Những quan điểm cực “real” & nên có dành cho những ai muốn hành nghề Marketing

Những kiến thức hay kỹ năng cần thiết nhằm phục vụ cho công việc, mình nghĩ nó cũng đã sẵn có trên rất nhiều các diễn đàn hay trang mạng. Tuy nhiên, bản thân mình lại thấy khá ít kênh chia sẻ về quan điểm, cũng như là những thái độ làm việc nên có trong khi, đây có thể nói là một điều vô cùng quan trọng. Đó cũng là lý do mà mình xin phép được mạo muội chia sẻ tại đây - những quan điểm, góc nhìn của bản thân mình.

Xét về hiện tại, mình cũng chỉ là một dân đen công sở, nên đôi khi, những chia sẻ của mình sẽ không tránh khỏi những thiếu sót, chưa được đa chiều, trọn vẹn… cũng như chưa thể mỹ miều, chạm được đến những vấn đề tầm vĩ mô nhưng mình tin rằng những quan điểm mình chia sẻ tại bài viết này đây sẽ cực kỳ “real” và cần thiết… cho bất kì đã-đang-sẽ mong muốn hành nghề Marketing !!

Tốt nghiệp đại học... điểm kết thúc của một giai đoạn, đôi khi chỉ là để tạo nên điểm bắt đầu của những giai đoạn tiếp theo! 

Đúng… là, khi một tác phẩm nào đó ra đời, người ta hoàn toàn có quyền kỳ vọng vào sự chỉn chu và chất lượng của nó. Nhưng, đời đâu có như mơ… Không như những tác phẩm văn học, nghệ thuật, người ta sẵn sàng đầu tư hàng tháng, hàng năm hay sẵn sàng chờ đợi vài năm/ vài chục năm cho đến khi nó chỉn chu nhất nhất, mới chính thức cho ra mắt công chúng. Những “chiếc post” nói riêng hay những nội dung Content Marketing nói chung, nó không nhất thiết phải cầu toàn quá mức như vậy !!

Vì đã từng kinh qua không ít môi trường và vai trò công việc khác nhau, mình tin rằng bản thân có thể hiểu ít nhiều về những nguyên tắc cơ bản nhất khi làm nghề. Ví như, đối với Content Marketing, đứng ở vai trò của một nhân viên-người trực tiếp triển khai, dù rằng có không đồng tình với những sự kiểm duyệt về từ ngữ, câu cú hay giọng điệu hành văn (vì cơ bản “bộ từ vựng” và phong cách của mỗi người mỗi khác nhau…) nhưng mình hiểu và mình biết chấp nhận “luật chơi” trong môi trường công việc (cơ bản vì nó không phải tác phẩm của riêng mình):

  • Đầu tiên là những yêu cầu về “sự phù hợp” với thông điệp, với khí chất và phong cách của thương hiệu hay của từng chiến dịch… hoặc thậm chí là “sự phù hợp” đối với đối tượng mục tiêu. Đây là một yêu cầu bắt buộc và là một tiêu chuẩn không bao giờ sai;

  • Tiếp đến là “những người ở phía trên ta, ắt hẳn họ phải có gì đó… t.r.ê.n t.a, nên mới được ở vị trí đó. Ta chưa chạm đến được đến vị trí đó, cũng khó trách, ta sẽ khó có thể hiểu hết được những suy tính của họ, nên… chúng ta hãy thử tin tưởng họ và chờ đợi đến khi kết quả trả lời cho tất cả những đúng sai, hay dở”;

  • Hoặc, bí bách hơn cả, khi sự bất đồng quan điểm lên đến cùng cực thì cũng nên nhớ rằng “Ai chịu trách nhiệm chính về sự thành bại, người đó có quyền quyết định”.

Vì thế, mình sẽ không bàn luận nhiều hay cũng sẽ không tranh luận về sự hay ho hay dở tệ của một bài viết. Vì mình không chắc bản thân là đối tượng mục tiêu của nhãn hàng, mình lại càng không chắc hơn về bức tranh tổng thể của cả một chiến dịch, mà nó đang thuộc về. Và mình còn không chắc về rất rất nhiều điều khác nữa, nên mình sợ, sợ cái đánh giá chủ quan của bản thân vô tình ảnh hưởng không hay đến những đồng môn khác và hơn hết, mình sợ bản thân đang từng bước cho phép chính mình làm điều gì đó không đúng đắn... Nếu được, hoặc nếu bắt mình phải cho đánh giá về sự thành công của nó thì mình sẽ nghĩ nên dùng kết quả mà nó mang lại đem so với mục tiêu đề ra, lúc này mới có thể đưa ra một nhận định đúng đắn. Mình tin kết quả thực tế - nó sẽ có tiếng nói của riêng mình, mà không ai có thể bác bỏ hay phán xét gì thêm.

Với profile cũng tương đối và ở cái độ tuổi 23th lúc ấy, công việc PG bán thời gian mà mình đang làm có thể khiến nhiều người bất ngờ và có nhiều nhận định... khác nhau!  

Tuy nhiên, có những yêu cầu đúng đắn khác được đặt ra cho công việc, chúng ta phải nên học cách chấp nhận, cuộc chơi nào cũng có những luật chơi của riêng mình. Dù rằng khá tương đồng về các quân cờ nhưng bạn cũng thấy đó, cờ vua và cờ tướng, luật chơi cũng có giống nhau đâu… Đúng không nào ?!

Nói về vấn đề này, thì thực tế có khá nhiều thứ để nói và đem ra bàn luận cùng nhau, nhưng xét theo tính phổ biến, mình thấy có 3 vấn đề sau có thể trao đổi trước vì khá nhiều người, nhất là những người mới rất dễ vô tình hay vô ý mà gặp phải.

1. Trách nhiệm của một Marketer hay Content-er không phải là làm cho xong việc mà nên là làm cho việc - nó hiệu quả.

Sự khác biệt về tính chất của từng kênh Online như Facebook, Website, Zalo hay Youtube… là điều không thể bàn cãi. Vì tính chất khác biệt nên yêu cầu cũng sẽ không thể nào giống nhau. Vì thế, đừng vì sự tiện lợi của bản thân mà bất chấp đánh đồng tất cả, bỏ mặc cả thảy những sai khác hay hiệu quả mang lại sau đó.

2. Hãy thực sự có đủ & đúng trách nhiệm đối với công việc của mình

Bí ý tưởng viết bài hay không hiểu hết tường tận những ý tưởng gợi ý từ người khác, từ đồng đội… không có gì là sai cũng không có gì là dở cả. Nếu dở - thì cái dở đây chính là trong khi bản thân là người chịu trách chính cho công việc ấy thì giải pháp & góc nhìn nhận của chúng ta đối với vấn đề đôi khi lại chưa được đúng đắn.

Như khi bí ý tưởng, chúng ta lại không chịu tìm tòi thêm từ nhiều nguồn mà đã chấp nhận sự yếu kém hiện tại. Rồi khi, người khác gợi ý khác đi hay góp ý đối với những cái trước mắt ta có, và bản thân không đồng ý hay chưa thật sự hiểu hết dụng ý, nhưng lại vội vã gạt đi mà không màng hỏi han thêm chi tiết… sau đó, lại một lần nữa vội vã xem việc người khác không hỗ trợ tận tình là một nguyên nhân cho thất bại. Nên nhớ, đây không phải việc của họ, nên chịu dành thời gian, tâm sức để suy nghĩ và gợi ý cho chúng ta đã là giúp ta rồi, đừng quy trách nhiệm gợi nhưng không rõ ý cho mọi người, tội nghiệp họ...

Hay khi nhận việc từ cấp trên, hãy hỏi về kết quả kỳ vọng đạt được, chứ đừng nên chăm chăm hỏi về những việc bạn cần phải làm. Vì đơn giản, nếu chúng ta là người mới/ là tân binh thực sự không biết mình nên làm gì và cần được hướng dẫn... thì khác. Nhưng nếu biết, mà vẫn có tư tưởng chỉ hỏi "cần phải làm những gì" thì đây là suy nghĩ của những người chỉ muốn làm cho xong việc được giao. Trong khi đó, kỳ vọng & kết quả mới chính là trách nhiệm thật sự, theo đó, cần làm gì hay nên làm như thế nào - là việc mà chính chúng ta tự nên tính toán, tìm hiểu và chủ động hoàn toàn.

3. Giới hạn nguồn lực là thực tế chứ không phải cái cớ

Dù là nhân lực hay vật lực cũng không phải lỗi của bạn nhưng cứ mãi bám vào những giới hạn trên mà ngụy biện cho những yếu kém trong công việc hiện tại (mãi không có gì đổi mới) chính là lỗi của bạn rồi. Người ta có câu “đường nào cũng về La Mã cả thôi”, tức là chỉ có mục đích là cố định, nếu chỉ vì không đi được con đường này mà đứng im thì… biện hộ làm sao cho cái lỗi này đây ?!

Mỗi môi trường làm việc từ client đến agency, hay từ đô thị đến tỉnh lẻ... đều có những quy tắc rất riêng, giống như mỗi môn cờ đều có cho riêng mình một luật chơi vậy.

Nếu ai đó hỏi mình “vậy liệu mình là đã làm được hay chưa mà chia sẻ?”, thì mình cũng sẵn sàng đáp rằng bản thân vẫn chưa thực sự làm tốt những điều này. Tuy nhiên, là chưa làm tốt thôi, chứ không phải là mình chưa từng làm hay chưa từng cố gắng để có thể làm tốt.

Chắc mọi người cũng biết và đồng ý với mình rằng, cho dù chúng ta có thuộc làu làu hết tất cả các công thức toán học thì chắc gì đã có thể dễ dàng giải được hết thảy những bài toán mà thầy cô ra đề, đúng không nào? Hay đâu phải chúng ta không hề biết, nếu chịu ăn uống theo chế độ dinh dưỡng hợp lý, kèm theo chăm chỉ luyện tập thể dục thể thao thì nhất định cả sức khỏe và dáng vóc đều sẽ thật tuyệt vời… nhưng biết là một chuyện, làm được hay không và làm tốt hay không lại là một chuyện khác nữa rồi… Tuy vậy, nhưng nếu từ ban đầu, chúng ta đã không biết những điều ấy, không biết những vấn đề cơ bản, không biết và không thừa nhận những yếu tố tiền đề thì ắt hẳn kết quả là điều chúng ta càng khó có thể với tới được.

Dù thế nào đi nữa, mình tin rằng phải chắc ở những bước đầu tiên trước đã, sau đó, chúng ta mới có thể suy tính và hướng đến những mục tiêu cao hơn và to lớn hơn đúng không nào. Đã nói là quan điểm cá nhân thì sẽ có người đồng ý với mình hoặc không. Tuy nhiên, nếu một khi bạn đã nhận biết được một điều gì đó là đúng đắn (đối với cá nhân bạn), thì chúc bạn sẽ luôn kiên định và quyết tâm thực hiện nó. Nếu việc thực hiện nó quá đỗi khó khăn thì khó ở đâu ta tìm giải pháp ở đó, tiến hành từng bước một… chỉ cần chúng ta đi đúng hướng, “đường nào cũng về La Mã cả thôi” !!

Hãy Follow mình Phưn Phưn MARKETING để có thể lắng nghe thêm những chia sẻ, những câu chuyện hành nghề thực tế trong quá trình công tác và làm việc của mình nha. Quan trọng nhất là, để nhận diện những vấn đề Marketing nào đã-đang bị ràng buộc, cũng như hiểu biết tường tận & chính xác nhất về những quy định của Pháp luật có liên quan khi hành nghề MARKETING mà trước sau gì cũng sẽ va & chạm thôi nè!

Phuong Nguyenh