí mà chị chưa từng có kinh nghiệm. Khi đó, Facebook vừa mới gia nhập vào thị trường Việt Nam và dường như chưa có bất kỳ nhà bán hàng nào có khái niệm về việc bán hàng qua kênh kỹ thuật số.
Và những năm 2010 là đỉnh cao của SEO, trong khi Google AdWords thì còn “nông dân” nên giá chạy từ khoá cũng rất phải chăng. Do đó, bọn chị cũng mày mò để đấu thầu từ khóa thủ công và xây dựng fanpage. Kết quả là trang web của doanh nghiệp hiển thị Top đầu trong ngách bán vé.
Tuy nhiên, do quy mô thị trường còn quá nhỏ và khác biệt về quan điểm chiến lược, chị quyết định dừng lại để tự kinh doanh mô hình handmade với tên gọi Saboten. Đó cũng là thời điểm quà tặng handmade trở thành trào lưu, nên chị thường xuyên được báo chí mời phỏng vấn.
“Thuận nước đẩy thuyền”, chị thực hiện gọi vốn Thái Hà Book để xuất bản quyển sách “Lọ Lem Handmade” kể về câu chuyện của bạn trẻ vượt qua khuôn mẫu xã hội và kiếm sống từ lĩnh vực mà bản thân đam mê.
Tuy công việc kinh doanh khá thuận lợi, song chị vẫn nhận thấy mình còn ngây thơ để có thể mở rộng doanh nghiệp, vì thế quyết định quay lại con đường “làm thuê” bài bản để trau dồi kiến thức và kinh nghiệm.
* Vậy chị đã gặp những khó khăn gì khi một lần nữa thực hiện “cú chuyển mình”? Kiến thức và kinh nghiệm trước đó đã hỗ trợ gì cho hành trình mới của chị?
Qua quá trình thực chiến, chị trở lại đường đua văn phòng với mục tiêu đó là học kinh doanh bài bản. Bước đầu, chị “va chạm” tại một số công ty tầm trung và nhận thức được ở đó không đề cao việc hoạch định chiến lược.
Sau đó, chị đã tìm thấy Topica – một doanh nghiệp start-up hoạt động “ăn nên làm ra” trong thời điểm đó và được tuyển thông qua chương trình CEO22. Mặc dù “rớt” vì chưa phù hợp với văn hoá Topica trong lần đầu ứng tuyển, nhưng chị đã được nhận sau 6 tháng nhờ sự bảo trợ của CEO Topica Native, Giám đốc Sản phẩm Native English.
Cũng nhờ hai lần khởi nghiệp, chị dần thay đổi tư duy và năng lực làm việc từ một người làm thuê sang đặt mình vào vị trí của người làm chủ, từ đó “như cá gặp nước” tại Topica. Vì nhân viên mới chỉ báo cáo trực tiếp cho quản lý, nên chị xác định mình cần nỗ lực thể hiện bản thân để có thể nhanh chóng làm việc cùng và học hỏi từ người phụ trách cao hơn là CEO Sản phẩm.
Chị thường xuyên xếp hàng chờ đến 11 giờ đêm chỉ để đổi lấy 15-20 phút trao đổi với vị Giám đốc, nhờ đó được anh ấy chú ý đến và chỉ dạy cho nhiều bài học kinh doanh.
Sau này, bên cạnh học hỏi kỹ năng và kiến thức quản trị, chị vẫn muốn phát triển thêm mảng Marketing nên đã “ứng tuyển” tại một BU khác của công ty là Edumall. Tại đây, chị một lần nữa bắt đầu từ con số 0 tròn trĩnh, “ngày học quản trị, tối học chuyên môn”.
May mắn đi cùng với nỗ lực, sau 6 tháng, Edumall đã vượt lên Top đầu về doanh thu của Topica, cũng như chị nhận được sự công nhận từ đồng nghiệp. Với chị, cột mốc này vô cùng đáng nhớ và gợi nhắc chị về tâm niệm khi bước vào công ty, đó là cần tập trung trong 3-5 năm để học tư duy kinh doanh hoặc ít nhất phải đạt được vị trí cao tại đây.
Tổng cộng, chị mất hơn 1 năm rưỡi để đi từ “tập sự” của chương trình 22CEO đến khi trở thành quản lý toàn hệ thống kinh doanh của Topica nhờ kết hợp giữa kiến thức kinh doanh từ Topica Native và thế mạnh Marketing tại Edumall. Bên cạnh đó, chị cũng đạt được mục tiêu của mình là được làm việc sâu với đội ngũ Chủ Tịch và các Phó Tổng Giám đốc của Topica để học hỏi tư duy kinh doanh. Chị cũng được đề bạt làm CEO các sản phẩm của Topica ở Việt Nam và các thị trường nước ngoài nhưng tiếc là nhân duyên đến đó cũng là “vừa đủ” để chị đi chặng đường tiếp theo là làm chủ doanh nghiệp.
* Sau cùng, việc thành lập Inception Agency có ý nghĩa như thế nào với chị?
Thật ra, sau khi trở thành nhân sự cấp cao cũng như trải qua thử thách tại Topica, chị được sếp lớn động viên rằng đã đến lúc tự mình chinh phục đường đua kinh doanh. Mặc dù thời gian đầu chị vẫn chưa xác định rõ và tin tưởng hoàn toàn vào con đường mới mà mình đang đi. Song, ở thời điểm hiện tại, chị đã không còn là con người “điếc không sợ súng” hay “mơ mộng về việc kinh doanh phải là ông này bà nọ” nữa, thay vào đó thành lập và vận hành một công ty với đội ngũ nhân viên có đường lối vững vàng cho 5-10 năm tiếp theo.
Trải qua 3 năm từ COVID-19 đến thời kỳ đầu của khủng hoảng kinh tế, Inception Agency đang “leo” Top SMEs trong mảng E-commerce Enablers khi hợp tác với hơn 50 đối tác chiến lược và phục vụ tới 1.600 khách hàng doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có cả các tập đoàn lớn.
Nhìn lại hành trình dài và gian truân đã qua với những quyết định đúng và sai, chị đúc kết rằng để tự “làm chủ” tốt thì cần tiếp xúc kiến thức của tất cả mảng. Việc tự kinh doanh hay “làm thuê”, chung quy cũng chỉ là công cụ để chúng ta học tập.
Nếu muốn học từ người khác thì “làm thuê” cho họ, còn muốn kiểm chứng năng lực thì tự kinh doanh. Tiếp đó, nếu vẫn cảm thấy chưa “đủ” kiến thức thì quay về công ty chuyên nghiệp hoặc tự tìm kiếm những khoá học bên ngoài để bổ sung. Việc “làm thuê” chính là cơ hội để “newbie” có môi trường làm việc và học tập an toàn bởi được “dùng tiền” của chủ để thử nghiệm, còn tự làm thực tế thì phải “đánh đổi” bài học bằng tiền của mình.
* Cảm ơn chia sẻ của chị Nga!
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.
Nghe thêm podcasts cùng chuyên mục tại đây.
Lam Phương / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam